Chuyên mục
Trẻ vô cảm - Lỗ hổng trong văn hóa gia đình
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Trẻ vô cảm - Lỗ hổng trong văn hóa gia đình

Chủ nhật 11/12/2016 08:17 GMT + 7
Nhiều cha mẹ chú trọng quá nhiều đến văn hóa sách vở, thi cử, học thêm... mà không để ý đến việc dạy con văn hóa trong gia đình. Nhiều người đã thực sự “sốc” khi chứng kiến những “thần đồng” trong tương lai có cách xử sự với người lớn một cách “khó hiểu”.

Chị Hoàng Thùy (Kim Liên, Hà Nội) kể lại: “Được mời đến mừng cậu con trai của chị bạn vừa đỗ học bổng của một trường đại học danh tiếng ở Mỹ, tôi vô cùng ngạc nhiên với cách xử sự của một chàng trai được cho là một thạc sỹ, tiến sỹ trong tương lai.

Khi tôi bước vào nhà, cậu ta chỉ giương mắt nhìn không chào hỏi, cho đến khi mẹ nhắc: “chào bác đi con” cậu mới lí nhí một câu rồi chẳng nói chẳng rằng, đi thẳng vào phòng riêng. Khách khứa đến đông đủ, cậu vẫn ở lỳ trong phòng, khi chị bạn tôi gọi đến lần thứ 3 thì nghe một giọng nói gắt gỏng vọng ra: “Ăn thì cứ ăn, ra hay không thì quan trọng gì”. Chị bạn tôi ngượng chín mặt với khách nhưng vẫn cười lấp liếm: “Nó học nhiều quá đâm ra khó tính vậy đấy”.

Suốt cả bữa ăn, cậu ta hầu như không trả lời câu hỏi quan tâm của mọi người, cậu ta chỉ cắm cúi ăn cho xong rồi buông đũa đứng dậy đi vào phòng, tuyệt nhiên đến lúc khách về cũng không ló mặt ra.

Giáo dục cần phải coi trọng đến văn hóa gia đình, đó là ông bà, bố mẹ

Trên đường về, chồng tôi cứ thắc mắc mãi về thái độ khó hiểu của cậu ta. Tôi thì được biết, chị bạn đầu tư rất nhiều cho con về việc học hành. Ngay từ bé, việc học của con đã được bạn tôi đưa lên thứ tự ưu tiên hàng đầu, thậm chí chị còn thuê hẳn một người chuyên đưa đón con đi học thêm trong suốt những năm học phổ thông. Có được thành quả ngày hôm nay quả thật không phụ công chị. Nhưng tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó nuối tiếc cho chị ấy”.

Mới đây, trong một buổi thăm và làm việc tại một trường đại học, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ rất trăn trở khi nhiều phụ huynh quá chú trọng nâng cao kiến thức phổ thông cho con song lại quên mất dành thời gian để giáo dục con lề lối, khuôn phép giao tiếp với người thân.

"Giáo dục của chúng ta phải rất coi trọng đến văn hóa gia đình, mà trước hết là với ông bà, cha mẹ, người thân phải được tôn trọng trước. Bản thân có giao tiếp với người thân, với bố mẹ tốt thì người ngoài nhìn vào họ mới quý mình....", ông nói.

Trăn trở này không phải là không có cơ sở khi mỗi ngày phụ huynh càng chú trọng đến việc bổ sung kiến thức văn hóa cho con cái mà quên mất việc dạy con văn hóa gia đình. Trở thành một người có nhân cách tốt khi trưởng thành hoàn toàn không dễ. Không thể chủ quan khi cho rằng “cha mẹ sinh con trời sinh tính” mà câu nói “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” rất đúng đối với trẻ. Giáo dục con cái không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng những công việc cụ thể, mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn có có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của trẻ.

Người xưa có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”, cho đến nay không thể phủ nhận ý nghĩa đúng đắn của nó. Con trẻ  trước hết phải học được những thái độ ứng xử phù hợp với lề thói xã hội, sau đó, khi đã có được một nhân cách hoàn thiện thì mới bắt đầu học đến những bộ môn khoa học khác, đấy là “hậu học văn”. Một đứa trẻ được dạy dỗ cẩn thận sẽ biết kính trên nhường dưới, biết “cảm ơn”, “xin lỗi” đúng lúc, biết phân biệt phải trái để có những hành động đúng mực đối với mọi người. Hơn nữa, khi đã được dạy dỗ thì chúng sẽ biết suy nghĩ để làm việc, học tập nghiêm túc, chăm chỉ, không phụ lòng những người đã tin tưởng mình. Sự thành đạt của một đứa trẻ bắt nguồn từ nền giáo dục văn hóa trong gia đình.

Một phụ huynh có con vừa đạt giải thưởng toán học quốc tế dành cho bậc tiểu học buồn rầu tâm sự: “Quả thật ban đầu tôi cũng chỉ chú tâm vào chuyện học hành của con. Bất kể việc gì cũng không để con làm. Vì thời gian học quá nhiều, nó cũng nản nên nó thích gì tôi chiều nấy. Kể cả việc nó giận dỗi, đối xử hỗn láo với người trong nhà tôi cũng không dám trách phạt vì sợ nó nghỉ học. Bắt được điểm yếu của cha mẹ, càng ngày con bé càng khó bảo. Ngay trước những kỳ thì quan trọng, nó chỉ cần bỏ ôn luyện hoặc dọa không thi là vợ chồng tôi lo sốt vó. Bây giờ lên lớp 5 nhưng con bé chẳng biết chào hỏi, không biết làm việc nhà. Ông bà ốm cũng không cất lời hỏi thăm hay quan tâm gì cả. Có lần bố nó ốm phải nằm viện, bảo nó trông nhà để mẹ mang cơm vào viện, con bé còn hỏi lại tôi là trông nhà có được thưởng cái gì thì nó mới chịu. Tôi ứa nước mắt vì buồn. Bây giờ việc học tập của con tôi tiến triển rất tốt, nhưng tôi không dám chắc sau này nó có đủ thiện cảm đối với những người xung quanh để tồn tại ngoài xã hội. Chồng tôi thì cho rằng, chúng tôi sẽ phải bớt việc học thêm của con để cho con đi học kỹ năng sống”.

Trẻ em từ nhỏ nên được cha mẹ giáo dục từ gia đình và nhà trường, nên được rèn luyện một nếp sống, một nền tảng đạo đức bởi “cây non dễ uốn”. Khi lớn dần lên, cha mẹ vẫn cần dạy con những kỹ năng sống cần thiết như hoạt động nhóm, giao tiếp xã hội, nói trước đám đông. Lễ nghĩa trong gia đình, kỹ năng trong giáo tiếp giúp cho trẻ lớn lên có thái độ sống tích cực, đó là điểm tựa để trẻ khi trưởng thành có thể thành công trong mọi việc.

Gia đình có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. Nếu nhân cách của con người bao gồm hai mặt đức và tài, thì gia đình là nơi nuôi dưỡng đạo đức và gieo mầm tài năng.

Các bậc cha mẹ có thể sẽ chính là người “giết chết” tương lai của con cái khi “quên” dạy con văn hóa truyền thống trong gia đình.

Bảo Anh
Nguồn: giadinhvietnam.com
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.