Chuyên mục
Đêm nay dài thêm một giây
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Đêm nay dài thêm một giây

Thứ tư 01/07/2015 01:37 GMT + 7
Thời gian trên toàn thế giới hôm nay sẽ được điều chỉnh dài thêm một giây để bù đắp những sai số là hệ quả của việc tốc độ quay của Trái Đất bị thay đổi.

Một giây nhuận sẽ giúp đồng hồ trên toàn thế giới chạy khớp với tốc độ quay của Trái Đất nhưng cũng gây ra vấn đề về đồng bộ hóa dữ liệu máy tính. Ảnh minh họa: BBC

Vào lúc 23h59 GMT hôm nay, các đồng hồ nguyên tử trên thế giới sẽ được thêm một giây. Điều này có nghĩa phút cuối cùng của tháng 6 sẽ có tổng cộng 61 giây, theo BBC. Việc điều chỉnh này nhằm mục đích đồng bộ thời gian trên các đồng hồ nguyên tử với vòng quay của Trái Đất.

Theo Peter Whibberley, nhà nghiên cứu cấp cao tại Phòng thí nghiệm Vật lý quốc gia Anh, tính chính xác của đồng hồ trên thế giới phụ thuộc vào tốc độ quay quanh trục của Trái Đất nhưng con số này lại thay đổi bất thường bởi chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngoại cảnh như thủy triều, lực hấp dẫn của Mặt Trời, Mặt Trăng. Vì thế hiện tượng giây nhuận cũng xảy ra không theo chu kỳ nhất định.

Một số chuyên gia cho rằng một giây thêm vào có khả năng mang đến nhiều rắc rối cho hệ thống xử lý thông tin tại các trung tâm tài chính cũng như nhiều tổ chức khác trên toàn cầu bởi các máy tính không được đồng bộ hóa.

Chính vì thế ông Whibberley đề xuất rằng "mỗi giây nhuận cần được thông báo trước 6 tháng". Điều này sẽ giúp các máy tính và phần mềm không có cơ chế hỗ trợ thay đổi thời gian tự động tránh khỏi vấn đề sai lệch thông số.

Tuy nhiên, Sebastien Bize, chuyên gia đồng hồ nguyên tử tại phòng thí nghiệm SYRTE, đài quan sát Paris, thì cho rằng "đã đến lúc loại bỏ giây nhuận".

Việc bỏ giây nhuận không ảnh hưởng nhiều tới con người trong tương lai gần. Tuy nhiên, sau 10 nghìn năm nữa, giờ giấc sẽ đảo lộn. Khi đó, chúng ta sẽ ngắm mặt trời mọc lúc nửa đêm và ăn sáng lúc 2h.

Vũ Hoàng
Nguồn: VnExpress.net

Bí ẩn lớn đối với loài người về ngày 30/6

Năm 1908, vụ nổ kinh hoàng đã thiêu rụi 60 triệu cây trên diện tích hơn 2.150 km2, tại Tunguska, Nga. Đến nay nó vẫn là bí ẩn lớn của loài người.

Vụ nổ khủng khiếp

Khoảng 7h15 sáng, những người Tungus bản địa và người định cư Nga trên những quả đồi phía tây bắc Hồ Baikal quan sát thấy một cột ánh sáng xanh, chói như Mặt Trời, di chuyển ngang bầu trời.

Vụ nổ kinh hoàng đã thiêu rụi 60 triệu cây trên diện tích hơn 2.150 km2, tại Tunguska, Nga. Ảnh minh họa

Khoảng 10 phút sau, có một vụ nổ và một âm thanh "va chạm" lớn tương tự tiếng pháo nổ ngắn, ngày càng mở rộng ra xa.

Những người tận mắt chứng kiến vụ nổ kể rằng nguồn âm thanh di chuyển mỗi khi gặp chướng ngại, từ hướng đông lên hướng bắc.

Tiếp sau âm thanh là một đợt "sóng" mạnh trong không khí, hất ngã mọi người và đập vỡ cửa sổ ở khoảng cách hàng trăm dặm.

