Chuyên mục
Thảm kịch rơi máy bay ở Indonesia: Vẫn là một bí ẩn
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Thảm kịch rơi máy bay ở Indonesia: Vẫn là một bí ẩn

Thứ tư 31/10/2018 08:41 GMT + 7
Một ngày sau khi chuyến bay JT 610 của hãng hàng không Lion Air lao xuống biển chỉ hơn 10 phút sau khi cất cánh từ thủ đô Jakarta khiến tất cả 189 người trên khoang thiệt mạng, nhiều câu hỏi đang được đặt ra về nguyên nhân khiến chiếc Boeing 373 MAX 8 mới đưa vào sử dụng đột ngột mất độ cao.

Đồ vật của các hành khách gặp nạn được trục vớt tại cảng Tanjung Priok. Ảnh: CNN 

Ngày 30-10, các đội lặn và cứu hộ đang nỗ lực đưa hành khách ra khỏi nước, trong khi các nhà điều tra kiểm tra các mảnh vụn nằm rải rác trên một vùng biển rộng lớn. Thân máy bay và hộp ghi dữ liệu chuyến bay, vốn sẽ cung cấp thêm bằng chứng về nguyên nhân khiến máy bay bị rơi, vẫn chưa được trục vớt.

Cho đến nay, cảnh sát cho biết 26 túi thi thể đã được chuyển đến một bệnh viện địa phương. Các mẫu ADN được lấy từ 132 thành viên gia đình các nạn nhân trên máy bay để giúp xác định, nhưng cảnh sát Jakarta cảnh báo điều này có thể gặp khó khăn, vì mỗi túi cơ thể được chuyển giao có thể chứa phần thi thể của nhiều người. Tại một cuộc họp báo sáng 30-10, ông Muhammad Syaugi của Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia cho biết, quá trình nhận dạng diễn ra càng nhanh càng tốt, nhưng cảnh báo không chắc chắn tất cả hành khách sẽ được tìm thấy.

Những hoài nghi về nguyên nhân tai nạn

Báo cáo mới nhất của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Indonesia cho biết, lúc 6 giờ 22 sáng 29-10 (giờ địa phương), tức chỉ 2 phút sau khi cất cánh, phi hành đoàn của chuyến bay yêu cầu đài kiểm soát không lưu tại sân bay Jakarta cho phép nâng độ cao từ khoảng 500m lên 1.500m do gặp vấn đề về kiểm soát bay. Yêu cầu này đã được chấp nhận, nhưng máy bay đã bị rơi 11 phút sau đó. Sau khi cất cánh khoảng 19km, phi hành đoàn yêu cầu kiểm soát không lưu cho phép quay trở về sân bay Jakarta, nhưng không tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Sau đó, máy bay mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu. Người phát ngôn của cơ quan hàng không Indonesia Yohanes Sirait cho biết: "Trạm kiểm soát không lưu chấp nhận yêu cầu đó nhưng đã bị mất liên lạc với máy bay".

Ông David Soucie, cựu thanh tra an toàn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ, cho rằng, tình trạng khẩn cấp không được tuyên bố là một nguyên nhân gây lo ngại. "Điều đặc biệt nhất đối với tôi là việc họ không tuyên bố khẩn cấp. Họ chỉ đơn giản nói "chúng tôi sẽ quay lại". Nhưng khi tôi nhìn vào đường đi của máy bay sau đó, nó đã hạ độ cao rất lớn, đó không phải là điển hình cho những gì họ phải làm. Lẽ ra, họ phải duy trì độ cao và quay trở lại sân bay", ông Soucie nói.

Dữ liệu ban đầu từ trang mạng Flightradar 24 cho thấy, máy bay đã thay đổi độ cao liên tục trước khi mất liên lạc. Khoảng 2 phút sau khi cất cánh, máy bay đạt độ cao 610m, sau đó giảm xuống còn 152m trước khi tăng lên 1.524m và giữ độ cao này phần lớn thời gian sau đó. Tuy nhiên, máy bay bắt đầu tăng vận tốc ở những phút cuối và đạt 639 km/h trước khi mất liên lạc khi ở độ cao 1.113m. Trên thực tế, việc chiếc Boeing 737 MAX 8 có vấn đề về kỹ thuật cũng đã được đề cập từ trước khi chuyến bay khởi hành. Theo ông Edward Sait - CEO của hãng Lion Air, tối 28-10, phi công của máy bay này khi đó đang trên hành trình từ Denpasar tới Jakarta đã báo cáo máy bay gặp một vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh các kỹ sư đã khắc phục được sự cố và đảm bảo máy bay hoàn toàn an toàn khi cất cánh vào sáng 29-10.

