Chuyên mục
Khán giả truyền hình đang xem cái gì thế?
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Khán giả truyền hình đang xem cái gì thế?

Thứ bảy 27/08/2016 02:16 GMT + 7
"Khi khán giả không lấy tiêu chí thưởng thức nội dung tác phẩm, họ đón xem một nghệ sỹ xuất hiện trong chương trình chỉ vì muốn giải trí, thỏa mãn thú vui bàn luận về tai tiếng của nghệ sỹ đó vừa gây ra và đang được truyền thông khai thác".

NSƯT Đỗ Thanh Hải, đạo diễn chương trình Táo quân, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài THVN (VFC) chia sẻ với VietNamNet về câu chuyện đáng quan tâm phía sau màn ảnh.


Đạo diễn Đỗ Thanh Hải và các nghệ sĩ tham gia Táo quân.

Xã hội đang bị chi phối bởi nhiều thứ 'ảo'

- Táo quân đang dẫn đầu bình chọn hạng mục 'Chương trình của năm' ở VTV Awards năm nay. Anh có bất ngờ về điều này?

Tôi không bất ngờ, kể cả nếu Táo quân 2016 được giải 'Chương trình của năm' ở VTV Awards năm nay. Vì phản hồi từ khán giả với chương trình Táo quân VTV khá tích cực, nhiều lời thoại của Táo quân đã đi vào đời sống, phần thể hiện ở nội dung Vòng quay tham nhũng được khán giả hưởng ứng. Cá nhân tôi cũng thích cả chương trình Tạp chí kinh tế cuối năm: Phẳng hay không phẳng. Đây là 2 chương trình do ê kíp của VTV thực hiện đạt cả về chất lượng nội dung và cả sự kỳ công thực hiện. Tuy nhiên, kết quả giải thưởng phụ thuộc nhiều vào sự lựa chọn của số đông khán giả.

- Điều khiến nhiều người bất ngờ là mặc dù Táo quân dường như không có đối thủ ở hạng mục Chương trình của năm nhưng không một danh hài nào của Táo quân lọt top đề cử Nghệ sĩ hài ấn tượng. Có sự bất thường nào ở đây không anh?

Điều bạn đề cập, một mặt phản ánh xu hướng lựa chọn của khán giả để các nghệ sỹ, nhà sản xuất… có ví dụ cụ thể nhìn nhận thị trường biểu diễn, một mặt cho thấy: Chúng ta đang ít nhắc dần về chất lượng nội dung, sự tác động của tác phẩm đến công chúng, đến xã hội. Nhưng nếu nhìn thấu đáo hơn, ta sẽ thấy: Không chỉ ở mảng hài, nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác cũng vậy, chưa chắc nghệ sỹ tài năng thực sự đã được 'tung hô, xuất hiện ào ào' trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tôi biết, nhiều nghệ sỹ vẫn nỗ lực sáng tạo và đóng góp tài năng để làm nên thành công cho các tác phẩm, nhưng họ không lựa chọn cách xuất hiện ào ạt, không bằng mọi cách gây ra tai tiếng để được nhắc đến. Thời điểm này, xã hội đang bị chi phối bởi nhiều thứ 'ảo', được PR quá mức (cả vô tình hoặc cố ý). Vì vậy, những người làm nghề nên giữ được sự bình tĩnh trước thị trường, đừng bị nó cuốn đi, bị thỏa hiệp với những giá trị ảo.

