Chuyên mục
Giáo sư Vladimir Kolotov:
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Giáo sư Vladimir Kolotov: "Chúng tôi đã thuộc bài học này"

Thứ tư 26/03/2014 22:16 GMT + 7
Trò chuyện với giáo sư sử học Vladimir Kolotov, thành viên Hội đồng hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương (Nga), sau kết quả trưng cầu ý dân ở Crimea (ngày 16-3).

 
Một phụ nữ cầm tờ báo có dòng chữ trang nhất “Crimea chọn nước Nga” trên đường phố Simferopol, thủ phủ Crimea, sau khi có kết quả trưng cầu ý dân - Ảnh: Reuters

Chúng tôi sẽ vẫn sống và xây dựng đất nước

Ủy ban tổ chức trưng cầu thuộc Nghị viện Crimea vừa công bố kết quả cuộc bỏ phiếu về tương lai Crimea hôm 16-3, với 96,77% phiếu đồng ý sáp nhập Crimea vào Nga. Ông có nói thêm gì về kết quả này?

- Cuối ngày 16-3, khi những kết quả sơ bộ được công bố, với gần 93% phiếu “đồng ý” thống nhất với Nga trong tỉ lệ đi bỏ phiếu là hơn 80%, qua truyền hình chúng tôi thấy người dân Crimea đã ôm nhau khóc vì hạnh phúc. Họ muốn gắn tương lai với nước Nga chứ không với chính quyền hiện nay của Kiev. Có người nói “cảm thấy được giải phóng khỏi nhà tù”.

Đây phải chăng là bài học cho các nhà chính trị tương lai, không được ra những quyết định sai lầm như Nikita Khrushev năm 1954 “tặng” bán đảo Crimea với 2 triệu dân Nga cho Cộng hòa Ukraine.

Trong suốt 23 năm độc lập của Ukraine, những người gốc Nga đó hi vọng được quay về Tổ quốc của mình. Lãnh đạo các nước phương Tây tuyên bố không công nhận kết quả trưng cầu. Nhưng điều đó chỉ chứng minh tiêu chuẩn kép. Họ chỉ muốn công nhận kết quả họ thích và coi thường những sự kiện bất lợi cho họ. Như họ từng công nhận độc lập ở Kosovo của Nam Tư (cũ).

Với kết quả này, chúng tôi sẽ vẫn sống và xây dựng đất nước của mình.

Kịch bản những bước đi sắp tới của Matxcơva sẽ là gì, thưa giáo sư, trong điều kiện Nga là nước duy nhất bỏ phiếu phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an cuối tuần trước về tính hợp pháp của cuộc trưng cầu ở Crimea?

- Theo lời của nhà chức trách Nga, trong vòng một tuần Hội đồng liên bang (Thượng viện) sẽ xem xét thủ tục nhận chủ thể liên bang mới. Bắt đầu từ tháng 4, đồng rúp sẽ lưu hành tại Crimea. Sau đó trong vòng một năm chúng tôi cần thống nhất hệ thống pháp luật. Ở Nga người ta vừa mừng là cứu được dân Crimea, vừa lo về việc chính quyền lâm thời sẽ càn quét các tỉnh miền đông và nam Ukraine. Việc đảm bảo an ninh cho họ là nhiệm vụ chính.

Trước hết cần phải nói nhận định của chính quyền Nga về các quá trình đang diễn ra tại Ukraine. Chúng tôi cho là tại Ukraine đang diễn ra một cuộc đảo chính theo mô hình “cách mạng màu sắc” như đã được thực hiện tại Nam Tư cũ, Gruzia, Ukraine, Lebanon, Moldavia, Kirgizia, Libya, Syria...

“Cách mạng màu sắc” thường dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế và xã hội. Thử nhìn vào Afghanistan, Gruzia, Ai Cập, Libya, Syria..., những bức tranh khá tiêu điều. Kinh tế của Ukraine đang trong tình trạng trước khi vỡ nợ, hối đoái grivna sụp đổ. Trong điều kiện như thế, người dân Ukraine chỉ được nghe những câu chuyện về “sự lựa chọn châu Âu” dù thực tế người ta đang thấy quá trình “châu Phi hóa”... Người Ukraine có mong như thế?

Ông Putin trong trả lời báo giới hôm 4-3 cũng thừa nhận người Ukraine biểu tình ở Maidan muốn “thay đổi triệt để chứ không phải đổi những kẻ lừa đảo này bằng những tay lừa đảo khác”.

