Chuyên mục
Tâm thư của một người Việt muốn sống lương thiện!
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Tâm thư của một người Việt muốn sống lương thiện!

Thứ sáu 18/07/2014 22:10 GMT + 7
Làm người khó, làm người tốt còn khó hơn gấp bội. Nhiều người làm việc tốt xong còn bị chửi là ngu. Thời gian gần đây khá nhiều kẻ gian đã kiếm tiền bằng việc lợi dụng tấm lòng nhân ái, bao dung, thiện nguyện của những người xung quanh khiến cho người khi biết mình bị lừa đều rất bức xúc và mất niềm tin.

Cảnh giác mà vẫn bị lừa

Từ trước đến giờ Lan vẫn nghe mọi người đồn thổi chuyện có những kẻ lừa đảo nhờ đi lừa xe rồi tìm cách cướp giật, chiếm đoạt tài sản nên cô rất cảnh giác. Đang đi trên đường mà có người vẫy xin đi nhờ xe cô không bao giờ dừng lại, dù trong thâm tâm cũng cảm thấy có chút áy náy.

Hôm ấy sau khi lấy xe trong nhà xe ra, Lan đứng lại mặc áo mưa vì trời đang mưa rất to, thì có một cậu tự xưng là sinh viên xin đi nhờ xe ra bến xe bus trên đường Nguyễn Tuân để bắt xe về nhà. Nghĩ thấy trời mưa to, cậu ta lại không có áo mưa mà bến xe bus cũng gần (chỉ cách trường tầm 500m) nên Lan đồng ý cho cậu ta đi nhờ.

Vừa lên xe cậu ta đã ngồi sát sịt vào Lan, nhưng vì cho cậu ta che nhờ áo mưa nên cũng không tránh được. Đi được một quãng 20m thì đột nhiên Lan thấy túi áo của mình bị chạm nhẹ bởi cái gì đó, sau là đến túi quần rất nhanh và nhẹ. Vốn có tinh thần cảnh giác nên Lan phản ứng rất nhanh. Cô đưa tay trái nắm chặt lấy con điện thoại trong túi quần rồi hỏi: "Em làm gì thế?" thì cậu ta trả lời "Dạ, không ạ" nhưng vẫn cố lướt nhẹ qua chiếc túi bên phải của Lan một lần nữa.

Sau khi thả cậu ta ở điểm chờ xe bus, Lan mới chợt nghĩ "Tại sao ngay gần cổng trường mình cũng có điểm xe bus mà cậu ta lại phải ra bến xe bus ở tận đường Nguyễn Tuân để bắt xe?", "Nếu là người đàng hoàng thì sao cậu ta lại có hành động kì lạ như thế?". Kể lại chuyện này với mấy cô bạn, Lan hú hồn bởi may mắn đã không có chuyện gì bất trắc xảy ra với cô. Đã có rất nhiều trường hợp người đi nhờ xe giở trò thôi miên hay dí dao vào người để cướp tài sản. Cứ nghĩ cậu ta cũng là sinh viên thì giúp, ai dè… Lan lắc đầu tặc lưỡi, lần sau chắc chả dại thế nữa.

Đôi khi muốn làm người tốt cũng khó. (Ảnh minh họa)

Là người từng trải và có tính đa nghi, Duy rất đề cao cảnh giác với những vụ việc lừa đảo như xin tiền đổ xăng, về quê… Thế nhưng trong lần chở người yêu đi chơi về khuya, anh gặp một bác trông rất nghèo khổ dắt chiếc xe Cub 50 cũ đi bộ trước trạm xăng, anh đã ra tay giúp đỡ.

Lúc anh đổ xăng xong, bác đó đến gần nói nhỏ cho bác xin một ít tiền đổ xăng vì nhà ở tận cầu Diễn. Bác trình bày hoàn cảnh là đi công chuyện về trễ, trong người không còn tiền và bây giờ đang lúc giữa khuya, không có ai giúp, bác chỉ xin ít tiền đổ xăng để đi được về tới nhà.

