Chuyên mục
QC TU 1
BÌNH LUẬN
ông này viết cũng được đấy. nhưng dù sao ông cũng là người việt nam.tui đọc bài báo có hai câu"" chỉ mong cho nhanh về...

"Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng: "Bạn có tự hào là người Việt Nam không?"

Thứ hai 22/09/2014 14:21 GMT + 7

Đinh Tiến Dũng đại diện cho giới văn nghệ sĩ.

"Bạn có tự hào là người Việt Nam không?" là câu hỏi tựa đề bài của "Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng nêu ra trong một bài viết nằm trong cuốn sách mới xuất bản của Thái Hà Book: “Tôi tự hào là người Việt Nam”.

Cũng liên quan tới cuốn sách, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã rất thắng thắn: “Tôi luôn tự nhủ đừng bao giờ quên tính biện chứng của bản sắc dân tộc, sự giằng co hằng ngày hằng giờ trong xã hội hội nhập luôn biến động giữa "Người Việt xấu xí" và người Việt nhân bản, trí tuệ, tự trọng”

Hãy cùng Báo Lao Động tham gia diễn đàn “Hãy tự hào là người Việt Nam” để chia sẻ những quan điểm, những trải nghiệm và những câu chuyện cá nhân nhằm tôn vinh vẻ đẹp của con người Việt tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam.

Báo Lao Động xin trích từng phần một số bài viết, tác giả có mặt trong cuốn sách “Tôi tự hào là người Việt Nam”. Đây là dự án lớn của Thái Hà Book và toàn bộ tiền bán cuốn sách này sẽ được trao cho Quỹ nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa của Tổng LĐLĐ Việt Nam. 

Bạn có tự hào là người Việt Nam không?

1.Tôi xin bắt đầu đi tìm câu trả lời bằng một câu chuyện của mình.

Cách đây không lâu tôi có việc phải sang Nga, cũng như phần lớn người dân Việt, tôi dành cho nước Nga sự yêu mến, trân trọng ngay từ khi còn cầm trên tay quyển sách tiếng Nga đầy ảnh mầu hay những buổi được trường cho đi xem phim “Hãy đợi đấy” sau mỗi tuần đạt kết quả học tập tốt. Đoàn chúng tôi mất hơn bốn tiếng đồng hồ để nhập cảnh vào Nga vì sân bay chỉ dành hai cửa làm nhập cảnh cho riêng người Việt, hai cửa xa nhất, heo hút nhất khu nhập cảnh ở sân bay, người Việt trên chuyến bay hôm đấy khá đông nên thời gian làm rất lâu.

Những cửa làm thủ tục nhập cảnh còn lại dành cho hành khách nước khác được hỗ trợ làm thủ tục nhanh chóng, nên chỉ cần vài phút là họ đi qua. Tôi và vài người bạn đi sang những cửa đó để làm thủ tục thì họ lạnh lùng chỉ về hai cửa phía cuối khu, chúng tôi hỏi tại sao lại không cho chúng tôi nhập cảnh cửa này, những nhân viên đó lắc đầu, nói bập bẹ chữ: “Việt Nam” và lại chỉ tay về hai cửa nhập cảnh đó. Chúng tôi ấm ức lắm, nhưng cũng kịp mù mờ hiểu ra vấn đề, hiểu được tại sao sân bay Nga lại đối xử với người Việt như vậy. Chúng tôi lặng lẽ về xếp hàng trước lối vào cùng khoảng hơn một trăm đồng hương đang đứng lố nhố không hàng lối. Những người nước khác đi qua đưa mắt nhìn về chúng tôi, tôi có cảm giác như những lần hồi bé phải đứng lên góc lớp vì không thuộc bài cho cả lớp nhìn vậy. Nhưng biết làm sao được, cùng là người Việt, lúc vinh quang có nhau thì lúc ngại ngần thế này cũng phải có nhau thôi.