- Đúng, lúc đầu người ta đến Maidan để phản đối tiêu cực trong chính quyền ông Yanukovich, nhưng kết quả ra sao thì ai cũng thấy. Chính quyền mới bổ nhiệm các nhà tài phiệt để quản lý trực tiếp các tỉnh trong nước. “Quân cách mạng” cầm vũ khí đi trấn áp. Vậy thì người dân tham gia cách mạng làm gì?

Mâu thuẫn cơ bản ở Ukraine, theo tôi, là ở giá trị và định hướng chính trị của người dân tại các vùng khác nhau. Ở miền tây có tư tưởng của Stepan Bandera (1900-1959), một lãnh đạo Tổ chức các nhà dân tộc Ukraine chống lại chính quyền Xô viết, hợp tác với phát xít Đức. Sau Thế chiến thứ hai, Stepan Bandera chạy về Tây Đức và đứng đầu một phong trào chống lại Liên Xô dưới sự kiểm soát của mật vụ nước ngoài.

Bandera đã bị KGB ám sát tại Munich năm 1959. Tư tưởng theo Stepan Bandera được các nước phương Tây ủng hộ vì tính bài Nga trong suốt thời gian sau khi Liên Xô sụp đổ. Trong diễn biến tháng 3 mới rồi ở Ukraine, người biểu tình mang nhiều chân dung của Stepan Bandera, sau “cách mạng màu sắc”, dễ thấy tư tưởng này sẽ trở thành ý thức hệ cơ bản của chế độ mới.

Trong khi đó, phần lớn công dân Ukraine sống ở các vùng miền đông và nam không chấp nhận tư tưởng phát xít này vì ở đó người ta nói tiếng Nga và sống cơ bản theo giá trị Xô viết. Cuộc bầu cử tổng thống Ukraine sẽ không giải quyết được mâu thuẫn cơ bản này. Chế độ mới dưới ô dù phương Tây không dễ gì chấp nhận những người không ủng hộ tư tưởng Bandera và những người bị kỳ thị sẽ tìm cách chống lại.

Bạn có thấy tin tức từ Kharkov mới đây không khi những người biểu tình tấn công văn phòng của phe cực đoan khu vực hữu? Hay tại Donetsk, người biểu tình bao vây tòa nhà viện kiểm sát? Và chính quyền mới thì có tin đang tìm cách “trấn áp những phần tử phân lập hoạt động dưới sự bảo trợ của Nga” - theo lời thủ tướng lâm thời Yatseniuk (*). Ukraine có thể còn mất ổn định lâu dài.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng không phải Nga khởi sự mọi chuyện ở Ukraine. Nhưng người Nga bị bắt buộc phải phản ứng để bảo vệ dân Nga khỏi các phần tử theo tư tưởng quốc xã, phân biệt chủng tộc, tôn giáo... Điều kích hoạt quá trình tan rã Ukraine là chính sách của “chính quyền” mới tại Kiev.

“Đội quân thứ năm”

Xã hội Nga có chia rẽ về vấn đề Ukraine và Crimea không? Theo dõi truyền thông Nga có thể thấy hai xu thế: một ủng hộ chính sách của Kremlin, trong khi xu thế kia ngược lại.

- Theo tôi biết thì phần lớn dân Nga ủng hộ chính quyền Nga. Bạn có thấy mức tín nhiệm Tổng thống V. Putin đã lên rất cao những ngày qua không, hơn 71% trong tháng 3 so với 63% hồi tháng 2-2014. Trong hoàn cảnh người Nga ở Ukraine bị đe dọa, Chính phủ Nga phải tìm cách bảo vệ họ. Vừa rồi có rất nhiều cuộc biểu tình ủng hộ chính sách của Tổng thống Nga V. Putin.

Nhưng cũng có biểu tình dưới khẩu hiệu “chống chiến tranh” mà đứng đầu các cuộc biểu tình này là những người từng cầm quyền ở Nga, chẳng hạn như ông Boris Nemtsov (**), đã mất uy tín và sống nhờ vào những tài trợ “phát triển dân chủ”. Chính quyền Nga vẫn cho họ tập trung, phát biểu, tuần hành vì hòa bình. Nhưng tôi muốn lưu ý các bạn là những người biểu tình ấy đi trên đường phố Matxcơva theo hành trình mà tù binh phát xít Đức đi năm 1944. Biểu tượng này không phải ngẫu nhiên.

Cả trí thức, văn nghệ sĩ Nga cũng không thống nhất. Theo dõi mạng xã hội Nga, tôi thấy có tới hai thư ngỏ, một ủng hộ ông V. Putin, trong khi thư kia thì chống chiến tranh.

