Chuyên mục
Vụ kiện Berezovsky-Abramovich phơi bày ‘bí mật động trời’
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Vụ kiện Berezovsky-Abramovich phơi bày ‘bí mật động trời’

Thứ bảy 01/09/2012 19:34 GMT + 7
Vụ kiện tụng giữa hai trùm tài phiệt Boris A. Berezovsky và Roman A. Abramovich đã vén lên những bức màn bí mật về một giai đoạn nhá nhem “tranh tối, tranh sáng” trong lịch sử nước Nga.


"Ông trùm” Abramovich đã giành phần thắng trong vụ kiện  với “Bố già” Berezovsky. Ảnh REUTERS

“Ông trùm Chelsea” Abramovich đã giành phần thắng trong vụ kiện đòi bồi thường 5,5 tỷ USD và kéo dài 4 năm với người bảo trợ cũ là “Bố già” Berezovsky, một vụ án dân sự lớn nhất trong lịch sử pháp lý Anh. 

Vào lúc kết thúc phiên tòa tại London ngày 31/8, nữ thẩm phán Elizabeth Gloster tuyên bố bác bỏ cáo buộc của bên nguyên Berezovsky và coi đó là một phần “chiến dịch bôi nhọ” bên bị Abramovich. Bà Gloster cũng phán rằng ông Abramovich không hề đe dọa hoặc ngụ ý đe dọa ông Berezovsky trong vụ ông này bán cổ phần ở Sibneft. 

Vì sao Berezovsky kiện Abramovich?

Berezovsky tuyên bố rằng Abramovich nợ ông khoảng 5,5 tỷ USD (theo thời giá hiện nay). Còn Abramovich thì nói ông chẳng nợ nần gì Berezovsky cả. 


"Bố già" Berezovsky. Ảnh telegraph.co.uk

“Bố già” Berezovsky đã cáo buộc Abramovich dở thủ đoạn “bắt bí” ông bán cổ phần ở công ty dầu lửa Sibneft và ở tập đoàn sản xuất nhôm RusAl, đòi ông này phải “bồi thường” 5,5 tỷ USD (theo thời giá hiện nay). Về phần mình, “ông trùm” Abramovich lại cáo buộc Berezovsky dùng ảnh hưởng chính trị để “tống tiền” và nói rằng ông đã phải chi 1,3 tỷ USD để mua “tự do” cho “Bố già” khi ông này bị thất sủng và có nguy cơ bị cầm tù.   

Theo lời khai trước tòa án, mọi chuyện bắt đầu với cuộc gặp gỡ của hai nhà tài phiệt vào năm 1994 trên một chiếc du thuyền tư nhân đến vùng Caribbe. Khi đó, Berezovsky là bạn thân của Tổng thống Nga lúc đó Boris Yeltsin, còn Abramovich đang bắt đầu mở rộng công việc kinh doanh sang lĩnh vực dầu mỏ. Abramovich đóng góp tiền bạc, đổi lại Berezovsky dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục chính phủ tư nhân hóa hai tập đoàn dầu khí Siberia để rồi sau đó bán cổ phần cho Sibneft - một công ty do Berezovsky, Abramovich và doanh nhân giàu có ở Georgia là Arkady Patarkatsishvili chung vốn làm ăn. Thỏa thuận này giúp Berezovsky nhận được một số tiền lớn từ Abramovich để tái đầu tư vào công ty truyền thông riêng ORT.

Ông Berezovsky nói thỏa thuận này kèm điều kiện ông sở hữu một phần công ty dầu mỏ Sibneft. Nhưng Abramovich sau đó đã đe dọa và ép Berozovsky bán cổ phần cho Abramovich vào năm 2001 với giá chỉ 1,3 tỷ USD, khi ông này bị thất sủng. Sau đó chính Abramovich lại bán số cổ phần đó với giá lên tới 11,9 tỷ USD vào năm 2005. 


Abramovich đã phải "trả tiền để mua ảnh hưởng". Ảnh metro.co.uk

Phía Abramovich bác bỏ tất cả những cáo buộc trên. Abramovic khẳng định rằng Berezovsky không hề nắm giữ cổ phần trong công ty Sibneft. Vai trò Berezovsky trong các giao dịch đó là cung cấp một “cái ô” (một sự bảo trợ). “Ảnh hưởng chính trị của ông ấy rất cần thiết và tôi đã trả tiền cho ảnh hưởng đó”, Abramovich trình bày với tòa án.

