Chuyên mục
Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Cơ hội “đánh bóng” tên tuổi của ông Trump?
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Cơ hội “đánh bóng” tên tuổi của ông Trump?

Chủ nhật 01/07/2018 04:52 GMT + 7
Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ được cho là sẽ tạo cơ hội để Tổng thống Mỹ Donald Trump “đánh bóng” danh tiếng của mình trên trường quốc tế.

Hội nghị Thượng đỉnh sắp diễn ra giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên những gì các bên mang ra thảo luận trên bàn đàm phán lại là vấn đề được giới phân tích quan tâm hơn cả.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Tổng thống Nga Putin vào tháng 7. Ảnh: Reuters.

Theo kế hoạch, ông Trump sẽ gặp ông Putin vào ngày 16/7 tới tại thủ đô Helsinki của Phần Lan. Cuộc gặp theo thông báo của Nhà Trắng là cơ hội giảm căng thẳng ngoại giao, khôi phục quan hệ và giải quyết nhiều vấn đề quốc tế. Dẫu vậy các nhà quan sát vẫn tỏ ra hoài nghi liệu hội nghị lần này có mang lại những kết quả thực tế và khả quan hay không.

Mang tính biểu tượng

Sau thành công mang tính biểu tượng tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hồi đầu tháng 6, Tổng thống Donald Trump tiếp tục đà tiến bằng cách thúc đẩy một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga Putin.

Phát biểu với hãng tin CNBC, Eugene Chausovsky, chuyên gia phân tích cao cấp tại Stratford cho rằng: “Bất cứ sự nhượng bộ lớn nào cũng khó xảy ra, song sự nhượng bộ nhỏ thì có thể, nhưng điều đó cũng không góp phần giải quyết triệt để vấn đề”. Theo dự kiến thì cả hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ khó đưa ra giải pháp cuối cùng nhằm giải quyết các điểm nóng xung đột như Ukraine và Syria trong một cuộc họp ngắn như vậy.

CNBC cũng dẫn lời ông Mathieu Boulegue, nghiên cứu viên tại viện chính sách độc lập Chatham House cho biết: “Chúng ta có thể trông đợi những tuyên bố bóng bẩy từ cả hai phía, nhưng về cơ bản nó chỉ mang tính biểu tượng”. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều đó không có nghĩa rằng cuộc gặp Trump-Putin sẽ phần nhiều chỉ mang tính hình thức hay đơn giản là cơ hội quảng bá hình ảnh. Trên thực tế, Hội nghị này có thể sử dụng như một bàn đạp để làm tan băng trong quan hệ hai nước.

Quan hệ giữa Nga và Mỹ đã xấu đi nghiêm trọng sau việc Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Căng thẳng giữa hai nước đẩy lên một nấc thang mới khi Mỹ cáo buộc Nga tấn công mạng và can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 song Nga hoàn toàn bác bỏ. Gần đây nhất là động thái trục xuất các nhà ngoại giao giữa hai bên liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal ở Anh.

Syria cũng là một chủ đề gây mâu thuẫn khi Tổng thống Nga Putin ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, còn Mỹ hỗ trợ các phe phái đối lập.

Với những căng thẳng và bất đồng quan điểm nêu trên, Nga sẽ tìm cách đạt được điều gì đó từ cuộc đối thoại với Mỹ, chẳng hạn như nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ và Châu Âu áp đặt đối với Nga. Nhà phân tích Chausovsky nhấn mạnh, câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có sẵn sàng và có thể nhượng bộ Nga hay không bởi Tổng thống Trump từng nhiều lần ngỏ ý muốn dỡ bỏ trừng phạt Nga nhưng đều bị Quốc hội Mỹ cản trở.

Nước cờ của ông Trump?

Hãng tin CNBC cho biết, mối quan tâm cấp thiết nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ là tránh để xảy ra sự hiểu lầm đối với Nga vì bất cứ sự hiểu lầm nào về mục đích và nội dung chính sách hay các nghị quyết sẽ có nguy cơ tạo ra sai lầm lớn, gây leo thang căng thẳng nhanh chóng giữa hai cường quốc.

Theo Tổng thống Donald Trump, vấn đề Ukraine, Syria sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Helsinki. Bên cạnh đó hai bên cũng có thể thảo luận về vũ khí hạt nhân, những lo ngại về việc thực thi các hiệp ước kiểm soát vũ khí, chẳng hạn như Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn hay Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới.  Nhiều nhà quan sát cho rằng, giống như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, lần xuất hiện tiếp theo này của ông Trump sẽ vẫn diễn ra trong bầu không khí cởi mở.

Trong khi các quan chức trong chính quyền thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Nga, coi hoài bão quân sự của Nga là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ hoặc cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) thì ông Trump lại có thái độ mềm mỏng hơn. Theo CNBC, dường như đang có sự khác biệt trong mối quan hệ Mỹ-Nga hiện tại và mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin.

