Chuyên mục
NATO tham vọng, không coi Nga là đối thủ
BÌNH LUẬN
Không nên tin vào những lời mật ngọt, hứa hẹn và đầy tham vọng của NATO. Vì bản chất của Mỹ và liên minh quân sự này...

NATO tham vọng, không coi Nga là đối thủ

Thứ hai 30/07/2018 08:23 GMT + 7
NATO không còn là liên minh quân sự để đối phó Nga mà trở thành một tổ chức an ninh đa quốc gia và thực hiện nhiều vai trò khác nhau.

Lời ngụy biện ngọt ngào

Trang The National Interest của Mỹ cho rằng vấn đề về vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang được thảo luận nhiều, đặc biệt là tính hữu ích của liên minh này đối với an ninh của Mỹ và liên minh này cần làm gì để củng cố tiềm lực trước một nước Nga ngày càng quyết đoán.

Tờ báo Mỹ cho rằng những bình luận và chỉ trích thường bỏ qua một vấn đề quan trọng - NATO đơn thuần không còn là một liên minh quân sự để đối phó với Nga và cũng không nên như vậy. Thay vào đó, NATO là một tổ chức an ninh đa quốc gia đối với châu Âu và là một tổ chức thực hiện nhiều vai trò khác nhau để đối phó với các mối đe dọa hiện nay.

Thủ đô Tripoli của Libya bị NATO ném bom năm 2011.

Sau Chiến tranh Lạnh, giới học giả đã chỉ trích, cáo buộc NATO đe dọa Nga bằng hoạt động mở rộng khi kết nạp thêm các nước từng là thành viên của khối Warsaw và thậm chí các nước từng thuộc Liên Xô. Làn sóng mở rộng NATO đầu tiên diễn ra từ 1997 đến 1999 và được miêu tả là một chiến lược kiềm chế thành công thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Nga luôn nghi ngờ bản chất của sự mở rộng này. Tuy nhiên, tờ báo Mỹ lại cho rằng sự mở rộng của NATO về phía Đông là hữu ích. Theo luận giải thì sau năm 1989 đã xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị trên khắp Trung và Đông Âu. Khi đó, Nga vốn được ví như biểu tượng của "bàn tay thép" cho sự ổn định của khu vực đã không thể và không sẵn lòng vào cuộc.

The National Interest cho rằng, bằng việc mở rộng đến Đông Âu, NATO đã giúp các quốc gia có thời gian và sức lực để tập trung vào các cải cách kinh tế và chính trị trong nước mà không phải bận tâm về vấn đề an ninh.

Theo đó, quyết định năm 1995 của NATO khi kết nạp các thành viên mới có nền dân chủ, nguyên tắc pháp trị và bảo vệ tự do cá nhân đã biến NATO trở thành một lực lượng thúc đẩy cải cách chính trị. Sự mở rộng của NATO giúp ổn định và đảm bảo an ninh cho Đông Âu, bảo vệ Tây Âu và những lợi ích của Mỹ.

NATO có "công" đảm bảo "an ninh" cho Trung và Đông Âu?

Chính trong vai trò này mà NATO thời hậu chiến không còn được xem là một liên minh quân sự mà trở thành một lực lượng an ninh. Thời Chiến tranh Lạnh, NATO chỉ có một nhiệm vụ: ngăn chặn Liên Xô. Khi Liên Xô và Khối Warsaw sụp đổ đầu những năm 1990, liên minh đối mặt với cuộc khủng hoảng về bản sắc với việc phải tìm ra cho mình một tôn chỉ mục đích hoạt động mới.

Đúng thời gian này, NATO lại tiến hành các hoạt động quân sự thực sự đầu tiên của mình, trong đó phải kể đến các hành động ở Bosnia năm 1995 và Kosovo năm 1999. Phần lớn các hoạt động triển khai quân này đều có chung một điểm là chúng được phân loại là các hoạt động “an ninh”.

An ninh và luật lệ của NATO

Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ một thành viên của liên minh từ một cuộc tấn công trực tiếp của một kẻ thù bên ngoài, NATO đã hoạt động để hỗ trợ an ninh và ổn định ở cả các nước không phải là thành viên. Kiểu hoạt động này tiếp tục diễn ra khi NATO nắm quyền chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) ở Afghanistan trong năm 2006.

