Chuyên mục
Mỹ, EU có thể leo thang trừng phạt Nga bao lâu?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Mỹ, EU có thể leo thang trừng phạt Nga bao lâu?

Thứ tư 17/09/2014 18:58 GMT + 7
Tuần vừa qua, Mỹ và EU đã áp dụng gói trừng phạt mới đối với Nga, và Nga cũng cho biết sẽ có biện pháp đối phó với gói trừng phạt này.

Mỹ và EU gia tăng sức ép, Nga bình tĩnh “phản đòn”

Đại sứ của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc họp ngày 11/9 đã thống nhất áp đặt ngay lập tức gói trừng phạt mới đối với Nga bắt đầu từ ngày 12/9 sau 1 tuần trì hoãn. Theo đó, EU quyết định bổ sung 24 nhân vật vào danh sách trừng phạt (bao gồm cả những nhà lãnh đạo mới vùng Donbass) và cấm 6 doanh nghiệp lớn thuộc ngành quốc phòng và năng lượng Nga được vay vốn tại thị trường châu Âu. 


Công ty dầu mỏ lớn nhất tại Nga Rosneft nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ (ảnh: CNN)

Nhằm gia tăng thêm sức ép, sáng 13/9, (theo giờ địa phương), Bộ Tài chính Mỹ cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung. Theo đó, Mỹ đã đưa Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga vào danh sách trừng phạt, bên cạnh việc thắt chặt hoạt động của 5 ngân hàng bị trừng phạt trước đó. Các biện pháp trừng phạt tăng cường của Mỹ cũng nhằm vào 5 công ty quốc phòng Nga và tập đoàn vũ khí và công nghệ Rostec.

Ngoài ra, các công ty Mỹ còn bị cấm xuất khẩu các hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ hoạt động khai thác dầu khí của Nga tại Bắc cực và các vùng nước sâu. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Jew nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục bị cô lập về kinh tế và ngoại giao nếu tình hình tại Ukraine không được cải thiện.

Đáp lại gói trừng phạt mới của phương Tây, Nga vẫn giữ lập trường và thái độ cứng rắn như trước. Nga cam kết hỗ trợ thực thi sáng kiến hòa bình tại Ukraine đồng thời chuẩn bị các biện pháp đáp trả. Một cố vấn kinh tế cấp cao trong chính phủ Nga, ông Belousov ngày 14/9 cho biết, Nga đang thảo luận một kế hoạch ở tất cả các cấp về các biện pháp trừng phạt nhằm vào phương Tây.

Theo ông Belousov, kể từ khi các gói trừng phạt đầu tiên được triển khai nhằm vào Nga, nước này đã lên kế hoạch hành động. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả các biện pháp này sẽ được áp dụng và Nga sẽ cố gắng tránh làm tổn hại đến người tiêu dùng và các nhà sản xuất. 

Tại sao Mỹ và phương Tây đưa ra gói trừng phạt mới?

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ và EU áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. Gói trừng phạt đầu tiên áp dụng sau khi Nga sáp nhập Crimea. Cho đến nay, Mỹ và phương Tây vẫn luôn đổ lỗi cho Nga là “bên liên quan” trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Hiện miền Đông Ukraine đã ngừng tiếng súng, thỏa thuận ngừng bắn cũng đã được kí kết giữa quân đội Chính phủ và phe đối lập nước này, nhưng Mỹ và EU vẫn quyết định áp đặt gói trừng phạt mới.

Trả lời với báo chí về nguyên nhân trừng phạt, Tiến sỹ Đỗ Sơn Hải, Trưởng khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao Việt Nam, Học viện Ngoại giao cho biết nếu nhìn xa hơn về bản chất của lệnh trừng phạt, có thể thấy sau sự kiện Crimea và xa hơn nữa, nước Nga đang có sự vươn lên mạnh mẽ. 

Miền Đông Ukraine đã ngừng tiếng súng nhưng Mỹ và EU vẫn áp đặt gói trừng phạt mới lên Nga (ảnh: Reuters)

“Phương Tây lo ngại về sự lớn mạnh của Nga, cụ thể biểu hiện là nguyên trạng của châu Âu bị phá vỡ, đe dọa bị phá vỡ. Cho nên, việc gây sức ép với Nga có lẽ còn xa hơn câu chuyện Ukraine”, Tiến sỹ Đỗ Sơn Hải nói.

