Chuyên mục
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Nhớ tấm lòng thầy cô giáo cũ
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Nhớ tấm lòng thầy cô giáo cũ

Thứ tư 19/11/2014 20:55 GMT + 7
Ai cũng biết rằng trong cuộc đời của mỗi con người, ngoài cha mẹ là các bậc sinh thành, thì thầy cô giáo – những người vẫn được coi là người cha, người mẹ thứ hai, cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thầy cô đã cho chúng ta kiến thức để vững bước vào cuộc đời. Chắc hẳn mỗi người đều giữ trong ký ức của riêng mình những kỷ niệm khó quên của một thời ngồi trên ghế nhà trường cùng hình ảnh của những thầy cô giáo năm xưa ấy.


Trường ĐH Tổng hợp Cuban (KGU), nơi đào tạo nhiều sinh viên Việt nam những năm 1970- 1980


Đã gần 40 năm qua đi, nhưng thế hệ sinh viên từng học ở Liên Xô những năm 70-80 như chúng tôi chẳng bao giờ quên được những gì mà các thầy cô giáo đã làm cho chúng tôi ngày ấy. Chúng tôi là thế hệ học trò cuối cùng có cơ hội sang Liên Xô du học bằng phương tiện tàu hoả. Từ ga Hàng Cỏ, con tàu chuyển bánh bắt đầu cuộc hành trình dài cả tuần qua địa phận Trung Quốc đưa chúng tôi tới đất nước Liên Xô . Và ở nơi với mùa đông lạnh giá này, chúng tôi bắt đầu cuộc sống sinh viên với nhiều khó khăn vất vả , nhưng cũng đầy hoài bão gắn liền với trường đại học, với các thầy cô giáo nơi đây. Ở cái thời chẳng có Internet, liên lạc bằng điện thoại thì vô cùng phức tạp, mỗi năm chỉ nhận được 2-3 lá thư gửi từ Việt Nam, thì dường như khái niệm “thầy cô giáo là những người cha người mẹ thứ hai” là điều được cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết.



                                                                 Một lớp học ở Moskva


Mặc dù đã được học dự bị tiếng Nga, nhưng sang tới Liên Xô, việc nghe giảng cùng với các bạn sinh viên Nga hoàn toàn không dễ dàng đối với chúng tôi. Giảng đường của Khoa Ngôn ngữ trường ĐH Tổng hợp Cuban (KGU) – nơi chúng tôi học, rất rộng chứa tới cả trăm sinh viên. Nếu ngồi ở phía dưới sẽ có cảm giác chẳng nghe thấy gì và chẳng hiểu gì, nên những sinh viên nước ngoài như chúng tôi thường hay chiếm hàng ghế đầu tiên để càng được ngồi gần thầy càng tốt.  Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh người thầy giáo già – một chuyên gia có tiếng về văn học Mỹ ở Khoa Ngôn ngữ  trường tổng hợp Cuban. Do tuổi cao nên giọng nói của ông rất yếu, mặc dù phải dùng micro để giảng bài, nhưng phải chú ý lắm mới nghe được ông nói gì. Chính vì vậy, trong giờ học của ông, các bạn sinh viên bản xứ thường hay nói chuyện, làm việc riêng, còn mấy đứa sinh viên Việt Nam chúng tôi thì vẫn chiếm hàng ghế đầu tiên và cố gắng ghi chép đầy đủ những điều thầy giảng. Bởi hơn ai hết chúng tôi biết rõ nếu không ghi bài thì sẽ khó lòng đạt điểm tốt trong kỳ thi. Và một ngày, sau giờ học, người thầy giáo già đã đến chỗ tôi ngồi, cầm quyển vở của tôi chăm chú đọc, rồi thầy nói: Cảm ơn em đã ghi chép những điều tôi giảng. Thầy nói giọng run run và tôi nhận thấy trên khoé mắt thầy dường như còn đọng những rọt nước mắt. Có thể thầy biết do tuổi già, giọng nói không còn được mạch lạc nữa khiến bài giảng kém hấp dẫn, không thu hút được sự chú ý của sinh viên. Và chính vì vậy việc có những sinh viên chăm chú nghe và ghi chép bài giảng đã mang lại cho thầy niềm hạnh phúc vô bờ bến khiến thầy phải nói lời cảm ơn trò đã ghi chép – điều mà không phải người thầy nào cũng có thể làm được.  Qua lời thầy kể, tôi được biết thầy không chỉ đơn thuần là giáo việc dạy văn, thầy còn là chuyên gia am hiểu nền văn học Mỹ và sự nghiệp nghiên cứu đã tạo cơ hội để thầy trở thành một trong số những người bạn thân thiết của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway – tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng thế giới “Ông già và biển cả”, “Chuông nguyện hồn ai”... Vài năm sau khi tốt nghiệp, tôi nghe tin thầy mất. Thật vô cùng cảm động khi biết rằng  thầy đã ra đi ngay trên bục giảng, trong khi đang thuyết trình về những tác phẩm của  văn học Mỹ. Ngay cả những giây phút cuối cùng của cuộc đời, thầy cũng đã giành cho sự nghiệp giảng dạy.