- Tôi muốn nói là việc xử lý một cách hợp lý các vấn đề địa chính trị đòi hỏi tính chuyên nghiệp mà chưa chắc những đại diện của các tầng lớp trong xã hội đủ thông tin. Các trí thức và văn nghệ sĩ Nga, cũng như mọi người, cũng có ý kiến của mình về tình hình Ukraine nói chung và Crimea nói riêng. Đây là một vấn đề nóng bỏng ở Nga và ai cũng muốn giúp đỡ.

Lúc đầu có thư ủng hộ chính sách của Tổng thống Putin với chữ ký của rất nhiều người nổi tiếng trong giới trí thức. Mấy ngày sau đó xuất hiện thư phản đối “chiến tranh” cũng với chữ ký của một số trí thức, nghệ sĩ, nhưng vài ngày sau lại có một số người tuyên bố họ không hề ký thư (thứ hai) này...

Cũng có một số người công khai phê phán chính sách của Tổng thống Putin, nhưng trong đó phần lớn là những người ủng hộ các chế độ của M. Gorbachev và B. Yeltsin. Những nhà hoạt động xã hội này chúng tôi gọi là “đội quân thứ năm”, tức là đội quân tâm lý chiến thường được sử dụng trong các cuộc chiến tranh.

Nhưng ông không thể phủ nhận là những ngày vừa qua thông tin về tình hình Ukraine và Crimea rất hỗn loạn, mâu thuẫn như thông tin ngược chiều nhau về các tay bắn tỉa ở Maidan, về sự hiện diện của quân Nga (ngoài số binh lính đồn trú được phép 25.000 người ở Crimea). Là giảng viên lịch sử, ông sẽ giảng cho sinh viên thế nào?

- Tình hình đang diễn ra tại Ukraine sẽ được ghi vào lịch sử của các cuộc chiến tranh thông tin. Và cuộc chiến tranh thông tin tại Ukraine hiện nay có thể nói là chưa từng thấy trong lịch sử. Một mặt, đây là điều đáng mừng vì trong cuộc chiến này những người tham chiến không bị giết, nhưng mặt khác sức công phá của nó rất lớn. Thông tin bị xuyên tạc một cách chuyên nghiệp, được đưa vào đầu óc của quần chúng bằng nhiều cách. Người ta không khỏi bị lạc hướng bởi hoạt động tâm lý chiến và công nghệ lập trình tư duy này.

Trong trường hợp Ukraine, Nga và Ukraine có hàng chục triệu quan hệ gia đình, bạn bè nên người Nga không cần nghe phương tiện truyền thông phương Tây để tìm hiểu tình hình ở đó. Chúng tôi có thể gọi điện cho bạn bè, họ hàng hằng ngày và biết được thông tin.

Việc chính là chính quyền một quốc gia có chủ quyền phải bảo vệ quyền lợi của dân chúng mình chứ không phải xem báo chí nước ngoài viết gì về hoạt động của mình. Thường thì các nhà chính trị của Nga được ca ngợi ở nước ngoài khi thực hiện chính sách bán nước. Chúng tôi đã thuộc bài học này.

Xin cảm ơn giáo sư.
DUY VĂN

 Trong một động thái hòa hoãn nhưng được cho là có phần muộn màng, ngày 18-3 Thủ tướng lâm thời Ukraine Arsenii Yatseniuk đã có thông điệp bằng tiếng Nga gửi tới người dân các khu vực đông và nam Ukraine. Ông cho biết ngày 21-3, Ukraine sẽ chỉ ký với EU phần chính trị của Thỏa thuận gia nhập EU nhưng chưa ký phần kinh tế “để tránh các lo âu về những hậu quả tiêu cực cho các khu vực công nghiệp của Ukraine, mà trước nhất là miền đông”.

Ông cũng nói vấn đề gia nhập NATO hiện “không nằm trong chương trình nghị sự để bảo vệ sự thống nhất đất nước”. Kiev sẽ mở rộng quyền hạn cho các khu vực, phi tập trung hóa quyền lực “để bảo vệ sự thống nhất và đặc thù của Ukraine”.

Đặc biệt, ông khẳng định tiếng Nga sẽ vẫn là ngôn ngữ chính thức ở những khu vực có đa số dân nói tiếng Nga, theo đúng luật ngôn ngữ đã được thông qua vào năm 2012. (segodnya.ua, liga.net)

(*): http://www.newsru.com/world/16mar2014/separatists.html
(**): từng là bộ trưởng năng lượng rồi phó thủ tướng Nga (1997-1998). Hiện là chủ tịch Đảng Cộng hòa Nga - Đảng Tự do nhân dân.
Nguồn: tuoitre.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.