Chuyên mục
Ca bệnh liên tục tăng, nhiều nước đối mặt ''mùa đông Covid-19'' u ám

Ca bệnh liên tục tăng, nhiều nước đối mặt ''mùa đông Covid-19'' u ám

Thứ hai 25/10/2021 16:05 GMT + 7

Một số quốc gia triển khai chương trình tiêm chủng sớm và đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế hiện đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng cao trở lại.

Mùa đông u ám

Tại nhiều quốc gia, các nhà hàng và tiệm làm tóc đều đóng cửa. Đến trường vẫn là điều xa vời đối với học sinh. Người dân không được phép ra khỏi nhà sau 20h. Một số quốc gia châu Âu đã tái áp dụng các biện pháp phòng Covid-19, trong khi dịch bệnh đang bùng phát trở lại ở nhiều nước như Anh, Nga và Singapore.

 

Khi số ca mắc bệnh tăng cao trở lại, một số quốc gia châu Âu đã tái áp dụng các biện pháp phòng Covid-19. Ảnh minh họa: Getty Images.


Latvia đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu tái áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để đối phó với làn sóng Covid-19 mới. Anh, quốc gia đã sớm tiêm chủng cho người dân và dỡ bỏ hầu hết các hạn chế về Covid-19, hiện đang chứng kiến số ca mắc bệnh cao nhất kể từ tháng 7. Đức cũng ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất kể từ tháng 5.

Ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tình hình dịch bệnh còn tồi tệ hơn. Số ca tử vong do Covid-19 tại Nga hiện ở mức cao kỷ lục và Moscow sẽ áp lệnh phong tỏa trong tháng 10 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong khi đó, Romania đã hết giường chăm sóc đặc biệt.

Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang gây ra đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc và Australia, những quốc gia theo đuổi chiến lược “zero Covid” (đưa số ca mắc Covid-19 về 0). Tại Mỹ, nơi các đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng vào mùa hè đã dịu lại, chính phủ đang đẩy nhanh việc tiêm mũi tăng cường để ngăn ngừa làn sóng Covid-19 vào mùa đông.

Mùa đông đến gần sẽ chưa thể xóa sổ hoàn toàn đại dịch Covid-19, các chuyên gia hy vọng rằng vaccine sẽ là biện pháp giúp thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Dù vaccine đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn mắc bệnh nặng và tử vong do Covid-19, nhưng không phải lúc nào cũng ngăn chặn sự lây nhiễm và hiệu quả của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian. Điều này khiến cho diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu trở nên phức tạp hơn so với một năm trước.  

“Thời tiết sẽ lạnh hơn vào mùa đông, hiệu quả của vaccine sẽ suy giảm và khoảng cách trong tỷ lệ tiêm chủng sẽ khiến việc dự doán diễn biến dịch bệnh trở nên khó khăn hơn. Ba đến sáu tuần tới sẽ là thời điểm quan trọng”, Tiến sĩ Arnaud Fontanet, nhà dịch tễ học tại Viện Pasteur, cho biết.

Theo Bloomberg, các quốc gia triển khai chiến dịch tiêm chủng sớm như Israel, Mỹ và Anh là những nơi đầu tiên chứng kiến hiệu quả của vaccine giảm dần.

Những biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng bổ sung như đeo khẩu trang, hộ chiếu miễn dịch hoặc giới hạn số người trong các cuộc tụ tập, dường như có hiệu quả hơn. Những nước có nhiều người dân từ chối tiêm vaccine Covid-19 có thể sẽ phải đối mặt với tình huống tồi tệ nhất.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế liên quan đến Covid-19 vào ngày 19/7. Điều này khiến Anh trở thành “phòng thí nghiệm” của thế giới về việc chỉ dựa vào vaccine để đối phó với dịch bệnh mà không áp dụng các hạn chế khác. Tuy nhiên, việc triển khai vaccine chậm ở thanh thiếu niên đã dẫn đến sự bùng nổ số ca mắc bệnh ở các trường trung học tại Anh. Chính phủ Anh tuần trước đã mở rộng chiến dịch tiêm chủng cho những người từ 12-15 tuổi.