Tôi quan sát những người chờ làm thủ tục cùng mình, đại đa số là sang Nga theo diện ngắn hạn, nhưng nhìn qua là biết đây là những người sang đây để lao động, chỉ cần họ bước qua cửa nhập cảnh, họ sẽ tỏa về các chợ, về các khu lao động hẻo lánh nào đó nơi có thể ở chui lủi để bán sức kiếm tiền gửi về nhà. Những chàng thanh niên da ngăm ngăm nắng gió, cũng có đôi ba cậu tóc nhuộm vàng đi đứng rất ngông nghênh, họ đang là khoản đầu tư lớn của cả nhà, và ở vùng quê xa xôi nào đó nơi họ ra đi, họ chắc cũng đang có chút tự hào khi được đi nước ngoài làm việc thế này.

Tôi và một vài nghệ sĩ kiên nhẫn đứng xếp hàng, giờ này qua giờ khác, những đồng hương thì không, họ ào ào vượt qua, thay vì xếp hàng trước cabin làm thủ tục thì họ chọn cách đứng vòng quanh kiễng chân nhìn vào qua cửa kính trên cao. Bảo vệ sân bay cũng có vẻ quá quen với cảnh này nên cũng chẳng buồn nhắc nhở. Ai được làm thủ tục xong thì những người còn lại như reo lên chúc mừng. Số còn lại thì lang thang ngắm nghía, một số thì kiên quyết ngồi xổm ngay cạnh hàng ghế chờ còn trống của sân bay chứ không chịu ngồi lên (?). Với cái nhìn của người thích viết kịch như tôi, tôi nhìn ra được trong đó bao nhiêu là tính cách và ngầm đoán những suy nghĩ trong đầu họ đang trong tình huống như thế nào, thấy cũng thú vị đến quên cả việc mệt mỏi đợi chờ.

Một anh đồng hương chắc cũng đã đi lại nước Nga nhiều lần tỏ ra có kinh nghiệm nói bâng quơ với tôi: “Đợt trước cứ kẹp ít tiền vào hộ chiếu là nó làm xong ngay, đợt này bọn nó làm chặt việc nhập cảnh nên bọn nó bày trò thế”. À, ra là thế, lại là vấn đề đôi bên không hiểu nhau đây mà. Tôi đang mải nghĩ thì thấy được gọi tên đến làm thủ tục, cô nhân viên hải quan tròn tròn như củ khoai tây nhìn tôi một lượt rồi bảo ra ngoài kia đợi, ai cũng bị thế, chẳng hiểu tại sao, chắc thủ tục ở Nga khác các nước khác, tôi lại kiên nhẫn ra đợi. Khoảng nửa tiếng đợi chờ nữa thì mới làm xong, chúng tôi lên ôtô đi về những con đường cao tốc tối om, đôi ba chỗ lầy lội, tuyết hai bên đường trắng xóa, trời rét căm căm. Lúc nãy đứng chờ làm thủ tục, tôi thấy có mấy anh đồng hương mặc quần ngủ mỏng đợi nhập cảnh, chẳng biết ra khỏi sân bay sẽ thế nào… 

Tôi có một buổi tối gặp gỡ kiều bào đang sống và làm việc tại Nga, đa phần trong số đó là những người cũng đã khá vững về kinh tế. Tôi mặc kệ nhiệm vụ dẫn chương trình, tranh thủ lúc các tiết mục múa hát diễn ra trên sân khấu, tôi đi uống rượu với các bàn, dù là bữa tiệc khá trang trọng, người đến dự ăn mặc lịch sự nhưng tôi vẫn thấy sự vất vả hằn lên trên gương mặt và trong những cái bắt tay của họ.

Tôi đến thăm bác tôi ở Nga đã hơn 20 năm, xưa sang Nga theo diện hợp tác lao động, đùng một cái công ty Nga tuyên bố phá sản, chỉ lo được cho 300 người về Việt Nam thôi, số hơn nghìn người còn lại thì họ sẽ giúp đóng dấu lưu trú cho ở lại làm ăn. Ông bác làm đủ nghề, giờ thì đang bán vải ở chợ Liublino, một ngôi chợ mới được xây sau khi chợ Vòm bị dẹp. Lên chợ thăm gian hàng của ông bác, rồi lại lóc cóc theo ông bác hết đi tầu điện ngầm đến ô tô buýt tư nhân mới về khu bác ở, chỉ mong về nhanh để ngồi khoanh chân nhậu cho ấm. 

