Chuyên mục
Cả Nga và EU đã chán cuộc cờ Ukraine
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cả Nga và EU đã chán cuộc cờ Ukraine

Thứ tư 24/09/2014 06:18 GMT + 7
Thỏa thuận ngừng bắn được thực thi một cách tích cực. Vì sao châu Âu muốn Ukraine im tiếng súng?

Mặt trận đã im tiếng súng

Đến ngày 23/9/2014, cục diện Ukraine đã bước sang một chiều hướng hoàn toàn mới. Cả hai bên là quân đội nhà nước và lực lượng ly khai đều thực thi thỏa thuận ngừng bắn được ký ngày 19/9 tại Minsk (Belarus) một cách đầy quyết tâm.

Pháo hạng nặng đã được Kiev rút về, ly khai cũng tuyên bố chấp hành nghiêm túc những gì được bàn thảo tại Belarus. Cả hai bên lập ra một vùng đệm 30km để làm ranh giới cho việc ngừng bắn này.

Ông Andrei Kelin, đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết vùng phi quân sự tại miền Đông Ukraine đã được chia thành 5 khu vực và được giám sát hiệu quả bởi 350 nhân viên của Tổ chức này. Cụ thể, Donetsk và Lugansk - hai thành trì của quân ly khai sẽ có từ 90 - 100 giám sát viên, tại các khu vực khác là Kramatorsk, Mariupol, Anthracite là 50 người.

Những người dân ở miền Đông đang bắt tay vào việc dọn dẹp đống đổ nát mà cuộc chiến kéo dài 5 tháng nay gây ra

350 nhân viên này gồm có cả thành viên của EU và Nga sẽ đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn được thực thi một cách hiệu quả và triệt để. Dù còn tồn tại nhiều khó khăn, nhưng các bên liên quan đều đang thể hiện một thái độ duy nhất là muốn Ukraine càng sớm im tiếng súng càng tốt.

Vì sao phải im tiếng súng?

Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 23/9/2014, EU đã lên tiếng kêu gọi Nga không sử dụng nguồn cung khí đốt để phục vụ mục đích chính trị. Cụ thể, Ủy ban năng lượng EU đã thông báo: "Khí đốt và năng lượng không phải là công cụ chính trị. Và càng không nên sử dụng năng lượng làm sức ép trong bối cảnh mối quan hệ Nga - EU và Nga - Ukraine đang căng thẳng."

Đồng thời, Ủy ban năng lượng EU cũng bày tỏ hi vọng sẽ sớm có thỏa thuận tạm thời cho giải pháp năng lượng ở Ukraine cũng như lời khẳng định đảm bảo các hợp đồng năng lượng với EU từ phía Moscow.

Thực tế thì năng lượng vẫn là chiêu bài cuối cùng mà Nga có thể sử dụng để hủy diệt Ukraine và EU, không khác gì những vũ khí hạt nhân mà Moscow đã dương ra suốt thời gian qua.

Mùa đông ngày càng đến gần, và chính quyền Kiev sẽ không thể tồn tại nếu thiếu nguồn cung năng lượng từ Nga. Suốt thời gian từ 1991 đến nay, Nga đã áp đặt lên Ukraine sự phụ thuộc về vấn đề khí đốt, và đến khi hữu sự, sợi xích này luôn tỏ ra hiệu quả.

Một trạm trung chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu trên đất Ukraine

Cũng trong khía cạnh này, châu Âu vô hình chung cũng bị ảnh hưởng nặng nề. 30% nhu cầu khí đốt của EU phụ thuộc vào Nga, và gần 90% trong số đó đi qua các đường ống dẫn dầu trong lãnh thổ Ukraine. Cắt nguồn cung của Ukraine, EU chắc chắn chịu chung ảnh hưởng.

Thực tế thì EU có thể tìm được nguồn cung cấp khí đốt khác ngoài thị trường Nga. Nhưng đó là nhiệm vụ mà đáng lẽ họ phải làm từ nhiều năm trước. Đến nay đã quá muộn để hoàn thành công việc này.

Thiếu khí đốt dẫn đến các vấn đề đời sống, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dân châu Âu thay vì ngồi máy sưởi sẽ phải nhóm củi để đốt cho qua mùa đông. Đồng thời, nền kinh tế EU sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là những nước Đông Âu khi phụ thuộc tới hơn 70% nhu cầu vào nguồn cung từ Nga.

Phải nói rằng, EU thực tế đang sợ Nga cắt khí đốt của mình. Trong khi lệnh trừng phạt vẫn đang được EU áp đặt lên nước Nga. Và để dỡ bỏ những cấm vận này, khi và chỉ khi tiếng súng trên chiến trường Ukraine không còn. Đó là lý do hợp tình hợp lý nhất mà EU có thể dựa vào để kết thúc những đòn trừng phạt. Và mối quan hệ Nga - EU lại như chưa hề có cuộc binh đao, ít nhất là trong kinh tế.

