Chuyên mục
Triển khai vũ khí tới Đông Âu, Mỹ đang cố dồn Nga?
BÌNH LUẬN
Càng ngày càng thấy bộ mặt của Mỹ, Nato lấy cớ khủng hoảng Ukreine và cũng dùng Ukreine làm bàn đạp để cố dồn Nga vào...

Triển khai vũ khí tới Đông Âu, Mỹ đang cố dồn Nga?

Thứ bảy 27/06/2015 14:47 GMT + 7
Ngày 23-6, Mỹ thông báo sẽ triển khai vũ khí hạng nặng trên lãnh thổ của một số đồng minh thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Giới phân tích nhận định động thái trên của Washington đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ cho các đồng minh, Nga và nhiều nước khác trên thế giới rằng Mỹ vẫn là siêu cường số một về quân sự.

Thế cân bằng NATO – Nga 

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp 3 quốc gia vùng Baltic gồm Estonia, Litva và Latvia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết Washington sẽ triển khai các 250 đơn vị thiết giáp gồm xe tăng, xe chiến đấu bộ binh Bradley và pháo tự hành trong lãnh thổ của một số quốc gia Trung và Đông Âu, giáp biên giới với Nga. Ông Carter khẳng định động thái này nhằm thể hiện cam kết của NATO đối với các quốc gia vùng Baltic. "Bạn sẽ không bao giờ mất lòng tin vào NATO, vì Mỹ và phần còn lại của NATO đã cam kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Estonia, Latvia và Litva cũng như lời cam kết bảo vệ cho các thành viên còn lại của NATO", Bộ trưởng Carter tuyên bố. 

Thông báo của Mỹ được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi NATO cam kết sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Đông Âu liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.  Hiện ngoài 3 quốc gia vùng Baltic có Bulgari, Romani và Phần Lan sẵn sàng cho phép Mỹ thiết lập các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Mỹ cũng cho biết sẽ đặt một số trang thiết bị quân sự khác tại Đức. Những đơn vị chiến đấu của Mỹ có nhiệm vụ huấn luyện và diễn tập cùng quân đội các quốc gia sở tại. 

Tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga.

Dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định không muốn phát động một cuộc "chiến tranh lạnh" lần thứ hai mà chỉ nhằm bảo vệ các nước đồng minh của mình, song một số ý kiến phân tích cho rằng động thái trên của Mỹ đã phát đi tín hiệu cho Nga, các đồng minh của Mỹ và các nước hàng đầu trên thế giới khác rằng Washington có đủ tiềm năng quân sự để đối đầu với Moskva trong khu vực. Bên cạnh đó, việc NATO mở rộng sự hiện diện của mình tại Đông Âu và các nước vùng Baltic sẽ gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, đồng thời đẩy cao nguy cơ xảy ra các thảm họa với hậu quả khôn lường. Trong khi đó, Nga cho rằng các nước vùng Baltic không nên hy vọng vào số vũ khí của NATO mà nên nghĩ đến những nguy cơ họ tự tạo ra cho đất nước khi đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của mình. Moscow tuyên bố chính những hệ thống đó là mục tiêu của quân đội Nga, và các nước Baltic có thể sẽ rơi vào thế ở giữa hai bên xung đột.

Nhiều dấu hiệu cho thấy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tái trang bị để chuẩn bị cho cái mà họ gọi là cuộc đối đấu trong nhiều năm tới có khả năng xảy ra với một nước Nga đang trỗi dậy và khó đoán định. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak mới đây đã phát biểu: "Sau nhiều thập kỷ, giai đoạn hòa bình sau Chiến tranh Lạnh giờ đã chấm dứt bởi ngày càng có nhiều các cuộc khủng hoảng nổ ra ở khắp châu Âu, và chúng ta phải chắc chắn rằng mọi người đều hiểu điều đó". Ông Siemoniak nhắc lại lời kêu gọi NATO bố trí lực lượng thường trực ở Ba Lan và cho biết ông hy vọng việc luân chuyển đều đặn lực lượng liên quân ở Ba Lan sẽ dần được chuyển sang thành lực lượng thường trực. Ngày 24-6, ông Siemoniak cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và các đồng nhiệm khác thuộc các nước thành viên NATO bắt đầu một cuộc họp kéo dài hai ngày tại Brussels để bàn về việc tiếp tục củng cố tổ chức đã được thành lập từ năm 1949 này nhằm ngăn chặn Nga "dùng xe tăng và quân đội để qua mặt Tây Âu".

