Chuyên mục
Tại sao cấm vận Nga lại có tác dụng ngược?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Tại sao cấm vận Nga lại có tác dụng ngược?

Thứ hai 18/09/2017 04:26 GMT + 7
Xin được giới thiệu bài viết “Nước Nga: kinh nghiệm hàng thế kỷ sống trong các điều kiện trừng phạt kinh tế".

Bài viết của nhà kinh tế học, Tiến sỹ kinh tế, Giáo sư Khoa tài chính quốc tế Trường Đại học quan hệ quốc tế quốc gia Matxcova (MGIMO) Valentin Kasatonov đăng trên một số tờ báo Nga ngày 13/8/2017 để làm rõ thêm một trong những nguyên nhân khiến các biện pháp cấm vân kinh tế Nga của Phương Tây ít có tác dụng. Ảnh trong bài là của tác giả.

Dòng chữ tiếng Nga trên đường ống dẫn dầu (tạm dịch) – Đường ống này để đáp trả những biện pháp cấm vận, thưa Ngài Rigan!

Trên thế giới, ví dụ nổi bật nhất về các biện pháp cấm vận đơn phương – đó các biện pháp cấm vận Cuba của Mỹ bắt đầu từ những năm 1960-1962 và kéo dài cho đến tận hôm nay.

Các công ty Mỹ bị cấm tiến hành bất cứ quan hệ tiếp xúc kinh tế nào với Cuba (kể cả trong trường hợp thông qua các nước thứ ba và trung gian) nếu không có những quyết định cho phép đặc biệt của chính phủ Mỹ.

Theo các số liệu của chính quyền Cuba, thiệt hại trực tiếp do các biện pháp cấm vận này gây ra lên tới gần 1.000 tỷ đôla theo thời giá hiện tại, nhưng Cuba vẫn đứng vững. Washington đã không đạt được các mục tiêu của mình trên quốc đảo này.

Kinh nghiệm của nước Nga (đối với các biện pháp trừng phạt kinh tế) còn đầy đặn hơn nhiều. Ngay từ thời Đế quốc (Nga), nước Nga đã phải đối mặt với các biện pháp cấm vận, sau nữa chúng (các biện pháp cấm vận) lại tiếp tục được áp dụng chống lại nước Nga Xô Viết.

Hiện nay, các biện pháp trừng phạt kinh tế lại được sử dụng để chống Liên Bang Nga. Như vậy có nghĩa là cả thiết chế nhà nước, mô hình phát triển xã hội- kinh tế lẫn những ưu tiên đối ngoại của nước Nga (dù có thay đổi nhưng) cũng không hề làm thay đổi thái độ của Phương Tây đối với nước Nga.

Cấm vận kinh tế - đó là sản phẩm của những khác biệt văn hóa-lịch sử (nền văn minh) giữa Phương Tây với nước Nga, như F.M.Dostoevski, N.IA. Danhilevski, K.N.Leontiev, L.A. Tikhomirov, O.Shpenger, giáo chủ Nhikolai Serbski (các nhà văn, nhà kinh tế, hoạt động xã hội thời cận đại- ND) và nhiều người khác đã từng viết.

Lần đầu tiên Mỹ đơn phương áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga là vào năm 1911, khi hai bên tuyên bố vô hiệu hóa hiệp ước thương mại Nga-Mỹ ký năm 1832.

Người đề xuất hủy bỏ hiệp ước này là ông chủ nhà băng Mỹ I.Shiff trong một nỗ lực gây sức ép lên chính quyền Đế quốc Nga nhằm buộc Nga chấm dứt những hành động “vi phạm các quyền của người Do Thái” (tức về những hạn chế trong đi lại và nơi cư trú đối với những người Do Thái từ Mỹ đến Nga kinh doanh mà chính quyền Nga áp dụng).

Hiệp ước nói trên bị hủy bỏ đồng nghĩa với việc Nga mất quy chế tối huệ quốc trong quan hệ làm ăn với Mỹ. Trước hết, đó là không còn được hưởng những ưu đãi về thuế quan.

Thực ra, những tổn thất do các biện pháp cấm vận này của Mỹ chủ yếu chỉ mang sắc thái chính trị, bởi vì hàng hóa Mỹ lúc đó không chiếm tỷ trọng đáng kể trong cán cân thương mại đối ngoại của Đế quốc Nga.

Những biện pháp cấm vận chống Nga cứng rắn hơn nhiều và cũng có quy mô lớn hơn nhiều là những biện pháp được áp dụng thời nước Nga Xô Viết. Thứ nhất, những biện pháp đó mang tính tập thể - có rất nhiều nước Phương Tây tham gia phong tỏa kinh tế Nga Xô Viết.

Thứ hai, nó không chỉ bao gồm các biện pháp cấm vận thương mại, mà còn cả những hạn chế trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, tín dụng, đầu tư, tư vấn, đấu thầu, chuyển giao công nghệ, đi lại của công dân.

