Chuyên mục
Ở Hàn Quốc, nỗi lo 'cơm áo gạo tiền' lớn hơn e ngại tên lửa Triều Tiên
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ở Hàn Quốc, nỗi lo 'cơm áo gạo tiền' lớn hơn e ngại tên lửa Triều Tiên

Thứ sáu 22/09/2017 14:11 GMT + 7
Bất chấp mối đe dọa từ “hàng xóm” Triều Tiên ngày càng tăng, đặc biệt sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hồi đầu tháng 9, người dân Hàn Quốc hầu như chẳng còn thời gian để lo sợ vì mải miết chạy đua với các vướng bận khác trong cuộc sống hàng ngày.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Người Hàn Quốc không tin chiến tranh sẽ xảy ra

“Chúng tôi đã có quá đủ những thứ cần phải quan tâm trong cuộc sống hàng ngày. Đối với cá nhân tôi, việc nghĩ hôm nay sẽ ăn gì còn đau đầu hơn mối đe dọa vô hình nào đó từ Triều Tiên. Thật lòng tôi cảm thấy, nỗi lo đó quá xa vời với tôi”, Reuters dẫn lời chị You Jae-youn (32 tuổi), nhân viên văn phòng đến từ Sejong, miền trung Hàn Quốc.

Đối với hầu hết người dân Hàn Quốc, sống hàng thập kỷ dưới sự đe dọa chiến tranh và hiện tại là vũ khí hạt nhân của “hàng xóm” thù địch, mối quan tâm mà họ mang theo đến khi chìm vào giấc ngủ mang tính thế tục hơn – công việc, kinh tế và áp lực từ cuộc sống hàng ngày tăng dần cùng với sự phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953.

Người Hàn Quốc ngày càng tỏ ra thờ ơ với nguy cơ chiến tranh. Kết quả khảo sát cho thấy, số người sợ hãi xung đột quân sự giữa hai miền Bán đảo Triều Tiên ít hơn 1/4 so với thế kỷ trước. Chưa kể, các cuộc tập trận phòng vệ dân sự để đối phó với nguy cơ chiến tranh hầu như cũng bị bỏ qua vì chẳng ai quan tâm.

Theo cuộc thăm dò của Gallup Hàn Quốc vào đầu tháng này, 58% người dân Hàn Quốc nói rằng, họ không nghĩ rằng một cuộc chiến nữa sẽ nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong khi, tỷ lệ người Hàn Quốc nghĩ sẽ có chiến tranh trong tương lai gần giảm xuống còn 37%, bất chấp sự gia tăng các động thái tên lửa và hạt nhân những tháng gần đây của chính quyền Kim Jong-un.

Trên thực tế, hai miền Triều Tiên vẫn còn đang trong chiến tranh vì xung đột giai đoạn 1950-1953 chỉ tạm chấm dứt bằng một lệnh ngừng bắn, chứ không phải là hiệp định hòa bình.

“Người ta nói chiến tranh chưa kết thúc, nhưng những người trong thế hệ tôi chưa bao giờ thấy chiến tranh. Nó có vẻ là một thực tế mơ hồ với tôi. Đó là lý do ngay cả khi mọi người nói nguy hiểm, tôi không thể thực sự cảm nhận được. Tất cả bạn bè của tôi đều lo lắng về công việc hơn”, Kim Hye-ji, một nhà thiết kế đồ họa 27 tuổi, chia sẻ.

Căng thẳng và tự tử

Nền kinh tế công nghệ cao và xuất siêu của Hàn Quốc hiện đang phải vật lộn để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng chậm, bị đánh giá sẽ trở thành xu hướng  dài hạn.

An ninh việc làm đang trở thành vấn nạn ở quốc gia này, khi số lao động nước ngoài làm việc tạm thời tại Hàn Quốc cao gấp đôi so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên tăng 4 năm liên tục từ năm 2013 đến 2016.

Sự suy thoái khiến môi trường học tập và làm việc trở nên siêu cạnh tranh, được cho là nguyên nhân cho tỷ lệ stress và tự tử gia tăng ở Đại Hàn Dân Quốc.

Theo Reuters, tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc cao nhất trong OECD vào năm 2015, gấp đôi của Mỹ và gần gấp 4 lần ở Anh.