Duy đã gặp nhiều trường hợp xin tiền xăng như vậy nên cảnh giác cao, đành nói anh không mang nhiều tiền nên không giúp được. Bác tỏ vẻ buồn rầu, cúi mặt cảm ơn và bước đi. Lúc đó, anh nhìn bác ấy rất tội nghiệp nhưng do tính nghi ngờ cao, anh chỉ đứng đó quan sát thêm. Bác lầm lũi bước đến quán trà đá gần đó xin cũng không ai cho. Anh đã thật sự chạnh lòng lắm.

Thế là anh liền gọi bác ta lại và bảo anh sẽ không cho bác tiền nhưng sẽ đổ cho bác một ít xăng để về nhà. Bác cảm ơn anh rối rít và có vẻ rơm rớm nước mắt.

Sau khi đi khỏi, Duy cảm thấy rất vui vì anh đã làm được một việc tốt. Chuyện đó sẽ không đáng kể gì nếu gần một tháng sau anh cũng đổ xăng chỗ đó, và lại nhìn thấy người đàn ông với chiếc xe cà tàng và câu chuyện không có tiền mua xăng như cũ. Anh cười khẩy, ở đời đúng là có nhiều chuyện nực cười, bận sau chắc anh chả dám làm người tốt nữa.

Xã hội càng nhiều kẻ lừa đảo, con người càng sống vô cảm hơn. (Ảnh minh họa)

Thương người thì hại đến thân

Vốn là người có lòng từ bi từ nhỏ, nếu có nhỡ gặp người ăn xin hay trẻ em cơ nhỡ trên đường, cô cũng xót xa mà đứng lại cho người ta vài đồng. Gần đây khi nghe đài báo cũng như mọi người xung quanh nói nhiều về những câu chuyện nâng cao cảnh giác, giờ lừa đảo nhiều lắm, người tốt ít kẻ xấu nhiều, Thảo cũng đâm ra chột dạ. Một hôm có việc phải đi đến trường Chu Văn An, cô nhìn thấy một cậu thanh niên ôm mẹ nằm vật ở vỉa hè kêu hừ hừ, dù đã phóng xe đi qua rồi mà cô còn quay lại hỏi han. Cậu bé đó nước mắt ngắn nước mắt dài bảo mẹ cậu bị ốm nặng không có tiền mua thuốc, hai mẹ con không có tiền về quê ở tận miền Nam, giờ chỉ biết vật vờ nằm đây xin lòng thương hại của mọi người để sống qua ngày. Nghĩ hoàn cảnh hai mẹ con cậu bé đáng thương, Thảo đang định rút tiền ra giúp thì cô có điện thoại gọi đến. Cô vừa nghe xong điện thoại thì có một chị chạy xe qua bảo “đi đi em”, Thảo phóng xe đuổi theo hỏi thì chị ấy bảo hôm trước chị ấy bị nó lừa cho hết không còn đồng nào trong túi, Thảo hoảng hốt, may mà cô chưa bị lừa. Cô chán nản lắc đầu, thế mới thấy làm người tốt bây giờ khó quá. Đúng là ở đời, nhiều khi làm phúc phải tội, thương người thì hại đến thân.

Thương người thì hại đến thân, tốt nhất là cứ "bơ" đi mà sống. (Ảnh minh họa)

Phúc cũng gặp một chuyện mà có khi anh cạch đến già. Hôm ấy trên chuyến xe khách về quê, anh gặp một cô bé rất xinh xắn đoán chừng cũng là sinh viên về quê thăm nhà. Giá vé xe khách về Nam Định là 60k nhưng cô bé chỉ có 40k trong túi. Dù hết lời xin xỏ phụ xe nhưng anh ta không đồng ý và bảo cô bé nếu không đủ tiền thì xuống xe. Nhìn khuôn mặt khổ sở của cô bé, Phúc liền rút ra 20k đưa cho phụ xe bảo anh trả tiền hộ cho cô bé đó. Thế là cô bé được yên ổn ngồi trên xe về nhà. Lúc về tới gần nhà cô bé đòi xuống, anh phụ xe liền trêu cô bé: “Em không cảm ơn anh ấy à, có khi phải xin số liên hệ làm quen chứ nhỉ?” thì cô bé đáp gọn lỏn: “Ngu thì chết bệnh tật gì”.

