Chuyên mục
Nhạc sĩ An Thuyên đột ngột qua đời ở tuổi 66
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nhạc sĩ An Thuyên đột ngột qua đời ở tuổi 66

Thứ sáu 03/07/2015 17:36 GMT + 7
Theo thông tin của Thể thao & Văn hóa, nhạc sĩ An Thuyên vừa đột ngột qua đời vào lúc 16h30 chiều nay (3/7). Thêm một nỗi đau của giới nhạc sĩ Việt Nam sau sự ra đi của GS.TS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân, nhạc sĩ Thanh Bình.

Cũng theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, nhạc sĩ An Thuyên vừa kết thúc chuyến công tác tại Đức. Chiều 2/7, nhạc sĩ An Thuyên vừa về đến Hà Nội. Sáng ngày 3/7, ông đến văn phòng Hiệp hội Văn hóa Doanh nhân làm việc như thường lệ. Buổi trưa, ông đã về nhà và sau đó bị choáng mệt. Ông đã được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 108 nhưng không qua khỏi. Ông từ trần lúc 16h30. Thi hài vị nhạc sĩ tài hoa đang quàn tại Bệnh viện 108.


Nhạc sĩ An Thuyên

An Thuyên sinh năm 1949 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông công tác ở Ty Văn hoá Nghệ An từ năm 1967 và đã được trực tiếp tham gia công tác sưu tầm nghiên cứu dân ca dưới sự chỉ đạo của các lãnh đạo ngành. 

Năm 1975, ông vào bộ đội. Năm 1977, công tác ở Đoàn Văn công Quân khu IV. Từ năm 1981 đến năm 1988, ông được cử đi học ở Nhạc Viện Hà Nội, môn Sáng tác âm nhạc bậc đại học. Sau khi tốt nghiệp, năm 1988 ông về Phòng Văn nghệ Quân đội và đến tháng 8 năm 1992, ông về công tác ở Trường Nghệ thuật Quân đội. Ông là hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (chuyển lên đại học năm 2006) từ 1993 - 2009.

Sau tác phẩm đầu tay Em chọn lối này, viết năm 1971 (khi ông tròn 21 tuổi), nhạc sĩ An Thuyên được mọi người yêu mến ở rất nhiều ca khúc như: Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Ca dao em và tôi...

Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ An Thuyên đạt nhiều giải thưởng ở thể loại ca khúc như Tiếng đàn balalaica trên sông Đà (phỏng thơ Quang Huy) - Giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985, Khi xe tăng qua miền Quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995) - Giải Nhất của Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chín bậc tình yêu - Giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn sáng tác rất nhiều các tác phẩm ở các thể loại như khí nhạc, nhạc phim, nhạc múa và viết nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo...

Gần đây, ông dành nhiều tâm huyết với Hiệp hội Văn hóa Doanh nhân vừa mới được thành lập. Năm 2007, nhạc sĩ An Thuyên được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Giới nhạc bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của nhạc sỹ An Thuyên


Nhạc sỹ An Thuyên. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Dường như chưa bao giờ nền âm nhạc Việt Nam lại đứng trước sự mất mát dồn dập đến thế khi chỉ trong ít ngày đã phải chứng kiến sự ra đi của nhiều cây đại thụ lớn như giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sỹ Phan Nhân. Và bây giờ là nhạc sỹ An Thuyên.

Là một trong những người đầu tiên biết tin nhạc sỹ An Thuyên ra đi đột ngột, ca sỹ Trọng Tấn đã chia sẻ với Vietnam+ những kỷ niệm với người thầy đã chắp cánh cho sự nghiệp ca hát của anh trong nỗi bàng hoàng, xót xa.

Theo ca sỹ Trọng Tấn, anh hay tin nhạc sỹ An Thuyên qua đời đột ngột cuối giờ chiều ngày 3/7 sau khi các bác sỹ bệnh viện 108 chuẩn đoán ông bị đột tử.

Được xem là người học trò có may mắn được gần gũi và thường xuyên làm việc trong nhiều năm với nhạc sỹ An Thuyên, ca sỹ Trọng Tấn xúc động chia sẻ: “Tôi vẫn đang bị sốc trước sự ra đi quá đột ngột của chú. Chú là một trong những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam, có ảnh hưởng và đóng góp qua những ca khúc đã nổi tiếng và quen thuộc với bao thế hệ khán giả.”

Ca sỹ Trọng Tấn cũng chia sẻ, ngoài những kỷ niệm thân tình giữa hai chú cháu, nhạc sỹ An Thuyên cũng chính là người chắp cánh cho tiếng hát Trọng Tấn từ những ngày đầu tiên khi chấm anh đoạt giải trong cuộc thi  Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1999 cho đến ngày hôm nay.

