Chuyên mục
Lễ Phục sinh ở Nga
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Lễ Phục sinh ở Nga

Thứ ba 11/04/2017 09:49 GMT + 7
Vào ngày chủ nhật sắp tới 16/4/2017, toàn thể thế giới Kitô bao gồm các tín hữu Chính thống giáo, Công giáo và Tin Lành sẽ cùng hân hoan đón thánh lễ Phục Sinh.

Ngày lễ Phục sinh theo truyền thống luôn được kỉ niệm vào đầu mùa xuân. Tại Nga, Phục sinh là một dịp lễ thú vị và giàu truyền thống, được tổ chức long trọng và vui vẻ bởi cả những người theo đạo cũng như người ngoại đạo.


Tuần trước ngày lễ Phục sinh được gọi là Tuần Thánh, mà mỗi ngày trong đó, bắt đầu từ thứ hai – được gọi là Ngày Lá. Để chuẩn bị đón lễ, người Nga ăn chay trong nhiều ngày trước đó, trang trí và giữ nhà cửa, sân vườn thật sạch sẽ, gọn gàng.

Thứ năm Tuần Thánh là ngày người ta chuẩn bị tích cực nhất. Các con chiên phải dậy vào sáng sớm để tắm rửa –  bằng cách đó người ta tin rằng sẽ tẩy rửa được các tội lỗi mà mình đã gây ra trong 1 năm. Tiếp đến họ đi thăm các nhà thờ để xưng tội và rước lễ. Sau đó họ nhanh chóng trở về nhà để thực hiện nốt những nghi thức cuối cùng trước khi vẽ trứng và nướng bánh kulich.

Vào tối thứ bảy Tuần Thánh, tất cả những người theo đạo ăn mặc gọn gàng, mang các vật cúng tế vào nhà thờ để tổ chức các nghi lễ tôn giáo long trọng.

Trước nửa đêm người ta sẽ đánh chuông thay lời thông báo về sự phục sinh của Đức chúa Jesus. Khi đó đoàn rước lễ sẽ đi vòng quanh nhà thờ.

Truyền thống Phục sinh ở Nga

Trong suốt 11 thế kỉ tồn tại, Lễ Phục sinh ở Nga mang trong mình những nét độc đáo và hương vị rất riêng. Chính việc bày biên bàn lễ đã khiến Lễ Phục sinh ở Nga khác với những ngày lễ khác của đạo Chính thống. Nét đặc trưng của ngày này chính là bánh kulich và những quả trứng.

Trên khắp nước Nga, kể từ thứ Năm Tuần Thánh người ta nướng bánh kulich, làm phô mai phục sinh và tô màu trứng bằng nhiều cách khác nhau. Theo phong tục cổ xưa, người ta luôn cố gắng làm cho thực đơn ngày lễ thật phong phú, thậm chí ngay cả những gia đình bình dân cũng làm bánh kulich cũng như tô vẽ trứng rất cầu kì.

Bánh kulich là món đặc sản nghi lễ cổ xưa nhất. Người ta nướng bánh kulich để tưởng nhớ  chuyện Chúa Jesus thết đãi các môn đệ bằng bánh mì, để họ tin tưởng vào sự phục sinh thần kỳ của Chúa. Kulich cũng được nướng như bánh mì, nhưng có vị ngọt hơn. Kulich làm bằng thứ bột đặc biệt, có dạng hình trụ cao, và trong ruột thường có nho khô hay mứt quả. Phía trên mặt bánh được phủ bột đường, trang trí màu sắc và có vị ngọt. 


Kulich là món bánh không thể thiếu trong dịp lễ Phục sinh ở Nga

Người Nga thường vẽ và tô màu cho trứng trong dịp lễ Phục sinh. Những quả trứng được tô vẽ nghệ thuật luôn là niềm tự hào của mỗi gia đình. Trứng Phục Sinh được nhuộm màu rực rỡ, tô điểm hoa văn, rắc trang kim óng ánh. Mọi người tặng trứng cho nhau để cầu may và cho rằng quả trứng Phục Sinh được ban phước thánh sẽ mang lại cho ta sức khỏe và vạn sự tốt lành.


Còn thêm một món ăn cổ điển nữa trong kỳ Phục Sinh, được chuẩn bị bằng váng sữa đông với kem, mang hình dáng một kim tự tháp, trong đó có thêm nho khô hay trái cây. Đây là biểu tượng gợi nhớ  về Calvary - ngọn đồi ở Jerusalem, nơi Chúa Kitô chịu khổ nạn đóng đinh.


Bánh kulich, món váng sữa đông và trứng nhuộm màu – từ lâu đời đã thành tập tục  nghi lễ bắt buộc trong dịp lễ Phục sinh.

Trong Ngày Thánh vĩ đại thứ Bảy trước lễ Phục Sinh, các tín đồ Chính thống mang các món ăn đặc trưng này tới nhà thờ để được linh mục đọc lời cầu nguyện và vẩy nước thánh ban phước lành. Sau đó, các món ăn này được bày trên bàn và cả gia đình ban hữu cùng quây quần thưởng thức đặc sản Phục Sinh cùng với những món ăn lễ hội khác mà mỗi gia đình đều có thực đơn riêng của mình.

