Chuyên mục
‘Sinh viên thất nghiệp nhiều, hiệu trưởng nên… nghỉ’
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

‘Sinh viên thất nghiệp nhiều, hiệu trưởng nên… nghỉ’

Thứ hai 22/12/2014 07:53 GMT + 7
"Về mặt số lượng thì VN không phải là nhiều ĐH so với các quốc gia khác, nhưng lại nhiều trường tệ, theo nghĩa học đại học ở đó ra cũng không làm được việc, mà chỉ lấy một cái danh đại học" - TS Đàm Quang Minh.

LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu Phần 2 nội dung cuộc trò chuyện với  TS Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Đại học FPT, xung quanh một vài câu chuyện giáo dục năm 2014.

TS Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Đại học FPT. Ảnh: Mỹ Hòa

Minh bạch thông tin, mọi người sẽ tự định hướng

Năm vừa qua, số liệu do bộ LĐTB&XH cho biết, trên 162.000 người có bằng từ cử nhân trở lên thất nghiệp. Theo một so sánh trên Báo Lao động thì con số này tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái (từ 123.000 người). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo đánh giá của ông, vai trò của GD đến đâu?

Những năm  qua, thất nghiệp là vấn đề toàn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp ở các nước Nam Âu còn cao hơn VN nhiều lần. Trong bối cảnh đó, VN cũng là một nước bị ảnh hưởng, đó là yếu tố chung.

Còn xét riêng, thì cũng có những yếu tố chủ quan của VN, đó là sự yếu về năng lực làm việc. Ngay ở trường chúng tôi chẳng hạn, khi muốn tuyển dụng nhân sự ở trình độ trung cấp một chút cũng không tuyển đủ được. Nghĩa là đâu đó, cái việc thiếu thì vẫn thiếu, và thừa thì vẫn thừa. Chúng ta thiếu những lao động có kỹ năng, lao động trình độ cao, nhưng lại thừa lao động đơn giản.

Chính tình trạng thừa đó gây ra thu nhập không cao, năng suất lao động thấp. Khi tuyển bảo vệ, kế toán… thì rất nhiều người nộp đơn, nhưng khi tuyển những vị trí cao cấp thì không có, trong khi đó mới là những vị trí tạo ra năng suất lao động cao, thu nhập cao.

Đương nhiên trong chuyện này có một phần lỗi của hệ thống GD lệch lạc, những chỗ cần nhiều người thì đào tạo ít, những chỗ cần ít người thì lại đào tạo nhiều.

Như vậy là chúng ta thiếu một sự định hướng trong giáo dục?

Thực ra là không cần định hướng, không cần phải bảo hãy học kỹ thuật đi, học ngành A, B, C, D đi. Mọi người cứ nghĩ đó là vấn đề định hướng nhưng về bản chất nó là vấn đề thông tin. Người dân nói chung chỉ cần cung cấp đầy đủ thông tin để quyết định được.

Đó là những thông tin như có bao nhiêu doanh nghiệp, tỷ lệ người lao động làm trong các lĩnh vực ra sao, tên công việc là gì. Thống kê ra các đầu công việc trong xã hội đang có và thu nhập trung bình tương ứng là bao nhiêu, biến động trong những năm vừa qua…

Vừa rồi báo chí đưa tin, Bộ trưởng LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội đã cho rằng, cất bằng đại học làm công nhân thì cũng là công việc, lao động nào cũng là vinh quang. Ông nghĩ sao về điều này?

Theo tôi nhận định này có mặt đúng và có mặt chưa đúng. Ở châu Âu cũng có những tranh cãi về việc tiến sĩ giấu bằng đi để đi làm những công việc bình thường, bởi quy định bằng cao không được trả lương thấp. Nghĩa là nói về chuyện cung cầu của xã hội thì nhận định đó là đúng.

Nhưng mặt khác, ở đây có một sự lãng phí trong xã hội. Ví dụ có thời điểm ở VN mọi người đổ xô đi học ngân hàng trong khi đó nghiệp vụ đa phần mọi người làm trong ngành này chỉ cần học 6 tháng – 1 năm, ví dụ làm giao dịch viên. Nhưng các ngân hàng lại tuyển vào những vị trí ấy cả bằng đại học giỏi, xuất sắc nhất, kể cả thạc sĩ… Nguồn lực xã hội bị lãng phí, mặc dù xét về luật cung cầu thì không có vấn đề.

Nhân lực là một nguồn lực quan trọng lại không được dành cho những việc quan trọng thì sẽ gây ra chậm tiến. Hệ quả tất yếu trong xã hội là những việc khó khăn hơn không có người làm hoặc làm không đáp ứng đủ yêu cầu, thì xã hội khó phát triển.

