Chuyên mục
Mỹ khó qua mặt Nga về năng lượng
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Mỹ khó qua mặt Nga về năng lượng

Thứ hai 12/02/2018 09:07 GMT + 7
Mỹ đang sử dụng con bài năng lượng để loại bỏ ảnh hưởng của Nga tại các khu vực chủ chốt, trong đó có Trung Quốc và châu Âu.

Mỹ quyết đấu

Tháng 7/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đứng bên cạnh người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda tại Warsaw và cam kết sẽ giúp Ba Lan “cai” nguồn nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.

Tổng thống Trump đã đưa ra đề xuất dùng năng lượng của Mỹ là nguồn thay thế, để Ba Lan không còn phải phụ thuộc vào một nước cung cấp duy nhất. Nhà lãnh đạo Mỹ đang động chạm đến những mối quan ngại lâu nay của châu Âu về khả năng Nga đóng nguồn cung khí đốt tự nhiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda tại Warsaw hồi tháng 7/2017

Theo Reuters, 6 tháng sau chuyến thăm của Tổng thống Trump, Ba Lan đã ký hợp đồng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng, dầu thô và than đá của Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ không ký thêm hợp đồng mới với tập đoàn Gazprom của Nga khi hợp đồng hiện tại hết hạn vào năm 2022.

Reuters cho rằng câu chuyện này là một minh chứng cụ thể cho mục tiêu chính của chương trình nghị sự “thống trị bằng năng lượng” của Tổng thống Trump - sử dụng hoạt động xuất khẩu năng lượng gia tăng để thúc đẩy tầm ảnh hưởng chính trị của Washington.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề năng lượng, ông John McCarrick, cho biết đội ngũ của ông đã giúp mở ra những hợp đồng cung cấp năng lượng thông qua các cuộc gặp với giới chức công và tư ở châu Âu và châu Á nhằm thúc đẩy giá trị chiến lược của năng lượng Mỹ.

Ông McCarrick giải thích làm như vậy có thể làm giảm tầm ảnh hưởng của những tác nhân gây bóp méo thị trường, trong đó có Nga và những nước sản xuất dầu thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Ngoài ra, Mỹ cũng muốn sử dụng doanh thu từ xuất khẩu năng lượng để cắt giảm thâm hụt thương mại với các đối tác, đặc biệt là với Trung Quốc. Bắc Kinh đã trở thành khách hàng hàng đầu mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ và hiện là nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai của Mỹ sau Canada.

Tàu chở khí đốt hóa lỏng của Mỹ cập cảng Ba Lan

Tập đoàn dầu khí quốc gia của Trung Quốc đã ký một thỏa thuận sơ bộ hồi tháng 11/2017 để đầu tư xây dựng cơ sở phục vụ hoạt động xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng trị giá 43 tỷ USD ở Alaska, vốn sẽ cạnh tranh với cơ sở xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng Yamal của Nga ở Bắc Cực.

Trong Chiến lược An ninh Quốc gia công bố hồi tháng 12/2017, Mỹ đã công khai một trong những mục tiêu của chính sách “thống trị năng lượng” là để “giúp các đồng minh và đối tác có thể kháng cự tốt hơn trước những nước sử dụng năng lượng để bắt chẹt nước khác”.

Litva - nước từng thuộc Liên Xô - đã tiếp nhận lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng đầu tiên từ Mỹ hồi tháng 8/2017 - một sự kiện mà Ngoại trưởng nước này gọi là “hết sức quan trọng đối với toàn khu vực”.

Chính quyền của Tổng thống Trump cũng giúp thương lượng một thỏa thuận hồi tháng 7/2017 giữa Ukraine và tập đoàn khai thác khoáng sản của Mỹ XCoal Energy để cung cấp khoảng 700.000 tấn than đá và cấp vốn hàng trăm triệu USD cho các dự án khai thác khí và điện gió ở Ukraine.

Trong nhiều năm qua, Ukraine được coi là “tiền duyên” trong hoạt động cung cấp gần như độc quyền khí đốt của Nga cho châu Âu. Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí gas cho Ukraine và cả Tây Âu trong thời gian xảy ra tranh cãi về giá cả đồng thời cấm khách hàng của mình bán lại khí đốt cho các nước khác.

Khó qua mặt Nga

Trong khi đó, phản ứng trước những động thái của Mỹ về năng lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Gazprom, ông Alexander Medvedev cũng xem nhẹ tác động của hoạt động xuất khẩu năng lượng của Mỹ đối với khu vực.

Trả lời giới đầu tư ở London hôm 8/2, ông Alexander Medvedev ví von: “Tôi có thể so sánh xuất khẩu khí đốt của Gazprom đến châu Âu như một cốc chè còn lượng xuất khẩu của Mỹ chỉ như một vài giọt rượu thêm vào chiếc cốc đó. Bạn có thể thấy mùi gì đó khác lạ song lại chẳng tạo nên hương vị gì”.

Moscow muốn củng cố mối quan hệ làm ăn với Tây Âu thông qua dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 cho phép khí đốt của Nga chảy thẳng đến Đức thông qua Biển Baltic.

Nga không thua kém Mỹ về khí đốt hóa lỏng

Hôm 27/1, khi đang ở thăm Warsaw, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng Washington coi dự án này là một mối đe dọa đến an ninh năng lượng của châu Âu.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng Moscow có thể có thừa khả năng để đe dọa các công ty khai thác năng lượng của Mỹ bằng một cuộc chiến giá cả nếu chính sách của Washington làm Moscow khó chịu.

Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Amy Myers Jaffe nhận định: “Trong tương lai, Nga có thể cho thế giới thấy được vai trò khai thác năng lượng của Moscow như thế nào, cũng như cho thấy các nhà sản xuất dầu khí của Mỹ sẽ bị gây phương hại ở mức độ nào”

Nga nắm giữ nhiều lợi thế hơn Mỹ trong cuộc chiến năng lượng tại các khu vực chiến lược như châu Âu

Thực tế các cuộc chiến giá cả trước đây với các quốc gia OPEC đã làm các nhà sản xuất năng lượng của Mỹ điêu đứng, trong đó có sự kiện hồi năm 2014 khi Saudi Arabia nâng sản lượng khai thác. Giới phân tích cho rằng ngay cả khi Mỹ nỗ lực giành lại thị phần khi cạnh tranh với khí đốt cung cấp bằng đường ống dẫn khí với giá rẻ hơn từ Nga, thì việc Nga sẵn có trong tay một giải pháp thay thế sẽ làm mờ nhạt tầm ảnh hưởng năng lượng của Mỹ.

Ví dụ, nếu Moscow cắt đứt nguồn cung một lần nữa thì Washington sẽ không còn khả năng đặt điều kiện với khách hàng của mình phải ký kết các hợp đồng dài hạn chỉ riêng với Mỹ.

Chuyên gia của Hội đồng Atlantic Agnia Grigas nhận định: “Sự đóng góp lớn nhất của Mỹ (về sản lượng khai thác dầu khí) sẽ làm thay đổi cách thức mà lĩnh vực kinh doanh này được thực hiện, chứ không phải giúp Mỹ giành được một thị phần nào đó”.

Đông Triều
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.