Chuyên mục
Liên tục sự cố cáp quang AAG: Vì đâu nên nỗi?
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Liên tục sự cố cáp quang AAG: Vì đâu nên nỗi?

Thứ năm 23/04/2015 14:03 GMT + 7
Sau sự cố đứt tuyến cáp quang biển Khu vực Châu Á Thái Bình Dương AAG diễn ra sáng nay 23/4/2015, các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước đồng loạt phát thông cáo về việc bổ sung dung lượng kết nối quốc tế để đảm bảo dịch vụ.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là liên tiếp trong thời gian qua, cụ thể từ đầu năm nay, đây là lần thứ 2 tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố, khiến tốc độ truy cập Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi truy cập vào các website phổ biến và tài khoản Gmail.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do phân đoạn cáp SH1 từ TP.Hồ Chí Minh đi Hong Kong bị đứt, gây ảnh hưởng đến toàn bộ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên tuyến cáp này.

Thông tin từ Trung tâm điều hành cáp quang AAG cho biết, việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… sẽ bị ảnh hưởng do lưu lượng chuyển sang các hướng dự phòng và có khả năng gây nghẽn. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo chia sẻ mới nhất từ FPT Telecom, nhà cung cấp này đã sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới khách hàng.


Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (trực tiếp là Công ty Viễn thông Quốc tế -VNPT-I) cho biết đã tiến hành các biện pháp để xác định được khu vực sự cố ngoài khơi Vũng Tàu. Đơn vị này cho biết sự cố này sẽ đòi hỏi phải sử dụng tàu cáp chuyên dùng của quốc tế để tiến hành khắc phục

Cũng phát đi thông báo của mình, nhà mạng Viettel cho biết đã bổ sung dung lượng kết nối quốc tế để đảm bảo dịch vụ và hiện tại sự cố cáp quang AAG không ảnh hưởng đến các giao dịch, trao đổi thông tin, kết nối internet trong nước và quốc tế.

Viettel cho biết sau thời điểm xảy ra sự cố, Viettel đã có ngay phương án bổ sung dung lượng kết nối trên các hướng quốc tế đi qua cáp quang biển liên Á (IA) và 02 hướng cáp quang đất liền đi qua ChinaTelecom và ChinaUnicom.

Thông tin từ Viettel cho hay, trong ngày hôm nay 23/4/2015, Viettel bổ sung thêm 60Gbps (30Gbps trước 12:00 trưa nay và tiếp tục bổ sung 30Gbps vào buổi chiều cùng ngày). “Với các phương án này, khách hàng của Viettel sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố đứt cáp quang biển AAG, kể cả trong các khung giờ cao điểm”.

Viettel cho biết sẽ tích cực phối hợp với các đầu mối quản trị hệ thống AAG để nhanh chóng sửa chữa, phục hồi sự cố. Tuy nhiên, do đặc thù công việc diễn ra trên biển phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên chưa thể xác định chính xác thời gian hoàn thành, dự tính thời gian sửa chữa đường cáp biển có thể kéo dài từ 3 tuần đến một tháng.

Trao đổi với Dân trí, ông Đặng Tùng Sơn, Phó Tổng công ty CMC Telecom, cho biết, dung lượng truy cập Internet của CMC đi quốc tế thông qua cáp AAG chỉ chiếm 15% do đó khách hàng của công ty này không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, những khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình cáp của CMC Telecom sẽ chậm hơn một chút. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp lớn thuê kênh riêng của CMC không bị ảnh hưởng vì khi lắp đặt công ty này đã không thiết lập hệ thống thông qua cấp AAG.

Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám Đốc công ty NetNam, cho biết khách hàng của công ty này hầu như không ảnh hưởng gì với sự cố AAG trục trặc lần này. “Sáng sớm nay, sau khi sự cố xảy ra, lưu lượng đã được chuyển qua hướng cáp đất liền và tuyến cáp biển IA. Do vậy, chất lượng dịch vụ đối với khách hàng của NetNam vẫn được đảm bảo ổn định. Chỉ có một số hướng của một số khách hàng có hiện tương tăng độ trễ, và chúng tôi đã tối ưu xong. NetNam đã có chuẩn bị cho kịch bản AAG gián đoạn, bằng cách giảm tỷ lệ phụ thuộc vào AAG và mở thêm dung lượng qua cáp đất liền và tuyến cáp biển IA từ cuối năm 2014”.

Nói về nguyên nhân của việc tuyến cáp quang AAG đi qua Việt Nam thường xuyên bị đứt, gây gián đoạn Internet, ông Sơn cho rằng với tất cả các tuyến cáp quang trên biển khi bị đứt đều có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan có thể là do thời tiết tác động đến đường cáp, và nguyên nhân chủ quan có thể là do tàu bè đi qua va chạm vào đường cáp nên đã gây ra các sự cố không mong muốn.

Theo ông Vũ Thế Bình, nguyên nhân dẫn đến sự cố cáp quang AAG có thể có nhiều, có thể liên quan đến việc triển khai ban đầu (cáp hay ở những vùng biển không ổn định, hoặc nông, vùng giao thông đường thủy đông đúc ...). Với việc AAG hay bị sự cố như thế này, các ISP chỉ có giải pháp tốt nhất là tránh đổ nhiều lưu lượng qua hướng này, và luôn có sẵn biện pháp dự phòng, ứng cứu.

Cũng nói về thời gian khắc phục sự cố, ông Đặng Tùng Sơn, Phó Tổng công ty CMC Telecom, cho rằng việc khắc phục hiện tại hoàn toàn phụ thuộc vào đội tàu khu vực. Trong khi đó mới chỉ có 3-4 đội tàu có khả năng thực hiện công việc này. Do vậy thời gian khắc phục sự cố cáp biển AAG hoàn toàn phụ thuộc vào đối tác.

Sự cố đứt cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) xảy ra vào lúc 5h45 sáng nay, ngày 23/4/2015 làm suy giảm băng thông Internet quốc tế từ Việt Nam đi Hồng Kông, Mỹ của các nhà mạng tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến cáp này. Đây là lần thứ 02 trong năm 2015 tuyến cáp AAG bị đứt. Trước đó, ngày 5/1, lúc 8h, cáp quang biển AAG đã bị đứt tại phân đoạn cáp rẽ từ đường truyền quốc tế vào Vũng Tàu. Với sự cố trên, nhiều dịch vụ Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng, trong khi đó, các dịch vụ internet trong nước không bị ảnh hưởng. Đến ngày 24/1, sau 3 tuần gián đoạn, tuyến cáp quang AAG mới được nối thành công.

Trong năm 2014, sự cố cáp quang biển AAG cũng đã bị đứt 2 lần vào tháng 7 và tháng 9/2014. Sự cố đã gây ảnh hưởng, sụt giảm khoảng 40% dung lượng băng thông Internet quốc tế từ Việt nam đi nước ngoài.

Việc tuyến cáp quang AAG liên tục bị đứt trong 2-3 năm qua trong một thời gian kéo dài khiến việc truy cập Internet Việt Nam đi quốc tế gặp khó khăn đã gây bức xúc với người dùng. Mặc dù các nhà cung cấp đã phát thông báo cho rằng khách hàng không bị tác động nhưng rõ ràng không ít thì nhiều, chất lượng dịch vụ từ các mạng Internet và truyền hình cáp sẽ bị giảm và không tương xứng với chi phí mà người dùng đã phải bỏ ra để thuê dịch vụ như trong hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ.


Khôi Linh
Nguồn: dantri.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.