Các vấn đề về tài chính, bệnh tật, sự cô đơn và vấn đề khác về các mối quan hệ là nguyên nhân hàng đầu gây trầm cảm, dẫn đến tự tử ở Hàn Quốc, theo một báo cáo gần đây của Hiệp hội Phòng chống Tự tử Hàn Quốc. Đáng nói, Triều Tiên không hề được đề cập đến.

“Đa số những người tìm đến chúng tôi với mong muốn kiểm soát sự căng thẳng để tiếp tục cuộc sống mưu sinh như tìm việc làm. Ngay cả những người đã có công việc đến với chúng tôi cũng chỉ muốn điều chỉnh tâm trạng để tiếp tục làm việc. Họ không đến để nói về Triều Tiên”, Sim Min-young, nhà tâm thần học tại Trung tâm Y tế Tâm thần Quốc gia Hàn Quốc, cho biết.

Ông Sim nói thêm, nếu người Hàn Quốc phải đối mặt với mối đe dọa như bão Irma ở Mỹ, họ sẽ chủ động làm điều gì đó như lập kế hoạch sơ tán, tìm kiếm nơi trú ẩn; tuy nhiên, nếu là một vụ tấn công hạt nhân, họ sẽ không biết phải làm gì.

Pháp sư Byeorakdaegam ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Người Hàn cầu nguyện, xem bói vì sợ chiến tranh

Đối với những người thuộc thiểu số lo lắng về chiến tranh, các phương pháp phòng ngừa của họ còn hạn chế.

Theo Reuters, một số đã lập kế hoạch khẩn cấp để sơ tán khỏi khu vực nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên. Các cửa hàng có đánh dấu các vật dụng khẩn cấp bao gồm “túi chiến tranh”, chứa các đồ vật như đồ gia dụng, còi và thực phẩm. Số khác lại tìm kiếm sự an ủi tinh thần.

Choi Ei-woo, mục sư tại Nhà thờ Giám lý Chongkyo ở trung tâm Seoul, tiết lộ, các nhà thờ đang tập trung vào Triều Tiên nhiều hơn trong các bài giảng và các buổi cầu nguyện.

“Tôi không nghĩ sẽ có chiến tranh, nhưng có thể sẽ có những động thái bất ngờ dẫn đến một cuộc xung đột. Tôi đang cầu nguyện để Đức Chúa Trời dẫn dắt mọi người vượt qua thời gian đó”, ông Choi nói.

Ông Lee Chul-hyee (63 tuổi), đã hình thành thói quen cầu nguyện kể từ khi nghỉ hưu từ quân đội cách đây 6 năm. Ông cũng thực hiện các bài giảng tại các hội trường và nhà thờ để chia sẻ kiến thức dựa trên nền tảng quân sự của ông.

Không chỉ nhà thờ, các ngôi chùa cũng trở thành điểm đến tâm linh cho những người lo sợ chiến tranh.

Bà Mun Myung-ha (59 tuổi) chia sẻ, thời gian gần đây, bà cầu nguyện nhiều hơn với hy vọng chiến tranh sẽ không nổ ra.

“Triều Tiên đang tiến hành nhiều vụ thử nghiệm hạt nhân hơn. Mỗi lần bật tin tức lên, trái tim tôi bắt đầu đập dồn dập hơn”, bà Mun tâm sự.

Cũng là tâm linh, nhưng ở khía cạnh mê tín hơn, một số người tìm đến các hình thức bói toán.

Reuters dẫn lời Byeorakdaegam, một pháp sư truyền thống có tên thật là Jang Yong-jun, 6 trong 10 khách hàng tìm đến đã đặt câu hỏi về chiến tranh, cùng với các thắc mắc thông thường như tình yêu, hôn nhân…

“Hồi tháng Giêng, tháng Hai, không ai hỏi tôi về chiến tranh, nhưng bây giờ đã thay đổi. Tôi hỏi họ có tích trữ lương thực hay nước không, tất cả đều nói không. Sau đó, tôi bảo đảm với họ rằng, các vị thần nói với tôi sẽ không có chiến tranh”, ông Jang vừa trả lời phỏng vấn, vừa lắc chuỗi hạt bằng gỗ lớn.

TÚ OANH - Theo Reuters
Nguồn: tienphong.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.