Chuyên mục
Người Việt ở Nga: Viết tiếp câu chuyện về tình người
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Người Việt ở Nga: Viết tiếp câu chuyện về tình người

Thứ hai 11/05/2015 21:40 GMT + 7

Sau 28 năm lưu lạc lại trở về được với gia đình, sự việc của học viên quân sự Trần Tuấn Anh trở thành một câu chuyện của tình người. Và cái “TÌNH NGƯỜI” ấy cứ được nhân lên, nhân lên trong một gia đình biết trọng cái nghĩa, cái tình ở một miền quê Việt Nam.

Gia đình anh Trần Tuấn Anh đoàn tụ sau 28 năm


Khi được gặp và viết câu chuyện về cuộc đoàn tụ của gia đình Tuấn Anh tôi đã cảm nhận được rất rõ rằng đây là một gia đình rất quý trọng tình người. Và cảm nhận ấy đã không sai khi nghe những suy nghĩ, những chia sẻ của cậu em trai Tuấn Anh là Trần Hải Triều. Rồi mặc dù không được là người trực tiếp chứng kiến cuộc hội ngộ cha – con; anh – em; hàng xóm; bạn bè với Tuấn Anh... tôi vẫn thầm tin rằng sẽ rất tuyệt vời. 

Mọi điều dường như đúng thế: Cha của Tuấn Anh, các em, các cháu, rồi hàng xóm, bạn bè gần xa... đều như “vỡ òa” trong niềm vui hội ngộ ấy...

Thế mà tôi vẫn phải bất ngờ khi đúng 1 ngày sau dịp kỷ niệm tròn 70 năm Chiến thắng Phát-xít, trong bận bịu “túi bụi” của công việc nghề nghiệp... tôi nhận được từ chị Tạ Thị Đông, “người trong cuộc” của câu chuyện Trần Tuấn Anh một lá thư tay dài hơn 2 trang của cậu em trai là Hải Triều, đã được chụp và gửi qua thư điện tử để nhờ người dịch ra tiếng Nga và gửi cho bác sỹ Svetlana và các cộng sự bệnh viện Thần kinh số 4 Moskva, nơi đã giúp điều trị cho Tuấn Anh. Đây là thư tay, viết riêng cho các y, bác sỹ nên lẽ ra chúng tôi “không có quyền” đọc hay công bố... Tuy nhiên vì Hải Triều gửi sang, nhờ các đồng hương Việt Nam dịch sang tiếng Nga để các bác sỹ có thể hiểu ... nên Triều đồng ý coi đó như một bức thư ngỏ gửi tới những người Nga. 

Cũng xin nói thêm, chị Tạ Thị Đông giờ đây bỗng trở thành “ân nhân” của gia đình. Cha của Trần Tuấn Anh vẫn dự định tới thăm gia đình chị Đông ở tận Quảng Ninh để xin với cha mẹ chị cho ông coi Đông như người con gái.

Nhìn lướt lá thư tôi thấy, chữ viết khá đẹp và sau khi đọc câu mở đầu... tôi đã bị cuốn hút, rồi đọc gần như một mạch đến hết, mặc dù khá khó khăn khi đọc bản viết tay được chụp ảnh. Lá thư rất chân thành, rất có tứ và gần như không có lỗi về văn phạm. Nhưng cái hay tôi cảm nhận được trong lá thư này không phải ở chỗ có lỗi hay không, có “văn” hay không mà tôi được thấy thêm nhiều “TÌNH NGƯỜI” trong ấy.

Tôi hy vọng, lá thư này sẽ nhanh chóng được dịch một cách chuẩn xác nhất sang tiếng Nga để những tứ, những tình mà gia đình Trần Tuấn Anh gửi gắm trong đó tới được với các bác sỹ, y tá bệnh viện Thần Kinh số 4 Moskva. 

 Điệp Anh - VOV, Moskva


    Bức thư gửi bác sỹ Svetlana và các y, bác sỹ bệnh viện Thần kinh số 4 – Moscow


Ảnh chụp phần mở đầu bức thư


Việt Nam, ngày 8/5/2015

Kính gửi bác sỹ Svetlana và các y, bác sỹ bệnh viện Thần kinh số 4 – Moscow,

Tên tôi là Trần Hải Triều - em trai của anh Trần Tuấn Anh – người đã từng là bệnh nhân được các y bác sỹ khoa Thần kinh, bệnh viện Tâm thần số 4 Moscow chăm sóc, cứu chữa trong thời gian qua. Hôm nay tôi viết thư này thay mặt gia đình xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất tới bác sỹ Svetlana và tập thể các y bác sỹ bệnh viện Thần kinh số 4 Moscow.