Vậy ở đây có hiện tượng đôi khi ngay chính những người sử dụng lao động cũng không biết nhu cầu của mình đến đâu, đòi hỏi không đúng năng lực cần thiết cho công việc mà họ tuyển dụng?

Thực ra điều đó có lẽ phổ biến hơn trong các cơ quan nhà nước thôi. Chứ các DN tư nhân tôi từng tiếp xúc, họ tỉnh táo lắm, vì đây là quyền lợi sát sườn của họ. Nhiều DN họ nói rõ luôn, tôi chỉ tuyển cao đẳng, hoặc không tuyển trường “VIP”, bởi họ thừa hiểu nếu tuyển cử nhân, những bằng giỏi, xuất sắc vào làm những công việc bình thường, họ sẽ chán, bỏ đi sau khi DN đã mất công đào tạo. Tôi cho rằng đó là dấu hiệu tích cực khi DN sàng lọc ngay từ đầu.

Đừng cấm, hãy sàng lọc

Cũng liên quan đến tình trạng thất nghiệp, một số ý kiến tìm nguyên nhân ở việc các trường đại học được mở quá bão hòa trong một thời gian. Giờ chúng ta đã tạm dừng mở mới trường đại học. Theo ông cách này có hiệu quả?

Nói đại học của VN nhiều cũng đúng mà nói ít cũng đúng. Bởi, về mặt số lượng thì VN không phải là nhiều so với các quốc gia khác, nhưng lại nhiều trường tệ, theo nghĩa học đại học ở đó ra cũng không làm được việc, mà chỉ lấy một cái danh đại học. Cho nên chuyện cấm lại tạo tình trạng tạm gọi là khan hiếm giả tạo, như chuyện mua lại “danh” các trường đã có.

Cách tốt nhất bây giờ theo tôi không phải là cấm mở mới mà cho mở mới đàng hoàng, điều kiện khó khăn cũng được. Nhưng song song với đó phải sàng lọc, tìm ra những trường kém chất lượng, 1-2 năm là đóng ngay lập tức, không cho dây dưa.

Nghĩa là chấp nhận những cái mới tiên tiến, còn hơn để một loạt trường làng nhàng, chất lượng tệ tiếp tục sống với nhau. “Đóng khung” những trường yếu kém lại, không cho sống cũng không cho chết thì nó sẽ chỉ càng ngày càng tồi tệ hơn. Nên để chết ra chết, sống ra sống.

Điều ông nói khiến tôi liên tưởng đến những chia sẻ của cựu bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc Ju-ho Lee trong một cuộc Bàn tròn trực tuyến với VietNamNet. Theo ông Ju-ho Lee, đến 80% đại học Hàn Quốc là đại học tư, và họ cho mở đại học, nhưng đồng thời bắt buộc công bố thông tin tỷ lệ sinh viên đầu vào và sinh viên ra trường có nghề nghiệp, rà soát trường nào sinh viên thất nghiệp nhiều quá thì sẽ đóng cửa. Vị cựu bộ trưởng này quan niệm, tiêu chí quan trọng nhất đánh giá một trường đại học là tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm.

Tất nhiên có nhiều quan điểm khác về GD đại học. Nhưng bây giờ cứ theo quan điểm cơ bản nhất, thực dụng, thì học đại học xong ra trường phải có việc làm, và việc làm phải có lương cao hơn người không đi học.

Chẳng hạn Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể thay vì hàng năm kiểm soát chương trình, ban hành các quy định, v.v…, thì đánh giá bằng đầu ra, có thể bỏ tiền để thuê những đơn vị đánh giá hàng đầu làm việc này.

Ví dụ sau 3 năm tỷ lệ tìm được việc làm kém quá thì đóng cửa lại, còn chương trình học cứ để trường tự quyết. Còn giờ chương trình mà Bộ vẫn quyết thì các trường đại học sẽ có thể lập luận là tại vì tôi dạy chương trình của Bộ nên chỉ có kết quả như thế thì thành ra Bộ sẽ “há miệng mắc quai”.

Khi số liệu được công bố chính xác và đáng tin cậy được thì người ta sẽ tự định hướng, tự có sự điều chỉnh.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là, vấn đề tị nạn GD mà chúng ta bàn ở phần trước hay thất nghiệp đều là vấn đề thị trường, không phải dùng hành chính để chặn hay định hướng, mà quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Ví dụ sau 3 năm tỷ lệ tìm được việc làm kém quá thì đóng cửa lại". Ảnh minh họa

Liên quan đến minh bạch thông tin, năm qua Bộ GD&ĐT đã đưa ra dự thảo phân tầng các cơ sở GD đại học. Một số ý kiến cho rằng, thời điểm hiện giờ chưa thích hợp, và bộ tiêu chí còn nhiều bất cập. Ông đánh giá thế nào về nỗ lực đưa ra một bảng xếp hạng như thế?

