Chuyên mục
Cắt nghĩa một tình yêu bền bỉ, sâu đậm với nước Nga
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cắt nghĩa một tình yêu bền bỉ, sâu đậm với nước Nga

Thứ bảy 21/10/2017 20:01 GMT + 7
Từ thời Liên Xô, sau này là Liên bang Nga, đã và đang có biết bao nhiêu thế hệ người Việt đến học tập, công tác, làm ăn, sinh sống ở xứ sở này. Nhiều người trong số đó thành danh, đóng góp được nhiều cho đất nước; có người vất vả, thăng trầm...

Nhưng dường như, với tất cả, nước Nga luôn là những kỷ niệm sâu lắng trong tâm khảm, trái tim. Với những người ngoài cuộc, có lẽ, khó có thể hiểu được đầy đủ nguồn cơn của sự gắn bó keo sơn đó. Mời quý vị và các bạn cùng nghe phóng sự “Cắt nghĩa một tình yêu bền bỉ, sâu đậm với nước Nga” của PV Đài TNVN thường trú tại LB Nga.


Thầy Khôi - Thầy Hùng

Trong một chiều thu mưa lạnh, ngôi nhà ở ngoại ô Matxcơva của thầy Nguyễn Việt Hùng (Từng là giảng viên trường Đại học Ngoại Ngữ - Hà Nội) trở thành điểm gặp gỡ ấm cúng cho một đoàn khách khoảng 30 người từ Việt Nam và cả ở Nga. Đó là các thầy giáo, cô giáo, học sinh từng dạy và học tiếng Nga; một số người từng công tác, sinh sống tại Nga - nay trở lại thăm chốn này; một số hiện đang làm việc tại Nga. Thành phần đa dạng và tuổi tác rất khác biệt, người cao tuổi nhất đã ngoài 80, người trẻ nhất mới ngoài đôi mươi..., nhưng không có khoảng cách, mà chỉ có sự cởi mở, chan hòa, bởi cùng được gắn kết bằng một tình yêu đặc biệt với tiếng Nga, với nền văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên, môi trường, đất nước, con người Nga... Chúng ta cùng nghe tâm sự từ đáy lòng của cô Lưu Thị Sinh, giáo viên trường chuyên ngữ - Đại học ngoại ngữ - ĐH Quốc Gia, được trở lại thăm nước Nga sau nhiều năm xa cách: 

Mình dạy tiếng Nga từ năm 1973, sang nước Nga năm 1979 học ở Saint Peterburg, năm 1984 học ở Lipetx. Đối với bọn mình học tiếng Nga, lúc nào nói về nó cũng thấy rất nhớ, rất xúc động. Nghe thấy bài hát Nga thì gai hết cả người. Mình dạy tiếng Nga, đến lúc về hưu, song song đó có học tiếng Anh và dạy với tiếng Anh, nhưng nói đến tiếng Nga thì không thể quên được, nghe có gì đó ấm trong lòng. Đợt này mình được đi là chờ đợi rất lâu mới có chuyến đi này. Sang thì các em, bạn Hùng ở đây chào đón thì chúng mình rất xúc động, được quay lại những nơi ngày xưa mình học ở S.Peterburg thì rất sung sướng. Thiên nhiên Nga làm cho mình nhớ lại những năm tháng đã từng học ở đây. Tiếng Nga làm cho mình cảm thấy yêu thiên nhiên hơn, yêu đất nước hơn và cảm nhận tình cảm giữa hai dân tộc Việt Nam và Nga có cái gì đó gắn bó, gần gũi.


Gặp gỡ thầy trò

Học tiếng Nga từ năm 1985, sau đấy thi vào trường chuyên ngữ, trở thành học trò của cô Sinh, rồi sang Nga học tiếp và ở lại làm việc, anh Vũ Trọng Phước - Chủ tịch Hội người Việt tại TP Tu-La, CT HĐQT công ty Navico, cũng có tình cảm với nước Nga như cô giáo cũ của mình:

Cho đến bây giờ, tôi cảm thấy rất gắn bó với nước  Nga. Cũng như cô, tôi được đi các nước khác giàu có, văn minh hơn, nhưng gắn bó về tâm hồn thì với nước Nga là hơn cả. Đi đâu, trở về nước Nga tôi cảm thấy yên tâm, tự tin, vì chúng tôi sống ở đây, có bạn bè người Nga, ảnh hưởng văn hóa, lối sống của Nga....

