Chuyên mục
Điểm đến thị trường lao động hấp dẫn - Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Điểm đến thị trường lao động hấp dẫn - Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ?

Thứ hai 07/01/2019 10:18 GMT + 7
Khi sức hấp dẫn của thị trường lao động Nga giảm đi, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn.

Lao động nhập cư Trung Á tại Nga. Ảnh: Ria Novosti

Nga từ lâu là nước tiếp nhận lao động lớn nhất ở Trung Á, nhưng xu hướng này có thể đang thay đổi. Sự thống trị của Nga với tư cách là điểm đến của công nhân nhập cư là nhờ vào một số cơ chế, như chế độ miễn thị thực với các nước Trung Á, mức lương tương đối cao và người dân khu vực này vốn quen thuộc với ngôn ngữ và văn hóa Nga. Tuy nhiên, trong vài năm qua, số lượng người di cư đến Nga giảm rõ rệt vì 2 lý do chính. Đầu tiên, sự mất giá đáng kể của đồng ruble xuất phát từ các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến thị trường lao động Nga kém hấp dẫn về mặt kinh tế đối với người di cư. Thứ hai, mối liên hệ giữa những kẻ khủng bố IS và người di cư lao động đã dẫn đến việc Nga gia tăng các cuộc truy quét nhằm vào các công dân Trung Á ở Nga. Hai bất lợi này buộc người di cư từ Trung Á phải xem xét các điểm đến thay thế.

Dễ tiếp cận

Khi sức hấp dẫn của thị trường lao động Nga giảm, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng hấp dẫn người di cư Trung Á. Theo Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu cho phép công dân đến lao động tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhìn chung, trong những năm qua Thổ Nhĩ Kỳ trở nên dễ tiếp cận hơn đối với người lao động di cư từ Trung Á. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Ankara thiết lập chế độ miễn thị thực nhằm mở rộng các hoạt động thương mại và khuyến khích mọi người đi lại. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra các quy định hạn chế ít hơn so với chính phủ Nga. Ví dụ, người lao động di cư Trung Á không cần phải đăng ký với bất kỳ cơ quan nào trong suốt thời gian lưu trú hợp pháp tại quốc gia này. Điều này cho phép họ tránh được các thủ tục quan liêu khó khăn, trong khi ở Nga, người di cư thường trở thành nạn nhân của nạn tham nhũng trong các tổ chức chính phủ. Hơn nữa, người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng dễ tiếp nhận người di cư từ Trung Á hơn so với từ các nước Arab láng giềng. Người Thổ Nhĩ Kỳ nhận thức được di sản chung mà họ chia sẻ với các công dân Trung Á. Ngoài ra, người di cư Trung Á ít bị phân biệt đối xử về tôn giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ hơn ở Nga.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thực sự tăng cường hỗ trợ cho người di cư Trung Á theo một số cách. Chẳng hạn, tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ký sắc lệnh gia hạn thời gian ở lại miễn thị thực cho công dân Kazakhstan, Tajikistan và Uzbekistan. Trước đây, công dân các quốc gia này có thể ở lại Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần thị thực trong tối đa 30 ngày. Tuy nhiên, theo các quy định mới, họ có thể ở lại tới 90 ngày. Điều này chắc chắn sẽ thu hút nhiều người di cư từ Trung Á, đặc biệt là từ Uzbekistan, đến thị trường lao động Thổ Nhĩ Kỳ.

Những thách thức

Tuy nhiên, người di cư Trung Á vẫn phải đối mặt với những thách thức ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thái độ thận trọng của công chúng đối với người di cư ngày càng tăng lên kể từ khi IS tuyển dụng một số cá nhân thực hiện cuộc tấn công khủng bố tại sân bay Ataturk ở Istanbul vào năm 2016. Dù các báo cáo còn mâu thuẫn, nhiều người xác định những kẻ tấn công là công dân của Uzbekistan, Kyrgyzstan và Nga. Vài tháng sau, một công dân Uzbekistan đã xả súng vào những người ăn mừng năm mới tại một câu lạc bộ ở Istanbul khiến 39 người chết. Những sự cố này đã thúc đẩy những cuộc tranh luận công khai về việc Thổ Nhĩ Kỳ có nên duy trì chế độ miễn thị thực với các nước Trung Á có công dân đang tham gia vào các hoạt động khủng bố trên đất Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Hơn nữa, một số cộng đồng Trung Á đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công chống khủng bố dẫn đến việc trục xuất các công dân Uzbekistan và Slovakia. Tuy nhiên, Galib Bashirov, giáo sư tại Đại học Quốc tế Florida, lưu ý, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cẩn thận không nhấn mạnh quá mức quốc tịch của những kẻ khủng bố, thay vào đó tập trung vào mối đe dọa lớn hơn từ IS.

Dù sắc lệnh của Thổ Nhĩ Kỳ thu hút nhiều người Kazakhstan và Tajikistan đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng những người hưởng lợi chính có thể chỉ là những người lao động nhập cư người Uzbekistan. Hiện có hơn 30.000 công dân Uzbekistan đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chỉ có khoảng 2.000 người làm việc hợp pháp với thị thực làm việc. Nền kinh tế Kazakhstan không phụ thuộc vào người di cư và đối với người Tajikistan, những người không có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ và gặp nhiều khó khăn với ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara có thể vẫn chưa phải là điểm đến hấp dẫn để làm việc như Nga.

Cho đến nay, đảng AKP cầm quyền của Tổng thống Erdogan đã theo đuổi các chính sách thu hút người di cư Trung Á. Tuy nhiên, có gần 3,8 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ trong nước đang thất nghiệp. Hơn 20% thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ không có việc làm. Do đó, các chính sách của AKP, trong tương lai có thể vấp phải nhiều chỉ trích hơn từ các đảng đối lập, vốn phản đối người di cư.

An Bình
Nguồn: cadn.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.