Vụ nổ đã được các trạm địa chấn khắp vùng Âu Á ghi nhận, và đã gây ra các dao động bất thường trong áp suất khí quyển ở mức đủ mạnh để có thể được phát hiện bằng các máy ghi khí áp mới được phát minh khi đó tại Anh Quốc.

Địa điểm này nằm ở giữa một khu vực núi lửa cũ, và các nhà nghiên cứu từng một lần phát hiện sự phun trào khí radon kéo dài 4 giờ.

Những nỗ lực nhằm tiến hành xác định niên đại carbon-14 cho thấy, đất ở đây đúng là có nhiều phóng xạ carbon-14.

Nhà địa chất người Nga Vladimir Epifanov và nhà vật lý học thiên thể người Đức Wolfgang Kundt đã cho rằng vụ nổ là một đợt phun trào khí mêtan từ trong lòng Trái Đất.

Nó tương tự như điều đã xảy ra năm 1994 gần làng Cando ở Tây Ban Nha.

Nhà vật lý người Nga Tiến sĩ Ol'khovatov thì giải thích vụ nổ bằng lý thuyết thiên thạch hay sao chổi, và có khuynh hướng cho rằng "vụ Tunguska" là một sự kiện địa vật lý.

Các giả thuyết

Năm 1973, Jackson và Ryan đã đưa ra giả thuyết rằng sự kiện Tunguska do một "hố đen nhỏ" đi qua Trái Đất gây nên.

Không may cho giả thuyết này là không hề có bằng chứng về một vụ nổ thứ hai tương tự xảy ra khi "hố đen" rời khỏi Trái Đất, vì thế nó đã không được chấp nhận rộng rãi.

Giả thuyết sau đó của Stephen Hawking nói về việc các hố đen bức xạ năng lượng cho thấy một hố đen nhỏ như vậy sẽ bốc hơi từ lâu trước khi có thể chạm tới Trái Đất.

Năm 1965, các nhà khoa học Cowan, Atluri và Libby cho rằng sự kiện Tunguska do sự hủy diệt của một khối phản vật chất rơi xuống từ vũ trụ gây nên.

Tuy nhiên, cũng như những giả thuyết trên, nó không tính tới lượng rác khoáng chất còn lại trong vùng sau vụ nổ.

Hơn nữa, không hề có bằng chứng thiên văn học nào cho thấy những khối phản vật chất như vậy hiện diện trong vùng vũ trụ của chúng ta.

Năm 1989, các nhà thiên văn học D' Alessia và Harms đã cho rằng một số deuterium trong một sao chổi rơi vào khí quyển Trái Đất có thể trải qua một quá trình phản ứng tan rã hạt nhân, để lại dấu vết dễ phát hiện ở hình thức Carbon-14...

Một số giả thuyết lại liên hệ sự kiện Tunguska với các cơn bão điện từ tương tự với những gì đã xảy ra sau những vụ nổ nhiệt hạch tại tầng bình lưu.

Cũng có ý kiến cho rằng vụ nổ Tunguska là kết quả của một cuộc thực nghiệm do Nikola Tesla tiến hành tại Tháp Wardenclyffe, cuộc thực nghiệm diễn ra trong thời gian Robert Pearry đang tiến hành các cuộc thám hiểm Bắc Cực.

Họ cho rằng Tesla đã gửi điện tín cho Peary thông báo về một 'hiện tượng bình minh bất thường' sẽ gặp phải khi ông tới Bắc Cực.

Tuy nhiên, ở thời điểm diễn ra sự kiện Tunguska đa số công việc tại Wardenclyffe đã chấm dứt và địa điểm này cũng đã bị bỏ hoang.

Hơn nữa, rõ ràng là không thể có cơ sở nói rằng chỉ với một nguồn năng lượng nhỏ tại Wardenclyffe lại gây ra được một nguồn năng lượng lớn như vậy ở một nơi khác...

Như vậy, cho đến nay, người ta vẫn chưa có một lời giải thích thỏa đáng nào cho vụ nổ Tunguska, nhưng cho dù thế nào đi chăng nữa, đây vẫn là vụ nổ kinh hoàng và ẩn chứa nhiều bí ẩn bậc nhất trong lịch sử loài người.

Vy Oanh
Nguồn: Khỏe & Đẹp

31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.