Chuyên mục
Trò chuyện với tác giả bức phù điêu Hồ Chí Minh ở Matxcơva- ký ức không thể quên
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Trò chuyện với tác giả bức phù điêu Hồ Chí Minh ở Matxcơva- ký ức không thể quên

Thứ ba 19/05/2015 13:06 GMT + 7
25 năm đã qua kể từ ngày 19/5/1990, khi tượng đài Hồ Chí Minh ở Matxcơva được khai trương, quảng trường Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ gần gũi và thân quen đối với tất cả những người Việt Nam đang sống và làm việc ở nước Nga. Ngày lễ tết, ngày sinh nhật Bác, người Việt ở Nga vẫn có truyền thống đến quảng trường đặt hoa và tưởng nhớ tới vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc mình. Các đoàn đại biểu các cấp Việt Nam sang thăm Nga cũng coi việc tới đặt vòng hoa tại đây là một phần không thể thiếu trong chương trình nghị sự. Cô dâu chú rể người Việt trong ngày hạnh phúc cũng không quên đến bên Người. Với không gian rộng và những bồn hoa trang trí nhiều màu sắc, đây còn là điểm vui chơi giải trí được ưa thích của nhiều người dân thủ đô Matxcơva.

Vậy ai là tác giả bức phù điêu Hồ Chí Minh trên quảng trường mang tên Người ở nước Nga? Ai đã tạo nên một địa điểm trở thành nơi gặp gỡ làm ấm lòng những người Việt xa xứ? Đó chính là Họa sĩ Nhân dân, người được vinh dự nhận giải thưởng Lênin và nhiều giải thưởng quốc gia Liên Xô – LB Nga, viện sĩ Viện hàn lâm mỹ thuật Liên Xô Vladimir Efimovich Tsigal, người mà cách đây đúng 10 năm tôi đã từng được gặp gỡ và trò chuyện cùng ông.

Họa sĩ Nhân dân, viện sĩ Viện hàn lâm mỹ thuật Liên Xô Vladimir Efimovich Tsigal

Trong căn phòng bài trí thật nên thơ với những bức tranh vẽ phong cảnh nước Nga và tranh tĩnh vật mang phong cách cổ điển, nhà điêu khắc Vladimir Tsigal ngồi trầm ngâm tư duy và lục tìm trong trí nhớ của mình những ký ức về hai chuyến thăm Việt Nam, về quá trình sáng tạo bức phù điêu và về quãng thời gian ông miệt mài với từng đường nét trên bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn bộ bố cục của tượng đài. “Tôi không nhớ rõ đã lao động trong bao nhiêu năm kể từ khi bắt tay viết dự án và hoàn thành bức phù điêu Hồ Chí Minh” – V.Tsigal nói. 

Lần đầu sang thăm Việt Nam năm 1985, V.Tsigal đã mang theo dự án đầu tiên về bức phù điêu Hồ Chí Minh. Khi đó, theo tư duy của ông, Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại, là học trò của Các Mác và Lênin, là người đã mang lại tự do cho dân tộc Việt Nam, vì vậy nhà điêu khắc muốn tạo hình tượng Hồ Chí Minh theo cách truyền thống vẫn làm là ở thế đứng, tay đặt trên quyển sách - tượng trưng cho những tác phẩm của Mác và Lênin. “Nhưng khi thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng ôtô, có cơ hội tìm hiểu cuộc sống, tính cách, phong tục tập quán của những người dân sống ở những vùng quê dọc theo đất nước , Việt Nam mà tôi được tận mắt nhìn thấy, hoàn toàn khác với Việt Nam trong trí tưởng tượng của tôi và tôi đã quyết định bỏ dự án thứ nhất và bắt tay vào soạn thảo dự án bức phù điêu Hồ Chí Minh thứ hai với những cảm xúc hoàn toàn mới” - V.Tsigal tâm sự. 

