Chuyên mục
Nghiệt ngã cảnh nhạc sĩ phải ngửa tay nhận tiền từ thiện
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nghiệt ngã cảnh nhạc sĩ phải ngửa tay nhận tiền từ thiện

Thứ hai 01/09/2014 05:04 GMT + 7

Khi chờ một hành lang pháp lý cũng như 1 chế tài đủ mạnh để bắt buộc các “ông bầu” tôn trọng tác quyền, cần lắm sự tự nguyện và trách nhiệm của các ca sĩ.


Hình ảnh một số nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc đã đi vào huyền thoại phải sống trong cảnh nghèo khổ lúc tuổi già bóng xế khiến khán giả không khỏi ngậm ngùi chua xót. Những hào quang từ sáng tạo của họ đã dành hết cho người khác, chỉ còn lại sự cô đơn, bệnh tật và thiếu thốn.

Những nhạc sĩ gạo cội và tuổi xế chiều cô quạnh

Cách đây không lâu, sự ra đi trong cô quạnh của nhạc sĩ Thanh Bình – tác giả của ca khúc nổi tiếng Tình lỡ khiến nhiều người không khỏi xót xa. Chiếc quan tài đưa ông về với đất mẹ cũng chỉ có được từ sự thiện tâm của nhà chùa. Đám tang ông chỉ có vẻn vẹn khoảng 20 người là những họ hàng gần, xa. Tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của các ca sĩ đã từng thành danh với ca khúc của ông. Một hai người trong số họ chỉ gửi vài triệu đồng tiền phúng viếng.

Nhưng có lẽ, khi đã về với đất mẹ, mọi điều sân – si đều trở nên vô nghĩa. Nhưng những người còn sống phải chịu cảnh nghèo khổ, quạnh hiu càng khiến chúng ta thấy nhói lòng.

Mới đây, hình ảnh nhạc sĩ Vinh Sử, tác giả của hàng loạt ca khúc đã ăn sâu vào nhiều thế hệ yêu nhạc Việt Nam như Nhẫn cỏ cho em, Gõ cửa trái tim, Người phu kéo mo cau, Hai bàn tay trắng, Đêm lang thang, Chuyến xe lam chiều… đang trải qua những ngày tháng khó khăn trong bệnh tật và túng thiếu khiến không ít người cảm thấy xót xa. Hiện, ông phải sống trong căn nhà thuê rộng khoảng 15 m2 ở quận 7 – TP.HCM. Hàng ngày, người vợ cũ của ông phải đi giặt quần áo thuê để trang trải cuộc sống của hai người.


Gần đây nhất, cuộc sống cô quạnh, túng thiếu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được đăng tải trên một số tờ báo khiến nhiều người ngậm ngùi. Nguyễn Văn Tý là một trong những nhạc sĩ có đóng góp vô cùng to lớn cho sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm nổi tiếng của ông như Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre… đã ăn sâu vào trái tim của những người yêu nhạc Việt Nam. Ông cũng là một trong những nhạc sĩ đầu tiên thành lập Hội nhạc sĩ Việt Nam.

Vậy mà, đến cuối đời, Nguyễn Văn Tý phải sống khổ sở trong căn phòng chưa đầy 10m2. Theo lời ông, Trung tâm bản quyền âm nhạc, một số nghệ sĩ vẫn thường xuyên giúp đỡ ông trang trải cuộc sống nhưng vì bệnh tật nên ông vẫn cứ “thiếu trước hụt sau”.


Theo lời của con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trả lời trên một tờ báo điện tử thì ông đã bị bệnh “lẩn thẩn” của tuổi già. Nếu đó là sự thật chăng nữa thì hình ảnh khổ sở của ông càng làm khán giả yêu nhạc thêm xót xa.

Hào quang để lại cho đời…

Khi niềm đam mê âm nhạc và tuổi tác đã “vắt kiệt” sức lực thì họ lại phải đối mặt, thậm chí phải vật lộn với cơm áo gạo tiền. Ánh hào quang của sân khấu ca nhạc không soi rọi đến họ. Những nhạc sĩ già chỉ còn lại quanh mình bệnh tật và sự cô đơn.

Đêm nhạc ủng hộ cho nhạc sĩ Vinh Sử vừa được diễn ra ngày 20.8. Nó mang đến cho khán giả yêu nhạc chút ấm lòng của tình nghệ sĩ.

Những ca khúc của Vinh Sử, Nguyễn Văn Tý hay Thanh Bình vẫn được ngân lên hàng ngày, hàng giờ ở khắp nơi, từ dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ đến các quán bar, thậm chí cả những sân khấu ca nhạc lớn trong và ngoài nước. Các dịch vụ ấy “đẻ” ra hàng tỷ đồng mỗi ngày cho những đơn vị chủ quản. Liệu có quá bất công khi tác giả của những ca khúc “hái ra tiền ấy” phải ngửa tay nhận tiền từ thiện của người hâm mộ hay những đồng nghiệp có tâm?


Nhạc sĩ nghèo: Vì đâu nên nỗi

Nhiều người bức xúc đặt câu hỏi: vì sao những nhạc sĩ tài năng với hàng chục ca khúc làm mưa làm gió suốt nhiều năm qua lại phải sống khổ cực đến vậy? Có lẽ, những lùm xùm về chuyện nhạc sỹ Phó Đức Phương đi “bắt nợ” ngay tại đêm nhạc của Khánh Ly diễn ra thời gian qua ở Hà Nội chính là câu trả lời cho băn khoăn đó.

Rõ ràng, việc tôn trọng bản quyền âm nhạc vẫn chưa được đặt ra một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Liệu Phó Đức Phương có đủ sức để đi “đòi” tất cả các show diễn có bán vé trên khắp cả nước? Khi không làm được điều đó, liệu có ai “tự nguyện” trả tiền bản quyền cho người sáng tác?

Có lẽ, việc trông chờ vào sự tự nguyện của các nhà sản xuất là điều không tưởng. Ngay cả show diễn của Khánh Ly, Ban tổ chức còn thẳng thừng “mời” Phó Đức Phương ra khỏi phòng họp khi ông đến để yêu cầu họ thanh toán tiền bản quyền âm nhạc.

Nó cho thấy, chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý cần thiết cũng như những quy định cụ thể, chi tiết để các nhà sản xuất, những “ông bầu” phải tôn trọng tác quyền.

Tuy nhiên, khi chờ một hành lang pháp lý cũng như 1 chế tài đủ mạnh để bắt buộc các “ông bầu” tôn trọng tác quyền, cần lắm sự tự nguyện và trách nhiệm của các ca sĩ. Nhưng có lẽ hi vọng này cũng chỉ là viển vông.

Sự ra đi của Thuận Yến, Thanh Bình, Phạm Duy cùng cuộc sống đầy bệnh tật và nghèo túng của Nguyễn Văn Tý, Vinh Sử… khiến chúng ta giật mình thảng thốt! Một thế hệ “vàng” của làng nhạc Việt sắp trở thành dĩ vãng. Và, để họ ra đi trong nghèo đói, bệnh tật và sự lãng quên có lẽ là một sai lầm khó có thể tha thứ của lớp hậu thế! Đặc biệt là với những người đã và đang nổi danh bằng những sáng tác của họ!
Nguồn: motthegioi.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.