Chuyên mục
Tên lửa ở Crimea: Nga chơi đòn cân não với phương Tây?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Tên lửa ở Crimea: Nga chơi đòn cân não với phương Tây?

Thứ tư 17/12/2014 06:09 GMT + 7
Sau một loạt tuyên bố triển khai quân tại Crimea, Nga bỗng khẳng định bán đảo này không có sự hiện diện của đơn vị quân sự nào.

Sự lập lờ của Nga

Theo hãng tin RT, ngày 16/12/2014, Thượng tướng Sergey Karakayev, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga (RVSN) khẳng định lực lượng này không có ý định triển khai bất kỳ đơn vị quân sự nào tới bán đảo Crimea.

Tướng Karakayev cho biết: "Triển khai tên lửa chiến lược đến bán đảo Crimea là điều không cần thiết. Nga đang sở hữu những tên lửa đạn đạo hiện đại có thể bắn tới bất kỳ mục tiêu nào trên toàn thế giới mà không cần tiếp cận biên giới.

Những đơn vị tổ hợp tên lửa này đang được triển khai sâu bên trong lãnh thổ Nga và được bảo vệ cẩn mật trước các vũ khí hủy diệt của kẻ thù và sẵn sàng giáng trả bất kỳ đòn khiêu khích nào."


Tuyên bố này của lãnh đạo RVSN cho thấy hoàn toàn trái ngược với những thông tin trước đó mà tình báo của Mỹ và NATO thu thập được. Ngày 11/12, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller cho biết: "Theo thông tin tình báo của Mỹ, Nga đang triển khai nhiều đơn vị vũ khí hạt nhân, trong đó có các tên lửa đạn đạo hiện đại. Washington có trong tay nhiều bằng chứng về việc Moscow đang hạt nhân hóa bán đảo này."

Một đơn vị tên lửa chiến lược có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga

Tháng 11/2014, Tư lệnh tối cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu đã đưa ra hàng loạt báo cáo với các thành viên về việc Nga đang sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để canh giữ quyền sở hữu của họ trên bán đảo Crimea mới sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014.

Bản thân Nga cũng không đưa ra một lời khẳng định cụ thể nào, họ chỉ lập lờ về những cáo buộc của phương Tây. Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này sẽ không dùng vũ khí hạt nhân để tấn công phủ đầu nước khác. Tuy nhiên, Bộ này cũng dẫn ra điều luật 198 về việc "Nga chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa."

Nhưng khái niệm "bị đe dọa" là vô cùng mong manh, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và NATO ngày càng mâu thuẫn, thậm chí, cả hai bên đều đã đứng sát "ranh giới đỏ" và liên tục khiêu khích nhau bằng những hành động tăng quân hay điều động vũ khí.

Đồng thời, việc Nga tăng quân ở Crimea không phải không có cơ sở. Tháng 6/2014, Tư lệnh Không quân Nga, tướng Viktor Bondarev cam kết nâng cấp các sân bay quân sự ở Crimea trở thành những "căn cứ hiện đại bậc nhất."

Tháng 7/2014,  Bộ Quốc phòng Nga hoàn tất Cụm hậu cần vật chất kỹ thuật của Lực lượng Vũ trang Nga ở Crimea, bao gồm các bộ phận cố định và cơ động. Phần cố định là Trung tâm đảm bảo của Hạm đội Biển Đen với hệ thống các cơ sở và kho chứa, phần cơ động gồm lữ đoàn biệt lập đảm bảo hậu cần.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tháng 8/2014 cũng đã công bố phê chuẩn bố trí tên lửa tầm ngắn Iskander-M có đầu đạn hạt nhân cùng nhiều oanh tạc cơ Tu-22 có sức mạnh hạt nhân ở Crimea, nằm trên Biển Đen.

Người dân Crimea vẫy cờ Nga chào mừng chiến hạm nước này đến gia nhập Hạm đội Biển Đen

Tháng 9/2014, Tư lệnh Hạm đội Biển Đen, Phó Đô đốc Alexander Vitko, cho biết đến năm 2020, Chính phủ Nga sẽ tăng cường cho Hạm đội Biển Đen thêm 80 tàu chiến mới và sẽ hoàn thành căn cứ hải quân thứ hai cho Hạm đội này tại vùng biển gần thành phố Novorossiysk vào cuối năm 2016.

Tháng 10/2014, Trung tướng Alexander Golovko, Tư lệnh Các lực lượng phòng không vũ trụ Nga tuyên bố, hệ thống radar Dnepr sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trực chiến tại Sevastopol vào năm 2016.

