Chuyên mục
Dịch giả Phan Xuân Loan: ''Không thể đánh giá một đất nước qua những dòng tin thời sự''
BÌNH LUẬN
Tuyệt quá chị ơi. em thích văn học Nga lắm. Mong là ở Hải Phòng có thêm nhiều đầu sách của tác giả Nga. Bây giờ thì ít...

Dịch giả Phan Xuân Loan: ''Không thể đánh giá một đất nước qua những dòng tin thời sự''

Thứ năm 02/03/2017 14:36 GMT + 7
Nhà báo - dịch giả Phan Xuân Loan (trái) và nhà lý luận văn học Marina Sharoiko (Trường đại học Tổng hợp Kuban, Krasnodar)

Những truyện ngắn được dịch giả Phan Xuân Loan giới thiệu thời gian gần đây đã khiến nhiều bạn đọc Việt Nam bất ngờ trước sự đa dạng, đa thanh của văn chương Nga đương đại.

* Vốn là nhà báo, tại sao chị chọn dịch văn học Nga? Chị nhận xét như thế nào về văn học Nga đương đại?

''Trong thời gian làm báo tôi thấy rất rõ, cái nhìn của chúng ta về người Nga gần đây hơi thiếu khách quan. Dòng thông tin phương Tây rất mạnh. Không thể đánh giá một đất nước hay một con người chỉ qua những dòng thông tin thời sự của truyền thông, khi mà chúng ta không lùi lại một chút để tìm hiểu tâm tính của dân tộc đó''.

Dịch giả Phan Xuân Loan
- Dịch giả Phan Xuân Loan: Trước đây khi học ở Nga chuyên ngành của tôi là tiếng Nga và văn học. Về nước, tôi đi làm báo, là phóng viên ban quốc tế, chuyên trách tình hình Nga và Đông Âu. Gắn với nước Nga như thế nên tôi thường đọc, nhưng không phải là người theo dõi kỹ lắm về văn học Nga. Năm 2015 tôi qua Moskva dự một hội sách của Nga, như một cuộc “cưỡi ngựa xem hoa”, để xem tình hình xuất bản sách văn học Nga. Sau đó, tôi quyết định trở lại Nga để tìm hiểu văn học Nga một cách bài bản, hệ thống. Năm 2016 tôi sang Nga học 3 tháng, tìm hiểu về những tác giả văn học Nga đương đại. Trong thời gian đó, tôi thấy như lạc trong một cánh rừng bát ngát. Tôi chọn trong số đó những tác phẩm nào mà mình có thể chuyển tải được cho độc giả, cả dòng tinh hoa lẫn đại chúng.

- Tôi nghĩ giá trị lớn nhất của văn học Nga là tính nhân văn. Và đó có thể nói là đặc trưng cho sự đôn hậu, chung thủy của người Nga. Có điểm chung là những tác giả khi biết chúng tôi muốn giới thiệu văn học Nga trở lại qua các truyện ngắn của họ, tất thảy đều rất vui vẻ, sẵn sàng tặng bản quyền. Chẳng hạn nhà văn trẻ Zakhar Prilepin khi trả lời tôi về vấn đề bản quyền đã nói “Việt Nam là một dân tộc phẩm giá” và sẵn sàng tặng không tác quyền hai truyện ngắn Ô vuông trắng và Bà, ong vò vẽ và dưa hấu (đã đăng trên tờ Tuổi trẻ cuối tuần).

* Tính nhân văn, đó cũng là đặc tính trong văn học của nhiều dân tộc khác?

- Tôi đã xuất phát từ tâm thế của một người làm báo khi chọn dịch những tác phẩm văn học Nga. Trong thời gian làm báo tôi thấy rất rõ, cái nhìn của chúng ta về người Nga gần đây hơi thiếu khách quan. Dòng thông tin phương Tây rất mạnh. Không thể đánh giá một đất nước hay một con người chỉ qua những dòng thông tin thời sự của truyền thông, khi mà chúng ta không lùi lại một chút để tìm hiểu tâm tính của dân tộc đó. Tôi không cho là văn học Nga nhân văn hơn dòng văn học khác, mà là tôi chọn khía cạnh nhân văn để giới thiệu. Ngoài tính nhân văn, còn là sự gần gũi mà tôi cảm nhận khi tiếp cận văn học Nga hiện đại. Bên cạnh những phá phách thể nghiệm hậu hiện đại, họ vẫn có những cây bút mang hơi hướng Chekhov, Tolstoy, kể cả tìm tòi chữ nghĩa như Nabokov. Những nhà văn của họ cũng tìm kiếm những điều mà nhiều người Việt đi tìm. Một làng quê đã mất, những mối quan hệ con người ngày càng mờ nhạt, những quan hệ gia đình bên bờ vực tan rã... Khác văn học phương Tây, việc tìm kiếm cái tôi của người Nga hòa trong cộng đồng nào đó chứ không phải chỉ tìm kiếm chính mình. Có thể một phần, như chính người Nga xác định: Họ là đất nước Á Âu.

