Chuyên mục
Cố nhà báo Nga Petr Aleshin với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cố nhà báo Nga Petr Aleshin với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam

Thứ hai 01/09/2014 11:22 GMT + 7
Ở Việt Nam và ở Nga hiện nay có lẽ còn rất ít người biết đến nhà báo Liên Xô Pê-trô-vich A-le-sin (Petr Petrovich Aleshin) - một người đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1957 đến năm 1960 với tư cách là một phóng viên chiến trường, sau đó đã nhiều lần trở lại Việt Nam với các tư cách khác nhau. 

Tuy nhiên, đối với giới Việt Nam học người Nga thế hệ thứ nhất, thứ hai thì nhà báo Pê-trô-vich A-le-sin không chỉ là bậc tiền bối, bậc thầy về tiếng Việt mà còn là người am hiểu sâu sắc về truyền thống, văn hóa, lịch sử, văn học Việt Nam và võ thuật, y học cổ truyền phương Đông. Nhà báo Pê-trô-vich A-le-sin có mặt tại Việt Nam trong những năm đầu xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc chỉ vài năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã đặt chân đến nhiều địa phương của Việt Nam, đồng thời cũng tham dự vào hầu hết các sự kiện quan trọng trong quan hệ Việt - Xô diễn ra tại Việt Nam, có mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đó. 
 

Nhà báo Petr Petrovich Aleshin.

Nhà báo Pê-trô-vich A-le-sin sinh ngày  28/9/1922, sau khi tốt nghiệp Đại học chuyên ngành tiếng Việt ông làm việc tại Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Liên Xô, sau đó làm việc tại các cơ quan như Hãng thông tấn APN, tiền thân của Hãng thông tấn Ri-a Nô-voxti (Ria Novosti) (nay là Hãng thông tấn Nước Nga ngày nay - MIA Russian Today)... và cuối cùng là Nhà xuất bản Tiến bộ trước khi nghỉ hưu năm 1995. Chính trong thời gian làm việc tại Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Liên Xô, ông Pê-trô-vich A-le-sin đã có những năm tháng trải nghiệm đặc biệt tại đất nước Việt Nam xa xôi với nhiều khó khăn, vất vả, song cũng rất hào hùng và gần gũi khi ông đã có thể nói và viết tiếng Việt gần như người Việt, có nhiều người bạn Việt Nam quanh mình. Và đặc biệt là nhà báo Pê-trô-vich A-le-sin và gia đình đã nhận được những tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
 

Petr Aleshin phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế tại Moskva

Theo thông tin và tư liệu gia đình cố nhà báo Pê-trô-vich A-le-sin, từ năm 1957 trước khi sang Việt Nam công tác, ông đã có cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi là phiên dịch cho Bác tại Hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế ở Mát-xcơ-va (Moskva) tháng 11/1957. Trong thời gian công tác tại Việt Nam, ông đã nhiều lần tới Phủ chủ tịch và nhà sàn Bác Hồ để tiếp kiến và phỏng vấn Bác, nhiều lần tháp tùng và phiên dịch cho các lãnh đạo Liên Xô sang thăm và làm việc với Bác Hồ và các lãnh đạo Việt Nam. Trong căn hộ ở quận Tây Nam thủ đô Mát-xcơ-va, nơi nhà báo A-le-sin sống những năm tháng cuối đời, bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp chung với gia đình vẫn được treo trang trọng. Bà Êlêna Alesima (Elena Aleshina), con gái ông A-le-sin, đến nay đã ngoài 60 tuổi vẫn nhớ kỷ niệm được chụp ảnh với Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch. Trong các bức ảnh mà gia đình còn lưu giữ, cô bé Lêna (tên gọi của bà Êlêna khi còn nhỏ) có khuôn mặt bầu bĩnh, cắt tóc ngắn lúc đầu còn ngồi khoanh tay ngay ngắn bên cạnh Bác vẻ mặt có chút ngượng ngùng, sau đó được Bác bế vào lòng mà mắt sáng ngời hạnh phúc, ngước nhìn chòm râu dài của nhà lãnh đạo Việt Nam. Ngoài ra, theo hồi ức của các học trò nhà báo A-le-sin, thì Bác Hồ cũng là người thầy đầu tiên giảng cho ông thế nào là khí công khi ông tình cờ thấy Bác đang tập tại khu vực nhà sàn trong Phủ Chủ tịch vào một buổi sáng sớm. Sau này, nhà báo A-le-sin đã thỉnh giáo, luyện tập khí công với một số võ sư người Việt và đạt đến trình độ có thể sử dụng phương pháp này để chữa bệnh kết hợp với Đông y. 
 

