Chuyên mục
Nga dư sức đe dọa Mỹ, bằng tên lửa đạn đạo Bulava từ Bắc cực
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nga dư sức đe dọa Mỹ, bằng tên lửa đạn đạo Bulava từ Bắc cực

Thứ năm 08/01/2015 04:40 GMT + 7
Những cuộc thử tên lửa đạn đạo Bulava từ Bắc Cực phát đi một thông điệp đáng rùng mình: Nga dư sức đe dọa Mỹ bằng một loại vũ khí đáng sợ, theo bài báo Newsweek ngày 6.1, nêu Tổng thống Nga Vladimir Putin đi nước cờ đầu trong cuộc đua kiểm soát Bắc cực.

Tổng thống Putin vào tàu ngầm thám hiểm biển Baltic

Hồi tháng 11.2014, chiếc tàu ngầm hạt nhân K-550 Alexander Nevsky của hải quân Nga lặn dưới biển Barents giữa Nga với Bắc cực, phóng thành công một tên lửa bay đến Kamchatka thuộc Viễn Đông Nga.

Như vậy, Alexander Nevsky cùng hai chiếc Vladimir Monomakh và Yuri Dolgorukiy (thuộc lớp tàu ngầm hạt nhân Borei mới) đã tiến hành nhiều cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo Bulava.

Lớp Borei có thể mang tối đa 20 tên lửa hạt nhân Bulava mới. Mỗi chiếc Bulava có 10 đầu đạn hạt nhân, có thể bay tầm xa 8.000 km (quãng đường từ Moscow đến Chicago) cho thấy Nga dư sức đe dọa Mỹ.

“Vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, phương tây miễn cưỡng thừa nhận Nga là một cường quốc hạt nhân, đầu tư mạnh cho kho vũ khí hạt nhân của họ”, theo giáo sư Pavel Baev của Viện nghiên cứu hòa bình ở Oslo (Na Uy) và từng là nhà nghiên cứu ở Bộ Quốc phòng Liên Xô.

Các tàu ngầm hạt nhân Nga từ lâu đóng ở vùng biển Bắc cực, như Mỹ đưa tàu ngầm đến Thái Bình dương và Đại Tây dương.

Lớp tàu ngầm Borei không lớn hơn số tàu cũ kỹ mà chúng thay. Ông Baev nói:

“Quý vị có thể cãi rằng vài tàu ngầm hạt nhân mới chẳng tạo ra được khác biệt. Nhưng ông Putin đang lao vào một cuộc đe dọa hạt nhân.

Đó là một cuộc chơi nguy hiểm mà phương tây miễn cưỡng tham gia, và xem ra ông Putin đặt cược vào những gì giúp ông ấy nắm thế trên”.

Dù 5 cường quốc hạt nhân chính thức-Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc) đang hiện đại hóa kho vũ khí, cuộc thay số vũ khí thời Liên Xô của Nga là một chương trình đặc biệt tham vọng.

Tàu ngầm Alexander Nevsky phóng thử tên lửa Bulava 

Ngoài sự đe dọa hạt nhân, quân đội Nga cũng lãnh nhiệm vụ phục hồi sự hiện diện tại Bắc cực.

Tháng 10.2014, Bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu tuyên bố sẽ triển khai các đơn vị quân trên toàn vùng bờ biển Bắc cực từ Murmansk đến Chukotka (tổng khoảng cách là 4.700 km).

Quân đội Nga đã bắt đầu xây dựng căn cứ ở Mũi Schmidt (Viễn Động Nga) và trên đảo Wrangel và đảo Kotelny ở phần Bắc cực thuộc Nga. Năm tới, Nga dự kiến khánh thành một sân bay ở Mũi Cape Schmidt.

Đầu năm 2014, Nga mở lại căn cứ quân sự Alakurtti có 3.000 quân gần biên giới Phần Lan. Và tháng 12.2014, ông Putin tuyên bố Bộ chỉ huy Nga ở Bắc cực đã bắt đầu hoạt động.