* Bầu không khí chung của văn học Nga hiện nay, theo chị?

- Không khí văn học Nga vẫn sôi nổi lắm so với điều kiện khủng hoảng kinh tế. Họ vẫn duy trì một số tạp chí văn học chuyên ngành, định kỳ, giới thiệu đều đặn tác giả trẻ. Nhiều nhà văn nổi tiếng hiện nay đi lên từ những ấn bản này và tôi thấy đây là nét tích cực, ta có thể học tập. Người Nga vẫn mua sách, dù internet đang thống trị thế giới. Có những tác giả bán được cả triệu bản sách.

Rất nhiều tác phẩm đương đại Nga có thể giới thiệu cho độc giả Việt

* Chị có ấn tượng với một số tác giả nào đó đặc biệt trong văn học Nga đương đại?

- Ấn tượng thì nhiều. Vì tôi mới quay trở lại khoảng một năm nay thôi, và trở lại với một cánh rừng mà khi vào đó tôi rất choáng ngợp. Để chọn một tác giả nào ưa thích thì tôi không dám nói vì chưa tới đâu hết. Nhưng hiện giờ tôi rất tâm đắc với Aleksei Varlamov, vì tác phẩm của ông rất đa dạng: truyện ngắn, tiểu thuyết, chính luận, tiểu sử những người Nga nổi tiếng. Giọng văn của ông lạnh hơn Boris Ekimov, nhưng hài hước, dí dỏm, và cũng rất sâu sắc. Tôi đang dịch truyện vừa Ra đời của ông, kể về nước Nga thập niên 90, lý giải vì sao dân tộc Nga trụ vững được, giữ được những giá trị đạo đức cơ bản của con người trong những đổ vỡ khốc liệt của xã hội. Hay Zakar Prilepin, một tác giả trẻ rất nổi tiếng, gần như là một “hiện tượng” ở Nga. Năm 2007 ông từng nằm trong nhóm các tác giả viết thư kêu gọi V.Putin từ chức, nhưng nay ông là người tình nguyện chiến đấu ở đông Ukraine. Hay Boris Akunin, Viktor Pelevin…

Ngoài ra còn có nhiều tác giả nữ nổi tiếng. Trong số các tác giả tinh hoa có thể kể bà Tatyana Tolstaya (cháu gái A. Tolstoy, tác giả Con đường đau khổ), bà Liudmila Ulitskaya hay Tatyana Ustinova… Trong số những tác giả nữ viết dòng sách đại chúng nhưng luôn là best-seller có nữ nhà văn trinh thám Darya Dontsova, với những nhân vật không phải là nhà trinh thám chuyên nghiệp, mà có thể là một bà nội trợ, có thể là một chàng sinh viên phá án… Trong dòng sách trinh thám này cũng có tên tuổi của nữ nhà văn từng là cảnh sát Aleksandrra Marinina, mà NXB Trẻ từng giới thiệu…

Nhiều nữ tác giả Nga đang là các tác giả best-seller, trong đó có dòng sách trinh thám và gia đình. Nhật ký mẹ chồng (bên trái) đã được dịch sang tiếng Việt thuộc dòng sách đại chúng best-seller

* Theo chị, những tác phẩm văn học mới của Nga ngày nay có đủ nội lực để lôi kéo độc giả Việt Nam trở lại với văn học Nga không?

- Tôi nghĩ là có. Dòng văn học đại chúng rất dễ để tiếp cận, vì nó có nhiều tác phẩm hấp dẫn. Dòng văn học tinh hoa và thể nghiệm thì kén người đọc hơn, nhưng hấp dẫn bởi tính vấn đề thâm thúy hơn. Đó là chưa kể văn học thiếu nhi. Có nghĩa là những tác phẩm để chúng ta có thể giới thiệu rất nhiều, nếu chúng ta quan tâm và cố gắng tìm kiếm.

* Những người dịch thuật văn học từ tiếng Nga đã từng chiếm số lượng lớn trong làng dịch thuật. Hiện nay, đội ngũ ấy như thế nào rồi, thưa chị?


- Đội ngũ dịch giả văn học Nga hiện nay không ít đâu. Chúng ta đã có những dịch giả rất nổi tiếng và những tác phẩm của các vị ấy để lại những dấu ấn rất sâu sắc trong lòng những người yêu văn học Nga. Tôi biết đội ngũ dịch giả văn học Nga hiện giờ vẫn còn những người rất tâm huyết. Chúng tôi đang gây dựng một nhóm dịch giả trẻ để có thể giới thiệu văn học Nga trở lại.
Tôi nghĩ khi nước Nga bắt đầu khôi phục vị thế về mặt chính trị, có những hoạt động để quảng bá trở lại văn hóa, văn học Nga, thì sắp tới điều kiện để giới thiệu văn học Nga tới độc giả Việt Nam sẽ tốt hơn thời gian vừa qua.

* Xin cám ơn chị!

Phi Hà (thực hiện) 
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguồn: thanhnien.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.