Nhà điêu khắc đã không bỏ qua một chi tiết nhỏ nào khi tới thăm nhà sàn với ao cá Bác Hồ, khi xem những bức ảnh chụp về cuộc đời hoạt động của Bác và khi nghe ông Vũ Kỳ - nguyên Giám đốc Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, kể về Người. V.Tsigal đã đọc những tác phẩm viết về Bác Hồ, nghiên cứu di chúc của Bác viết trước lúc đi xa. Nhà điêu khắc đã cố gắng hết sức mình không chỉ để tìm hiểu con người, tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn để hiểu rõ cuộc sống của đất nước, con người Việt Nam. “Người Việt Nam sống ra sao, họ nghĩ gì và quan tâm đến điều gì? Tất cả những thứ đó rất cần cho tôi” - V.Tsigal khẳng định.

Nếu có dịp được chiêm ngưỡng bức phù điêu Hồ Chí Minh ở Matxcơva, chắc hẳn bất cứ ai cũng có thể thấy phong cách thể hiện ý tưởng và cấu trúc của tác phẩm là độc nhất vô nhị, không giống với những bức tượng đài khác. Đó cũng chính là mơ ước của nhà điêu khắc tài năng V.Tsigal. “Tôi muốn bức phù điêu Hồ Chí Minh thu hút sự chú ý và sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai từng một lần đứng trước tác phẩm điêu khắc này”, - V.Tsigal nói một cách tự tin.

Và trong những năm qua, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đang mỉm cười được khắc nổi trên tấm đồng hình tròn khổng lồ cùng hình tượng chàng trai Việt Nam đang ở thế chuẩn bị bật dậy và hình tượng cây tre là một tác phẩm nghệ thuật, là hình ảnh thân quen đối với tất cả người Việt Nam, nhiều người dân thủ đô Matxcơva. Để bức phù điêu Hồ Chí Minh được công chúng tiếp nhận như một tác phẩm điêu khắc “có một không hai”, tác giả V.Tsigal đã gửi gắm vào tác phẩm tình cảm và tư duy của ông về lịch sử đất nước, con người Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ đã được UNESCO công nhận là danh nhân thế giới và năm 1990 – năm khai trương bức phù điêu, cũng là Năm Quốc tế Hồ Chí Minh.

Vòng tròn là hình tượng mặt trời của Việt Nam, tiềm ẩn mơ ước về một Việt Nam với tương lai tươi sáng - V.Tsigal miêu tả ý tưởng sáng tạo bức phù điêu, – Phía sau là hai cây tre uốn cong, dường như chúng đang cố gắng gồng mình chống chọi với bão tố. Tôi xây dựng hình tượng cây tre uốn cong cũng là xuất phát từ sự hiểu biết về loài cây đặc trưng của Việt Nam: cây tre có thể bị uốn cong, nhưng khó bị bẻ gẫy, giống như ý chí và sức mạnh Việt Nam vậy”.




Tượng đài Hồ Chí Minh ở Matxcơva

Đối với nhà điêu khắc, lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do cho đất nước. Người Việt Nam đã trải qua bao đau thương và mất mát mới giành được nền độc lập của hôm nay. Chính vì vậy ban đầu, theo ý tưởng của V.Tsigal, hình tượng chàng trai Việt Nam ở bên dưới chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình tượng chàng trai cầm khẩu súng máy trong tay. “Nhưng sau đó tôi đã xem xét lại ý tưởng ban đầu ấy - V.Tsigal nhớ về thời kỳ cuối những năm 80 khi ông bắt tay đúc bức phù điêu - Tôi  đã tự hỏi mình: Tại sao lại gắn hình ảnh vị lãnh tụ Việt Nam bên cạnh vũ khí như vậy? Hãy để đất nước này sống trong hòa bình không bao giờ còn biết tới những khẩu súng. Và tôi đã bỏ khẩu súng đó ra khỏi bố cục của bức tượng”. Giờ đây, chàng trai Việt Nam trong tác phẩm của ông là một chàng trai mạnh khỏe, đang trong tư thế chuẩn bị xuất phát trên con đường hướng tới tương lai. Và cho đến bây giờ, ông nhận thấy ý tưởng loại bỏ khẩu súng trong tay chàng trai thật đúng với hiện thực: Việt Nam đang vươn mình đi lên xây dựng tương lai no ấm trong hòa bình. Và ý nghĩa hơn nữa là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” bằng tiếng Nga, cũng đã được khắc trên bức phù điêu.

