Chuyên mục
Ai có thể đọc vị được Putin?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ai có thể đọc vị được Putin?

Thứ bảy 13/06/2015 09:45 GMT + 7
Dò xét thái độ và phán đoán tính cách thông qua các phản ứng tâm lý luôn là một trong những thủ thuật cơ bản nhất trong chính trị, nơi các chính khách cao cấp luôn được xem là đối tượng hàng đầu được nhắm đến.


Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hiểu được tính cách và thái độ cơ bản của một nhà chính trị, người ta có thể đưa ra được những dự đoán chuẩn xác về những phản ứng và giải pháp của nhà chính trị đó trong những tình huống nhất định. Và trong thế giới đầy tính dò xét này, nếu có một thử thách cuối cùng và khó khăn nhất cho các nhà tâm lý học, thì đó hẳn phải là tổng thống Nga Vladimir Putin.

Không ai có thể quên lời nhận xét trứ danh của thượng nghị sĩ Mỹ John McCain về tổng thống Vladimir Putin sau khi hai người này gặp nhau: “Tôi nhìn sâu vào mắt Putin, và tôi có thể thấy ba chữ KGB hiện ra trong đó”. Lời nhận xét của một thượng nghị sĩ kỳ cựu của Đảng Cộng hòa nổi tiếng Diều hâu đã từng ra tranh cử chức tổng thống Mỹ không chỉ đơn giản là một sự nhắc lại quá khứ từng là đặc vụ của cơ quan an ninh và tình báo Liên Xô của Putin, mà còn là một sự khẳng định về sự khó khăn để phán đoán tính cách của vị tổng thống Nga. Đối mặt với McCain khi ấy là một bộ mặt lạnh đến sắt đá đặc trưng của một cựu đặc vụ KGB, khiến cho một người lão luyện như McCain cũng không thể đoán biết được những suy nghĩ đằng sau vẻ bề ngoài của Putin.

Và quả thực quá khứ từng là đặc vụ của KGB đang đem lại khá nhiều lợi thế cho Putin trong vai trò lãnh đạo nước Nga của ông ở thời điểm hiện tại. Những phẩm chất và kỹ năng được huấn luyện khi còn trẻ tại KGB trùng hợp là lại khá hữu dụng trong cương vị tổng thống Nga, một trong số đó là khả năng kiểm soát những biểu hiện tâm lý bề ngoài. Các đặc vụ của KGB trong quá khứ nổi danh với bộ mặt sắt đá và khả năng duy trì vẻ bề ngoài vô cảm cao độ của mình, Putin giờ đây cũng vậy. Hiếm khi người ta thấy được một sự biểu lộ xúc cảm nào trên gương mặt Putin trong các bàn đàm phán, những nụ cười xuất hiện cũng rất hiếm hoi kể cả trong những buổi trò chuyện mang tính chất truyền thông trên truyền hình. Và nếu có, nó cũng thường là những nụ cười xã giao một cách đầy lịch thiệp nhưng vô hồn. Nếu như ở Mỹ, có hàng loạt cuốn sách phân tích tâm lý và các ngôn ngữ hành vi của nhiều vị tổng thống, thì số sách kiểu đó viết về tổng thống Nga Putin lại rất hiếm. Không phải là các tác giả hành vi ngôn ngữ và tâm lý học không có hứng thú viết về Putin (trên thực tế đó đang là một đề tài rất hút khách), mà là họ không có nhiều điều để viết về vị tổng thống có bộ mặt lạnh lùng và khó thăm dò của nước Nga.

Thậm chí, khả năng kiểm soát và thao túng các biểu hiện tâm lý của Putin còn có thể đạt đến mức làm sai lạc khả năng thăm dò của người đối diện. Có không ít huyền thoại được lan truyền xung quanh khả năng đặc biệt này của vị tổng thống là cựu đặc vụ KGB. Và người Mỹ chính là những người hiểu rõ điều này hơn ai hết, khi chính họ đã là nạn nhân của khả năng đặc biệt này của Putin. Năm 2001, tổng thống George Bush sau cuộc gặp trực tiếp với Vladimir Putin đã phát biểu: “ Tôi đã nhìn vào mắt ông ấy, và tôi cảm nhận rõ tâm hồn của Vladimir Putin, đó là một tâm hồn thật giản dị và đáng tin cậy”. Và ngược lại, vào năm 2011, phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu cảm nghĩ của mình về Putin sau chuyến thăm Moscow, và đó cũng là những gì Biden nói trực tiếp một cách rõ ràng với Putin trong cuộc gặp gỡ: “Tôi đã nhìn thẳng vào mắt ngài, và tôi không nghĩ rằng ngài có một tâm hồn”. Khó có thể tin hai người giữ cương vị hàng đầu ở Nhà Trắng lại có thể đưa ra hai nhận xét trái ngược nhau đến vậy về cùng một con người.

Khả năng kiểm soát và thao túng biểu hiện tâm lý với người đối diện của Vladimir Putin đang được xem là điều khiến tổng thống Nga là đối thủ rất khó ứng phó trên các bàn đàm phán và các cuộc trao đổi tay đôi. Những chính khách châu Âu hẳn không thể nào quên những lời phân trần của thủ tướng Đức Angela Merkel về những gì đã diễn ra trên bàn đàm phán ở Minsk để bàn về việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraina. Khi cuộc đàm phán giữa bà Merkel, tổng thống Pháp Francois Holland và tổng thống Nga Putin có chiều hướng đi vào bế tắc, khi cả hai bên đều không tỏ ra muốn nhượng bộ, cây bút chì trên tay Putin đã bị gãy đôi dù sự lạnh giá vẫn ngự trị trên gương mặt tổng thống Nga. Đó là lúc bà Merkel cảm thấy cần phải nhượng bộ nếu như không muốn cuộc đàm phán đổ vỡ hoàn toàn. Câu chuyện này nổi tiếng đến mức đã có hẳn một series chương trình phân tích về sự kiện cây bút chì trên tay Putin bị bẻ gãy. Thậm chí có nhà phân tích đã đưa ra giả thiết rằng phía Nga đã tính trước tình huống này, và vì thế ông Putin đã đem vào bàn hội nghị một cây bút chì thay vì một chiếc bút máy như thường lệ.

Nhiều nhà chính khách kỳ cựu của phương Tây cho rằng, có nhiều điểm chung giữa tổng thống Nga Putin hiện nay với các nhà lãnh đạo tối cao Liên Xô trong quá khứ, nhưng Putin tỏ ra còn khó chơi hơn nhiều. Không ít lần các nhà lãnh đạo tối cao Liên Xô sử dụng các hành vi thao túng ngầm bằng các biểu hiện tâm lý, mà sự kiện Khrushchev nện giầy lên bàn tại hội nghị Liên Hợp Quốc năm 1960 là một ví dụ. Nhưng ít có nhà lãnh đạo tối cao Liên Xô nào qua mặt được Putin về khả năng kiểm soát cảm xúc cao độ của mình, vốn là một kỹ năng được Putin rèn luyện khi còn là một đặc vụ của KGB, đó được xem là một lợi thế rất lớn vì hầu như ít có nhà lãnh đạo Liên Xô nào lại xuất thân từ một đặc vụ KGB như Putin. Và khi mà đến cả những chính khách lão luyện nhất, như tổng thống Mỹ George Bush, còn bị khả năng thao túng biểu hiện tâm lý của Putin làm sai lạc sự đánh giá, thì liệu còn ai có thể đọc vị được tổng thống Nga ở thời điểm hiện tại?

Nhàn Đàm (theo Reuters)
Nguồn: motthegioi.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.