Petr Aleshin và con gái Lena chụp ảnh chung với Bác Hồ
 


Bé Lena chụp ảnh với Bác Hồ
 

Lena ngước nhìn chùm râu dài của Bác
 

Bác Hồ và các lãnh đạo Việt Nam tại Trường bay Gia Lâm

Ngoài các bức ảnh kỷ niệm chụp với Bác Hồ và được Bác ký tặng ảnh chân dung, trong các ảnh tư liệu mà gia đình còn lưu giữ được còn có các bức ảnh của các nhà lãnh đạo tiền bối của Việt Nam như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... với thủ bút "thân tặng người bạn tốt A-lô-shin (Alosin)". Trong bức ảnh chân dung cố Chủ  tịch Tôn Đức Thắng ký tặng ông A-le-sin có ghi "Đây là tiêu biểu cho tình hữu nghị Việt - Xô. Được thân ái biếu đồng chí A-lô-shin giữ làm vật kỷ niệm. Chúc sức khỏe, chúc gặp lại ở Sài Gòn. Ngày 5-4-1960". 
 


Petr Aleshin và Bác Tôn

 
Chân dung Chủ tịch Tôn Đức Thắng và lời đề tặng P. Aleshin
 


Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lời đề tặng
 
Bản thảo thư ông Petr Aleshin gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Trong những năm tháng ở Việt Nam, cố nhà báo A-le-sin đã đặt chân đến nhiều địa phương, từ các tỉnh miền núi phía Bắc tới cột cờ giới tuyến bên bờ sông Bến Hải... ghi lại những hình ảnh chân thực về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, về cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam cách đây gần 60 năm. Bên cạnh công tác phóng viên, ông còn quan tâm nghiên cứu tới văn học, lịch sử Việt Nam và sau này là võ thuật và cả Đông y. Tuy là một bậc thầy về ngôn ngữ tiếng Việt, được các thế hệ các nhà Việt Nam học thế hệ sau khâm phục, song nhà báo A-le-sin không viết hay dịch nhiều sách tiếng Việt, chỉ có một công trình dịch thuật được giới chuyên môn đánh giá là rất khó, đó là cuốn sách "Châm cứu học" (Viện Đông y,  NXB Y học Hà Nội 1978), được NXB Mát-xcơ-va ấn hành năm 1988. Sách dày hơn 670 trang, giới thiệu về lịch sử và các phương pháp chữa bệnh bằng Đông y, thuật châm cứu, huyệt đạo... đến nay vẫn được giới Y học Nga coi như cẩm nang về Y học phương Đông.
 

P. Aleshin tại Bờ Hồ cuối những năm 50
 

P. Aleshin tại Việt Nam
 

P. Aleshin bên xe công vụ trong một chuyến công tác

P. Aleshin và gia đình bà Bảo Lan
 

Miền Bắc qua ống kính phóng viên P. Aleshin.jpg

Nhà báo Pê-trô-vích A-le-sin  mất ngày 22/4/2005. Cuộc đời, sự nghiệp và mối quan hệ thân thiết của ông với Bác Hồ và các nhà lãnh đạo tiền bối của Việt Nam, sự gắn bó và tình cảm của ông đối với đất nước Việt Nam vẫn còn điều chưa được biết đến. Song lúc sinh thời, ông luôn có một tình yêu đặc biệt đối với Bác Hồ và những người bạn Việt Nam. Đây là điều mà người thân và các học trò của nhà báo A-le-sin luôn nhấn mạnh khi nhớ về ông./.

Đoan Hải, VOV Moscow
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.