Mỗi chi tiết được nhà điêu khắc thể hiện trên bức phù điêu Hồ Chí Minh đều mang ý nghĩa sâu xa xuất phát từ sự hiểu biết, từ tấm lòng ngưỡng mộ của tác giả đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lịch sử đất nước và con người Việt nam. Và không chỉ bức phù điêu bằng đồng khổng lồ đó mang ý nghĩa sâu xa, mà cả bệ đá hoa cương mà bức phù điêu  trụ trên đó cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa. “Chắc có nhiều người hỏi: tại sao không phải là 3 hay 5 bậc đá hoa cương dẫn tới tượng đài, mà lại là 8 bậc? – Tác giả Tsigal dường như tự hỏi mình, – Con số 8 mang ý nghĩa tượng trưng, bởi tôi nhận thấy bông sen – loài hoa được người Việt Nam coi là biểu tượng của sự thanh tao, thường có 8 cánh”.

Bày tỏ lòng mến mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà điêu khắc V.Tsigal tâm sự: “Đó là vị Chủ tịch giản dị nhất trong số các vị Chủ tịch và Tổng thống mà tôi từng được biết. Có vị Tổng thống nào mà trong túi luôn có kẹo để phân phát cho trẻ nhỏ! Đó là con người thật thông minh, phúc hậu”. 

                                        Chụp ảnh kỷ niệm nhân ngày Sinh nhật Bác


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu dự lễ đặt lẵng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh thủ đô Moskva. Ảnh: TTXVN

Nhà điêu khắc V.Tsigal vẫn nhớ từng sự kiện nhỏ liên quan tới quá trình sáng tác bức tượng đài Hồ Chí Minh - một trong số rất nhiều những bức tượng mà ông đã sáng tạo trong suốt cuộc đời nghệ sĩ điêu khắc của mình. Ông đã bộc bạch một tâm sự nho nhỏ: “Tôi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mơ ước được gặp V.I.Lênin . Khi tôi sáng tác bức phù điêu Chủ tịch trong một xưởng điêu khắc rất lớn ở Matxcơva, thì cùng thời điểm đó, một nhà điêu khắc khác cũng đang đúc tượng V.I.Lênin. Và có lúc tôi cảm thấy rất vui vì dường như tôi đã góp phần mình tạo điều kiện để hai con người vĩ đại đó gặp gỡ nhau trong lĩnh vực điêu khắc”.

V.Tsigal không nhớ chính xác mình là tác giả của bao nhiêu tượng đài, nhưng chỉ biết rằng những tác phẩm của ông không chỉ có mặt ở nhiều thành phố lớn của nước Nga như Matxcơva, Novorosisk, Saint Peterburg…, mà còn có mặt ở Đức, Áo, Nhật Bản, Adecbaizan và một số nước khác thuộc Liên Xô cũ. Năm nay, ông đã ở tuổi 98. Nhiều lần, vào dịp sinh nhật Bác, chúng tôi gọi điện bày tỏ mong muốn được tới thăm ông, nhưng ông đều từ chối vì lý do sức khoẻ: “Tôi không thể tiếp chị trong bộ dạng ốm yếu được. Tôi xin lỗi, hãy thông cảm cho tôi”. Và có thể tôi không có cơ hội được gặp ông nữa, nhưng những cảm xúc mà ông để lại trong cuộc gặp 10 năm trước sẽ mãi tươi mới cùng với tình yêu mà ông dành cho Bác Hồ, cho đất nước Việt Nam./. 

Hải Hà
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.