Chuyên mục
Nga mỉm cười, NATO tan rã?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nga mỉm cười, NATO tan rã?

Thứ ba 02/05/2017 10:53 GMT + 7
Trong khi Mỹ và các đồng minh chủ chốt trong NATO ở châu Âu tiếp tục bất đồng, nghi kỵ lẫn nhau thì Nga đang thể hiện sức mạnh lấn lướt.

Mâu thuẫn chồng chất

Mỹ và NATO tiếp tục thể hiện sự nghi kỵ lẫn nhau. Hố ngăn cách dường như càng ngày càng lớn khi hai bên không thể xóa bỏ những bất đồng về hàng loạt vấn đề.

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thấy ông không chỉ “khó lường” trong các vấn đề đối nội mà còn “gây phức tạp” chính trị quốc tế. Ngay cả với các đồng minh NATO và ở Đông Bắc Á, ông Trump cũng khiến cho các mối quan hệ trở nên khó lường.

Những phát ngôn của ông Trump phần nào phản ánh quan điểm “Nước Mỹ trên hết” và đang khiến hàng loạt đồng minh của Mỹ, đặc biệt các nước trong NATO ở châu Âu thấp thỏm không yên.

Ông Trump từng tuyên bố NATO đã "lỗi thời".

Tại Hội nghị An ninh Munich 2017 vừa diễn ra tại Đức hồi tháng 2 vừa qua, đại diện cho phía Mỹ đến dự là Phó Tổng thống Mike Pence và Bộ trưởng Quốc phòng James N. Mattis. Những vị “sức giả” này tuy đã làm nhạt đi những phát ngôn bi quan và cay nghiệt về EU và NATO của ông Trump, nhưng bên cạnh đó cũng đốc thúc các đồng minh châu Âu trong NATO tăng chi tiêu quân sự, nếu không Mỹ không thể thực hiện cam kết bảo vệ EU.

Giới phân tích cho rằng Mỹ và các nước đồng minh NATO thuộc EU hiện nay đang trong tình trạng bề ngoài “vui vẻ hòa nhã”, “đồng tâm hiệp lực”, nhưng đang tồn tại sự bất mãn và bất an trong nội bộ đồng minh.

Người châu Âu tin rằng Mỹ dựa trên những lợi thế riêng của họ về kinh tế và quân sự, luôn thể hiện thái độ hung hăng dọa nạt, vênh mặt sai khiến, ngạo mạn vô lễ trong quan hệ song phương.

Trong giải quyết các vấn đề quốc tế cụ thể, Mỹ luôn khăng khăng làm theo ý mình, không ngại đưa các đồng minh của mình vào các sai lầm về quan điểm hoặc chủ đạo các cuộc chiến tranh phi nghĩa (đặc biệt là ở Trung Đông).

Binh sĩ Đức tham chiến tại Afghanistan trong thành phần lực lượng NATO.

Hậu quả mà các cuộc chiến tranh này gây ra cuối cùng về cơ bản đều bắt người châu Âu gánh chịu như các cuộc tấn công khủng bố, dòng người tị nạn và kết quả là chủ nghĩa dân túy cánh hữu châu Âu.

Ở chiều ngược lại, Mỹ tin sự chỉ trích và phàn nàn từ các đồng minh châu Âu là cường điệu quá mức và giả dối. Ví dụ, nước Đức đã hưởng thụ nguồn viện trợ kinh tế và hệ thống tài chính mà Mỹ cung cấp sau Thế chiến II và luôn yên ổn do được Mỹ bảo hộ hạt nhân. Nếu không có Mỹ đã không có EU, càng không thể có sự mở rộng của EU về phía Đông sau này.

Thậm chí còn có ý kiến cho rằng phần lớn các nước thành viên NATO đã quen “ngồi mát ăn bát vàng”, luôn chậm trễ trong việc đầu tư chi tiêu quân sự, trái với thỏa thuận chung năm 2014, trong vòng 10 năm sẽ tăng chi tiêu quân sự lên 2% GDP.

Binh sĩ Mỹ được điều tới Ba Lan với danh nghĩa trong thành phần NATO.

Người Mỹ phàn nàn họ phải gánh 72% chi phí của NATO, chỉ riêng năm ngoái chi phí quân sự đã lên đến 664 tỷ USD, chiếm 3,6% GDP nước Mỹ, trong khi người châu Âu chỉ gánh có 26%, tức 239 tỷ USD.

Nhưng người châu Âu lại cảm thấy rằng cách tính này của Washington không đáng tin cậy. Theo số liệu của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh), đa số chi phí quân sự của Mỹ thực tế không dành cho NATO mà phục vụ các nhu cầu của Mỹ.

Trong số 664 tỷ USD nói trên, số tiền chi cho châu Âu chỉ chiếm từ 4,2-4,5%, trong khi quân đội Mỹ lại có thể sử dụng cơ sở hạ tầng của châu Âu như các căn cứ, trang thiết bị, trung tâm thông tin, bệnh viện… Nếu không có những điều kiện cơ bản này, Mỹ khó có thể phát động cuộc chiến tranh ở Trung Đông.