Cả xe lặng thinh, còn Phúc thì ngỡ ngàng, thì ra lòng tốt của anh đã đặt không đúng chỗ. Ra tay làm phúc còn bị chửi là “ngu”. Anh ngậm ngùi: Đúng là to đầu mà dại, lại còn bị chửi là “dại gái” nữa mới “đau” chứ. May mà anh chỉ phải trả 20k, cái giá quá rẻ cho một bài học cảnh giác.

Con người ngày càng sống khép kín hơn vì sợ bị lừa. (Ảnh minh họa)

Nhung còn gặp một quả đắng hơn nữa khi lòng tốt của cô bị lợi dụng để kiếm chác. Là nhân viên văn phòng nên Nhung có nhiều thời gian ngồi trên mạng, lướt web. Cô tham gia vào một diễn đàn chuyên về gia đình nổi tiếng trên mạng. Trong một lần đang online trên diễn đàn, cô thấy một thành viên khác tên là T.L đã đăng một bài tâm sự về hoàn cảnh thương tâm của mình.

Trước cảnh một người phụ nữ khổ sở, bị chồng phụ bạc, phải một mình nuôi con nhỏ, bị bệnh hiểm nghèo, mẹ cũng đang lâm trọng bệnh..., Nhung đã động lòng trắc ẩn. Cô nhiệt tình kêu gọi mọi người giúp đỡ người phụ nữ này. Nhung và nhiều chị em trên diễn đàn đã liên hệ với người phụ nữ này để động viên tinh thần, chuyển tiền vào tài khoản của chị này để giúp chị vượt qua cơn nguy khó. Thế nhưng một thời gian sau khi kết bạn, Nhung nhận ra T.L dường như có ý định lợi dụng, "đào mỏ".

Tìm hiểu thêm thì hoá ra, hoàn cảnh của T.L không chút nào giống với câu chuyện mà cô đã viết trên mạng. Nhằm kêu gọi lòng thương của mọi người, cô ta đã lên mạng xã hội, lập nick, thường xuyên chia sẻ tâm sự để lấy lòng tin, sau đó kể một câu chuyện đẫm nước mắt, rồi lập nhiều nick giả khác để bày tỏ thương cảm, xác thực cho câu chuyện, kêu gọi cộng đồng chung tay... Với "chiêu bài" này, T.L đã nhận đến vài chục triệu đồng từ tay những người phụ nữ giàu nhân ái khác.

Sau khi phát hiện ra sự thật, Nhung đã báo cho quản trị của diễn đàn để khóa nick của T.L và viết bài kêu gọi mọi người cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo mới này.

Mọi người trên diễn đàn ai cũng phẫn nộ vì đã đặt niềm tin không đúng chỗ, bị lừa đảo trên lòng thương người của mình.

Thời gian gần đây những câu chuyện lừa đảo dưới nhiều hình thức đang ngày càng phổ biến và không bị xử lý đã gây rạn nứt, mất lòng tin trong xã hội, khiến nhiều người trở nên chai sạn, cảnh giác và khép mình hơn với những hoàn cảnh đáng thương, vì ai cũng sợ khi mở lòng thì lòng tốt của mình sẽ bị kẻ xấu lợi dụng. Nhiều người cũng muốn làm người tốt, có lòng nhân ái nhưng biết làm sao được khi mà thời buổi này “10m2 có tới 2 tên ăn trộm, lừa bịp”. Câu hỏi “Ai cho tôi lương thiện?” càng trở nên nhức nhối.

Hoàng Anh
Nguồn: vietnamnet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.