Ở đời, mấy ai biết được chữ ngờ…

Hồi những năm 1990, Boris Beresovsky là một nhà tài phiệt hùng mạnh và một “Bố già” trên chính trường Nga, một người từng leo lên chức Phó Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin. 

Beresovsky sở hữu cổ phần của Đài truyền hình ORT (hiện thời là 1.Kanal) và đã khéo léo sử dụng công cụ truyền thông hữu hiệu này để giúp Tổng thống Nga Boris Jelzin tái đắc cử trong năm 1996. Ông ta có quan hệ rất mật thiết với gia đình Yeltsin và có tin nói, đã góp phần giúp Vladimir Putin lên nắm quyền lực.  

Chỉ có điều, Beresovsky đã đánh giá thấp chính khách Putin. Ngay sau khi ông Putin trở thành Tổng thống Liên bang Nga, “Bố già” Beresovsky đã bị thất sủng vì Đài truyền hình ORT đã chỉ trích ông chủ mới của Điện Kremlin là độc đoán và chỉ trích cung cách xử lý của ông liên quan đến vụ đắm tàu ngầm hạt nhân "Kursk" năm 2000. 

Đó chính là sự khởi đầu quá trình xuống dốc của Beresovsky. Nhiều đối tác làm ăn của Berezovsky bị bắt giữ, nhiều công ty của ông này bị lục soát và bản thân “Bố già” cũng đứng trước nguy cơ bị cầm tù. Berezovsky đã buộc phải chạy trốn khỏi nước Nga và buộc phải “bán tống, bán tháo” đế chế kinh tế của ông ta ở nước Nga.

Beresovsky cáo buộc rằng Abramovich đã tham gia “tống tiền” ông, khi mua lại cổ phần của “Bố già” tại Đài truyền hình ORT và tập đoàn dầu lửa Sibneft với giá vô cùng rẻ mạt. 

Abramovich, người ước tính hiện có khoảng 12,1 tỷ USD tài sản, lại kể ra một câu chuyện khác.  Beresowski không bao giờ là bạn của Abramovich mà chính là một “Bố già”, một người bảo trợ chính trị. Theo ông, dưới thời Tổng thống Yeltsin, không một doanh nghiệp lớn nào có thể tồn tại nếu không chịu duy trì “quan hệ tốt” với chính giới đương quyền và… các tổ chức tội phạm. Và bản thân Abramovich cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. 

Beresowski kể lại rằng chính Abramovich đã thỏa thuận miệng chia cho ông ta 25% cổ phần của Sibneft và vào thời điểm đó, Abramovich không bao giờ dám bội ước. Nhưng ông ta không thể nào ngờ rằng mình lại bị “thất sủng” nhanh chóng dưới thời Tổng thống Putin. 

Bộ mặt thật của quá trình “tư nhân hóa” nước Nga 

Những gì mà bên nguyên, bên bị và các nhân chứng trình bày trước Tòa thượng thẩm London trong suốt 4 năm qua đều được công khai hóa. Lần đầu tiên, các nhà tài phiệt Nga nói trên đã trình bày về việc làm thế nào mà họ kiếm được hàng tỷ USD trong những năm 1990, cho thấy rõ bộ mặt thật của quá trình tư nhân hóa ở Nga và hé lộ mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” giữa chính trị và kinh tế. 

Trước Tòa án thượng thẩm London, các bên không ngần ngại nói rằng họ đã bỏ hàng triệu USD để có được sự “đỡ đầu chính trị” dưới thời Tổng thống Yeltsin và nói đến những vụ thanh toán lẫn nhau, tống tiền, rửa tiền… trong cái thời buổi nhá nhem “tranh tối, tranh sáng” đó. 

Tại tòa án, Abramovich kể lại việc ông ta mua tập đoàn dầu khí Sibneft lớn nhất nước Nga trong năm 1995. Với thế lực của mình, Boris Beresowski đã dàn xếp trước kết quả đấu thầu và Abramovich chỉ cần bỏ thêm 300.000 USD so với giá 100 triệu USD mời thầu… là thắng cuộc. Các cuộc bỏ thầu tư nhân hóa các tập đoàn lớn của nước Nga dưới thời Yeltsin cũng diễn ra một cách tương tự.

