Chuyên mục
Văn Miếu 'khoác áo mới': Thâm trầm cổ kính 'bay đi ít nhiều'
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Văn Miếu 'khoác áo mới': Thâm trầm cổ kính 'bay đi ít nhiều'

Thứ bảy 14/01/2017 09:28 GMT + 7
Nét rêu phong cổ kính của Văn Miếu – Quốc Tử Giám – một “đặc sản” khó thay thế của Hà Nội nghìn năm văn hiến dường như đã “bay đi ít nhiều” sau một lớp vôi trắng.

Tôi vẫn còn cảm xúc từ những ngày là học sinh cách đây đã nhiều năm, một trong những thứ thu hút, thôi thúc và là động lực cho “học trò quê” như tôi về Hà Nội học đại học ấy chính là biểu tượng Khuê Văn Các thiêng thiêng, là Văn Miếu – Quốc Tử Giám cổ kính trong những trang thơ văn, phóng sự, hình ảnh cập nhật trên ti vi, báo đài.

Ngày thi đại học, cứ lớp sinh viên đi trước truyền lại cho sĩ tử đi sau, phải đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám một lần, chắp tay trước hàng dài bia tiến sĩ và kính cẩn cúi đầu để được những bậc hiền tài năm xưa “độ trì” mới tự tin vượt “ải vũ môn”. Và như có phép màu nhiệm tồn tại, nhóm bạn bè chúng tôi ngày ấy quê mùa trong nón lá, quần loe, áo sơ mi trắng bỡ ngỡ, trầm trồ trước mọi không gian, cảnh vật của Văn Miếu - Quốc Tử Giám - bây giờ đều đỗ đạt và trưởng thành bằng những nỗ lực và cố gắng hết sức mình.

Nhiều hạng mục của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được quét một lớp vôi trắng.

Cứ như thế, nét cổ kính đã thấm vào nếp cảm, nếp nghĩ của mỗi con người yêu Hà Nội, tôn vinh sự học muôn đời. Màu rêu phong, cổ kính không chỉ là nét đẹp xưa cũ mà còn khẳng định sự trường tồn vĩnh cửu với thời gian của những giá trị phi vật chất không gì thay thế được.

Màu rêu phong cổ kính ấy cũng là biết bao thăng trầm của lịch sử, là cha ông ta đã đổ bao mồ hôi, xương máu, hi sinh cả tính mạng để gìn giữ cho đến tận bây giờ.

Quét vôi cho Văn Miếu Cứ cho là mọi thứ đang được làm đúng quy trình, cái gì cũ kỹ cũng phải có giai đoạn trùng tu, bảo dưỡng thậm chí là thay thế bằng những vật liệu nguyên bản nếu cái cũ không thể tồn tại. Nhưng cố gắng để gìn giữ biểu tượng như nó vốn có mới khó, còn dùng công nghệ quét vôi thì lại quá dễ dàng. Không thể để di tích thành phế tích, không thể để những nét đẹp biểu tượng bị hủy hoại theo thời gian, nhưng càng không thể đánh đồng cái gọi là “trùng tu”, “tu bổ” với những việc làm tùy tiện.

Sự tùy tiện trong bất cứ việc gì cũng là khó chấp nhận, tùy tiện với một giá trị văn hóa ngàn năm lại càng không thể chấp nhận được. Với những giá trị biểu tượng, cũ kỹ, nếu không biết cách làm mới thì sẽ rất nguy hiểm. Nó có thể tàn phá di tích trong vỏ bọc của sự “tu bổ”. Đó là những lo lắng rất thật của dư luận, của những người trăn trở, lưu luyến với “hồn di tích”.

Bản sắc và lịch sử sẽ mang màu gì sau lớp vôi nhân tạo? Màu trắng sáng có thể soi chiếu rõ nhiều điều nhưng đối với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cái trắng sáng của lớp vôi có làm nên dáng hình cho ngàn năm Thăng Long thành cổ? Hay cái trắng sáng hôm nay đã vô tình làm lu mờ cả bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa? Những cái mới thường dễ mang đến sự phấn khích bởi cảm giác choáng ngợp, ngỡ ngàng, nhưng giá trị lại nằm trong những điều lắng đọng.

Cuộc sống phát triển hôm nay không thiếu những công trình hiện đại, đẹp và mới. Cái mà chúng ta cần là gìn giữ những gì đã thành biểu tượng của ngàn năm, đã trải qua bao thăng trầm thời gian mà có được. Lịch sử, thời gian không lặp lại hai lần, màu vôi trắng hôm nay có thể sẽ lại mờ đi theo năm tháng nhưng nét cổ kính và hồn cốt của Văn Miếu – Quốc Tử Giám bao đời nay không phải điều dễ dàng có được trong một vài năm.

Hiện nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tiêu biểu như các hội thảo khoa học, triển lãm chuyên đề; tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội; trao giấy chứng nhận học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư hay tổ chức thường niên Hội sách, ngày thơ Việt Nam… Ít nhiều, trong những lý do chọn Văn Miếu cho các hoạt động văn hóa là bởi sự liêng thiêng từ ngàn năm còn đọng lại. Bây giờ, ngàn năm ấy còn không?

Còn, tất nhiên, ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy Văn Miếu từ ngàn năm trước vẫn còn ở đó – sừng sững như một biểu tượng của Hà Nội, biểu tượng của nước Việt nhưng chiếc “áo mới” đã khiến nơi đây không được là nguyên vẹn nữa. Nói như nhà thơ Nguyễn Bính, cái “thâm trầm cổ kính” ngàn năm qua – của Văn Miếu – Quốc Tử Giám với những giá trị biểu tượng nay đã “bay đi ít nhiều”.

Mai Ngọc Thu

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Nguồn: nguoiduatin.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.