Chuyên mục
Ba em bé Việt Nam đầu tiên sinh ra trong ống nghiệm - ngày ấy, bây giờ
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ba em bé Việt Nam đầu tiên sinh ra trong ống nghiệm - ngày ấy, bây giờ

Thứ năm 26/07/2018 15:19 GMT + 7
Sự ra đời của ba em bé đầu tiên bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam đã mở ra cơ hội mới cho hàng nghìn gia đình hiếm muộn.

Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm diễn ra như thế nào?

Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản mang lại tia hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng. Bạn có biết phương pháp này được thực hiện ra sao?

Ngày 30/4/1998, cách đây 20 năm, ba đứa trẻ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đầu tiên của Việt Nam ra đời. Đây là một trong những thành tựu xuất sắc của nền y học Việt Nam. Ba em bé được đặt tên là Phạm Tường Lan Thy, Lưu Tuyết Trân và Mai Quốc Bảo.

Tự hào vì được sinh ra đặc biệt

Anh Phạm Xuân Tài, ba của Phạm Tường Lan Thy, bồi hồi nhớ lại hành trình tìm kiếm đứa con đầy vất vả của hai vợ chồng. Kết hôn năm 1986 nhưng anh chị không thể có con.

Tình cờ, anh được gặp bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ) trong hội nghị được tổ chức tại khách sạn nơi anh làm việc. Thời điểm này, kỹ thuật TTTON lần đầu tiên được bác sĩ Phượng mang về Việt Nam. Gia đình anh Tài may mắn là một trong những cặp vợ chồng đầu tiên được áp dụng phương pháp này.

Ngày 30/4/1998, sau hơn 9 tháng thai kỳ thấp thỏm lo âu, niềm vui vỡ òa trong anh Tài và gia đình khi chào đón cô con gái ra đời.

Theo bố mẹ Lan Thy, sinh ra bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm nhưng con gái họ vẫn phát triển thể chất và tinh thần bình thường như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên, khi lớn lên, nữ sinh đôi lúc bị bạn bè trêu chọc vì sự "đặc biệt" này của mình.

Phạm Tường Lan Thy sở hữu thành tích học tập tốt, đang du học tại Nhật Bản. Ảnh: LYNK

“Có lần, mình đã xô xát với một bạn học chỉ vì người đó nói mình không phải con của bố mẹ. Mỗi khi nghe ai đó bảo bản thân khác thường, mình buồn và tủi thân lắm. Sau này, được gia đình giải thích, mình lại cảm thấy tự hào” - Lan Thy kể.

9X lớn lên trong sự yêu thương và kỳ vọng của cha mẹ. Mỗi ngày, cô đều không ngừng cố gắng để chứng tỏ bản thân. Lan Thy từng đạt giải nhất Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học năm 2015, huy chương vàng môn Lịch sử khối 11 Kỳ thi Olympic tháng 4 TP.HCM lần I, năm học 2014-2015,...

Hiện tại, Lan Thy là du học sinh của Đại học Quốc tế Tokyo (Nhật Bản) với học bổng toàn phần.

“Châu báu” của mẹ

Lưu Tuyết Trân - con gái của chị Trần Thị Bạch Tuyết và anh Lưu Tấn Trực ở Mỹ Tho, Tiền Giang - hiện là sinh viên đại học. Cô bé ngày nào nay đã trở thành thiếu nữ xinh xắn với mái tóc đen nhánh.

“Sống với nhau 8-9 năm vẫn chưa có con, vợ chồng tôi tìm mọi cách điều trị mà vẫn không thành công, nhưng chúng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc”, chị Tuyết tâm sự về chuyện hiếm muộn ngày ấy.

Năm 2000, khi bé Trân tròn 2 tuổi cũng là ngày ba Trực vĩnh viễn ra đi do ung thư gan. Để kiếm kế sinh nhai, chị Tuyết làm đủ việc từ may đồ chợ, đi tiếp thị sản phẩm. Sau này, cuộc sống khá hơn nhờ chị Tuyết biết vun vén.

Em Lưu Tuyết Trân hiện là sinh viên đại học. Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Chị Tuyết kể hồi còn nhỏ bé Trân thường xuyên sốt cao và co giật nhưng đến 3 tuổi thì hết hẳn. Những lúc con bệnh, người mẹ ấy lại khóc, một phần vì lo sợ cho con, một phần vì không có ai bên cạnh để chia sẻ và động viên.

Giờ đây thấy con khỏe mạnh và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, lòng chị thấy ấm áp lạ thường. Sinh con ở tuổi 32, chị Tuyết quyết định đặt tên con là Lưu Tuyết Trân, chữ “trân” được chị ví như “châu báu” và đó là động lực để chị bước tiếp.

“Nghe mẹ kể về chuyện em lọt lòng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, em thấy thương mẹ nhiều hơn. Em sẽ cố gắng học để sau này có thể lo cho mẹ”, Trân nói.

Bảo - bảo vật gia đình

Bé trai duy nhất trong số ba em bé là Mai Quốc Bảo. Hơn 30 năm trước, vợ chồng anh Mai Văn Phơn, chị Mai Thúy Nga vui mừng chờ đợi đứa con đầu lòng ra đời. Nhưng sau một lần trượt chân ngã, đứa bé trong bụng chị không còn. Rồi chờ mãi, chị vẫn không cảm nhận bất cứ dấu hiệu nào của thai nghén.

Sau đó, chị đã khóc hết nước mắt khi các bác sĩ ưu tư nhìn chị, bảo rằng chị khó có con. Nhưng bản năng muốn được làm mẹ cứ cồn cào, thôi thúc. Nghe ai bày thuốc gì hay, chỉ thầy nào giỏi, chị đều sốt sắng làm theo.

“Thấy vợ chồng tôi tha thiết quá, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, an ủi: "Cố chờ đi Nga, bệnh viện sẽ cố gắng làm một điều gì đó". Một ngày, bác sĩ Phượng gọi vợ chồng tôi vào bệnh viện, tiến hành xét nghiệm để thực hiện thụ tinh nhân tạo. Chúng tôi mừng khôn tả. Dù là một tia hy vọng, chúng tôi cũng khấp khởi mong đợi”, chị Nga kể.

Mai Quốc Bảo có thành thích học tập khá, chơi thể thao giỏi. Ảnh: Đọt chuối non

Trong 100 người thụ tinh lần đầu tiên, 70 người có phôi, nhưng chỉ có 3 người trong số đó đậu thai. “Ngày mọi người trong bệnh viện ùa lại chúc mừng vợ tôi đã có mang, tôi thấy hai chân mình chấp chới, sung sướng tột cùng” - anh Phơn nói, giọng xúc động.

Ngay sau khi bé chào đời, ông ngoại đặt cho cháu tên Mai Quốc Bảo với ý nghĩa cậu bé không chỉ là bảo vật gia đình mà còn là sự kiện mang tầm quốc gia. Nó đánh dấu sự bắt đầu ngoạn mục của công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam, mở ra niềm hy vọng cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn.

Mai Quốc Bảo lớn lên khỏe mạnh, thông minh. Ngay từ bé, Bảo đã có ý thức tự giác, không để ba mẹ phải nhắc nhở chuyện học hành. Hơn thế, cậu còn rất thích chơi thể thao, sở hữu chiều cao vượt trội. Bảo đang là sinh viên của một trường đại học tại Việt Nam.

Phương Anh (Tổng hợp)
Nguồn: zing.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.