Về mặt tư duy thì tôi thấy việc phân tầng, xếp hạng là cần thiết, điều đó nước nào cũng làm cả. Nhưng cách thức làm thế nào lại là chuyện khác. Chẳng hạn theo tôi, đầu tiên chưa cần xếp hạng mà thông tin cứ đầy đủ đã là tốt lắm rồi. Bởi trước khi bất cứ ai muốn ra quyết định thì thông tin đầu vào phải tốt. Xếp hạng về bản chất là một dạng ra quyết định, nhưng thông tin đầu vào chưa chuẩn thì người ta sẽ có thể nghi ngờ mọi thứ đằng sau.

Đối với điều kiện hiện nay của VN, chẳng hạn đặt ra mục tiêu làm sao các trường có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao, làm việc tốt thì thiết thực hơn nhiều chuyện mục tiêu lọt top 100, 200… Tất nhiên, có thể có một số trường trong diện thực hiện các mục tiêu lọt top đó, nhưng nếu tất cả các trường đều như vậy thì không nên.

Sinh viên thất nghiệp nhiều, hiệu trưởng nên… nghỉ

Tôi được biết ông từng chia sẻ giáo dục hướng nghiệp ở VN nên diễn ra sớm hơn, ở độ tuổi 15, 16 thay vì đại học. Nhưng bây giờ ông là hiệu trưởng trường đại học, đối tượng sinh viên đều đã qua độ tuổi khởi động phù hợp đó, thì ông phải làm thế nào khắc phục?

Tôi coi đó là vấn đề phải giải quyết, và có nhiều cách, chẳng hạn tái định hướng. Các sinh viên khi vào trường tôi bao giờ cũng phải trả lời một số câu hỏi: Các bạn có thực sự thích học ngành này không? Các bạn có năng lực học ngành này không? Ngành của bạn học ra trường có làm việc được không. Ba câu hỏi đó và các em phải tự trả lời, trường không trả lời hộ, không định hướng, mà chỉ cung cấp thông tin.

Định hướng nghề nghiệp là một quá trình phải làm cả đời, có những người có khi đến 30 tuổi mới phát hiện ra mình thích cái khác, cũng không sao cả. Nhưng càng định hướng muộn và càng đi xa lĩnh vực mình mong muốn thì càng phải đánh đổi nhiều.

Từ khi 10 tuổi, 14, 15, thời điểm bắt đầu có nhận thức, các em đã có thể dần dần định hướng ban đầu như những nét phác: em thích học về tự nhiên, em thích học về xã hội, em thích nghệ thuật, v.v… Sau đó trong từng ngành các em dần sẽ hiểu để đi sâu hơn vào lĩnh vực cụ thể nào, thu hẹp dần sở thích của mình.

Nó cũng giống như 1 bức tranh, bạn không thể vẽ chi tiết ngay được, mà phải phác ra dần dần. Vì thế, đợi đến khi vào đại học rồi mới thấy mình là một trang giấy trắng, chả biết mình thích cái gì, chả biết chuẩn bị cái gì thì các bạn mất đi nhiều cơ hội lựa chọn, tính toán.

Ông rất nhấn mạnh đến tiêu chí đầu ra, việc làm đối với các đại học. Vậy bây giờ với tư cách hiệu trưởng trường đại học, đặt trường hợp trường của ông, sinh viên ra thất nghiệp rất nhiều thì ông thấy mình sẽ phải chịu trách nhiệm đến đâu?

Tôi lúc nào cũng chia sẻ với sinh viên rằng, niềm hạnh phúc lớn nhất của một người thầy là thành công của học trò. Còn chứng kiến học trò của mình thất nghiệp, thất bại thì đó là nỗi đau lớn nhất. Nên trong trường hợp đó có lẽ thôi thì… xin nghỉ.

Từ tất cả những gì ông chia sẻ từ đầu tới giờ, nếu để tóm gọn một vài kỳ vọng cho năm 2015, thì đó sẽ là gì?

Quan trọng nhất đầu tiên là phải soi tỏ về mặt thông tin, khi có đầy đủ thông tin tin cậy chính xác, lúc đó mới ra hành động. Thứ 2 là phân quyền, giao quyền của nhà Nước được tăng cường, thay vì đặt nặng vào chuyện quy định ai phải đi như thế nào, mà quan trọng là anh kém thì tôi sẽ xử. Thứ 3 là việc tuân theo nguyên tắc vận hành của thị trường, các loại thị trường, trong đó có thị trường nguồn nhân lực.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam!

Mỹ Hòa
Nguồn: VietNamNet
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.