Từ cảm mến giọng hát, nhạc sỹ An Thuyên đã luôn dõi theo, xuyên suốt, có những sáng tác lấy cảm hứng và dành tặng riêng cho tiếng hát ca sỹ Trọng Tấn như “Dương cầm thu không em,” “Hà Nội mù sương”…

Trọng Tấn cũng cho biết ngoài tài sáng tác điều mà nhạc sỹ An Thuyên khiến thế hệ học trò như anh mến phục và ấn tượng chính là tâm thế với lứa trẻ, ông luôn cố gắng kích thích sự sáng tạo trong âm nhạc của ông. Ông không bao giờ áp đặt mà lắng nghe, đón nhận những ý tưởng cách tân để ca khúc đạt hiệu ứng hay nhất, lan toả ra đại chúng. "Mỗi lần thu âm, câu chú thường nói nhất là 'Tấn thử xem có làm được gì mới mẻ hơn, gần gụi hơn không nhé' đó là điều đó tôi luôn nhớ mãi..." 

Nói về sáng tác của nhạc sỹ An Thuyên, ca sỹ Trọng Tấn cho rằng, "âm nhạc của nhạc sỹ An Thuyên cũng giống với tính cách con người ông, luôn toát lên sự mộc mạc đến tự nhiên. Con người ông luôn đem lại cảm nhận trìu mến bởi nét hồn hậu, dung dị nhưng cũng đầy phong trần, rất nghệ sỹ."

Chất dân gian trong những sáng tác của nhạc sỹ An Thuyên như chảy từ trong huyết quản, cất lên là thấm đẫm chất dân ca, ngọt ngào, hồn hậu.

Cả sự nghiệp âm nhạc mà nhạc sỹ An Thuyên để lại cũng minh chứng cho năng lượng sáng tạo của ông luôn căng tràn, và trải dài ở các mảng ca khúc khác nhau. Ở mảng ca khúc nào ông cũng vận dụng và làm nổi bật bản sắc dân ca Nghệ Tĩnh một cách tài tình và hiệu quả. 

Ngoài những ca khúc viết về bác như “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (1974); dân ca miền Trung như "Huế thương" (1992), "Neo đậu bến quê" (1993); mảng nhạc phim như "Ca dao em và tôi"... nhạc sỹ An Thuyên còn thành công với nhiều ca khúc viết về miền núi từ ca từ đến tiết nhịp như “Chín bậc tình yêu,” “Em chọn lối này,” “Thơ tình của núi”…

Nói về dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của mình, lúc sinh thời nhạc sỹ An Thuyên từng chân thành chia sẻ: “Tôi đã được lớn lên trong dòng sữa âm nhạc dân gian. Nhưng điều đấy không có nghĩa là chất liệu đó sẽ tự vào trong sáng tác của mình. Ðiều cốt lõi là người nhạc sỹ phải biết nâng niu, gọt giũa, kết hợp cái thuần t​úy thắm đượm của âm nhạc dân gian, cái tri thức âm nhạc dân gian với tri thức âm nhạc bác học hiện đại. Có như vậy mới tạo ra được những tác phẩm tân thời hiện đại mà đậm đà chất liệu dân ca."

Ngoài Trọng Tấn, An Thuyên cũng là một trong ít nhạc sỹ có lớp học trò thành danh trong dòng nhạc của ông như Lệ Thanh, Thu Hiền, Quang Linh, Lê Anh Dũng, Anh Thơ, Hà Linh, Bùi Lê Mận…

Nhạc sỹ An Thuyên sinh năm 1949 tại xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu, Nghệ An, tên khai sinh là Nguyễn An Thuyên.

Năm 11 tuổi, nhạc sỹ An Thuyên đã đàn hay, sáo giỏi và là người chơi các nhạc cụ dân tộc rất có duyên cho "gánh hát" của gia đình. Ca khúc đầu tiên đó chính là bài hát "Nối gót anh hùng,”  nhân dịp vài người dân quê đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 1967, An Thuyên bắt đầu công tác ở Ty Văn h​óa Nghệ An. Năm 1975, ông vào bộ đội. Năm 1977, ông trở thành nhạc công của Đoàn Văn công Quân khu IV. Năm 1981, ông được cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông về Phòng Văn nghệ Quân đội, nay là Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, công tác ở đó cho đến tận lúc về hưu.

Với những sáng tác đi vào lòng người, nhạc sỹ An Thuyên vinh dự nhận được nhiều giải thưởng: “Giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985: "Tiếng đàn balalaica trên sông Đà” (phỏng thơ Quang Huy); “Giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng: Hành quân lên Tây Bắc” (1984), “Thơ tình của núi” (1994). “Giải Nhất của Bộ Văn h​óa - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Khi xe tăng qua miền Quan họ” (1985), “Mẹ Việt Nam anh hùng” (1995)./. 

Lê Mây

Ngọc Minh
Nguồn: thethaovanhoa.vn, vietnamplus.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.