Chuyên mục
Doanh nghiệp Việt Nam khó phát triển vì nhân lực yếu
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Doanh nghiệp Việt Nam khó phát triển vì nhân lực yếu

Chủ nhật 11/12/2016 16:08 GMT + 7
Giám đốc một tổ chức chuyên về tư vấn quản trị doanh nghiệp cho rằng , với thói quen kinh doanh ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp Việt chưa thực sự đầu tư vào yếu tố sống còn của doanh nghiệp là đào tạo nhân lực.

Ông Phan Sơn, Giám đốc tư vấn quản trị nhân sự Tổ hợp phát triển HRD

Phát biểu tại Ngày Nhân sự Việt Nam lần thứ 6 – năm 2016 với chủ đề “Quản trị nhân sự giai đoạn khởi nghiệp” diễn ra ngày 11.12 tại Hà Nội, PGS-TS Lê Quân, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ khởi nghiệp không phải là một trò chơi, cũng không phải là một trải nghiệm mà là quá trình kết hợp giữa cá nhân và tổ chức. Hầu hết các nguyên nhân thất bại của quá trình khởi nghiệp đến từ năng lực chưa đáp ứng yêu cầu của chủ doanh nghiệp. 

Theo ông Quân, khởi nghiệp và nhân sự luôn đi đôi với nhau. Do đó, bên cạnh các năng lực về chuyên môn, công nghệ, kỹ thuật, quản trị doanh nghiệp… thì năng lực quản trị con người là chìa khóa quan trọng đảm bảo sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Phan Sơn, Giám đốc tư vấn quản trị nhân sự Tổ hợp phát triển HRD cho rằng một trong những rào cản lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là chất lượng nguồn nhân lực.

Với đặc thù nền kinh tế có đến hơn 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ, với thói quen kinh doanh ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đầu tư vào yếu tố sống còn này. Nhiều chủ doanh nghiệp vẫn tư duy rằng đó là “chi phí” chứ không phải là “đầu tư”.

Chuyên gia này cũng đưa ra một câu chuyện để chứng minh cho nhận định của mình là một người quản lý nguồn lực trong tổ chức trình bày với CEO về việc cần phải đầu tư vào hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực. CEO hỏi lại: “Vậy chúng ta sẽ làm gì nếu sau khi đào tạo xong, họ rời bỏ doanh nghiệp?” Và câu trả lời của người quản lý nhân sự là: “Vậy chúng ta sẽ làm gì nếu họ tiếp tục ở lại doanh nghiệp với những năng lực yếu như vậy?”. 

Kết luận, ông Sơn nêu rằng: “Nếu nhân viên có năng lực không tốt, liệu chúng ta có thể tạo ra các kết quả tốt cho tổ chức hay không?”.

Đề cập đến việc nhân viên rời đi sau quá trình đào tạo, ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch LMC Corp, cho biết người chủ cũng có lỗi khi đã chọn sai người và không phát hiện được sự manh nha “phản bội” của họ. Khi đó, cần phải xem lại quan hệ giữa mình và cộng sự xem khúc mắc ở khâu nào và tìm cách giải quyết. Còn nếu cộng sự của mình bị “mua” hoặc vì những lý do ngoài tầm tay của mình thì không nên cố nài họ ở lại.

Chia sẻ câu chuyện của mình, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm Traphaco cho biết khi Traphaco bắt đầu cổ phần hóa vào năm 2002 thì hệ thống kinh doanh của công ty có sự bất đồng về quan điểm. Để giải quyết tình trạng này, bà Thuận áp dụng phương pháp chỉ giữ lại những người có tâm huyết, bỏ những người thiếu tâm huyết dù họ rất sáng giá.

"Nếu khó khăn về trình độ thì có thể giúp đỡ nhau được nhưng thiếu tâm huyết thì rất khó hợp tác. Sau khi nhóm họp, chúng tôi đã đã thay toàn bộ hệ thống kinh doanh trong một đêm. Cho đến nay, tôi khẳng định quan điểm đó là đúng” – bà Thuận nói.

Theo ông Phan Sơn, trong tổ chức luôn tồn tại 3 nhóm đối tượng có tác động mạnh mẽ tới việc đào tạo và phát triển của nhân viên là: lãnh đạo, phòng nhân sự và cấp quản lý. 

Trong 3 nhóm này, nhóm “lãnh đạo” sẽ ảnh hưởng chủ yếu về mặt chủ trương và có tác động không đáng kể vào quá trình thực thi. “Phòng nhân sự” ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường quy mô nhỏ, năng lực chuyên môn hạn chế nên cũng khó đặt kỳ vọng vào nhóm này. Do vậy, chỉ còn đặt hy vọng vào “nhóm quản lý”. 

Ông Sơn phân tích, nhóm quản lý là người trực tiếp làm việc với nhân viên hằng ngày. Đây là những người “hoàn thành mục tiêu thông qua nỗ lực của người khác” do đó bản thân họ tự thân đã có động cơ muốn phát triển năng lực của đội ngũ bên dưới. Mặt khác là người làm việc trực tiếp, giao việc, ủy quyền, giám sát, đánh giá nên họ sẽ ảnh hưởng lớn đến động cơ phát triển, phương pháp phát triển của nhân viên dưới quyền mình. 

“Họ không chỉ là người giao việc, đánh giá, kiếm soát các công việc mà còn đánh giá được năng lực nhân viên thế nào, những điểm mạnh điểm yếu ra sao, đâu là điểm nhân viên cần đào tạo và phát triển để đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp” – ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng khuyến nghị cần tránh tình trạng hiện nay ở nhiều doanh ngiệp là cấp quản lý xem việc phát triển năng lực nhân viên là của phòng nhân sự. Yêu cầu phát triển nhân sự cần phải là một kỹ năng quan trọng trong đánh giá năng lực của cấp quản lý. Mỗi người quản lý sẽ là một giảng viên nội bộ, một “sư phụ” cho đội ngũ nhân viên cấp dưới.

Trí Lâm
Nguồn: motthegioi.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.