Kiểm soát không lưu cho biết, máy bay sẽ được đưa ra một điểm hạ cánh ưu tiên nếu tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Theo ông Soucie, "có điều gì đó khiến máy bay mất kiểm soát". Ông loại trừ nguyên nhân thời tiết vì máy bay dường như không quay trở lại Jakarta, "điều đó nói lên rằng một cái gì đó đột ngột và rất nhanh xảy ra với máy bay".

Mặc dù hộp ghi dữ liệu chuyến bay và máy ghi âm buồng lái - tức "hộp đen" - vẫn chưa được trục vớt, ông Soucie cảnh báo rằng, bộ định vị khẩn cấp trên hộp đen có phần không đáng tin cậy, và có thể không phát hiện được, giống như trường hợp chuyến bay MH370 mất tích bí ẩn của Hãng hàng không Malaysia. "Khi máy bay bị hư hỏng, thứ đầu tiên bạn tìm thấy là những chiếc hộp, và nếu tín hiệu cho biết chúng không hoạt động hoặc không được thiết kế đúng cách, thì đó là một vấn đề lớn", ông nói.

Các mảnh vỡ của máy bay Boeing 373 MAX 8 được tập trung để điều tra. Ảnh: Reuters

Hồ sơ "kém an toàn"

Vụ tai nạn đặt ra những câu hỏi về an toàn bay của hãng hàng không Lion Air nói riêng và của ngành hàng không Indonesia nói chung.

Thành lập năm 1999, Lion Air là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Indonesia và lớn thứ nhì Đông Nam Á. Hiện hãng hàng không này sở hữu 252 máy bay các loại. Tốc độ tăng trưởng của Lion Air tăng đột biến trong 10 năm qua, từ 20,5 triệu hành khách trong năm 2010 lên tới hơn 60 triệu hồi năm ngoái. Dù vây, hãng hàng không này luôn phải đối mặt với nhiều câu hỏi về đáp ứng tiêu chuẩn an toàn hàng không. Trước đó, EU và Mỹ đã cấm các hãng hàng không Indonesia, trong đó có Lion Air, bay tới Châu Âu và Mỹ vào năm 2007 do lo ngại an toàn. Cho đến tháng 6-2016, Lion Air mới được phép tái triển khai các chuyến bay tới Châu Âu.

Hãng hàng không này cũng đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Năm 2004, 25 hành khách thiệt mạng khi chiếc DC-9 bị rơi do mưa lớn tại thành phố Solo ở trung tâm Java. Năm 2002, chiếc Boeing 737-200 gặp nạn khi cất cánh từ sân bay quốc tế Sultan Syarif Kasim II, nhưng may mắn không ai bị thương. Năm 2017, một máy bay Boeing của hãng va chạm với máy bay của hãng Wings Air khi hạ cánh xuống sân bay Kualanamu trên đảo Sumatra. Năm 2013, một chiếc Boeing 737 của Lion Air bỏ lỡ đường băng và đâm xuống biển gần Bali, buộc hành khách phải bơi đến nơi an toàn. Cùng năm đó, một chiếc Boeing Air 737 va chạm với một con bò khi hạ cánh xuống sân bay Jalaluddin ở Gorontalo.

Giải pháp nào?

Indonesia, một đảo quốc với hơn 13.000 hòn đảo, đã chứng kiến sự bùng nổ hàng không trong nước trong những năm gần đây, với lưu lượng hành khách tăng gấp ba lần trong khoảng thời gian từ 2005-2017. Ngày nay, Indonesia có thị trường hàng không nội địa lớn thứ năm trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tiêu chuẩn an toàn hàng không đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành này tại Indonesia. Theo dữ liệu của Mạng lưới An toàn Hàng không, từ năm 1945 đã có 98 vụ tai nạn chết người liên quan đến máy bay Indonesia, khiến 2.035 người thiệt mạng. Hơn thế nữa, gần một nửa trong số các vụ xảy ra từ năm 2001. Vụ tai nạn lần này khiến thế giới phải xem lại hồ sơ an toàn chung của ngành hàng không Indonesia, vốn đã tụt hậu so với các nước khác trong khu vực. Sau vụ tai nạn, Australia đã khuyên các quan chức chính phủ và các nhà thầu không bay của Lion Air. "Những gì chính phủ Indonesia đối phó với vấn đề này là một vấn đề mang tính hệ thống. Họ cần phải điều chỉnh hoặc cân nhắc lại cách Indonesia xem xét sự an toàn", ông Soucie nói.

AN BÌNH
Nguồn: cadn.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.