Chuyên mục
Phương Tây giải lời nguyền Gaddafi để Nga hưởng lợi?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Phương Tây giải lời nguyền Gaddafi để Nga hưởng lợi?

Chủ nhật 17/09/2017 15:00 GMT + 7
Khi các nước phương Tây ngày càng mâu thuẫn trong việc hoá giải lời nguyền Gaddafi thì chính họ đã tạo điều kiện cho người Nga hưởng lợi...

Anh - Pháp - Ý tranh giành ảnh hưởng tại Libya trong nỗi lo bị Mỹ phá đám

The Guardian ngày 11/9 đưa tin, ông Ghassan Salamé, tân Đại sứ của Liên Hợp Quốc tại Libya cho biết, hiện các nước phương Tây có quá nhiều dự định và kế hoạch khiến việc kiến tạo một nền hòa bình cho Libya gặp nhiều trở ngại.

Ông Salamé cho rằng các sáng kiến của châu Âu về hoà bình cho Libya - thay cho Thỏa thuận hòa bình hồi tháng 12/2015 mà đến nay đã thất bại hoàn toàn – hiện rất chồng chéo và đang gây cản trở cho Phái bộ đặc biệt của LHQ về Libya.

Tân Đại sứ LHQ về Libya Ghassan Salamé thất vọng với hành động của các nước phương Tây trong vấn đề Libya.

Theo dự kiến, Hội nghị bàn về việc thống nhất các lực lượng chính trị tại Libya và tìm kiếm giải pháp hoà bình cho đất nước Libya thời hậu Gaddafi do Ngoại trưởng Anh Boris Johnson triệu tập vào ngày 21/9 tới đây, có nguy cơ bị đổ bể.

Trong danh sách khách mời dự Hội nghị có Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và theo The Guardian thì đây chính là nguyên nhân khiến kế hoạch khởi động các cuộc đàm phán chính trị cho Libya có thể bị hủy hoại.

Bởi dù Mỹ đã rút khỏi cuộc khủng hoảng Libya kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền vào tháng 1/2017, song thực ra đó chỉ là Washington né tránh trách nhiệm trong việc phá nát Libya, chứ người Mỹ không dễ từ bỏ lợi ích của mình.

Tuy nhiên, khi quyền lợi không gắn liền với trách nhiệm có thể khiến Washington không dễ dàng chấp thuận những sáng kiến mà không tính tới lợi ích của Mỹ hoặc để Mỹ lép vế hay kém cạnh các đồng minh trong ván cờ này.

Như vậy, giữa Washington và London có thể xảy ra hiện tượng “bằng mặt không bằng lòng” trong việc kiến tạo một nền hoà bình cho Libya, qua đó sắp đặt một bàn cờ chính trị mới tại quốc gia Bắc Phi này.

Trong khi đó, chính quyền mới của Pháp cũng đã chính thức bước vào bàn cờ chính trị Libya qua việc trở thành cầu nối hoà giải giữa hai lực lượng chính trị - quân sự đang kiểm soát hai miền đông - tây Libya.

Ngày 27/7 vừa qua, Pháp đã tổ chức cuộc gặp giữa Thủ tướng chính phủ Libya được LHQ hậu thuẫn Fayez al-Sarraj và Tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya Khalifa Haftar tại Paris, kết quả là một kế hoạch đình chiến và tổ chức bầu cử cho Libya.

Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp cho Libya được thành lập từ năm 2014 cũng đã bỏ phiếu thông qua một dự thảo, mở đường cho Quốc hội Libya phê chuẩn việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại Libya về Hiến pháp và thể chế chính trị cho Libya.

London bước vào ván cờ Libya trong nỗi lo bị Washington phá đám.

Sau sáng kiến và hành động của Pháp, tình hình hỗn loạn của đất nước Libya thời hậu Gaddafi đã có cơ hội được kiểm soát và bàn cờ chính trị cho Libya cũng bước vào giai đoạn sắp đặt vị trí những quân cờ.

Thậm chí với kết quả đạt được, giới phân tích đã nhìn nhận dường như Pháp đã chính thức qua mặt Nga - một thực thể đã được hái quả ngọt và từng được kỳ vọng là trung tâm hoà giải duy nhất, tốt nhất cho Libya.

Trong khi Moscow chưa có phản ứng gì trước những nước đi quyết liệt của Paris thì một đồng minh khác của Pháp là Ý đã có phản ứng gay gắt khi cho rằng hành động của Paris đã làm hỏng kế hoạch của Rome tại Libya.

"Macron muốn tham gia nhiều vào Libya và ông ta đã buộc chúng ta phải chạy theo. Ý có nhiều sự thất vọng đối với Pháp trong vấn đề này”, một nhà ngoại giao Ý đã thể hiện sự bức xúc, theo tường thuật của Reuters.