Là thế hệ người Việt đầu tiên sang Nga để học tiếng Nga từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, đối với nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, nguyên chủ nhiệm khoa tiếng Nga - Trường Đại học ngoại ngữ Hà Nội-nay là Đại học Hà Nội, lần nào trở lại nước Nga cũng như trở lại nhà mình. Và lần này cũng vậy. Thầy cắt nghĩa:

Vì mình có sự gắn bó với văn hóa Nga, văn hóa Nga và văn hóa Việt có sự tương đồng. Tôi đã phải viết hẳn một bài tham luận về Puskin: “Pusikin và Phương Đông”, trong đó tôi chứng minh trong tư duy nghệ thuật của Puskin, mạch ngầm phương Đông vẫn có. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà thơ Puskin đến Việt Nam sau thơ Đường hàng nghìn năm, sau thơ lãng mạn Pháp hàng 200 năm, nhưng nhiều thế hệ biết thơ Puskin. Không nơi nào trên thế giới có được như vậy.

Và đối với thế hệ của thầy, thì thuộc thơ Nga trước khi nắm rõ tiếng Nga:

Tôi rất may mắn có cô giáo tiếng Nga đầu tiên-cô Sophia Kvachikova, phó giáo sư, tiến sĩ. Cô là người làm thơ rất giỏi, đọc thơ cực hay. Chính là cô đã dạy cho chúng tôi  đọc thơ Nga từ lúc chúng tôi chưa hiểu từ ngữ nó ra làm sao cả. Chúng tôi đã học thuộc lòng những bài thơ của Puskin:

Унылая пора! Очей очарованье!
Приятна мне твоя прощальная краса....

Hay là:

Белеет парус одинокой
В тумане моря голубом...” 

Đó là hai câu trong bài thơ “Thu vàng” của nhà thơ A.Puskin:  

Thu buồn, - cặp mắt đắm say,
Tôi yêu sắc đẹp em ngày chia phôi.

Và hai câu trong bài thơ “Cánh buồm’ của nhà thơ M.I.Lecmontov:

Thấp thoáng trắng cánh buồm đơn chiếc 
Trong mờ xanh sương sớm biển khơi...

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi không chỉ giảng dạy tiếng Nga, dịch rất nhiều tác phẩm văn học, thơ ca của các nhà thơ Nga sang tiếng Việt, biên soạn sách song ngữ Nga - Việt, mà còn dịch thành công truyện Kiều sang tiếng Nga cách đây hai năm. Thầy muốn người Nga được tiếp cận với kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam chúng ta. Bởi thầy hiểu rõ, giao lưu văn hóa là hình thức gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hai dân tộc.

Còn thầy Nguyễn Việt Hùng (Từng là giảng viên trường Đại học Ngoại Ngữ - Hà Nội) hiện đang sống và làm việc tại Nga, từ 15 năm nay, tự nguyện làm cầu nối cho những chuyến thăm nước Nga và Việt Nam của nhiều thầy, cô giáo Việt, Nga. Thầy rất khiêm nhường khi nói về việc làm của mình, mặc dù để làm được, đòi hỏi không chỉ tâm mà cả sức:

Mình muốn đưa các thầy cô giáo của mình ở Nga sang thăm Việt Nam và đưa các thầy cô giáo Việt Nam đã dạy mình những từ tiếng Nga đầu tiên trở lại thăm Nga. Mình làm xuất phát từ nguyện vọng cá nhân, thỏa mãn tâm niệm của mình.”


Cô Sinh - Vũ Trọng Phước - Nguyễn Quốc Việt

Vâng, chỉ là những tình cảm chân thành, xuất phát từ trong tâm, từ trong trái tim một cách tự nhiên, giản dị nhưng đã và đang gắn kết nhiều thế hệ người Việt với nhau và với nước Nga, giúp người Nga hiểu biết và yêu mến Việt Nam; tiếp tục thúc đẩy hai dân tộc trên bước đường phát triển mới. Sự tin tưởng, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau trong suốt chiều dài lịch sử của hai nước sẽ là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ hữu nghị, truyền thống bền chặt hôm nay và tương lai./. 

Anh Tú - Thành Phương
Nguồn: vov.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.