Chuyên mục
Nga: Hội nghị trao đổi, phổ biến kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh Dệt May tại Matxcơva
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nga: Hội nghị trao đổi, phổ biến kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh Dệt May tại Matxcơva

Thứ tư 10/10/2012 22:21 GMT + 7

Chiều ngày 7/10/2012, tại Matxcơva đã tiến hành Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Dệt may. Tham gia cuộc gặp mặt, có Đại sứ Phạm Xuân Sơn cùng các cán bộ phòng ban ĐSQ, Đại diện các Hiệp hội người Việt và các doanh nghiệp Dệt may. Nội dung chính của cuộc họp nhằm “Trao đổi, phổ biến kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh Dệt May”.

Mở đầu, bà Phạm Thị Ngọc Bích, Công sứ, Trưởng ban Công tác cộng đồng ĐSQ báo cáo ngắn gọn về tình hình xử lý hậu quả vụ cháy xưởng may tại Egorevsk ngày 11/9 vừa qua. Ngay trong đêm xảy ra vụ hoả hoạn, Đại diện Ban Công tác Cộng đồng ĐSQ và một số nhà báo đã có mặt tại nơi xảy ra thảm hoạ và những ngày sau đó đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương giải quyết hậu quả vụ cháy: Nhận diện, xác định tính danh người bị nạn, đưa số công nhân còn lại về Matxcơva an toàn, làm các thủ tục để đưa thi hài và di hài các nạn nhân về nước, đưa một người bị thương nặng về tiếp tục điều trị ở Việt Nam, phát động quyên góp ủng hộ các nạn nhân. Tính đến ngày 7/10, tổng số quyên góp được 2.642.975 rub và 36.700 USD (tính cả 2.000 USD do Hội đồng hương Hà Nội ủng hộ sau danh sách tính ngày 3/10). Những chi phí và danh sách hỗ trợ các gia đình các nạn nhân đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thay mặt ĐSQ, bà Công sứ biểu dương tinh thần tích cực của các đơn vị và cá nhân trong cộng đồng trong việc tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy, cũng như gửi lời cảm ơn bà con cộng đồng trên tinh thần tương thân tương ái đã ủng hộ vật chất và chia xẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân.

Sau phần báo cáo về tình hình an ninh cộng đồng của tham tán Nguyễn Đông Chiều, báo cáo của ông Vũ Văn Quang, tham tán Thương mại về tình hình ngành dệt may Việt Nam trong những năm qua, thế mạnh và triển vọng xuất khẩu sang các nước EU như thế nào… được cử toạ quan tâm theo dõi.

Bước sang phần các doanh nghiệp Dệt may trao đổi phổ biến kinh nghiệm và nêu vấn đề hợp tác, không khí Hội nghị trở nên sôi nổi. Ông Vũ Bảo, Giám đốc Công ty may Liva, một công ty may hàng đầu của người Việt tại LB Nga có hàng ngàn công nhân, trao đổi kinh nghiệm về chuẩn bị cơ sở hạ tầng vững chắc, tổ chức tốt đời sống vật chất và chú ý tới đời sống tinh thần của công nhân, quan hệ tốt với chính quyền sở tại… Ông Đỗ Quý Dương, Chủ tịch Hội Dệt may VN tại LB Nga, tập trung vào hai vấn đề nóng bỏng: 1. Phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn tính mạng cho công nhân, 2. Đề nghị các chủ doanh nghiệp bàn bạc khắc phục tình trạng công nhân bỏ trốn khỏi các xưởng. Ông Trần Đăng Chung, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga, phát biểu trên danh nghĩa chủ doanh nghiệp may, nêu đặc điểm tình hình của nền công nghiệp nhẹ của Nga, cụ thể là ngành dệt may, để các doanh nghiệp ta có kế hoạch chiến lược cho phù hợp, chú trọng xây dựng thương hiệu, nhấn mạnh muốn làm ăn ổn định lâu dài phải củng cố tính hợp pháp của doanh nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ cần phải liên doanh với nhau… tránh tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, chụp giật. Nhiều ý kiến của các đại biểu khác tập trung phê phán những chủ xưởng để công nhân ăn ở trong điều kiện tồi tệ, không đưa công nhân đi khám bệnh, trả lương không xứng với lao động của họ, thậm chí đối xử trấn áp…