Trao đổi với phóng viên VOV, Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Ngọc, chuyên viên nghiên cứu Nga và Ukraine của Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay: “Theo quan điểm cá nhân của tôi, lệnh trừng phạt này gắn liền với tình hình cuộc khủng hoảng Ukraine chứ không phải chỉ đánh vào kinh tế”.

Tiến sỹ Ngọc cho biết thêm, lệnh trừng phạt tuy cấm các ngân hàng, tập đoàn kinh tế của Nga được hoạt động  nhưng có lẽ lệnh trừng phạt mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là ý nghĩa kinh tế trong bối cảnh hiện tại. Mỹ và phương Tây vẫn cho rằng Nga phải có “trách nhiệm” trong cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và bởi thế, họ đã áp đặt gói trừng phạt mới nhằm gây sức ép lên Nga.

Kinh tế lao đao sau khi lệnh trừng phạt được thi hành

Trong một bài đăng vào tháng 8, các nhà phân tích của Reuters nhận xét, nền kinh tế 2.000 tỷ USD của Nga đứng trước mối đe dọa bị cô lập và hàng trăm triệu người Nga tự hỏi chuyện gì sẽ tiếp diễn.

Bộ Kinh tế Nga dự báo dòng vốn tìm đường ra khỏi Nga năm nay ở mức 100 tỷ USD, tăng từ mức 61 tỷ USD của năm 2013. Tuy nhiên, một số người cho rằng con số này là ước tính lạc quan, sự thực còn nhiều hơn thế. “Luồng vốn khoảng 100-200 tỷ USD đã chảy ra khỏi nước Nga", Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama, phát biểu hôm 6/8. 

Theo lệnh trừng phạt, các công ty Mỹ bị cấm làm ăn với 5 hãng dầu mỏ Nga. (Ảnh: KT)

Reuters cũng dẫn cả lời Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi hồi tháng 5 cho biết cuộc khủng hoảng đã khiến dòng vốn ồ ạt rút khỏi nước Nga, ước lượng khoảng 160 tỷ Euro, tức là 214 tỷ USD. Ngay cả các nhà kinh tế từ Cao học Kinh tế Moscow cũng dự báo dòng vốn ra có thể lên đến 130-150 tỷ USD trong năm nay.

Đấy là những gì đã xảy ra với Nga sau vài tháng khi gói trừng phạt đầu tiên được áp dụng. Theo BBC dự đoán, với gói trừng phạt mới, đầu tư trực tiếp suy yếu và thoái vốn đầu tư ở Nga sẽ còn tiếp tục tăng cao. Nga đang trên bờ vực suy thoái.

Thế nhưng, tất nhiên, khi có lệnh trừng phạt về kinh tế, không phải chỉ có một mình Nga chịu thiệt hại mà doanh nghiệp của cả 2 bên đều ảnh hưởng. BBC đưa tin, một vài nước EU sẽ cảm nhận được rõ rệt sự ảnh hưởng của gói trừng phạt mới này. Trong thập kỷ qua, Nga đã trở thành một thị trường bùng nổ cho hàng tiêu dùng phương Tây.

Ví dụ như mối quan hệ kinh tế giữa 2 nước Đức- Nga. Năm 2013, xuất khẩu của Đức sang Nga đã đạt tới ngưỡng 38 tỷ Euro- mức cao nhất trong khối EU. Quan trọng hơn, Đức dùng tới hơn 30% lượng dầu và khí đốt do Nga cung cấp. Ý cũng phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu năng lượng của Nga và một số nước thuộc khối Xô Viết cũ phụ thuộc 100% vào đường ống khí đốt từ Nga.

Lệnh trừng phạt cũng có thể tạo nên tác động thuận

Vào ngày gói trừng phạt mới của phương Tây có hiệu lực, ngày 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin có tuyên bố với báo giới rằng, tuy tình hình đang xấu đi, nhưng nếu nhìn vào vấn đề một cách tổng thể có thể thấy nhiều khía cạnh tích cực hơn là tiêu cực. Lệnh trừng phạt mở ra những cơ hội mới cho các nhà sản xuất ở Nga.

