Chuyên mục
Quan hệ Nga - ASEAN và vai trò cầu nối của Việt Nam
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Quan hệ Nga - ASEAN và vai trò cầu nối của Việt Nam

Thứ ba 18/04/2017 10:17 GMT + 7
Sự chuyển biến căn bản của cục diện thế giới cùng sự xuất hiện của những nhân tố mới đặt ra yêu cầu tăng cường hợp tác và liên kết khu vực để gia tăng sức mạnh và lợi thế, bảo đảm tốt hơn cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Xuất phát từ nhận thức chung đó, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn ASEAN 2020, trong đó lần đầu tiên đề cập ý tưởng về một cộng đồng hài hòa các quốc gia Đông Nam Á.
 

(http://www.aplf.com)

Việc tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 ngày 22/11/2015 là bước chuyển mới về chất của một ASEAN gắn kết, chia sẻ lợi ích và phát triển thịnh vượng chung. Đây là kết quả của gần nửa thế kỷ phấn đấu bền bỉ vươn lên. Từ Tuyên bố Bangkok 1967 đến Tầm nhìn ASEAN 2020, từ Hiệp ước TAC đến Hiến chương ASEAN, từ Tuyên bố Hòa hợp Bali II đến Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nước thành viên luôn nỗ lực không ngừng vì sự phát triển và thành công của ASEAN. Cộng đồng ASEAN ngày nay là một tổ chức khu vực với liên kết chặt chẽ trên cả ba trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội có vai trò và vị thế ngày càng cao ở trong khu vực và trên thế giới.

Bước sang thế kỷ XXI, nhu cầu nâng tầm liên kết của ASEAN càng trở nên bức thiết trước những chuyển động không ngừng của thế giới và khu vực, nhất là trong bối cảnh sự xuất hiện và gia tăng phức tạp của các thách thức an ninh phi truyền thống khiến cho không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự ứng phó và xử lý. ASEAN thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, tạo ra sắc thái cởi mở cho tiến trình liên kết của ASEAN. Với vai trò “người trung gian thực tâm”, ASEAN đã thành công thu hút và gắn kết các đối tác vào hợp tác khu vực thông qua các khuôn khổ như: ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Các cơ chế này, với những đặc thù riêng, đan cài với nhau và bổ trợ cho nhau, dần định hình một cấu trúc khu vực đa tầng nấc, đa lĩnh vực với ASEAN ở vị trí tâm điểm.

Từ ARF là cơ chế an ninh đa phương đầu tiên ở khu vực, cơ chế ASEAN+3 với trọng tâm là hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính, khuôn khổ ASEAN+1 nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, đến tiến trình EAS là diễn đàn của các Lãnh đạo trao đổi về các vấn đề mang tầm chiến lược, ASEAN đã khẳng định được vai trò dẫn dắt và định hướng tại các diễn đàn, cân bằng và điều hòa các lợi ích đan xen ở khu vực. Vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực nhận được sự tôn trọng và ủng hộ của tất cả các đối tác. Thành tích đối ngoại nổi bật này được phản ánh qua việc ASEAN thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 7 nước là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Niu-Di-lân và Ấn Độ và quan hệ đối tác toàn diện với Nga, EU và Ca-na-đa. Hiện nay, 83 nước và tổ chức đã cử đại sứ tại ASEAN, cho thấy uy tín và sức hấp dẫn ngày càng cao của ASEAN. Những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, ngày càng khẳng định hơn nữa vai trò, vị trí của ASEAN trên trường quốc tế.

Sự gắn kết giữa ASEAN và Việt Nam là một quá trình tương hỗ, mang lại lợi ích cho nhau. Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào sự lớn mạnh và thành công chung của ASEAN được các nước ghi nhận.

Tham gia ASEAN còn góp phần nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Hơn 20 năm tham gia ASEAN chứng kiến quá trình trưởng thành của Việt Nam trên sân chơi hội nhập, từ giai đoạn học hỏi, làm quen để vượt qua những bỡ ngỡ, e ngại ban đầu, đến hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của một thành viên và tiến tới vị thế hiện nay là một thành viên chủ động, tích cực tham gia định hình “luật chơi chung”. Có thể nói, các giai đoạn Việt Nam tham gia ASEAN luôn đồng hành, là một trong những cơ sở cho quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Việt Nam. Tổng kết quá trình Việt Nam tham gia ASEAN, nhiều dấu ấn đóng góp quan trọng của Việt Nam luôn gắn liền với những bước tiến đầy ý nghĩa của ASEAN. Đóng góp ấn tượng đầu tiên của Việt Nam phải kể đến là việc đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEAN 6 tại Hà Nội năm 1998 chỉ sau ba năm gia nhập ASEAN. Với nỗ lực của các nước thành viên và đặc biệt là nước chủ nhà, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội và Chương trình Hành động Hà Nội, củng cố quyết tâm cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cũng tại Hội nghị, với việc áp dụng linh hoạt phương cách ASEAN, Việt Nam đã thành công thúc đẩy quyết định kết nạp Campuchia làm thành viên thứ 10, hiện thực hóa giấc mơ đoàn kết cả 10 quốc gia Đông Nam Á dưới một mái nhà chung, đặt viên gạch đầu tiên cho quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Diễn ra vào những năm cuối của thế kỷ XX, Hội nghị đã chuyển tải thông điệp về sức sống mạnh mẽ và tinh thần đoàn kết của ASEAN, đưa ASEAN vững bước vào thế kỷ XXI.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN từ năm 2000-2001, Việt Nam đã thúc đẩy và đưa nội dung thu hẹp khoảng cách phát triển trở thành một ưu tiên hàng đầu và thường xuyên của ASEAN với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội 2001 về thu hẹp khoảng cách phát triển. Đây là bước đi quan trọng để hỗ trợ các nước thành viên hội nhập đầy đủ, hiệu quả và mang lại thịnh vượng chung cho cả khu vực.