Giống như ở Mỹ, chính phủ Anh cũng đang thúc đẩy người cao tuổi và người dễ bị tổn thương đi tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, một số nhà khoa học nói rằng điều đó là chưa đủ. Họ đang thúc giục Thủ tướng Johnson áp đặt lại quy định đeo khẩu trang tại nơi đông người, yêu cầu hộ chiếu vaccine đối với những người muốn tham gia các sự kiện lớn và khuyến khích người dân làm việc tại nhà nhiều hơn.

“Chúng ta phải ngăn chặn những đợt bùng phát dịch. Vaccine là một phần quan trọng để ngăn chặn đại dịch, nhưng đó chỉ là một trong số các biện pháp khác như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội”, Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết trong một cuộc họp báo hôm 21/10.

Tại Australia, nơi đối mặt với làn sóng dịch bệnh do biến thể Delta từ tháng 6, đã phải tuân thủ những hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt. Đây là một trong những nước áp đặt lệnh phong tỏa lâu nhất trên thế giới, nhưng hiện đã chấp nhận loại bỏ chiến lược “zero Covid” và hướng tới sống chung với đại dịch, giống như New Zealand.

Singapre đã quyết định mở cửa trở lại khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mức 80%. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh bắt đầu gia tăng ngay sau khi một số hạn chế được nới lỏng vào tháng 8. Tuần trước, Singapore đã quyết định duy trì các biện pháp hạn chế trong một tháng nữa và cảnh báo rằng làn sóng dịch bệnh hiện tại có thể gây áp lực cho hệ thống y tế của nước này.  

Ở Mỹ, với hơn 40% dân số chưa được tiêm chủng đầy đủ, có rất ít lý do để cho rằng nước này không lặp lại kịch bản đang xảy ra ở Anh và các nước khác khi mùa đông tới. Để tăng cường khả năng ứng phó của quốc gia và đối mặt với một đợt bùng phát dịch khác, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ hôm 20/10 đã chấp thuận cho mũi tiêm tăng cường đối với vaccine Moderna và Johnson & Johnson.

Kết hợp vaccine và các biện pháp phòng dịch

Ở châu Âu, những nước như Italy, Đức và Pháp đã chống Covid-19 bằng cách kết hợp vaccine và các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và xét nghiệm thường xuyên để tránh phải áp đặt lệnh phong tỏa. Chiến lược này cũng đang được thực hiện ở Bulgaria, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong Liên minh châu Âu (EU).

Tại Italy, người dân bắt buộc phải có thẻ xanh vaccine để vào nhà hàng, rạp hát và phòng tập thể dục. Thủ tướng Mario Draghi đã chỉ trích cách phòng dịch lỏng lẻo của Anh, nói rằng nước này đã “bỏ qua mọi sự thận trọng” và hiện đang phải đối mặt với hậu quả.

“Chiến lược của châu Âu được xem là ‘một cuộc thử nghiệm’. Một vài ‘ẩn số’ trong đại dịch vẫn có thể xuất hiện, bao gồm cả khả năng xảy ra cùng lúc làn sóng Covid-19 và cúm”, Tiến sĩ Marion Koopmans, người đứng đầu bộ phận khoa học của Trung tâm Y tế Đại học Erasmus, cho biết.

Tại Đức, ngày càng nhiều địa điểm kinh doanh chỉ phục vụ những người đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau Covid-19.

Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho biết, tình hình dịch bệnh ở Anh và các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao khác, những nơi đã dỡ bỏ các hạn chế, cho thấy hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, những nơi này có thể sẽ chứng kiến số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng vào mùa đông.

“Vào mùa đông, khi mọi người thường xuyên tụ tập trong nhà, chúng ta sẽ thấy virus tiếp tục lây truyền”, ông Ryan nói.

Ở Latvia, nơi có khoảng một 50% dân số vẫn chưa được tiêm chủng, các quan chức vẫn áp dụng những quy định nghiêm ngặt, kể cả đối với những người đã tiêm vaccine.

“Tôi xin lỗi tất cả người đã được tiêm chủng, cho đến nay mọi nỗ lực của chúng tôi vẫn chưa đủ. Thật không công bằng khi chúng ta thực hiện những quy định này vì những người khác chưa được tiêm chủng. Nhưng nếu không áp dụng các biện pháp hạn chế, chúng ta cũng sẽ phải chịu những hậu quả từ đại dịch”, Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins nói.

 

CTV Mai Trang (biên dịch)
Theo Bloomberg

Nguồn: vov.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.