Đối với các mối quan hệ thương mại cũ giữa Nga- EU, Tổng thống Putin cho hay, Nga “luôn luôn có biện pháp thay thế” trong trường hợp một ai đó “không còn muốn làm việc cùng Nga”. Thực tế cho thấy những năm gần đây, Nga phát triển mạnh mẽ quan hệ với các nước nhóm BRICS, thắt chặt quan hệ với các nước Mỹ Latinh.

Tiến sỹ Ngọc nhận định: “Nếu nói về tác động của lệnh trừng phạt thì tôi nghĩ đối với cả 2 bên thì nó đều có tác động thuận lẫn tác động nghịch”. 


Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Ngọc, chuyên viên nghiên cứu Nga và Ukraine của Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam

Với tác động thuận, tuy không nhiều, nhưng có thể thấy càng trừng phạt thì nền kinh tế của Nga lẫn nền kinh tế của các nước phương Tây đều phải tìm ra cách để hợp tác, mở rộng, đa dạng hóa mối quan hệ hợp tác kinh tế với các nước khác một cách linh hoạt hơn. Những điều này tạo nên động lực mới cho nền kinh tế và tư duy kinh tế mới cho các doanh nghiệp 2 bên, Tiến sỹ Ngọc chia sẻ.

Hoặc thậm chí, bất chấp lệnh trừng phạt, có những doanh nghiệp vẫn tìm cách có thể liên kết, hợp tác, cưỡng lại chính sách của các Chính phủ. Tháng trước, khi Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng lệnh cấm vận, thì tập đoàn Exxon Mobile của Mỹ-một tập đoàn dầu khí rất lớn- vẫn tiếp tục dự án khai thác dầu với trình độ công nghệ cao với Nga ở khu vực biển Bắc. Tổng thống Nga Putin cũng là người đưa ra hiệu lệnh để bắt đầu mũi khoan thăm dò giữa Mỹ và Nga ở khu vực biển Bắc này.

Lệnh trừng phạt sẽ kéo dài đến bao lâu?

Tiến sỹ Ngọc cho hay, triển vọng của tình trạng này phụ thuộc vào 2 yếu tố. Yếu tố thứ nhất là bối cảnh, tình hình ở Ukraine như thế nào, ưu thế nghiêng về ai. Yếu tố thứ 2 là tình hình kinh tế thế giới.

Nếu như diễn biến ở Ukraine tiếp tục xấu đi thì Mỹ và phương Tây sẽ vẫn tiếp tục áp đặt trừng phạt để gây sức ép lên Nga. Nếu như 1 trong 2 bên giành được ưu thế rõ ràng hơn, thì các nước sẽ phải tìm cách đối thoại, và khi đó các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành nhằm giải quyết thế giằng co hiện tại, Tiến sỹ Ngọc nói. 

Lãnh đạo một số nước châu Âu bày tỏ sự đồng thuận trong việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga (Ảnh Reuters)

Tiến sỹ Ngọc cho biết thêm, xét đến yếu tố kinh tế thế giới, nếu tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi, và không có sự phục hồi đáng kể thì chính các nước lại càng phải cần đến nhau nhiều hơn. Cuối cùng các nước cũng sẽ phải chuyển sang đàm phán để đảm bảo lợi ích của các bên.

Có lẽ chúng ta chờ thời gian tới để có câu trả lời cho câu hỏi bao lâu, đến khi nào lệnh trừng phạt này mới kết thúc. Tuy nhiên trong diễn biến liên quan, RIA Novosti đưa tin, ngày 15/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, Mỹ có thể sẽ rút lại các biện pháp trừng phạt mới công bố đối với Nga nếu như thỏa thuận ngừng bắn Minsk được thực hiện đầy đủ tại Ukraine. Còn về phía Nga, mặc dù coi các biện pháp trừng phạt là  hành động vi phạm luật pháp quốc tế và là chính sách thù địch của các nước phương Tây nhưng Nga tuyên bố vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Mỹ.

Như vậy, trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, lời tuyên bố của lãnh đạo 2 nước Nga, Mỹ có thể đem lại cho chúng ta chút hy vọng về tình hình trong tương lai sẽ dịu đi, nhằm đảm bảo môi trường phát triển ổn định, hòa bình cho các doanh nghiệp cả 2 nước./.

Phương Chi/VOV.VN
Nguồn: vov.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.