Theo ông Jens Stoltenberg, người đứng đầu lực lượng NATO, liên minh này sẽ không chạy đua vũ trang với Nga dù ông nói rằng việc Nga chiếm lãnh thổ của Ukraine đã buộc liên minh này phải tăng cường khả năng quân sự của mình. Ông Stoltenberg nói: "Chúng tôi sẽ không bị kéo vào cuộc chạy đua vũ trang, song chúng tôi phải giữ an ninh cho các quốc gia của mình". Tuần trước, một quan chức Nga đã cáo buộc NATO đẩy Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang khi tăng cường các hoạt động quân sự quanh biên giới Nga, không chỉ ở các quốc gia Baltic thuộc Liên Xô trước đây. Ông Stoltenberg nói rằng quyết định của Mỹ bổ sung trang thiết bị quân sự ở Đông Âu là một phản ứng khôn ngoan trước các hành động của Nga. Ông cho biết các bộ trưởng quốc phòng tại cuộc họp lần trước ở Brussels (hồi tháng 2-2015) đã thỏa thuận tăng cường sức mạnh lực lượng phản ứng nhanh của liên quân, bao gồm các đơn vị không quân, hải quân và đặc nhiệm. Lực lượng này sẽ có 40.000 quân, trong đó sẽ có một lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh đa quốc gia gồm 5000 lính lục quân, có thể triển khai trong vòng 48 tiếng đồng hồ để hỗ trợ bất kỳ một quốc gia thành viên NATO nào bị Nga hay các mối đe dọa bên ngoài nào khác uy hiếp.

Liệu Hy Lạp có rời châu Âu trong tháng tới? 

Nga trả đòn bằng chiến lược hạt nhân? 

Các nhà ngoại giao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cho biết NATO ngày càng lo ngại về chiến lược hạt nhân của Nga cũng như những dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định kế hoạch quân sự của Nga có thể hạ thấp ngưỡng mà họ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong các cuộc xung đột. Các quan chức NATO đã thực hiện một nghiên cứu về chiến lược hạt nhân của Nga và nghiên cứu này được Bộ trưởng Quốc phòng của các nước thành viên thảo luận trong cuộc họp tại Brussels. Nghiên cứu này được thực hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa NATO và Nga liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine đang dâng cao, và sự nghi kỵ ngày càng tăng lên giữa hai bên dẫn tới rủi ro đẩy châu Âu vào một cuộc đối đấu mới theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Lo ngại của phương Tây càng tăng lên khi Nga tăng cường các cuộc tuần tra trên biển và trên không gần biên giới NATO, ví dụ tuần trước hai máy bay ném bom của Nga đã bay qua English Channel.

Mối đe dọa chiến tranh hạt nhân mà thế giới từng phải đối mặt đã dần lắng xuống kể từ thời Chiến tranh Lạnh, khi số lượng các đầu đạn hạt nhân đã được giảm đáng kể, tuy nhiên Nga và Mỹ - cường quốc quân sự quan trọng nhất của NATO - vẫn duy trì những kho vũ khí hạt nhân lớn.

Các nhà ngoại giao NATO cho biết dường như Nga đang hạ thấp ngưỡng sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong các cuộc xung đột. Một nhà ngoại giao nói: “Điều khiến chúng tôi lo ngại nhất về chiến lược này (chiến lược hạt nhân của Nga) là việc Nga hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân, tăng mức độ huấn luyện những lực lượng này và khả năng phối hợp giữa hoạt động chiến đấu thông thường và việc sử dụng các lực lượng hạt nhân”. Trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây đang dâng cao, Nga không hề e dè khi khẳng định vị thế là một cường quốc hạt nhân của nước này. Tháng 8-2014, Tổng thống Vladimir Putin đã thẳng thắn nói rằng Nga là một cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới và ông khuyên nhủ những kẻ thù tiềm tàng của nước Nga rằng “tốt nhất không nên gây chuyện với chúng tôi”. Một báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ hồi năm ngoái cho rằng Nga “dường như đang ngày càng tăng cường phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân trong khái niệm an ninh quốc gia của nước này”.

Nga đang theo đuổi chương trình hiện đại hóa quân đội trị giá hàng tỷ USD và vị tướng hàng đầu của Nga, ông Valery Gerasimov, tuần trước nói rằng việc Nga tăng cường lực lượng hạt nhân chiến lược kết hợp với việc cải thiện các lực lượng chiến đấu thông thường sẽ khiến Mỹ và NATO không thể mạnh hơn Nga về mặt quân sự. Ông cho biết quân đội Nga sẽ tiếp nhận thêm 50 tên lửa hạn nhân liên lục địa mới trong năm nay. Tháng 12-2014, Tổng thống Putin đã ký thông qua một học thuyết quân sự mới, trong đó chỉ rõ việc NATO mở rộng là một mối đe dọa lớn. Trước khi học thuyết quân sự mới này được thông qua, một số nhân vật trong quân đội đã kêu gọi cần khôi phục quyền được tấn công hạt nhân trước trong học thuyết quân sự mới. Tuy nhiên, điều này đã không được đề cập tới trong học thuyết quân sự mới, trong đó nói rằng Nga bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân hay một cuộc tấn công thông thường có khả năng đe dọa tới sự tồn vong của quốc gia.


Ngọc Anh
Nguồn: phapluatxahoi.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.