Cuộc đua kiểm soát Bắc cực đã bắt đầu từ năm 2007, khi các nhà thám hiểm Nga cắm cờ tổ quốc ở thềm lục địa Bắc cực. Ông Baev nói cuộc đua này đang “nóng” chủ yếu vì Nga tăng cường các hoạt động quân sự kể trên.

Ông cũng nói Bắc cực là một khu vực của thế giới mà Nga cảm thấy mạnh mẽ.

Đây là một khu vực có nguồn tài nguyên năng lượng chưa bị khai thác, chiếm 22 % dầu-khí của thế giới, theo Ủy ban thông tin năng lượng Mỹ.

Nhờ sự thay đổi thời tiết, việc tiếp cận các tài nguyên biển Bắc Cực dễ hơn, thu hút các tập đoàn nhà nước Nga như Statoil, Rosneft đến thăm dò.

Việc băng tan cũng khiến việc tàu bè đi lại dễ dàng hơn. Năm 2013, có 71 chuyến tàu chở 1,4 triệu tấn hàng trên tuyến hàng hải bắc Bắc cực, giảm được 30 % thời gian di chuyển từ Thượng Hải đến Hamburg (Đức), với sự hộ tống của các tàu phá băng của Nga.  

Nhưng các công ty hàng hải quốc tế không ưng tuyến đường này, và tàu container Trung Quốc không thể vượt qua, theo chuyên gia địa-chính trị Bắc cực Duncan Depledge của tổ chức tư vấn RUSI (Anh).

Vì thế, 71 chuyến quá cảnh Bắc cực chưa là gì, so với 16.596 chuyến quá cảnh kênh đào Suez hồi năm 2013.

Nhưng Thụy Điển và Phần Lan (bắc Bắc cực) đang cảm nhận các cơ hội nên đã vận động EU cho phát triển công nghiệp ở Bắc cực. Ngay cả Ba Lan cũng có chương trình Đi Bắc cực.

Gần vùng Bắc cực, dầu khí và quân sự bắt tay nhau, và “Nga là số 1 không ai chối cãi được”, theo nữ giáo sư Katarzyna Zysk của Viện nghiên cứu quốc phòng Na Uy.

Tàu ngầm Yuri Dolgorukiy lớp Borei

Na Uy, Đan Mạch và Canada cũng ráng giữ một vai trò về quốc phòng và kinh tế, trong khi Mỹ ngày càng quan tâm đến việc kiểm soát Bắc cực. Nga theo dõi tất cả tình hình này.

Na Uy là láng giềng gần nhất của Nga ở Bắc cực, cũng là trung tâm hoạt động quân sự Bắc cực đầu tiên của NATO, đã chuyển quân và khí tài đến miền bắc.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nói những quan ngại về Bắc cực buộc nước ông phải giữ chiến đấu cơ lại, không cử qua Syria và Iraq đánh quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Hồi tháng 12.2014, Na Uy đã công bố một tàu do thám cực hiện đại để tuần tra trên vùng biển Bắc cực.

Vì thế, nếu xảy ra Chiến tranh Lạnh phần 2 giữa Nga với NATO, chiến tuyến chính không chỉ dọc theo các nước vùng Biển Baltic, mà cả ở Bắc cực, giữa Na Uy và Nga.

Phó đô đốc hải quân Đan Mạch Nils Wang là một chuyên gia về Bắc cực, nói:

“Các hoạt động quân sự của Nga và của các nước châu Âu gần Bắc cực làm Đan Mạch cùng các nước khác của khu vực này lo ngại.

Dù các căn cứ mở lại đề tuần tra vùng biển, Nga cũng đang sử dụng chúng để phát tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới, và với công dân Nga, rằng Moscow nếu cần thiết sẽ bảo vệ sự hiện diện của Nga tại Bắc cực". 


Bảo Vĩnh (theo Newsweek)
Nguồn: Một thế giới
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.