Thứ ba, đi cùng với các biện pháp cấm vận thường là các động thái gây sức ép ngoại giao, quân sự và các yêu sách chính trị. Mục đích chính của cấm vận và các biện pháp gây sức ép khác là buộc Nga quay trở lại quỹ đạo kinh tế tư bản, bắt Nga phải chấp nhận vị thế là một nước thuộc địa hoặc là một bán thuộc địa của Phương Tây.

Sau khi những người Bolshevich tuyên bố không thừa nhận các khoản nợ của nước Nga từ thời Nga Hoàng và Chính phủ lâm thời, Phương Tây ngay lập tức tổ chức phong tỏa thương mại nước Nga Xô Viết, sau đó áp dụng thêm các biện pháp cấm vận biển (đặc biệt là trên biển Baltich).

Những biện pháp phong tỏa càng được thắt chặt sau khi Chính quyền Xô Viết ký Sắc lệnh “Về quốc hữu hóa ngành ngoại thương” tháng 4/1918. Sắc lệnh này xác lập độc quyền nhà nước đối với ngành ngoại thương và bằng cách đó dập tắt mọi hy vọng của Phương Tây trong việc tiếp tục bóc lột nền kinh tế Nga.

Sắc lệnh trên có thể coi là phản ứng cứng rắn đầu tiên đối với các biện pháp cấm vận của Phương Tây. Độc quyền nhà nước về ngoại thương bảo vệ nền kinh tế Nga hiệu quả hơn nếu so với áp dụng các sắc thuế hải quan.

Để đáp trả, các quốc gia Châu Âu và Mỹ quyết định dừng buôn bán với các công ty nhà nước Xô Viết, họ chỉ ký một số hợp đồng với những công ty có hình thức sở hữu tập thể (thực ra đứng đằng sau các công ty có hình thức sở hữu tập thể này là Nhà nước Xô Viết).

Không chỉ phong tỏa thương mại, Phương Tây và Mỹ còn áp đặt lệnh cấm vận tín dụng (không cung cấp các khoản tín dụng), và cả phong tỏa vàng (không cung cấp hàng hóa cho Nga để nhận thanh toán bằng vàng).

Các nỗ lực bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Nga và Châu Âu bắt đầu được khởi động tại một hội nghị quốc tế ở Genova năm 1922.

Phương Tây lại một lần nữa đòi nước Nga Xô Viết phải thừa nhận các khoản nợ của Nga Hoàng và Chính phủ lâm thời (tổng cộng là 18,5 tỷ rúp vàng), trả lại các xí nghiệp và cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đã bị quốc hữu hóa, nếu không phải trả tiền bồi thường.

Phương Tây cũng đòi chính quyền Xô Viết phải hủy Sắc lệnh độc quyền nhà nước đối với ngoại thương. Về phía mình, đoàn đại biểu Xô Viết kiên quyết không chấp nhận bất cứ giải pháp thỏa hiệp nào liên quan đến Sắc lệnh độc quyền nhà nước đối với ngoại thương.

Còn về những khoản nợ nhà nước, Matxcova tuyên bố sẵn sàng thừa nhận một phần trong số các khoản nợ, nhưng với điều kiện là Phương Tây phải cho Nga vay các khoản tín dụng dài hạn để khôi phục nền kinh tế.

Đối với các xí nghiệp nước ngoài (bị quốc hữu hóa), các đại biểu Xô Viết cho biết là sẵn sàng mời các ông chủ cũ những các xí nghiệp đó đóng vai trò chủ xí nghiệp tô nhượng, nhưng lại đòi Phương Tây phải bồi thường thiệt hại vì đã áp dụng các biện pháp phong tỏa thương mại và can thiệp quân sự chống Nga. Tổng số tiền mà phía Xô Viết đòi bồi thường gấp đôi khoản nợ nhà nước từ thời Nga Hoàng và Chính phủ lâm thời. Các cuộc đàm phán đi vào bế tắc.

Chính vào thời điểm đó Chính quyền Xô Viết nhận thức rõ rằng đặt kỳ vọng vào việc khôi phục lại các mối quan hệ thương mại- kinh tế với Phương Tây không chỉ không không đem lại lợi ích mà còn rất nguy hiểm.

Cũng chính từ lúc này, ý tưởng xây dựng một nền kinh tế tự chủ (tự cung tự cấp, hoặc ít nhất cũng xây dựng một nền kinh tế không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường thế giới và các khoản tín dụng từ bên ngoài) bắt đầu được cụ thể hóa.

Học thuyết tiến hành công nghiệp hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập đã được nghiền ngẫm và hiện thực hóa trong một số năm sau đó. Chính Phương Tây vô hình chung đã hỗ trợ Liên Xô tiến hành công nghiệp hóa - do vẫn không dỡ bỏ các biện pháp cấm vận chống nước này.

Trong những năm 20 của thế kỷ XX, Phương Tây phải đương đầu với những khó khăn kinh tế trầm trọng. Một số nước (đặc biệt là Anh) bắt đầu hướng về Phương Đông, về phía nước Nga Xô Viết và hiểu rằng, có có thể tìm ra ít nhất là một phần giải pháp để giải quyết các vấn đề của mình (nguyên liệu rẻ và thị trường tiêu thụ sản phẩm thành phẩm) chính tại Phương Đông.