Nặng nề hơn, những nhà chính trị đối lập còn buộc tội chính phủ của Thủ tướng Paolo Gentiloni đã để cho người Pháp đẩy người Ý ra khỏi bàn cờ chính trị Libya trong tương lai.

"Cuộc gặp gỡ giữa các phe phái Libya do Pháp tổ chức đã chứng minh sự thất bại hoàn toàn trong chính sách đối ngoại của Ý. Pháp đã tước bỏ vai trò truyền thống của Ý trong vấn đề Libya", nhà lãnh đạo cánh tả Ý Giorgia Meloni, gay gắt.

Vậy là sau khi góp phần biến Libya thành đất sống và đất diễn của khủng bố, nay khi thấy vị thế "ngư ông đắc lợi" của Nga ngày càng tăng lên, các nước phương Tây đã vội vã quay lại Libya, nhưng lại xâu xé nhau vì lợi ích không ngang bằng.

Phương Tây ngày càng mâu thuẫn trong việc hoá giải lời nguyền Gaddafi

The Guardian
cho biết, nghị sĩ Giuseppe Esposito của Ý đã bày tỏ mối lo ngại khi cho rằng Pháp và Anh can thiệp vào Libya là ngăn cản nỗ lực của Ý nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư - ứng nghiệm của lời nguyền Gaddafi.

Bộ trưởng Nội vụ Ý Marco Minniti trong nỗi lo các đồng minh làm hỏng kế hoạch của Rome tại Libya.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Anh cho biết họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Ý và Hội nghị sắp tới tại London được tổ chức là nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất hỗ trợ cho sứ mệnh của tân Đại sứ LHQ tại Libya Salamé, song Rome không tin như vậy.

Bởi theo Bộ trưởng Nội vụ Ý Marco Minniti, việc giải quyết vấn đề dân di cư từ Libya "là một kế hoạch phụ thuộc vào an ninh, mà phải bắt đầu bằng việc cải thiện điều kiện trong các trại tị nạn", gắn liền với vấn đề cung cấp tài chính cho Libya.

Và theo đề xuất của của các tổ chức phi chính phủ, để ngăn dòng người từ Libya vượt biển sang châu Âu thì cần phải có ít nhất 6 tỷ euro, song cho đến lúc này các đồng minh của Ý trong EU đã không thống nhất được khoản tài chính này.

Vì vậy, Hội nghị do London bảo trợ bàn về vấn đề Libya không giúp gì trong việc giải quyết vấn đề dân di cư, mà chẳng qua chỉ là một hình thức giúp người Anh chính thức bước vào ván cờ Libya, theo chân người Pháp

Không những vậy, Hà Lan cũng cho biết sẽ tham gia vào nỗ lực để đưa các phe phái chính trị tại Libya ngồi lại với nhau, nhưng không hề đả động đến kế hoạch ngăn chặn người nhập cư từ Libya vượt biển tràn vào châu Âu.

Dư luận quốc tế đặt vấn đề : Phải chăng do từ đầu năm đến nay, số người di cư từ Libya tràn vào nước Ý đã giảm đi rất nhiều, nên vấn đề không còn đáng quan tâm bằng một bàn cờ chính trị cho Libya?

Trong 9 tuần vừa qua, số người tới bờ biển nước Ý từ Libya đã giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tuần đầu tiên của tháng 9 đã giảm 17% so với tuần trước. Theo dự báo, năm 2017 lượng người di cư có thể giảm 3/4 so với năm 2016.

Các nước phương Tây mâu thuẫn trong ván cờ Libya giúp cho Nga hưởng lợi.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Joanne Liu, Chủ tịch Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), bản chất của vấn đề dân di cư từ Libya đến Ý giảm đi không hẳn tích cực như vậy, sau khi bà đi thăm các trung tâm tị nạn ở Tripoli.

Bà Liu chỉ trích EU đã đồng lõa với việc làm bẩn thỉu khi cung cấp 46 triệu euro cho lính biên phòng Libya để đánh chặn những người tị nạn trên biển và đưa họ trở lại các trại tị nạn tại Libya, mà không cải thiện điều kiện sống cho người tị nạn.

Như vậy, phương Tây tiếc tiền và thực sự không muốn giải quyết cơ bản vấn đề dân di cư Libya - hậu quả từ chính hành động của họ - mà chỉ quan tâm tới lợi ích của mình trong bối cảnh bị Nga hớt tay trên.

Chỉ có điều khi các nước phương Tây ngày càng mâu thuẫn trong việc hoá giải lời nguyền Gaddafi thì mọi kế hoạch của họ khó có thể thành công, như nhận xét của tân Đại sứ của LHQ về Libya, và chính họ tạo điều kiện cho người Nga hưởng lợi.

Ngọc Việt
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.