Nhiều khoản đầu tư mà Mỹ “kể công” với châu Âu dường như đều liên quan đến lợi ích toàn cầu của chính nước Mỹ. Ví dụ, Kế hoạch Marshall hiển nhiên đã giúp các nước châu Âu thoát ra khỏi những khó khăn và chủ nghĩa dân tộc sau chiến tranh, nhưng cũng giúp cho Mỹ giành được thị trường tiền tệ và hàng hóa rất lớn.

NATO (thành lập năm 1948) nhằm vào Liên Xô, trong khi những người Pháp, Hà Lan, Bỉ cũng hy vọng thông qua NATO kiềm chế Đức, nhưng NATO đồng thời cũng đảm bảo sự ảnh hưởng và kiểm soát của Mỹ đối với châu Âu.

Hệ thống tài chính Bretton Woods (kéo dài từ năm 1944 đến năm 1971) do Mỹ chủ đạo, bao gồm Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thực sự đã hỗ trợ thúc đẩy thương mại và tránh lặp lại cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1920, nhưng nó đã xác lập đồng USD là đồng tiền chính trên thế giới, từ đó tăng cường ảnh hưởng của Mỹ đối với nền kinh tế thế giới.

Đối thủ mỉm cười?

Trong cuốn “Lịch sử châu Âu sau chiến tranh”, nhà sử học người Anh Tony Judt đã viết: “Đằng sau việc thiết lập tất cả những cơ chế chính trị và an ninh đều có sự cân nhắc của Mỹ lấy lợi ích riêng của họ để liên hệ chặt chẽ với một lục địa châu Âu đang trong giai đoạn yếu đuối”.

Trên thực tế, trong nội bộ phương Tây không phải đến nay mới bộc lộ rạn nứt, Đại sứ Mỹ tại Đức giai đoạn 1997-2001, John Kornblum trong một chương trình đàm luận ở Đức gần đây đã phàn nàn: “Những người châu Âu đã không bàn bạc với chúng tôi trong vấn đề NATO, EU mới là phòng họp của họ”, ngụ ý rằng châu Âu đã sớm có những bất đồng với Mỹ.

Trụ sở NATO tại Brussels, Bỉ.

Ngay từ năm 2003, trước thềm Chiến tranh Iraq, Ngoại trưởng Đức lúc đó là ông Joschka Fischer đã dùng cụm từ nổi tiếng “Xin lỗi, thật không thể tin được điều này!” để nói thẳng vào mặt Bộ trưởng Quốc phòng thuộc phái diều hâu của Mỹ Donald Rumsfeld ở thăm Đức, công khai từ chối tham gia cuộc Chiến tranh Iraq do Mỹ-Anh phát động.

Đây là lần đầu tiên “người em trai” Đức công khai thách thức “ông anh cả” Mỹ, kể từ đó Washington cũng không bao giờ còn thật sự tin tưởng Berlin nữa.

Một điểm bất đồng lớn khác giữa châu Âu và Mỹ là việc Chính quyền Trump ủng hộ nước Anh và lãnh tụ phe cực hữu Pháp Marine Le Pen về việc rút khỏi EU.

Đằng sau việc Trump công kích NATO, EU và thương mại tự do, dường như có hai ẩn ý: Trước tiên, Mỹ cho rằng các nước châu Âu chiếm được món hời lớn, trong khi Mỹ lại chịu thiệt quá nhiều, do vậy buộc phải thay đổi càng sớm càng tốt;

Thứ hai, Mỹ tự biết họ đang suy yếu, khó có thể tiếp tục gánh vác quá nhiều trách nhiệm trên toàn cầu, vì vậy phải tìm đường rút cho mình.

Binh sĩ Nga bất ngờ xuất hiện tại Crimea hồi đầu năm 2014.

Sự xuất hiện cuộc khủng hoảng này còn nằm ở việc Mỹ trong thời gian dài luôn kiểm soát quyền giải thích về lợi ích của phương Tây. Theo thời gian, Washington luôn cho rằng lợi ích của riêng họ lại chính là lợi ích chung của phương Tây.

Trong bối cảnh phương phương Tây “lục đục” nội bộ thì Nga đang thể hiện sự trỗi dậy mạnh mẽ. Sau những sự kiện Ukraine mà điển hình là việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Moscow tiếp tục chứng tỏ sức mạnh ở Syria khi không chỉ “cứu” chính quyền Assad mà đang dần làm chủ cuộc chơi ở Trung Đông.

Hồi năm 2007, cũng tại Hội nghị An ninh Munich, khi tham dự cuộc thảo luận về việc mở rộng về phía Đông của NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng chỉ trích gay gắt hành động bá quyền của Mỹ trên thế giới, và tuyên bố rằng Nga sẽ không thể ngồi yên.

Phương Tây dù khá sốc với lời cảnh báo của ông Putin, nhưng lại chưa nghiêm túc xem xét vấn đề này. Trước “mối đe dọa Nga” vốn đang được phương Tây rao giảng bấy lâu, Mỹ và đồng minh cần phải làm gì để xóa bỏ những mối nghi kỵ và bất đồng nội bộ?

Thành Minh
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.