Thị trường đang đẩy nghệ sỹ hài lên 'mặt tiền'


- Anh nghĩ sao khi hiện nay, nhiều Đài truyền hình, nhất là ở khu vực phía Nam, liên tục sản xuất các chương trình hài và tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Sau giai đoạn khán giả bị bội thực vì sự xuất hiện ào ạt của ca sỹ trong các cuộc thi âm nhạc, tìm kiếm tài năng, bây giờ lại đổ dồn vào khai thác những gương mặt nghệ sỹ hài, chương trình bình thường cũng nhất định phải mời nghệ sỹ hài làm MC? Cả hoạt động điện ảnh cũng chủ yếu khai thác nghệ sỹ hài?
Vì đơn giản, thị trường đang đẩy nghệ sỹ hài lên 'mặt tiền', nghệ sỹ hài đang có nhiều cơ hội được quan tâm. Nghệ sỹ không có lỗi, có chăng là vì chưa hiểu thấu đáo mà thỏa mãn, hoặc lầm tưởng mình tài năng thôi. Không thể phủ nhận, một nghệ sỹ hài tài năng có thể thu hút rất đông khán giả đón xem tác phẩm có họ xuất hiện. Nhưng cũng có nhiều trường hợp khác, khi khán giả không lấy tiêu chí thưởng thức nội dung tác phẩm, họ đón xem một nghệ sỹ xuất hiện trong chương trình chỉ vì muốn giải trí, thỏa mãn thú vui bàn luận về tai tiếng của nghệ sỹ đó vừa gây ra và đang được truyền thông khai thác.

Đáng lo ngại, nhiều nghệ sỹ tài năng thực sự và có sự ảnh hưởng lớn đã buộc phải chọn cách 'né' đứng cạnh các nghệ sỹ tai tiếng, dẫn đến việc tác phẩm không còn được sáng tạo khách quan. Việc cứ để mặc các nhân vật nhiều tai tiếng khoác áo nghệ sỹ tham gia liên tục vào các chương trình nghệ thuật, trước mắt, có thể đem lại hiệu quả thu hút công chúng. Nhưng về lâu dài một thế hệ khán giả trẻ đang lớn lên, sẽ bị ảnh hưởng phần nào về thẩm mỹ và nhận thức khi đánh giá tác phẩm. Đó là vấn đề mà chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc, phải lựa chọn giữa tiền bạc doanh thu và giá trị sống lâu dài.

Bên cạnh đó, nhiều người kinh doanh tham gia hoạt động xã hội hóa, sản xuất điện ảnh, truyền hình… đã đặt yếu tố lợi nhuận lên trên hết, cứ nghệ sỹ nào đang 'ồn ào, được chú ý bàn luận nhiều' là khai thác triệt để. Công chúng, khán giả, thay vì được giới thiệu về giá trị nội dung của tác phẩm, họ bị dẫn dụ vào những sự vụ ầm ĩ, những mối quan hệ phức tạp trong đời sống cá nhân nghệ sỹ để PR cho dự án nghệ thuật, cho tác phẩm sắp công chiếu.


Đáng tiếc là tất cả các nghệ sĩ hài phía Bắc tham gia Táo quân không lọt đề cử Nghệ sĩ hài ấn tượng.

 Khán giả đang lựa chọn việc xem phim để giải trí


- Ngoài Táo quân, các phim của VFC sản xuất gần như chiếm trọn đề cử VTV Awards năm nay với 4/5 đề cử. Tuy nhiên danh sách này toàn là các phim giải trí về giới trẻ mà hoàn toàn vắng bóng các phim chính luận. Điều này dường như phản ánh rất rõ gu thưởng thức của khán giả hướng về bề nổi, thích cái gì dễ xem cũng giống như họ chỉ chấm cho các danh hài Nam thay vì Bắc?