Ông bác tôi đầu cắt trọc, dáng đi chúi về phía trước như muốn thu mình lại, tôi đi sau nhìn bác, người đã nhỏ lại còn nhỏ hơn giữa một rừng người xứ khác to cao. Bất ngờ có một viên cảnh sát chặn bác tôi lại để hỏi giấy tờ, chuyện cơm bữa với những người Việt lưu trú tại Nga. Tôi tưởng có chuyện gì liền tiến đến hỏi viên cảnh sát bằng tiếng Anh, anh ta đáp lại bằng tiếng Nga và để chúng tôi đi luôn, tôi chẳng hiểu chuyện gì, cậu bạn đi cùng tôi biết tiếng Nga thuật lại: “Nó bảo là bình thường người Việt tụi mày thấy cảnh sát bọn tao là lẩn ra chỗ khác tránh mặt vì sợ điều gì đó, mày lại chủ động tiến lại nói chuyện như vậy thì chắc chắn không có vấn đề gì.”

Ông bác dẫn tôi về “cờ va”, một dạng căn hộ chung cư, tôi vừa đi vừa tưởng tượng xem chỗ bác ở thế nào, ở Nga lâu vậy chắc nhà cửa cũng khá rồi, có khi tối nay mình cứ nhậu “sâu sâu” một chút, say quá thì ngủ lại nhà bác, chẳng mấy khi có dịp bác cháu gặp nhau giữa xứ người thế này. Tuyết đang tan khiến con đường vào chung cư bác ở lầy lội hơn, bác cháu tôi rảo bước nhanh vì lạnh, chui vào buồng thang máy bé tẹo, ba người đứng là chật cứng, chiếc thang rung lên và kéo bác cháu tôi lên bằng những cú giật giật. Tôi hỏi bác đã bao giờ thang kẹt chưa, bác tôi bảo thường xuyên, nếu kẹt cứ đập cửa, kiểu gì cũng có người ra mở cho mà ra. Nghe mà nín thở…

Bước vào căn hộ bác ở, tôi ngỡ ngàng, nó nhỏ một cách khổ sở, từ cửa vào, đến cái bếp, đến khu vệ sinh. Bác dẫn tôi vào phòng ngủ, phòng lớn duy nhất trong nhà rộng chừng hơn 20m2, bên trong là năm cái giường tầng như ký túc xá thời sinh viên của tôi. Chiếc giường nào cũng có rèm xanh, rèm hồng khoanh lại một không gian riêng vì nam nữ ở lẫn nhau. Chốc chốc những chiếc rèm lần lượt kéo ra, từng người xuất hiện. 

Căn phòng bé tẹo thở còn khó đó mà là chỗ ở cho 10 người, tôi kêu lên sao mà đủ chỗ, ông bác tôi cười xòa bảo yên tâm, năm người làm ngày, năm người làm đêm, cả ngày gặp nhau mỗi bữa tối nên cũng chẳng chật mấy. Những người làm đêm phần lớn làm cho những xưởng may, họ cư trú bất hợp pháp nên cả ngày chỉ ở trong nhà ngủ, đêm mới dám ra đường và chỉ đi qua đường sang bên xưởng may đối diện và làm cả đêm trong đó, sáng sớm lại về ngủ bên này. Có một chú người Thanh Hóa, đã hơn 20 năm nay lặn lội bên này chẳng đủ tiền về, có một đôi vợ chồng gửi con nhỏ cho bố mẹ ở quê để sang đây kiếm vốn làm ăn mai sau…

Người Việt bên này nhìn chung là chăm chỉ làm lụng nên kiếm cũng được, nhưng giữ thì khó, lúc thì bị cướp, lúc thì bị trộm, lúc thì chợ bất ngờ bị niêm phong, lúc thì cảnh sát chặn đường có bao nhiêu lột sạch, nên biết bao số phận cứ lầm lũi mãi xứ người như ông bác tôi thế này… Rượu ngà ngà, ông bác tôi vào góc nhà lấy cái đàn guitar bảo tôi hát mấy bài quê hương cho đỡ nhớ nhà. Cầm cái đàn bụi phủ kín, cần đàn cong veo nên không thể bấm dây được, tôi đưa lại đàn cho ông bác, nói đùa là hôm nào bác đem ra mà làm cung tên rồi ngồi gõ bát hát “chay”…