Kiev đang bị bỏ rơi

Một khi tiếng súng không còn nổ ở Ukraine, đồng nghĩa với việc Kiev đã hết nhiệm vụ của mình và số phận Ukraine đã được an bài. Hiện tại EU đang có nhiều mối lo hơn là việc quan tâm đến sự thống nhất đất nước của Ukraine.

Điều đầu tiên phải kể đến, đó là Mỹ không còn mặn mà với việc đặt tên lửa hay đơn vị tác chiến nào đó ở sát lãnh thổ của nước Nga. Thay vì đó, lực lượng chủ lực của NATO đang phải dồn về phía Nam để đối phó với những mối đe dọa từ lực lượng khủng bố IS. Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian ngắn đã được tăng đáng kể hệ thống phòng thủ tên lửa và lực lượng bộ binh đồn trú của NATO.

Người Scotland tuần hành yêu cầu chính quyền trưng cầu dân ý để thoát khỏi Liên hiệp Anh

Mỹ đã sớm xác định, sẽ không có người ly khai nào từ Đông Ukraine mang bom đến đặt trong một ga điện ngầm của Mỹ, nhưng khủng bố sẽ làm điều đó. Washington biết đâu là mối đe dọa thực sự. Song song với đó, một khi Mỹ không còn mặn mà với Ukraine, chẳng có lý gì EU phải đương đầu với nước Nga, trong khi họ còn trăm điều bộn bề cần đến sự ổn định lâu dài.

Trước hết là câu chuyện của Anh. Họ vừa thoát được ải đòi độc lập của Scotland. Đồng nghĩa với việc giữ lại cho mình 10% GDP, 90% trữ lượng dầu mỏ, căn cứ cho hạm đội tàu ngầm... từ vùng lãnh thổ này. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Tây Ban Nha trước phong trào đòi độc lập của xứ Catalonia. Vùng đất này mang lại cho Tây Ban Nha 19% GDP, 1/4 lượng xuất khẩu, đầu tàu công nghiệp...

Mọi bất ổn xuất phát từ đường lối ngoại giao, chính trị của chính phủ đều dễ dàng châm ngòi cho một cuộc ly khai mới. Điều này lý giải vì sao Anh không sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến chống IS và càng không muốn những bất ổn trong mối quan hệ EU-Nga ảnh hưởng đến mình.

Với Đức, đầu tàu kinh tế của EU, quốc gia ổn định và hùng mạnh nhất châu Âu, ngay từ đầu đã bày tỏ quan điểm rằng họ có thể ủng hộ Mỹ bằng vũ khí, nhưng nhất quyết không tham chiến. Họ trừng phạt Nga, theo yêu cầu của Mỹ, nhưng tàu du lịch của Đức vẫn đến Crimea. Mối quan hệ giữa nguyên thủ Đức là bà Angela Merkel và Tổng thống Nga Putin cũng rất nhiệt thành.

Không quân Mỹ chuẩn bị cất cánh tấn công IS tại một căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Còn Pháp, họ đang cùng Mỹ không kích IS. Đây có thể coi là quốc gia đồng minh tích cực nhất trong cuộc chiến chống khủng bố lần này của Mỹ. Nhưng không đồng nghĩa với việc họ là người tích cực nhất trong cuộc trừng phạt Nga. Tàu chiến Mistral mà Pháp đóng cho Nga vẫn đang được hoàn thiện, chỉ là chậm bàn giao. Nếu hủy hợp đồng này, hàng tỷ USD phải bồi thường, chắc chắn sẽ không có đồng minh nào dang tay san sẻ cho Pháp.

Điểm sơ qua những cái tên cộm cán trong liên minh châu Âu thì ai cũng có những mối toan tính riêng của mình. Và trong đó, không có toan tính nào nghĩ đến việc sẽ vì Ukraine mà bất hòa sâu sắc với Nga.

Ngược lại, Nga cũng không muốn kéo dài sự mâu thuẫn với EU. Dù Moscow có mạnh dạn tuyên bố sống tốt kể cả thiếu sự đầu tư châu Âu, nhưng thực tế chỉ là sự lạc quan mà các nhà cầm quyền của Nga đưa ra. Bằng chứng là dù đã hướng Đông, nhưng Thủ tướng Medvedev vẫn phải để ngỏ cánh cửa cho một sự bình thường hóa quan hệ với EU.

Những người chơi đã chán ngán cuộc cờ này, và đành để nó vào thế cờ hòa. Phương Tây có phần lãnh thổ rộng lớn của Ukraine, Nga có Crimea và một phần đệm miền Đông toàn người thân tín với mình. Đến thời điểm này, có lẽ Ukraine sẽ phải tự dàn xếp với nhau. Còn sự đối đầu Đông – Tây của thế kỷ 21 sẽ chuyển sang một cục diện mới, một bàn cờ mới đã được bày ra ở Trung Đông.

Đỗ Minh Tú
Nguồn: Báo đất việt
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.