Chuyên mục
Ông Trump trừng phạt Iran: Tin tốt hay xấu cho Trung Quốc?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ông Trump trừng phạt Iran: Tin tốt hay xấu cho Trung Quốc?

Thứ tư 08/02/2017 14:48 GMT + 7
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ áp đặt với Iran được xem là cơ hội vàng cho Trung Quốc duy trì vị thế nhà đầu tư số 1 ở Cộng hòa Hồi giáo, nhưng lại đẩy quan hệ Washington - Bắc Kinh đối mặt với nhiều thách thức.

Hôm 3/2, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt mới với Iran. Đây là phản ứng trước hành động Iran cho tiến hành vụ thử tên lửa tầm trung hôm 29/1. Theo quyết định của ông Trump, Bộ Tài chính Mỹ sẽ áp đặt lệnh trừng phạt với 25 cá nhân và công ty có mối liên hệ với chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.  

Tạp chí The Diplomat cho hay lệnh trừng phạt Iran được Mỹ đưa ra đúng thời điểm phần lớn người dân Iran cảm thấy bi quan trước mối quan hệ Washington – Tehran. Đây là kết quả khảo sát được công bố hồi tháng 12/2016.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Iran năm 2016.

Trên thực tế, lệnh trừng phạt mới của Mỹ không khiến người dân Iran ngạc nhiên bởi ngay từ trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã có những tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc. Cụ thể, hồi tháng Ba, chia sẻ trước Ủy ban đối ngoại Mỹ - Israel, ông Trump cho rằng Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) là "thảm họa với nước Mỹ, Israel và toàn khu vực Trung Đông". "Do đó, ưu tiên hàng đầu của tôi là xóa bỏ thỏa thuận với Iran", ông Trump nói. 

Khi thông tin Mỹ tiếp tục trừng phạt Iran được công bố, nhiều người Trung Quốc cho rằng đây là "tin xấu" với Iran nhưng lại là "tin tốt" với Trung Quốc. Bởi đây là cơ hội để Iran tăng cường quan hệ và lòng tin với Trung Quốc từ đó mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai nước. 

Theo nhà nghiên cứu Wang Jin tại Trường Khoa học chính trị thuộc Đại học Haifa, Israel, sau khi thỏa thuận JCPOA ra đời, nhiều người Trung Quốc tin rằng vị thế kinh tế và đầu tư số 1 mà Trung Quốc đang nắm giữ ở Iran sẽ bị thách thức trước sự xuất hiện của các nước phương Tây bao gồm Mỹ và Pháp. Người dân Iran cũng hy vọng mối quan hệ kết nối với phương Tây sẽ giúp họ có cơ hội tiếp nhận những công nghệ và kỹ năng hiện đại. Bởi trong mắt người dân Iran, Trung Quốc vẫn là một quốc gia thiếu kinh nghiệm công nghệ và quản lý. 

Do đó, việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới với Iran được nhiều người dân Trung Quốc xem là cơ hội vàng để Bắc Kinh mở rộng lợi ích ở Trung Đông. Nói cách khác, trên phương diện chính trị, lệnh trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt với Iran sẽ làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nước, đẩy Tehran vào "chiến dịch chống Mỹ". Ngoài ra, lệnh trừng phạt mới còn ngăn quan hệ kinh tế giữa Iran và phương Tây. Đây là cơ hội để Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế tin cậy duy nhất của Iran và Tehran không còn lựa chọn nào khác. 

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ không chỉ ảnh hưởng tới lợi ích của Trung Quốc ở Iran mà còn cả sáng kiến kinh tế "Một vành đai, một con đường". Theo đó, mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Iran gần như "đóng băng" do tác động từ lệnh trừng phạt của các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm trong vòng vài thập niên qua. Còn hiện tại, danh sách cá nhân và công ty nằm trong lệnh trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt cho Iran có cả tên Trung Quốc. Nhiều tài liệu cũng từng cáo buộc Trung Quốc trá hình vận chuyển thiết bị cho Iran nhằm giúp Tehran theo đuổi chương trình phát triển tên lửa.

Iran phóng thử tên lửa đạn đạo hồi tháng 10/2015.

Với Trung Quốc, bên cạnh thách thức kinh tế, thách thức nghiêm trọng và lâu dài nhất phải kể tới chính trị. Trong khi đó, lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh chính trị khốc liệt ở Trung Đông. Đối với sáng kiến "Một vành đai, một con đường", điều quan trọng với Bắc Kinh là giữ thế trung lập và phát triển các mối quan hệ công bằng với toàn bộ các quốc gia Trung Đông dù những nước này đối lập nhau về tư tưởng và chính trị. Và yếu tố quan trọng nhất giúp sáng kiến "Một vành đai, một con đường" thành công ở Trung Đông là hòa bình. Do đó, lệnh trừng phạt mới của Mỹ sẽ khiến mối bất hòa ở Trung Đông thêm phần sâu sắc đồng thời đẩy Trung Quốc vào cảnh khó có thể lựa chọn nên ủng hộ quốc gia nào. 

Nói rộng hơn, lệnh trừng phạt mới không chỉ làm xấu thêm quan hệ Mỹ - Iran mà còn đẩy Washington – Bắc Kinh đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù ngay từ trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã gọi Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ" đồng thời tuyên bố tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan, nhưng Trung Quốc vẫn không phải là quốc gia đứng đầu danh sách hứng chịu những lời chỉ trích của ông Trump. Theo đó, ông Trump chỉ trích Đức, Nhật Bản, Mexico và Australia nhiều hơn so với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, khi "tư tưởng chống Mỹ" ngày càng lan rộng sau lệnh trừng phạt mới của chính quyền ông Trump, Trung Quốc sẽ trở nên lúng túng với vị thế trên trường quốc tế. Cụ thể, Iran đang là một trong những ứng cử viên tiềm năng tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc đứng đầu. Một khi Iran trở thành thành viên của SCO, tổ chức này sẽ vô tình chuyển từ thế trung lập sang phản đối Mỹ. Đây là điều Trung Quốc không hề mong muốn. 

Tóm lại, với chính quyền Bắc Kinh, lệnh trừng phạt mới của Mỹ trở thành thách thức lớn không chỉ với quan hệ Trung – Mỹ mà còn mối quan hệ giữa Trung Quốc với Iran và sáng kiến "Một vành đai, một con đường" ở Trung Đông.

Minh Thu (lược dịch)
Nguồn: infonet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.