Tôi lang thang Moscow trong “Ngày đàn ông” hay “Ngày chiến thắng” gì đó, tôi không nhớ rõ, chốc chốc lại thấy mấy ông bợm nhậu Nga ngồi giữa trời tuyết nói với tôi điều gì đó bằng thứ tiếng Nga lè nhè. Tôi quay sang hỏi cậu bạn đi cùng, cậu ấy nói bọn họ bảo anh cho họ ít tiền để uống rượu, hôm nay là ngày đàn ông mà. Tôi bật cười, nhớ lại chuyện ông anh trai kể ngày trước, ông anh tôi vốn cũng sang Nga để nuôi giấc mộng làm giàu, nhưng sang đúng lúc Liên Xô tan rã, thế là sống vất vưởng ở chợ Vòm. 

Những câu chuyện anh kể chỉ là chạy cảnh sát, trốn bọn trọc đầu, nếu bị bắt thì nộp phạt bao nhiêu. Những kỷ niệm vui cũng chẳng có gì ngoài việc lừa lừa bắt chó hoang về làm thịt hoặc nhờ mấy tên bợm nhậu người Nga như mấy ông đang ngồi kia đi bắt trộm chim bồ câu về để ăn rồi trả công họ bằng một chai rượu… Tôi hỏi anh tôi rằng người Nga có quý người Việt mình không, anh tôi bảo giờ thì không, họ ghét lắm, bọn anh thi thoảng đi vặt táo, thấy mấy bà già người Nga đứng bên cửa sổ trên tầng léo nhéo chửi, ý bảo bọn mày về nước chúng mày đi… Lúc đó tôi chỉ thấy thương anh tôi.

Trên chuyến bay về Việt Nam, có mấy anh thanh niên người Việt ngồi gần, qua tâm sự mới biết các anh bị cảnh sát bắt và trục xuất về nước sau khi tạm giữ các anh vài tháng để lao động công ích. Hỏi chuyện lần hồi mới biết cũng toàn thanh niên trai tráng ở quê, muốn làm một cú đổi đời nên cả nhà vay mượn được 50 triệu, lo chạy chọt để sang được Nga theo những đường dây nào đó. Đến Nga, họ được đưa lên xe tải và chạy thẳng về những vùng ngoại ô xa xôi rồi vứt đó. 

Tiếng không biết, cũng chẳng quen ai, họ tự lần tìm những người đồng hương, nhờ giúp đỡ, rồi tìm việc, bắt đầu kiếm tiền… Vừa bắt đầu có thể tồn tại được ở xứ người thì bị cảnh sát bắt. Họ nhốt vào trại, ngày một xuất súp và một mẩu bánh mỳ, được ra tắm nắng một giờ, sau một thời gian thì các anh bị đưa đi xây dựng các công sở cho cảnh sát để làm công ích, lấy tiền vé máy bay về, người bị như vậy sáu tháng, người không may thì bị đến hai năm. Sau đó cảnh sát áp giải ra tận cửa máy bay, giao cho nhân viên an ninh bay kèm về Việt Nam, hành lý niêm phong, về đến Việt Nam mới được mở. Coi như trắng tay, may mà còn về được đến quê nhà. Mọi người xung quanh người thì cho ít tiền, người cho gói kẹo để mang về làm quà cho người thân, dù gì thì cũng là ở nước ngoài về, không có quà thì coi sao được.

Tự nhiên tôi thấy lòng mình trĩu nặng, lại nghĩ đến ông anh trai, chắc cũng biết bao cay đắng thế này nếm trải qua. Có mấy người được may mắn mà phất lên để rồi thi thoảng đến dự những bữa tiệc trang trọng như hôm nọ tôi gặp đâu. Xét cho cùng cũng là cuộc mưu sinh, chứ nếu có đủ ăn, có đủ mặc thì chẳng ai muốn mình phải khổ, chẳng ai muốn mình phải hèn phải nhục thế cả. 