Các món ăn đặc trưng dịp Phục sinh được linh mục đọc lời cầu nguyện và vẩy nước thánh ban phước lành

Lễ phục sinh vẫn luôn là ngày lễ gia đình quan trọng, thường được tổ chức giữa những thành viên trong gia đình. Thi thoảng vẫn có sự góp mặt của các thành viên ở xa. Tất cả đèn và nguồn sáng trong nhà đều được thắp sáng. Còn trong các nhà thờ người ta cho thắp nến rực rỡ trong suốt quá trình hành lễ.

Khi đến thăm nhà nhau, người ta nhất định phải mang theo 1 quả trứng đã tô vẽ, và chào nhau bằng câu: “Chúa Kito đã sống lại – Người thực sự đã sống lại”, hôn 3 lần và trao đổi trứng cho nhau.  Truyền thống này được cho rằng chỉ có trong đạo của người Slavơ, còn các đạo giáo khác trên thế giới thì không.

Ngoài ra trong suốt thời kì lễ Phục sinh, người ta cũng tiến hành chia sẻ tiền bạc, trứng và bánh  cho những người hành khất, để họ cùng được hưởng phước lành của Chúa Phục sinh.

Trò chơi giải trí

Sau nhiều ngày ăn chay cũng như thiếu vắng các hoạt động vui vẻ, các tín hữu chào đón ngày Lễ Phục sinh với tất cả niềm hân hoan. Do đó người ta đã nghĩ ra rất nhiều trò tiêu khiển không chỉ được trẻ em mà cả người lớn yêu thích.

Một trong những trò giải trí hấp dẫn nhất là trượt trứng. Để chơi trò này cần một mặt bàn hoặc sàn nhà, miễn là bằng phẳng. Ngoài ra cũng cần thêm 1 máng trượt dốc và 1 tấm chăn. Người ta cho trứng lăn từ trên máng trượt xuống tấm chăn, sao cho trứng không vỡ thì sẽ thắng. Người thắng cuộc có quyền thu lại số trứng vỡ cho mình. Trò chơi càng có nhiều người tham gia thì càng vui và hấp dẫn.

Trò chơi trượt trứng

Những tục lệ và điềm báo

     Hiện nay vẫn còn lưu truyền nhiều truyền thuyết, tục lệ, các điềm báo không được nhà thờ thừa nhận, nhưng lại khá phổ biến trong nhân dân.

Ví dụ như dịp Phục sinh:
    - Các cô gái trong bất kì trường hợp nào cũng không được bốc muối bằng tay để tránh tay ra       mồ hôi.
    - Những đứa trẻ sinh vào dịp lễ phục sinh sẽ luôn khỏe mạnh và thành công.
    - Nước được lấy từ giếng vào đêm phục sinh được coi như nước thiêng, khi vẩy vào trong nhà    có thể xua đuổi những điều hắc ám, xấu xa.
    - Vào dịp phục sinh không nên say xỉn cũng như tức giận.
    - Người ta tin rằng nếu trong ngày đầu tiên của lễ phục sinh lăn quả trứng đầu tiên được mang     đến 1 vòng quanh sân, thì có thể xua đuổi các linh hồn ma quỷ.
    - Còn nếu người phụ nữ trẻ muốn nhanh chóng xuất giá, thì trong lễ phụng thánh, cô ấy phải       nói: “Hỡi chúa Phục sinh! Hãy mang cho con người đàn ông định mệnh”

Còn nữa, trong lễ Phục Sinh cũng có thể xuất hiện các điềm báo tình yêu:
    - Nếu bạn vô tình đụng cùi chỏ vào ai đó, người này sẽ bắt đầu nhớ nhung bạn.
    - Nếu môi bị ngứa, không tránh khỏi những nụ hôn.
    - Ngứa lông mày – sẽ tìm được người trong mộng.
    - Nếu có côn trùng rơi vào bát súp, các cô gái sẽ nhanh chóng có người hò hẹn.

Lễ hội "Món quà Phục Sinh" 2017 ở Moskva

Cũng như các năm trước, sắp tới ở Moskva sẽ diễn ra Lễ hội "Món quà Phục Sinh". Lễ hội sẽ được tổ chức tại 24 địa điểm ở trung tâm thành phố từ ngày 12 đến 23 tháng Tư năm 2017.(tham khảo chương trình lễ hội tại https://www.mos.ru)

Năm nay, tại lễ hội Phục Sinh, bạn sẽ có thể tìm hiểu về truyền thống của lễ Phục sinh qua các giai đoạn lịch sử khác nhau dưới các thời thị trưởng thành phố. Mỗi thị trưởng đã cố gắng để tổ chức lễ hội Phục Sinh trang trọng và rực rỡ ở Moskva.



Tham gia vẽ trứng trên đường phố vào dịp Phục sinh

Tổng hợp
Nguồn: tiengnga.net, vn.sputniknews.com, mos.ru
32 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.