Hội nghị đặc biệt sôi động khi bàn về tình trạng công nhân bỏ trốn, tìm ra nguyên nhân tại sao có hiện tượng này. Tựu trung, công nhân bỏ trốn vì các nguyên nhân sau: Một là: Do một số chủ xưởng trả lương quá thấp so với công lao động của họ, chậm trả lương nhiều tháng, thậm chí có trường hợp không trả lương. Hai là: Do một số chủ xưởng làm ăn không lành mạnh, không muốn bỏ tiền tuyển công nhân trong nước sang, dùng nhiều mánh khoé kéo công nhân của các xưởng khác. Ba là: Do bè bạn, đồng hương, người yêu ở các xưởng khác rủ rê. Bốn là do công nhân còn nợ chủ doanh nghiệp tiền ứng trước (chủ doanh nghiệp ứng toàn bộ tiền chi phí đưa công nhân sang), muốn bùng nợ. Ở các xưởng may trắng chính thức, hoàn toàn không có tình trạng nhận công nhân trốn từ xưởng khác đến. Có ý kiến lập ra ban công tác đặc biệt nhiều thành phần để giải quyết giữa các chủ xưởng với nhau khi nhận công nhân nơi khác trốn đến. Hoặc chủ doanh nghiệp có quyền kiện công nhân trước luật pháp khi họ vi phạm hợp đồng (bỏ trốn bùng nợ). Có ý kiến nêu: Để bảo vệ quyền lợi của công nhân, nên lập đường dây điện thoại nóng của Ban CTCĐ, để họ có chỗ dựa mỗi khi bị trấn áp…

Phát biểu với các nhà doanh nghiệp, Đại sứ Phạm Xuân Sơn lưu ý, trước hết, các doanh nghiệp khi tuyển chọn công nhân phải thẩm định tay nghề, phải có Hợp đồng chặt chẽ giữa cơ quan tuyển dụng và người lao động. Các doanh nghiệp muốn tạo nên thế mạnh cần phải liên doanh hợp tác với nhau. Việc làm ăn phải tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại. Về vấn đề cấp thiết, tránh tình trạng cháy nổ như vừa qua, các xưởng cần phải trang bị tốt phương tiện phòng cháy chữa cháy, giáo dục ý thức của người lao động về cháy nổ, cử người chuyên trách về công tác này và phải có nội quy chế tài chặt chẽ. Đại sứ đặc biệt nhấn mạnh vấn đề quan tâm đến quyền lợi của người lao động: chỗ ăn chỗ ở phải đảm bảo vệ sinh, an toàn, trả lương hợp lý, có chế độ khuyến khích người tay nghề cao, lao động ngoài giờ phải có cam kết giữa chủ xưởng và công nhân, phải quan tâm đến đời sống tâm sinh lý của họ, phải đưa công nhân đi điều trị khi đau ốm, hoặc tạo điều kiện cho họ về nước. Trường hợp công nhân không thể chịu đựng được điều kiện sống kham khổ và trả lương quá thấp, họ có quyền xin đi nơi khác. Nếu họ còn nợ chủ doanh nghiệp cũ thì phải thanh toán cho chủ, hoặc thương lượng để chủ mới trả thay một cách thoả đáng. Nghiêm cấm việc giam giữ, hành hạ, trấn áp công nhân. Đại sứ thông báo, có hai đường dây điện thoại nóng của ĐSQ để mọi người có thể liên hệ bất cứ khi nào. Đại sứ quán sẽ can thiệp ngay nếu người lao động bị giam giữ trái phép…

Hội nghị kết thúc gần 5 tiếng đồng hồ thảo luận sôi nổi. Có người còn muốn đề nghị nên có một cuộc họp tiếp theo để có thể có những hướng đi cụ thể và đạt hiệu quả hơn nữa

Xin giới thiệu một số hình ảnh Hội nghị:


Quang cảnh chung Hội nghị


Đại sứ Phạm Xuân Sơn phát biểu trao đổi với các nhà doanh nghiệp

 

Ông Trần Đăng Chung, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga phát biểu trao đổi kinh nghiệm

 

Ông Vũ Bảo trao đổi kinh nghiệm

 

Ông Đỗ Quý Dương đề cập đến những vấn đề nóng bỏng trong ngành dệt may tại Moskva và vùng ngọai ô

                                                                                                                       Châu Hồng Thủy

Nguồn: mekongnet.ru
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.