Máy bay hạ cánh xuống Nội Bài, mấy người thanh niên bị trục xuất cầm chút quà mọi người cho tần ngần đứng dậy, họ chẳng có hành lý vì hành lý bị niêm phong, lát nữa xuống sân bay mới được bàn giao, mà chắc cũng chẳng có gì nhiều. Tôi chẳng biết nói gì, chỉ biết bắt tay họ và nói: “Thôi dù sao cũng về đến quê hương mình rồi, chăm chỉ lao động rồi lại đâu vào đấy thôi anh em ạ”. Họ cười trong tiếng thở hắt ra… Không biết rồi trong cái dòng người đồng hương hôm nọ đứng chờ nhập cảnh với tôi sẽ có bao nhiêu người đạt được giấc mơ sang giàu, bao nhiêu người sẽ bị bắt và về nước theo đường trục xuất, bao nhiêu người sẽ sống chui lủi chờ kiếm đủ tiền về, bao nhiêu người sẽ chết sau mỗi đợt tuyết rơi dầy… 

Liệu có vô duyên không khi bây giờ chúng ta đặt cho họ câu hỏi: “Bạn có tự hào là người Việt Nam không?”. Bởi câu hỏi này nó lạc lõng hoàn toàn trong cơn mưu sinh vất vả mà họ đang trải qua. 

2. Gần đây tinh thần tự hào Việt Nam đang lên cao, đặc biệt là trên báo chí và các diễn đàn online. Mỗi khi có một người Việt ở đâu đó làm việc gì xấu xa ảnh hưởng đến quốc thể là không biết bao nhiêu người lao vào “đánh đập” cho tơi bời vì “can cái tội” làm nhục quốc thể dù đa phần cái “bọn” làm nhục quốc thể đó vẫn đang tiếp tục vật vã với cơn mưu sinh chứ có thời gian và phương tiện đâu mà mò lên mạng nghe chửi để mà sửa chữa. 

Chúng ta đẩy họ ra xa, chúng ta nhảy tránh sang chỗ khác để chứng minh là mình không giống như vậy, mình rất tốt, mình rất gương mẫu và rất tự hào là người Việt Nam, còn cái số ít ỏi xấu xa kia đang làm nhục quốc thể, vì vậy nó không thể cùng phe với mình được. Càng chửi mạnh, càng chửi hay thì có vẻ cái khoảng cách “không liên quan” đó càng được thiết lập một cách an toàn.

Đợt vừa rồi rộ lên vụ truyền hình Nhật Bản đưa tin người Việt ăn cắp và bị bắt. Khắp nơi trên các diễn đàn và mạng cộng đồng, những cụm từ như “nhục mặt chưa”, “đẹp mặt chưa”, “xấu hổ quá…” được nhiều người dùng với cường độ cao để bình luận cho sự kiện này bởi có vẻ như lòng tự hào Việt Nam của họ đang bị tổn thương sâu sắc. Tôi thầm nghĩ, các cụ xưa có câu: “Bần cùng sinh đạo tặc”, một khi đã bần cùng rồi thì bọn họ quan tâm quái gì đến chuyện quốc thể, lúc đó thì họ ở Nhật Bản hay ở Nhật Tân thì cũng vẫn đạo tặc như thường. 

Tôi nghĩ chúng ta đang chửi đấy nhưng thực ra không phải chửi cho những kẻ đạo tặc nghe, mà có lẽ chửi để cho chính bản thân mình nghe. Nghe để cảm thấy yên tâm là mình vẫn đang có thái độ gay gắt với cái xấu như thế thì chắc mình là người tốt rồi. 

Chửi để át đi việc hôm nọ có thể mình vừa tè bậy ở đâu đó do trót uống bia nhiều rồi lại phải chạy xe về luôn, chửi để át đi việc hôm nọ đã gãi đầu gãi tai dúi vào tay anh cảnh sát giao thông nào đó ít tiền để khỏi bị phạt nhiều theo đúng luật, chửi để át đi việc phần lớn các phần mềm ta đang dùng trên máy tính và điện thoại là hàng “crack”, (nói trắng ra cũng là đồ ăn cắp), chửi để át đi việc hôm nọ ta vượt đèn đỏ, chửi để át đi việc hôm nọ ta vừa nhận phong bì từ bệnh nhân, chửi để át đi việc ta nhận tiền từ phụ huynh để cho con họ vào trường trái tuyến, chửi để át đi những món quà đắt tiền ta biếu sếp để có được những chỗ thuận lợi trong công việc… Chửi để át đi cái phần xấu mà trong tất cả chúng ta ai cũng có. Nhưng chưa chắc…

