Chuyên mục
Khu du lịch sinh thái tâm linh hoành tráng không hợp truyền thống người Việt
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Khu du lịch sinh thái tâm linh hoành tráng không hợp truyền thống người Việt

Thứ ba 22/10/2019 08:10 GMT + 7
Theo các chuyên gia, dự án ở vị trí đặc biệt nơi biên cương Tổ quốc như Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú cần phải đánh giá tác động của dự án tới văn hóa, xã hội của người dân địa phương và phải tham vấn ý kiến của người dân.

Núi đá vôi bị xẻ toang hoác ở phía đông bắc cột cờ Lũng Cú (ảnh chụp ngày 20-10) - Ảnh: HỮU THẮNG

Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú đang được rầm rộ triển khai ở xã Lũng Cú (Tuổi Trẻ ngày 21-10) đặt ra nhiều câu hỏi cho chính sách phát triển du lịch tại các vùng thiên nhiên đặc biệt, nơi biên cương, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Băn khoăn du lịch văn hóa tâm linh vùng dân tộc thiểu số

TS Trần Hữu Sơn - phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN - cho rằng đã là một dự án du lịch thì phải tuân theo những nguyên tắc phát triển bền vững, đó là phải bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hóa, và người dân (chứ không phải vài cá nhân, doanh nghiệp) được hưởng lợi.

Dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Lũng Cú chiếm đất đai nông nghiệp, xẻ núi, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên cần được bảo vệ là vùng cao nguyên đá Đồng Văn cũng như vùng đệm xung quanh di tích cột cờ Lũng Cú, kinh doanh sản phẩm du lịch không thuộc về văn hóa bản địa, dễ thấy nó không đạt được các nguyên tắc phát triển bền vững nêu trên.

"Người Mông, người Lô Lô ở Lũng Cú chỉ thờ thần bản, giống như thổ công của người Kinh, và quy mô thờ tự của họ rất nhỏ. Đưa các thiết chế khổng lồ những đền chùa, tượng của người Kinh lên Lũng Cú chắc chắn làm ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, xã hội, tới đời sống tâm linh của người bản địa" - ông Sơn nói.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN - đặt câu hỏi: việc xây dựng đền chùa ở những nơi không có truyền thống văn hóa Phật giáo như ở vùng nhiều dân tộc thiểu số là có nên không?

Với một dự án ở vị trí đặc biệt nơi biên cương địa đầu Tổ quốc, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng dự án rất cần phải tham vấn công chúng cẩn thận. Và công chúng ở đây phải là công chúng rộng rãi của cả nước chứ không phải chỉ là người dân địa phương, bởi cột cờ Lũng Cú là biểu tượng quốc gia, là của chung của mọi người dân Việt.

"Phải ưu tiên khai thác tín ngưỡng, văn hóa của người bản địa để làm du lịch chứ không phải đưa văn hóa, tôn giáo của nơi khác đến đấy" - ông Dũng nói thêm.

Người dân được lợi gì?

Về lý do tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa mà nhà đầu tư và chính quyền địa phương đưa ra, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho là không thuyết phục. Ông phân tích: nếu dự án khai thác văn hóa, tín ngưỡng bản địa để phát triển du lịch thì mới có thể gọi là tạo sinh kế cho người dân địa phương. Còn ở dự án này, người dân bản địa chẳng có gì để bán.

Vì vậy, với dự án du lịch tâm linh ở Lũng Cú, theo ông Dũng, việc đánh giá tác động môi trường không thôi là chưa đủ mà phải phân tích tác động nhiều mặt của dự án như thế nào đối với bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng và sinh kế của người dân bản địa. 

Ngoài ra, ông Dũng cũng cho rằng nếu khai thác du lịch tại đây thì nên khai thác các sản phẩm du lịch có sự liên quan tới cột cờ Lũng Cú chứ "đừng đưa cái gì xung đột với cột cờ".

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN (Bộ VH-TT&DL) - ủng hộ việc cần phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng sâu, vùng xa của đất nước và nhìn nhận du lịch được xem là một giải pháp tương đối tốt trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo ông, chúng ta chưa chú ý đến phát triển theo chiều sâu, hướng tới sự phát triển hài hòa và bền vững.

"Việc xây dựng các khu du lịch sinh thái tâm linh theo hướng hoành tráng không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt - vốn đề cao sự hài hòa với tự nhiên; việc phá vỡ khung cảnh thiên nhiên, ảnh hưởng đến rừng là đi ngược lại quan điểm bảo vệ môi trường sinh thái hiện nay. Tôi rất mong chính quyền các địa phương hết sức cân nhắc khi triển khai các dự án du lịch sinh thái tâm linh ở địa phương mình" - ông Bùi Hoài Sơn góp ý.

"Phát triển du lịch văn hóa tâm linh nhiều quá"

PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng cảnh báo thực trạng hiện nay ta đang phát triển du lịch văn hóa tâm linh nhiều quá. Các dự án du lịch tâm linh này lại không khai thác cái có sẵn trong cuộc sống, các di tích có bề dày lịch sử văn hóa mà lại "sáng tạo" cái mới.

Theo ông, Nhà nước rất cần xem lại việc phát triển ồ ạt các dự án du lịch văn hóa tâm linh như thế đã hợp lý chưa. Xây dựng đền chùa mới trên những cảnh quan danh thắng có phải là xu hướng nên khuyến khích không.

THIÊN ĐIỂU
Nguồn: tuoitre.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.