Trung tướng Alexander Golovko nói rằng, hệ thống radar Dnepr được trang bị các thiết bị radar hiện đại, nâng cấp tổ hợp vi tính, các hệ thống kỹ thuật và công nghệ.

Ngoài ra, theo lời Trung tướng các hệ thống điều khiển thiết bị vũ trụ của Liên bang Nga cũng sẽ được đưa vào hoạt động trên bán đảo Crimea.

Tháng 11/2014, các tàu ngầm mới cho Hạm đội Biển Đen Nga đã được khởi công xây dựng trong một buổi lễ đặc biệt với sự có mặt của Phó Tư lệnh Hải quân Nga.

Cũng vào thời điểm này, Moscow thông báo kế hoạch triển khai thêm máy bay chiến đấu tới bán đảo Crimea. 4 chiếc máy bay chiến đấu, bao gồm các mẫu Su-27SM và Su-30 thế hệ thứ tư dự kiến sẽ hạ cánh tại căn cứ không quân Belbek.

Tháng 12 này, lực lượng vũ trang của Liên bang Nga đóng tại Crimea vừa tiếp nhận hệ thống phòng không tầm xa S-300PMU được chuyển tới từ Bộ Quốc phòng Liên bang.

Các thầy tu làm lễ cầu phúc cho một chiến đấu cơ Su-27 vừa gia nhập lực lượng không quân ở Crimea

Trước những thông tin đầy tính xác thực từ phía Nga đưa ra, có thể thấy rằng họ đang nhanh chóng trang bị vũ trang cho bán đảo Crimea trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm. Song song với những thông tin mà Thượng tướng Sergey Karakayev đưa ra kể trên, phương Tây đang bị tung hỏa mù về việc thực sự Crimea đang có những gì trong tay.

Thanh minh hay tự tin trước mọi kẻ thù?

Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã khiến quốc gia này bị đa số các nước trên thế giới phản đối, đặc biệt là phương Tây. Mâu thuẫn Nga - phương Tây lên tới đỉnh điểm như hiện tại cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu về việc sáp nhập (phương Tây gọi là tước đoạt) vùng lãnh thổ của Ukraine này.

Việc gia tăng sức mạnh quân sự cho Crimea tiếp tục trở thành một chủ đề nóng, đặc biệt trước thông tin Nga vũ trang hạt nhân cho Crimea đã khiến cho NATO không thể ngồi yên.

Trong lời của Thượng tướng Sergey Karakayev khẳng định về việc không có đơn vị tên lửa chiến lược nào hiện hữu trên bán đảo này có thể hiểu Moscow đang thanh minh cho những cáo buộc từ phía NATO.

Tuy nhiên, còn một điều quan trọng, Tướng Karakayev đang thanh minh bằng một giọng đầy tự tin như "triển khai tên lửa ở Crimea là không cần thiết" và "Nga đang sở hữu những tên lửa bắn được đến mọi nơi trên thế giới."

Nga khẳng định S-300 đã có mặt để phòng thủ cho Crimea

Tuyên bố của Tư lệnh này vừa khẳng định rõ ràng bán đảo Crimea vẫn đang nằm trong sự che chở an toàn của "chiếc ô hạt nhân" Nga, nó thể hiện quyết tâm của Moscow trong chiến lược đối với Crimea. Bán đảo xinh đẹp này là một phần quan trọng trong địa chính trị của nước Nga.

Tiếp đến, không phải tự nhiên Tướng Karakayev đề cập đến việc giáng trả mọi đòn tấn công và "bắn bất kỳ chỗ nào họ muốn". Nhiều ngày nay, Moscow liên tiếp đưa thông tin về việc họ đang bị đe dọa bởi hàng nghìn đơn vị vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Bản thân Bộ Quốc phòng Nga đã liên tục tập trận, triển lãm vũ khí trên khắp nước Nga. Nhiều tổ hợp tên lửa phòng thủ cũng như tấn công hiện đại bậc nhất của nước này đã xuất hiện để khoe cơ bắp ở Moscow.

Những gì Tư lệnh Karakayev phát đi không khác gì một lời cảnh cáo đến mọi quốc gia đối địch về việc Moscow đang sở hữu một sức mạnh hạt nhân hàng đầu thế giới và sẵn sàng chơi... một mất một còn.

Đỗ Phong (Tổng hợp)
Nguồn: Báo đất việt
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.