Chuyên mục
Khủng bố đang chĩa họng súng về Trung Quốc
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Khủng bố đang chĩa họng súng về Trung Quốc

Thứ sáu 27/02/2015 06:13 GMT + 7
Năm 2014 và 2015 có lẽ sẽ là một điểm mốc đáng nhớ trong lịch sử thế giới, khi làn sóng khủng bố đã chính thức lan ra khắp toàn cầu thay vì chỉ gói gọn trong một phạm vi truyền thống là nước Mỹ và một số nước phương Tây khác. Với những chính sách bất công ở Tân Cương, Bắc Kinh đang nuôi mầm mống sinh ra khủng bố và thực tế, khủng bố đang chĩa họng súng về Trung Quốc.


Bạo lực cũng đã tràn sang Đông Á khi năm 2014 chứng kiến những vụ thảm sát kinh hoàng ở Trung Quốc mà hung thủ là những tín đồ Hồi giáo quá khích. Nhưng nếu như khủng bố diễn ra ở phương Tây liên quan đến những vấn đề về xung đột quân sự và đức tin tôn giáo, thì ở Trung Quốc, khủng bố lại bắt nguồn từ thù hận về chủng tộc và sự đối xử của người Hán với người Duy Ngô Nhĩ.

Nếu có một đế quốc tiếp tục quá trình xâm chiếm đất đai và bành trướng về lãnh thổ theo kiểu các đế quốc trong quá khứ ở thời điểm hiện tại, thì đó phải là Trung Quốc. Năm 1949, sau khi thống nhất đất nước, Mao Trạch Đông đã ra lệnh cho quân đội tiến vào Tây Tạng và Tân Cương, sáp nhập hai vùng lãnh thổ có lịch sử tồn tại độc lập lâu đời này vào lãnh thổ Trung Quốc mà không thèm đưa ra một lời giải thích. Thời gian càng trôi, thì người Trung Quốc càng đẩy nhanh quá trình thuộc địa hóa và nuốt chửng hai vùng lãnh thổ này đến tận gốc. 

Bằng cách di dân ồ ạt đến hai lãnh thổ này, người Hán đang nỗ lực để chứng minh rằng hai vùng đất này là của họ và không một ai có thể đảo ngược quá trình này, một khi người Hán đã chiếm đa số ở hai vùng đất trên và trong tương lai sẽ chiếm gần như hoàn toàn về dân số thì còn cách gì để có thể đẩy được một số lượng người lên đến hàng chục triệu rời khỏi hai vùng đất này cơ chứ.

Quá trình di dân của Bắc Kinh đến hai vùng lãnh thổ trên đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Bất cứ khách du lịch nước ngoài nào đến Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng, cũng không khỏi kinh ngạc trước sự bành trướng nhanh chóng của người Hán. Người Hán chiếm đa số trong thành phố so với người Tây Tạng, hầu hết các khu nhà từ trụ sở hành chính cho đến các khách sạn và cửa hàng thương mại ở đây đều là của người Hán.

Thậm chí các tài xế lái xe taxi người Hán còn đeo găng tay trắng trong khi phần lớn người dân Tây Tạng bản địa thì đi bộ trong bộ dạng như những người hành khất. Người dân Tây Tạng đang cảm nhận rõ hơn bao giờ hết họ đang bị đẩy ra đường ngay trên chính quê hương của mình.

Tân Cương cũng đang trong tình trạng như vậy. Năm 1949, thời điểm nước CHND Trung Hoa ra đời, người Duy Ngô Nhĩ chiếm đến 82% dân số Tân Cương, nhưng đến năm 2010, 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ chỉ còn chiếm 46,3% dân số Tân Cương. Cũng giống như những gì diễn ra ở Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ đang bị đẩy ra đường ngay trên chính quê hương khi hầu hết các dịch vụ và ngành nghề ở đây đều nằm trong tay người Hán.

Bắc Kinh còn công khai thể hiện sự bất công của mình với người Duy Ngô Nhĩ khi ủng hộ một cách thiên vị người Hán trong việc cấp các giấy phép kinh doanh hay khai thác tài nguyên ở Tân Cương. Sự bất bình đẳng ấy lớn đến nỗi có người đã gọi đây là cách hành xử của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, theo đó các ông chủ sẽ không bóc lột sức lao động bản địa đến cạn kiệt như trước, mà đơn giản là tống họ ra đường và tìm đủ cách ngăn cấm họ kiếm sống. Bằng cách đó, người bản địa sẽ phải tự tìm đường rút lui và đi nơi khác tìm kế sinh nhai.

Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương trong một cuộc biểu tình phản đối năm 2009 

Nhưng người Duy Ngô Nhĩ đã không chấp nhận sự bất công ấy như người Tây Tạng. Tiếp nhận ảnh hưởng và sự hỗ trợ từ những tư tưởng Hồi giáo cực đoan ở các nước Trung Đông láng giềng như Afghanistan hay Pakistan, người Duy Ngô Nhĩ đang trả thù bằng con đường bạo lực. 

Những vụ xung đột đã liên tục diễn ra ở Tân Cương kể từ thế kỷ trước, khi Trung Quốc vừa mở cửa và bắt đầu có khả năng kinh tế để thực hiện chính sách di dân ồ ạt lên Tân Cương, và diễn ra với tần suất cao hơn kể từ năm 2000. Cuộc xung đột đẫm máu nhất diễn ra vào tháng 7.2009 với 180 người chết, cao nhất kể từ sau cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, hầu hết các nạn nhân trong số đó là người Hán.

Nhưng bạo lực đang ngày càng có xu hướng lan ra khắp Trung Quốc thay vì gói gọn trong địa phận Tân Cương và nhất là đang có xu hướng biến thành những đợt tấn công khủng bố. Nếu như thảm kịch năm 2009 diễn ra từ một vụ xung đột bạo lực đường phố, thì giờ đây dao và súng đạn đã được sử dụng thường xuyên hơn. Tháng 3.2014, bốn người Duy Ngô Nhĩ đã khiến cả Trung Quốc bàng hoàng khi đã dùng dao tấn công nhà ga Côn Minh gây ra cái chết cho 31 người và khiến 140 người bị thương, tất cả các nạn nhân đều là người Hán.

Thứ Hai vừa qua, một người Duy Ngô Nhĩ đã đánh bom tự sát ở miền Nam Tân Cương gây ra cái chết cho 8 người. Bắc Kinh cũng phản ứng lại một cách quyết liệt và đẫm máu không kém. Tháng 8.2014, chính phủ Trung Quốc tuyên bố cảnh sát đã bắn chết 59 kẻ khủng bố và bắt giữ 215 người khác để đáp trả một vụ tấn công khủng bố trong tháng 7 đã giết chết 39 người và làm bị thương 13 người khác.

Báo chí phương Tây cho rằng Trung Quốc đang tự tạo ra một ổ khủng bố kinh khủng ngay trên đất nước mình, khi Bắc Kinh bằng những chính sách kỳ thị Hồi giáo đang tạo ra một cái cớ chính đáng để các tổ chức Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới, với những hành vi khủng bố đang chĩa họng súng về Trung Quốc. 

Trong tháng Ramadan khi người Hồi giáo thường nhịn ăn, Bắc Kinh đã ép buộc các tín đồ Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, thường là các sinh viên và học sinh, phải ăn. Râu và ria mép vốn là niềm tự hào của tín đồ Hồi giáo nam bị cấm, phụ nữ Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo cũng bị cấm đeo mạng che mặt và khăn chùm đầu tại Urumqi, thủ phủ của Tân Cương. 

Trong tình hình ấy, không khó hiểu khi có tới 300 người Duy Ngô Nhĩ đã tới Trung Đông để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS như một hành động biểu thị sự đồng tình với các chính sách cực đoan của tổ chức này. Mối liên hệ giữa các tín đồ Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương với các phần tử cực đoan Taliban ở Pakistan cũng đang tăng lên, và người Trung Quốc đang ngày càng lo sợ về các vụ khủng bố có thể diễn ra trên khắp đất nước ở những chỗ đông người. 

Phản ứng sợ hãi này là dấu hiệu cho thấy người Trung Quốc đang cảm nhận rõ hơn hết sự đáng sợ của những vụ khủng bố đẫm máu mà người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương sẵn sàng thực hiện, khi mà về pháp lý họ cũng là công dân Trung Quốc và có thể đi đến bất cứ địa phương nào của nước này để thực hiện các vụ khủng bố kinh hoàng.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Nguồn: Một thế giới
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.