Tiếp đà những thành công đó, Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào hợp tác ASEAN trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, an ninh, quốc phòng, đến kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường. Vai trò của Việt Nam được thể hiện rõ nét qua những đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng các văn kiện định hướng lớn của ASEAN như: Tuyên bố Hòa hợp Bali II (2003), Chương trình Hành động Vientiane (2004), Hiến chương ASEAN (2007), Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009-2015).

Đáng chú ý nhất đánh dấu sự trưởng thành vững vàng và được các nước đánh giá cao là Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010. Với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”, Việt Nam đã chủ động dẫn dắt, đưa bộ máy mới của Hiệp hội sau Hiến chương ASEAN vận hành trôi chảy, đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng theo hướng thực thi và thực chất. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng được mở rộng với việc lần đầu tiên tại Hà Nội diễn ra tới 10 Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với các đối tác, đưa ra nhiều định hướng lớn cho hợp tác và phát triển ở khu vực, trong đó có quyết định về việc mời Nga và Mỹ tham gia EAS. Với những dấu ấn đó, năm 2010 được xem là năm bản lề quan trọng của ASEAN trong hành trình liên kết khu vực.

Phát huy thành công của năm 2010, với quan điểm đối ngoại “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh”, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc triển khai các trọng tâm, ưu tiên hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN, là một trong những nước thực hiện đầy đủ nhất các nghĩa vụ và cam kết trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đóng góp nhiều công sức vào việc xây dựng và triển khai các văn kiện và quyết sách chiến lược của ASEAN trong giai đoạn mới như Tuyên bố về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các Quốc gia toàn cầu (2011), Tuyên bố EAS về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi (2011), Tuyên bố ASEAN về Nhân quyền (2012) và gần đây nhất là Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Trong 20 năm qua, kể từ khi ASEAN và nước Nga thiết lập Đối tác Đối thoại vào năm 1996, quan hệ đã có những bước phát triển quan trọng.  Hai bên đã nâng quan hệ lên tầm Đối tác toàn diện và tiến bộ vào năm 2005, thường xuyên trao đổi ở các các cấp, nhất là ở cấp cao giữa ASEAN nói chung và các quốc gia thành viên ASEAN nói riêng với Nga và phối hợp ngày càng rộng rãi, hiệu quả trên nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Hiện nay, nước Nga là thành viên của những cơ chế hợp tác quan trọng nhất của ASEAN với các đối tác bên ngoài. Sự hợp tác hai bên cũng không ngừng gia tăng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. 


    (http://baochinhphu.vn)

Trong tiến trình phát triển của mối quan hệ Nga - Asean, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thúc đẩy quan hệ ASEAN – Nga phát triển ngày càng thực chất và hiệu quả. Cộng đồng ASEAN đánh giá cao những đóng góp tích cực của Nga qua sự ủng hộ đối với những mục tiêu căn bản, các tiến trình của ASEAN như việc ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, ủng hộ Hiệp ước khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân, đề xuất và tham gia nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế và chia sẻ với ASEAN các thành tựu của Nga về khoa học, công nghệ, năng lượng và phát triển nguồn nhân lực.

Tuyên bố Sochi Kỷ niệm 20 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN-Nga và Chương trình Hành động Toàn diện ASEAN-Nga giai đoạn 2016-2020 và các văn kiện quan trọng khác được thông qua tại Hội nghị cấp cao này sẽ là khuôn khổ và là cơ sở quan trọng để thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nga ngày càng thực chất và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực bao gồm: (1) Hợp tác chính trị-an ninh, nhất là trong các lĩnh vực an ninh biển, phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Hai bên cần đẩy mạnh đối thoại ở các cấp, kể cả Cấp cao, phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn, cơ chế an ninh khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, xây dựng các cơ chế hợp tác và cùng triển khai các biện pháp hiệu quả phù hợp. ASEAN đề nghị Nga ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; (2) Phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư, năng lượng, du lịch, trong đó có việc đàm phán hiệp định Thương mại tự do Nga-ASEAN, tăng cường thương mại và đầu tư, kết nối doanh nghiệp. ASEAN mong muốn Nga tích cực hỗ trợ thực hiện Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN và Sáng kiến liên kết ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển, cũng như các chương trình phát triển tiểu vùng Mê-kông và quản lý sử dụng hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước; (3) Thúc đẩy hợp tác văn hóa-xã hội, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học - công nghệ, giao lưu văn hóa và nhân dân, trao đổi sinh viên và thanh niên; tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, thực hiện Chương trình nghị sự Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (SDG) đến 2030 và Thỏa thuận của Hội nghị COP-21 về Biến đổi khí hậu. 

Quan hệ ASEAN-Nga đứng trước những vận hội mới tươi sáng nhờ vào những cơ sở ngày càng vững chắc hơn, đồng thời là những động lực ngày càng mạnh mẽ hơn, đó là những lợi ích chung về hòa bình, an ninh, phát triển, thiện chí và sự ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau trên nhiều mặt. Đây là một trong những mối quan hệ tích cực và quan trọng nhất không những đối với ASEAN, Nga mà cả đối với khu vực và quốc tế. Trong tiến trình đó, Việt Nam chắc chắn sẽ có những đóng góp tích cực nhất vào những nỗ lực đưa quan hệ ASEAN-Nga lên tầm cao mới.

(Việt Anh, cộng tác viên TTXVN tổng hợp từ các báo)
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.