Với tội danh móc nối tương tự, cựu tỷ phú Mikhail Chodorkovsky đã bị phạt 13 năm tù giam. Chỉ có điều khác với Chodorkovsky đầy tham vọng chính trị, Abramovich đã nhanh chóng bán cổ phần ở Đài truyền hình ORT cho Yuri Kovalchuk, một đồng minh thân cận của Tổng thống Putin và sau đó lại bán Sibneft cho tập đoàn dầu khí nhà nước khổng lồ Gazprom. 

Khác với Chodorkovsky và Berezovsky, Abramovich luôn tỏ ra trung thành với điện Kremlin. Khi còn làm tỉnh trưởng, Abramovich đã đầu tư gần 1 tỉ USD vào Khu tự trị Chukotka để nâng cao đời sống nhân dân. 

 “Chiến hữu thân thiết ” biến thành “kẻ thù không đội trời chung”

Cuộc chiến pháp lý giữa Berezovsky và Abramovich diễn ra dữ dội. “Phản bội”, “đểu cáng”, “vô nhân tính”, “bịp bợm”, “ăn cướp”, “rửa tiền”, “gangster”… là những từ cửa miệng để hai người chửi bới, buộc tội nhau lẫn nhau. 


 Nhà tài phiệt Michael Chernoy. Ảnh ITAR-TASS

Ấy thế mà hồi những năm 1990, Michael Chernoy, Boris Berezovsky, Romman Abramovich và Oleg Deripaska là “những chiến hữu thân thiết nhất” trong các phi vụ làm ăn ở xứ sở Bạch dương. Nhưng khi thời kỳ nhá nhem “tranh tối, tranh sáng” ở Nga kết thúc bằng sự kiện ông Vladimir Putin trở thành Tổng thống Nga năm 2000, thì bộ tứ kia chia làm hai phe. “Ông trùm” Abramovich và “Vua nhôm” Deripaska tiếp tục thân thiện với Điện Kremlin, còn “Bố già” Berezovsky và nhà tài phiệt Chernoy thì phải chạy sang London và Tel Aviv để tị nạn. Cũng từ đó, các chiến hữu cũ đã biến thành kẻ thù mới.

Berezovsky bắt tay Chernoy, còn Abramovich bắt tay với Deripaska. Bộ đôi này càng trở nên thân thiết sau tháng 10/2003, khi “ông trùm Chelsea” đồng ý bán toàn bộ 25% cổ phần RusAl với giá 2 tỉ USD cho Deripaska. Qua đó, cháu rể của cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin hiện thực hóa tham vọng “nhất thống RusAl” và trở thành “Vua nhôm” khét tiếng.

Theo báo chí Anh, sau “Thỏa thuận Tel Aviv”, Chernoy đã bơm cho “Bố già” 50 triệu USD “tiền vốn”. Lòng hảo tâm của Chernoy không xuất phát từ món lợi 5% từ số tiền thắng kiện (nếu thắng) của Berezovsky, mà chủ yếu do  Chernoy cũng có những “ân oán giang hồ” với Abramovich và Deripaska.


“Vua nhôm” Oleg Deripaska, cháu rể cố Tổng thống Yeltsin. Ảnh guardian.co.uk

Mâu thuẫn giữa “Vua nhôm” Oleg Deripaska và Michael Chernoy cũng tương tự như ân oán giữa “Bố già” Berezovsky và “Ông trùm” Abramovich. Chernoy cho rằng ông ta có 20% cổ phần trong công ty nhôm RusAl và số cổ phần này được ủy quyền cho “chiến hữu” Oleg Deripaska đứng tên. Nhưng đến năm 2001, khi Chernoy gặp nạn như Berezovsky, Deripaska đã cho Chernoy số tiền 250 triệu USD và… chấm hết, trong khi giá trị 20% cổ phần đó lên tới  4 tỷ USD.

Sau vụ Berezovsky-Abramovich, Tòa án London sẽ tiếp tục xử vụ Chernoy khởi kiện “Vua nhôm” Deripaska và chắc chắn sẽ còn nhiều bí mật động trời khác sẽ bị phanh phui qua vụ kiện này. 


Minh Bích (tổng hợp)
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.