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã nhiều lần khen ngợi nhà lãnh đạo Nga và hiếm khi đưa ra lời chỉ trích đối với cá nhân ông Putin. Phát biểu với báo chí hôm 27/6, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Tôi đã nói ngay từ ngày đầu tiên rằng, xây dựng quan hệ tốt với Nga, Trung Quốc và các nước khác là một điều rất tốt, có lợi cho chúng ta, cho tất cả mọi người và cho toàn thế giới”. Trước đó, tại Hội nghị G7, ông Trump cũng hối thúc các quốc gia trong nhóm đưa Nga trở lại.

Giới phân tích nhận định, Tổng thống Donald Trump có khả năng sẽ tiếp tục phát triển quan hệ cá nhân với ông Putin khi mà nhiều cố vấn và quan chức trong chính phủ Mỹ vẫn tỏ ra cứng rắn với Nga. Ông Trump sẽ tiếp tục tìm cách đánh bóng danh tiếng của mình như một nhà thương thuyết hiệu quả, tương tự như cách ông thể hiện trong cuộc gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong bối cảnh cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ đang diễn ra cùng những cáo buộc cho rằng đội ngũ tranh cử của ông Trump đã thông đồng với Điện Kremlin, cuộc gặp có thể là cơ hội để ông Trump thể hiện với công chúng Mỹ rằng ông rất cứng rắn với Moscow. Mặt khác, ông Trump cũng có thể tìm cách trấn an Putin rằng, ông mong muốn cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Nhà phân tích Mathieu Boulegue nói: “Hội nghị là nơi chính sách của Mỹ tạm dừng lại và chương trình nghị sự cá nhân của Tổng thống Trump bắt đầu”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, vấn đề can thiệp bầu cử sẽ được giải quyết tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này. Theo ông Pompeo, dù cứng rắn đối với Nga hơn so với các chính phủ tiền nhiệm, song chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn xem xét tiến hành “các cuộc đối thoại tích cực” có thể dẫn đến những tiến triển trong quan hệ 2 nước.

Tổng thống Putin nhận được gì?

Theo giới phân tích, Tổng thống Putin có vẻ như không kỳ vọng quá vào một thỏa thuận mang tính đột phá nào bởi ông đã có những gì ông muốn từ Tổng thống Trump, chẳng hạn như sự ngưỡng mộ từ nhà lãnh đạo Mỹ hay việc Mỹ công nhận vai trò to lớn của Nga trong giải quyết các vấn đề trên toàn cầu.

Ông Trump đã dành những lời có cánh với nhà lãnh đạo Nga, thậm chí gạt bỏ ngoài tai lời can ngăn của các cố vấn trong chính quyền để gọi điện chúc mừng ông Putin tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 3. Hai bên đã có cuộc gặp riêng 1 tiếng đồng hồ bên lề hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2017 mà không có cố vấn hay các quan chức nào vây quanh. Trump thậm chí còn bênh vực Nga khi bác bỏ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Các nhà quan sát cho rằng, với thiện chí của Tổng thống Trump, ông Putin có thể nhận được nhiều "món quà" tại Helsinki, chẳng hạn như việc Mỹ lùi thời hạn chuyển giao vũ khí cho Ukraine, nới lỏng biện pháp trừng phạt đối với Nga hoặc Mỹ rút quân hoàn toàn ra khỏi Syria, nhường lại chiến địa cho Nga. Trước đó hôm 29/6, hãng CNN dẫn các nguồn tin cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng đạt được một thỏa thuận đối với nhà lãnh đạo Nga Putin, từ đó cho phép quân đội Mỹ rút khỏi Syria trong thời gian sớm nhất. 

Theo phân tích của tờ Politico, Nga đang hành động như thể là bên dẫn dắt cuộc gặp này. Nga đã ban hành thông cáo báo chí khi hội nghị được đề xuất vào tháng 3, tiết lộ thêm nhiều thông tin về địa điểm và thời gian, chủ đề cuộc gặp thông qua các cơ quan báo chí, cũng như chi tiết về chuyến thăm của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton.

Một số nhà quan sát của tờ National Interest nhận định, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ không thể ngay lập tức thu hẹp bất đồng hay giải quyết những vấn đề cơ bản giữa hai bên. Bởi sẽ chẳng bên nào dễ dàng đơn phương nhượng bộ về những vấn đề được coi là “sống còn” đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên nó có thể mở ra đường hướng nhằm bình thường hóa quan hệ, và trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng sẽ được coi là một diễn biến tích cực.

Đối với Tổng thống Putin, chỉ riêng việc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ thôi cũng được coi là thắng lợi về mặt chính trị, cho thấy sự bình đẳng và ngang hàng giữa Nga và Mỹ. Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Obama từng kết luận rằng, cách tiếp cận tốt nhất là gạt bỏ Tổng thống Putin, làm lu mờ vai trò của ông.

Và thắng lợi này phần nào sẽ giúp Tổng thống Putin thực hiện các mục tiêu lâu dài như, khẳng định quyền lợi chính đáng của Nga khi sáp nhập Crimea, giữ vững quyền lực của Tổng thống Syria al-Assad, hay một cam kết hạn chế NATO mở rộng sự hiện diện quân sự vốn được coi là mối đe dọa đối với Nga./.

Hồng Anh/Theo CNBC, politico
Nguồn: vov.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.