Thiệp chúc mừng Ngày Nhà giáo


Những năm học ở Liên Xô, xa gia đình, xa người thân, ngoài bạn bè cùng học, thì các thầy cô giáo chính là những người gần gũi với chúng tôi nhất. Họ không chỉ dạy kiến thức, họ còn dành cho lưu học sinh chúng tôi tình cảm của người cha người mẹ, sự quan tâm tới cuộc sống của những học trò sống xa tổ quốc, thiếu vắng sự đùm bọc của gia đình. Còn nhớ một lần khi nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn sang Nga biểu diễn từ thiện tại nhạc viện Tchaikovsky, tôi có may mắn được gặp con gái của thầy giáo Dmitry Bashkirov – một trong những người thầy đã giúp anh trên con đường đạt tới đỉnh cao nghệ thuật biểu diễn. Nhớ lại những năm tháng sinh viên của Đặng Thái Sơn, con gái của thầy - bà Elena Bashkirova kể: Khi đó, Sơn thường được mời tới nhà tôi chơi, ăn cơm, nghe nhạc... Bố tôi coi anh như con cái trong nhà. Và tôi còn nhớ, ngoài dạy cho cậu học trò Việt Nam những kiến thức chuyên ngành âm nhạc, ông còn cho anh mượn sách đọc, truyền dạy cho anh nhiều kiến thức mà ông có được về văn hoá truyền thống, về nền triết học của đất nước nơi sinh ra các nhà soạn nhạc nổi tiếng Nga, Đức, Balan... Và có thể chính nhờ những kiến thức sâu rộng đó mà cậu học trò Đặng Thái Sơn đã cảm nhận một cách tinh tế những nốt nhạc trong các tác phẩm của Chopin, để rồi vượt lên trên hàng trăm thí sinh tham gia cuộc thi piano mang tên Frederic Chopin năm 1980, trở thành thí sinh châu Á đầu tiên đoạt giải nhất trong cuộc thi này.

Tấm lòng của cô giáo Tachiana Timofeevna dạy chúng tôi môn từ vựng học - người hướng dẫn luận án tốt nghiệp của tôi tại trường KGU, cũng bao dung, ấm áp như tấm lòng của thầy giáo Dmitri Bashkirov. Sở dĩ đã gần 40 năm qua đi, tôi không thể quên họ tên của bà, bởi cái tên ấy đã nói lên rất nhiều điều và ăn sâu vào tiềm thức của cô sinh viên thuở nào. Vẻ mặt phúc hậu, giọng nói nhẹ nhàng, thái độ ân cần, luôn biết kiềm chế của bà khiến mỗi lần cô trò tiếp xúc với nhau đều để lại ấn tượng gần gũi biết nhường nào. Tôi vẫn còn nhớ những lúc tới nhà bà chơi, ngồi bên chiếc bàn đặt ngoài sân ở phía dưới dàn cây leo, được nếm thức ăn do bà nấu, uống rượu bà tự chế từ cánh hoa hồng, chúng tôi cảm thấy như được ở trong không khí gia đình đầm ấm. Ngoài việc tận tuỵ trong giảng dạy, bà còn quan tâm tới sức khoẻ, tới cuộc sống của chúng tôi, luôn nhắc nhở chúng tôi: «Hãy coi cô như cha mẹ các em, cần gì thì cứ nói nhé». Mặc dù chẳng biết cụ thể mình cần gì ở bà ngoài việc cần bà hướng dẫn làm luận án, nhưng sự quan tâm của bà khiến ai cũng cảm thấy thật ấm lòng. 

Người ta vẫn ví thầy giáo như những người lái đò, mỗi năm học qua đi là một lần đò cập bến. Sự thành công của người giáo viên được đo bằng sự thành đạt của học trò. Những ai từng học ở Liên Xô – Nga có thể tự hào nói rằng các cựu sinh viên từng học ở đất nước này, ở mức độ nào đó, đều là những công dân có ích cho đất nước, đều là những người thành đạt và bằng những kiến thức học được ở giảng đường đại học, họ đã và đang đóng góp phần mình cho sự thịnh vượng của đất nước. Công lớn thuộc về các thầy cô giáo Nga thuở ấy./.

Hải Hà
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.