Chắc chúng ta đều biết câu chuyện trong mỗi con người luôn có con chó sói tốt và con chó sói xấu, và câu hỏi đặt ra là giờ hai con đánh nhau, con nào sẽ thắng? Câu trả lời là con nào chúng ta cho ăn nhiều, con đó sẽ thắng. Đôi khi chúng ta vô tình đấu tranh với cái xấu bằng cách nhắc lại nó, nhân rộng nó ra nhiều hơn thông qua việc chửi bới, ca thán. Đó chính là hành động chúng ta đang cho con chó sói xấu trong mình được ăn uống nhiều hơn và làm tăng nguy cơ nó sẽ cắn chết con chó sói tốt trong một ngày không xa. Riêng cá nhân tôi thì luôn tin rằng, cách đấu tranh với cái xấu hiệu quả nhất là chỉ quan tâm đến những cái tốt, những cái tích cực, đồng thời tìm cách lan truyền và nhân rộng nó ra để con sói tốt ngày càng mạnh mẽ, không cho con sói xấu trong mình có cơ hội bùng lên. 

3. Có một lần đi công tác, tôi có dịp ngồi nhậu với một cậu em bên Nhật Bản, rượu vào lời ra, lên tầu điện ngầm, hai anh em vẫn cứ ồn ào trò chuyện. Những ánh mắt khó chịu đổ dồn về chúng tôi khiến hai anh em giật mình và giữ im lặng. Cậu em tôi thì thào: “Bên này bọn em thống nhất cứ làm gì tốt đẹp thì nói tiếng Việt, còn làm gì xấu thì bọn em nói mấy câu tiếng Tầu. Một công đôi ba việc. Hay giờ anh em mình làm mấy câu tiếng Tầu nhể?”. Tôi phì cười với cái chiêu đúng chất khôn lỏi đó của cậu em rồi bảo nó ngồi im đi, xấu tốt gì cũng phải là người Việt chứ. Nó ngồi im được một lúc rồi lại thì thào hỏi tôi:

- Anh có tự hào là người Việt Nam không?

- Có chứ! - Tôi đáp.

- Ừ, cũng đúng thôi, anh là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng rộng thì anh mới lo những vấn đề to tát, em là công nhân, lo đời em thôi! - Nó nói bâng quơ.

- Chú có tự hào về bản thân mình không? - Tôi hỏi lại.

- Có chứ ạ. - Nó nghĩ một lúc rồi đáp: - Em lao động chăm chỉ kiếm sống chân chính, sống cũng tử tế với mọi người. Cũng đáng tự hào chứ anh nhỉ?

- Chứ sao! - Tôi nói chắc như đinh: - Mà vậy là chú cũng tự hào là người Việt Nam giống như anh đấy. Bởi cứ nói người Việt Nam thì tưởng là vấn đề to tát lắm, nhưng thực tế đâu phải. Chính bản thân anh và chú là người Việt Nam chứ còn gì. Nên sống thế nào để có thể tự hào về bản thân mình thì cũng chính là lúc chúng ta đã tự hào là người Việt Nam chú ạ.

 Đinh Tiến Dũng: Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông công tác tại Trung ương Đoàn. Sau đó ông về làm tại Tập đoàn FPT với nhiều vị trí công tác khác nhau như Trưởng phòng Công tác sinh viên Đại học FPT, Trưởng ban Văn hóa Đoàn thể Tập đoàn FPT. Ông tham gia soạn kịch bản của chương trình Thư giãn cuối tuần, Gặp nhau cuối năm của Đài truyền hình Việt Nam nhiều năm qua và nổi tiếng từ khi xuất hiện trong chương trình Hỏi Xoáy đáp Xoay với vai trò Giáo sư Cù Trọng Xoay.

Đinh Tiến Dũng
Nguồn: laodong.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.