Chính việc NATO đảm nhiệm vai trò kiểm soát ISAF đã khiến NATO cam kết nhiều hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, song đây lại là lĩnh vực mà NATO gặp nhiều khó khăn để có thể tham gia đầy đủ. Lý do chính là thiếu chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước thành viên và NATO coi việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu là một vấn đề nên được EU giải quyết.

Theo tờ báo Mỹ, nhu cầu lớn nhất của NATO không chỉ là chi tiêu nhiều hơn vào lực lượng quân sự truyền thống của mình để đẩy lùi một cuộc xâm lược truyền thống. NATO cần nhiều nguồn tài nguyên dồi dào hơn để nâng cao năng lực tình báo, an ninh, luật lệ và trật tự.

The National Interest cho rằng việc tiếp tục coi NATO chỉ là một liên minh quân sự để thực hiện vai trò ngăn chặn truyền thống rồi sau đó chỉ trích NATO không thực hiện hết vai trò này chẳng khác nào bỏ qua lịch sử tồn tại 25 năm qua của NATO mà còn bỏ qua những mối đe dọa mà NATO hiện và sẽ phải đối mặt.

Một đoàn xe của NATO bị đánh bom tại Afghanistan.

NATO ngày nay không chỉ còn là một liên minh quân sự. NATO đã trở thành một tổ chức an ninh đa quốc gia, đảm nhiệm nhiều vai trò, từ chống khủng bố đến gìn giữ hòa bình cũng như huấn luyện và cố vấn. Vì vậy, NATO cần thực hiện vai trò này để tiếp tục bảo vệ thành công châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, những lời kêu gọi trên hoặc là không hiểu hoặc cố tình không hiểu bản chất vấn đề. Dù có mở rộng vai trò đến mức nào đi nữa thì NATO vẫn là một liên minh quân sự. Nòng cốt của tổ chức này vẫn là dùng các biện pháp quân sự để giải quyết cái mà The National Interest gọi là "an ninh", "luật lệ" và "trật tự".

Theo nghĩa đó, "an ninh" là sự an toàn cho chính NATO, trong khi "luật lệ" và "trật tự" là những khái niệm do liên minh quân sự này đặt ra dựa trên lợi ích của riêng mình.

Không những thế, các hoạt động "an ninh" của NATO đã và đang gây bất ổn cho hàng loạt quốc gia và khu vực. Không kể tới Nam Tư cũ với vấn đề Kosovo, ví dụ điển hình là tình hình tại Libya. Quốc gia Bắc Phi này đã bị chia năm sẻ bảy sau khi NATO ném bom để mang "dân chủ" đến cho người dân. Dưới thời cố lãnh đạo Muammar Gaddafi người dân được học hành, hưởng thụ các dịch vụ y tế giá rẻ, thậm chí miễn phí thì giờ đây được sự hỗ trợ "an ninh" của NATO, họ bị bọn buôn người lợi dụng, phải sống trong cảnh chiến tranh bạo lực, thiếu đói...

NATO không thể "che giấu" bản chất của một liên minh quân sự.

Vì sợ mất đi "bản sắc", NATO cuối cùng vẫn quay về với "mối đe dọa Nga", qua đó có được cái cớ để thực thi các chính sách "vô trách nhiệm" của mình (theo lời của Tổng thống Nga Putin). Thực tế thì NATO vẫn tiếp tục chính sách mở rộng về phía Đông trong khi tố cáo Nga gây ra mối đe dọa.

Mới đây nhất, ngày 25/7, đoàn đại biểu NATO đã đến thành phố Skopje - thủ đô của Macedonia, có cuộc gặp với lãnh đạo nước này và thông báo bắt đầu đàm phán về việc Macedonia gia nhập NATO.

Đoàn đại biểu NATO do Giám đốc Văn phòng Đối tác châu Âu-Đại Tây Dương và toàn cầu của NATO James McKay dẫn đầu. Các bài "tuyên truyền" của NATO đã tỏ ra hữu ích khi đích thân Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev phát biểu tại cuộc gặp rằng trong giai đoạn hiện nay, quan hệ giữa Macedonia với NATO sẽ dẫn đến "những bảo đảm an ninh và ổn định xã hội của các nước thành viên và liên minh, mở ra thêm nhiều cơ hội kinh tế để phát triển đất nước".

Đông Triều
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.