Thông thường, các giải thưởng do khán giả bình chọn thường chỉ phản ánh một phần nào đó chất lượng tác phẩm và cũng chỉ phù hợp với đúng đối tượng khán giả đã nhiệt tình tham gia bình chọn, nhắn tin. Việc cả 5 phim mang tính giải trí cao được khán giả bình chọn cũng phản ánh xu hướng: nhiều khán giả đang lựa chọn việc xem phim để giải trí. Tuy vậy, nếu ở góc độ người làm nghề, chúng ta đều hiểu làm phim chính luận có nhiều thách thức và khó khăn hơn, kén khán giả hơn.
Nhưng những giá trị nội dung và thông điệp của phim có tác động lâu dài với sự phát triển chung của xã hội. Đó cũng là trách nhiệm mà người làm văn hóa nghệ thuật phải cố gắng, vừa tìm tòi sáng tạo để thu hút khán giả, vừa tạo ra những nội dung sâu sắc, mang tính định hướng. Trong các Liên hoan truyền hình, giải thưởng nghề nghiệp thì dòng phim chính luận được quan tâm hơn.
táo quân, đạo diễn đỗ thanh hải, chí trung, zippo mù tạt và em, quốc khánh, xuân bắc, công lý, hoài linh, việt hương, trấn thành, vtv awards


'Zippo, mù tạt và em' dù mới lên sóng đã dẫn đầu bình chọn đề cử Phim truyền hình ấn tượng.

- Anh có vui không khi thấy không chỉ Táo quân, các phim do anh làm Giám đốc sản xuất mà có đến 7/10 diễn viên lọt top đề cử Nam và Nữ diễn viên ấn tượng đều thuộc các phim của VFC? Anh có sự mang tiếng vì giải VTV Awards bị nghi quá ưu ái cho 'gà nhà'?

Vài năm gần đây, VFC không chỉ sản xuất phim, mà còn tham gia thực hiện một số chương trình giải trí, sự kiện nghệ thuật đặc biệt. Tất nhiên, mảng phim truyền hình vẫn là thế mạnh và được chú trọng nhất trong hoạt động sản xuất của VFC.

Điều này lý giải vì sao, ngoài một số hạng mục bình chọn cho phim, chúng tôi có thêm 1 số chương trình khác như Táo quân, chương trình nghệ thuật VTV New year concert – Chào 2016 được nhiều khán giả bình chọn. Cá nhân tôi không kỳ vọng các giải thưởng như thế này tác động nhiều đến hoạt động sáng tác của VFC, nó chỉ mang tính kiểm chứng về xu hướng khán giả, thị trường để mình điều tiết các đề tài, kế hoạch sản xuất cho hợp lý. Đồng thời, đó là sự khích lệ các nghệ sỹ tiếp tục làm nghề, trân trọng sự quan tâm của khán giả đã dành cho các tác phẩm truyền hình.

- Rất nhiều giải thưởng như VTV Awards phụ thuộc vào tin nhắn bình chọn của khán giả nên kết quả dường như chỉ phản ánh thị hiếu của số đông thay vì chất lượng và sẽ là cơ sở quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của các nhà sản xuất và rộng hơn là cả một thị trường giải trí. Anh nghĩ sao về điều này?

Cũng vì đã nhìn thấy điều đó nên Ban tổ chức đã điều chỉnh quy chế để giải thưởng ngày càng chất lượng hơn. Tôi được biết năm nay, ngoài kết quả bình chọn của khán giả, sẽ có hội đồng chuyên môn là những nhà báo, nghệ sỹ có uy tín tham gia chấm điểm độc lập. Kết quả giải thưởng sẽ dựa trên điểm số được chia bình quân từ điểm của Hội đồng chuyên môn và điểm khán giả bình chọn đến tận ngày 7/9/2016.

Mỗi giải thưởng sẽ phù hợp với một tiêu chí cụ thể của Ban tổ chức, nhưng khán giả trông đợi nhất vào sự minh bạch, khách quan và cách trao giải. Tôi hy vọng, VTV Awards sẽ trở thành giải thưởng thường niên có uy tín và lâu dài, phải tác động nhất định đến hoạt động sản xuất của truyền hình, đến trách nhiệm làm nghề của các nhà báo, các nghệ sỹ và cả những nhà sản xuất với khán giả, với xã hội.

- Xin cảm ơn anh!

Hoàng Vy
Nguồn: vietnamnet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.