Kính thưa bác sỹ! Tôi có người anh trai là Trần Tuấn Anh được Quân đội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cử đi học tại Học viện Tên lửa Phòng không Không quân - Liên bang Xô Viết vào tháng 8/1987. Nhưng rồi! Do những biến động về chính trị từ năm 1991 – 1992 gia đình đã mất tin tức về anh. Từ đó, gia đình đã mất nhiều năm trông đợi và tìm kiếm nhưng vẫn bặt vô âm tín. Sự chờ đợi và mong mỏi đó cứ tăng dần lên theo năm tháng.

Rồi như một giấc mơ với sự tình cờ đầy may mắn khi chị Tạ Thị Đông vào bệnh viện thăm người quen và gặp bác sĩ. Với tấm lòng nhân hậu đầy trách nhiệm của mình với bệnh nhân, với sự hăng hái nhiệt tình và bản sắc vốn có của người Việt Nam trong chị Tạ Thị Đông mà gia đình đã biết được thông tin về anh. 

Ngay sau khi thông tin về anh được chia sẻ, gi đình đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Quân đội – Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Bang Nga cũng như của bà con kiều bào ở Nga. Ngày 02/5/2015 tôi đã sang Nga để gặp gỡ và làm thủ tục đưa anh trai mình trở về nước.

Kính thưa bác sỹ! Đây là lần đầu tiên tôi sang Nga và tôi chỉ biết đến đất nước của bác sỹ qua bài học của thầy cô và những tác phẩm văn học từ thời phổ thông như: Chiến tranh và Hòa bình của tác giả Lev Tonlstoy; Thép đã tôi thế đấy của tác giả Nhikolai Oxtrovxky... Cũng như bao thế hệ người Việt Nam, tôi luôn kính trọng và yêu mến nước Nga Vĩ đại – con người Nga quả cảm và nhân hậu. Điều đó lại càng được khẳng định khi trong thời gian ở Nga tôi đến bệnh viện thăm anh trai mình. Mặc dù vốn kiến thức tiếng Nga từ thời phổ thông chỉ còn lại những từ đơn giản như chào, cám ơn, tạm biệt nhưng qua những cử chỉ của bác sỹ mà tôi cảm nhận được và qua lời dịch của chị Tạ Thị Đông tôi đã thấy rõ những tình cảm của bác sỹ đã dành cho anh trai tôi giống như câu thành ngữ của Việt Nam chúng tôi: “Bác sỹ như mẹ hiền”. 

Kính thưa bác sỹ! Thế là sau 28 năm trời lưu lạc ở nước Nga xa xôi với rất nhiều con người có tấm lòng nhân hậu anh trai tôi đã được trở về quê hương trong vòng tay yêu thương và khát khao mong chờ của Bố và những người thân yêu của mình. Từ khi anh tôi về nước, bệnh tình của anh cũng đã có một số chuyển biến tích cực như đã biết biểu lộ cảm xúc của mình qua nụ cười...

Qua những lời tư vấn, dặn dò của bác sỹ mà chị Thanh Tuân gửi cho gia đình, chúng tôi đã xây dựng cho anh một thời gian biểu cụ thể; đã động viên anh làm một số việc đơn giản, nhẹ nhàng như gấp quần áo, kê bàn ghế khi ăn... hay đi bộ. Anh đã có những phản ứng tích cực mang lại nhiều hy vọng về sức khỏe của anh trong tương lai.




Kính thưa bác sỹ! 28 năm qua anh tôi ở nước Nga. Sự thành công hay thất bại – hạnh phúc hay khổ đau... âu cũng là định mệnh. Nhưng 28 năm qua, bánh mỳ anh tôi ăn; nước anh tôi uống; không khí anh tôi thở... là của nước Nga. Đặc biệt, khi anh tôi ốm đau, bệnh tật đã được các bác sỹ người Nga tận tình chăm sóc cứu chữa. 

Qua đây, một lần nữa cho tôi gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến nước Nga, đến những con người Nga nhân hậu như bác sỹ và cộng sự của mình. Ngày mai là một ngày trọng đại của nước Nga – khi toàn thể thế giới và nước Nga tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Phát xít. Tôi xin kính chúc nước Nga của các bạn phát triển cường thịnh, kính chúc công dân Nga hạnh phúc!
Gia đình tôi nguyện xin ghi nhớ mãi những ân tình này.

Kính thư
Trần Hải Triều
(ký)
Nguồn: vov.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.