Những bước đi đầu tiên của sự nghiệp công nghiệp hóa XHCN của Liên Xô trùng thời gian với sự khởi đầu của cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới (tháng 10/1929).

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm rạn nứt mặt trận thống nhất của các nước Phương Tây chống Liên Xô, tạo cho Liên Xô điều kiện thuận lợi hơn khi ký các hợp đồng cung cấp nguyên – nhiên liệu, sản phẩm nông nghiệp, mua máy móc và trang thiết bị cho các xí nghiệp đang được xây dựng.

Liên Xô cũng đã có thể tiếp cận với một loạt các khoản tín dụng, tuy không phải là các khoản tín dụng dài hạn. Trong các năm của Kế hoạch năm năm lần thứ nhất, Liên Xô đã áp dụng linh hoạt các hình thức thu hút nguồn vốn từ nước ngoài (như trong công nghiệp khai thác dầu mỏ, măng gan….).

Tuy vậy, ngay cả trong những năm 1930, khi Phương Tây đang ở trong tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng, các nước Phương Tây cũng không dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cấm vận chống Nga. Phương Tây đã nhiều lần đặt ra các rào cản thương mại nhằm gây khó khăn cho xuất khẩu Xô Viết.

Sau khi Franklin Roozevelt lên nắm quyền ở Nhà Trắng, Mỹ đã thông qua Luật Johnson cấm các ngân hàng Mỹ cung cấp tín dụng và các khoản vay cho những nước chưa thanh toán hết nợ cho Chính phủ Mỹ. Việc cung cấp các khoản tín dụng cho Liên Xô và bán cổ phiếu Xô Viết trên thị trường Mỹ bị cấm hoàn toàn.

Vào nửa sau những năm 1930, trọng tâm kinh tế đối ngoại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa Xô Viết chuyển từ Mỹ sang Đức. Nước Nga Xô Viết và Đức đã ký các hợp đồng cung cấp các máy công cụ cắt gọt thép, các trang bị phức tạp khác. Matxcova cũng được Berlin cấp cho nhiều các khoản tín dụng dài hạn.

Công cuộc công nghiệp hóa tuy bị Chiến tranh (Thế giới lần thứ hai) làm gián đoạn đúng vào thời kỳ cao điểm thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ ba và buộc Liên Xô phải trả một giá đắt, nhưng về cơ bản đã đạt được những mục tiêu đề ra.

Chỉ trong 11,5 năm, Liên Xô đã xây dựng được 9.600 xí nghiệp mới, có nghĩa là trung bình cứ một ngày có 2 xí nghiệp được đưa vào hoạt động.

Trong số đó có những xí nghiệp quy mô rất lớn tương đương với các tổ hợp sản xuất lớn nhất của Mỹ và Tây Âu về công suất sản xuất:

Nhà máy thủy điện Dnhepr, các nhà máy luyện kim ở Kramarorsk, Norilsk, Makeevsk, Magnhitogorsk, Lipetsk, Cheliabinsk, Novokuznhetsk, Uralmash, các nhà máy chế tạo máy kéo ở Stalingrad, Cheliabinsk, Kharkov, Uralvagonzavod, các nhà máy chế tạo ô tô GAZ, ZIS và v.v.

Nhiều xí nghiệp là các cơ sở sản xuất lưỡng dụng: trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các nhà máy này sẵn sàng nhanh chóng chuyển từ sản xuất máy kéo sang sản xuất xe tăng, từ xe ô tô thông thường xe chiến đấu bọc thép và v.v.

Năm 1935, Liên Xô đã cho khánh thành vòng cung tàu điện ngầm Matxcova đầu tiên với tổng chiều dài 11,2 km.

Sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 1928-1937 (hai kế hoạch năm năm đầu tiên) đã tăng trưởng từ 2,5 đến 3,5 lần, có nghĩa là tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 10,5 đến 16%; tỷ lệ tăng trưởng của ngành công nghiệp sản xuất ô tô và trang thiết bị trong giai đoạn này lên tới 27%/năm. Và sau đây là bảng các chỉ số sản xuất một số mặt hàng công nghiệp trong các năm 1928 và 1937. 

 Sản phẩm
 Năm 1928  Năm 1937 Năm 1937 so với năm 1928, tỷ lệ % 
 Gang, triệu tấn    3,3     14,5  439
 Thép, triệu tấn
 4,3
  17,7  412
 Kim loại đen (cán), triệu tấn
   3,4    13,0  382
 Than, triệu tấn
   35,5    64,4  361
 Dầu mỏ, triệu tấn
   11,6    28,5  246
 Sản lượng điện,tỷ Kw giờ
   5,0    36,2  724
 Giấy, nghìn tấn
   284    832
 293
 Xi măng, triệu tấn
 1,8    5,5  306
 Đường cát, nghìn tấn
  1.283    2.471  189
 Máy công cụ xông nghiệp luyện kim,  nghìn chiếc
  2,0  48,5  2.425
 Xe ô tô, nghìn chiếc
  0,8   200  25.000
 Giày da, triệu đôi
  58,0   183  316
Nguồn: Liên Xô qua các con số năm 1967. Mastxcova,1968
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.