Chuyên mục
Tuổi già cô độc ở trời Tây
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Ở trời Tây có rất nhiều lão Năm,và bà năm nữa ,rất bình thường khi thời thể xoay vần ,số phận nhiều người cuốn theo...

Tuổi già cô độc ở trời Tây

Thứ bảy 29/12/2012 09:22 GMT + 7
Cưới vợ chưa được bao lâu, chàng thanh niên Hồng Năm hăm hở sang Đức lao động mong kiếm tiền, rồi dòng đời xô đẩy ông xa quê đến 30 năm. Vợ ông ở Việt Nam bán nhà đánh bạc, con cái cũng không ưa bố. 

Tôi đang xoay xở với một đống đồ nghề từ chân máy quay đến camera, ba lô máy ảnh tại sân ga Frankfurt, thì bỗng nghe một giọng nói tiếng Việt bên cạnh: "Chú đi đâu mà lỉnh kỉnh thế? Để anh bê giúp chú". Tôi ngước lên nhìn thấy lão, một người trung tuổi, gầy còm, ăn mặc xuềnh xoàng.

Khi biết tôi đang muốn chuyển tàu để đến hội chợ triển lãm Frankfurt, lão nhiệt tình xung phong vác đồ và làm tình nguyện viên đưa tôi đi. Biết tôi lần đầu tiên đến đây, lão giới thiệu đủ thứ trời trăng từ chỗ vui chơi đến những điểm du lịch, kể cả khu đèn đỏ.

Sau khi làm thủ tục đăng ký tham dự triển lãm xong, quay sang tôi vẫn thấy lão đứng đó với nét mặt chờ đợi.

"Vé vào cửa ở đây đắt lắm, mặc dù ở đây đã lâu nhưng anh chưa vào bao giờ vào đây", lão nói. Khi biết lão cũng có ý định vào trong xem, tôi đã quay sang đề nghị ban tổ chức làm cho lão cái thẻ nhà báo vào dự hội chợ cùng với tôi. Khỏi phải nói lão vui như thế nào, đeo ngay cái thẻ vào cổ và hăng hái xách chân máy đi trước.

Sau khi kết thúc công việc, tôi dọn xong đồ nghề thì không thấy lão đâu. Tôi định ra về thì lão lại lù lù xuất hiện, trên tay cầm một đống đồ tặng phẩm. Lão rối rít khoe như đứa trẻ lên ba nhận được quà.


Tôi và lão hay ra sông Main câu cá, đó cũng là nơi lão tâm sự cùng sông nước đất trời. Ảnh minh họa.

Về sau quen, tôi biết lão tên là Năm, quê gốc ở Nghệ An. Lão có bằng lái xe sau khi nước Đức thống nhất nhưng cho tới hôm nay, lão chưa từng sở hữu một chiếc xe nào. Lão tự trào rằng học có bằng để xin đi làm cho dễ, chứ tự do đi lại, lại có người lái cho mình không sướng hơn sao

Mỗi lần có dịp đến Frankfurt làm việc, tôi lại ghé vào thăm lão và đôi khi cùng ra sông Main câu cá. Lão ngồi im bất động nhìn mặt hồ lăn tăn gợn sóng, nhưng mỗi khi chiếc phao động đậy, lão phản xạ rất nhanh. Khi vớt cá lên bờ, khuôn mặt lão nở nụ cười mãn nguyện hiếm hoi.

Một đêm hè, Năm rủ tôi đi câu đêm. Ánh trăng vằng vặc. Chiếc phao câu phát sáng trên mặt hồ dập dềnh như những con đom đóm. Bất chợt lão dốc bầu tâm sự: "Anh về già, cô đơn lắm chú ạ".

Năm là con cả trong một gia đình thuần nông. Nhà đông con nên lớn lên, lão xung phong đi bộ đội để bớt đi một miệng ăn trong nhà. Vào bộ đội, vì người lão nhỏ nhắn nên được làm anh nuôi. Sau mấy năm nghĩa vụ, lão xuất quân về địa phương. Bố mẹ bắt lão lấy vợ để có con nối dõi tông đường. Cô vợ ấy do chính bố mẹ lão mai mối. Chưa kịp có con thì lão lại được tiêu chuẩn đi hợp tác lao động ở Đức. Để lại người vợ mới cưới, lão lên đường sang trời tây với bao nhiêu mơ ước của tuổi thanh niên.

Hàng ngày, lão chăm chỉ đi làm. Đến cuối tuần, lão đi mời những người Đức mà lão quen trong quán bar hay hàng xóm may quần áo bò. Lão chỉ đi tìm khách lấy số đo để ăn hoa hồng. Công việc mang lại món tiền khá. Lão tằn tiện trong chi tiêu cố gắng dành dụm một khoản tiền làm vốn khi hồi hương.

Nước Đức thống nhất, lão cũng ở lại như bao người. Tuy nhiên, thay vì lao xuống đường buôn bán thuốc lá, kinh doanh quần áo, lão chỉ đi làm trong các quán ăn, nhà hàng rồi xin được việc ở Frankfurt và lão chuyển sang đó ở cho đến nay.

Năm 1991 lão về nước, dùng toàn số tiền ky cóp được mua một mảnh đất ở ngoại ô Hà Nội với mong muốn sau này vợ chồng lão sẽ lên thủ đô làm ăn buôn bán. Cũng sau lần về phép đó, vợ lão mang thai đứa con gái đầu lòng.

Vì đi xa, thương vợ nên lão không cho vợ đi làm những công việc của một người nông dân bình thường. Lão gom góp gửi tiền về để vợ lão ăn sung mặc sướng, dưỡng thai đứa con mà lão hằng mong đợi.

Sau khi sinh con gái, sẵn tiền mà lại nhàn rỗi, vợ lão bắt đầu lao vào lô đề, cờ bạc. Trong khi đó, lão vẫn hàng ngày đi làm trên những chuyến xe xuôi ngược và nuôi hy vọng dành dụm đủ tiền để đón cả hai mẹ con sang Đức đoàn tụ.

Số tiền mà vợ lão cần ngày càng nhiều thì những con số trong sổ tiết kiệm của lão ngày càng ít. Mỗi lần lão về phép lại bị vợ cằn nhằn là vô dụng bất tài, không bằng thiên hạ. Vì hạnh phúc gia đình, lão nhẫn nhịn cho mọi chuyện êm đẹp. Rồi thằng con trai thứ hai chào đời, lão vui vì có người nối dõi bao nhiêu thì nỗi buồn trong lòng lão lại càng nặng bấy nhiêu.

Ngôi nhà ngày nào lão mua còn là ngoại ô nay đã lên quận mới của Hà Nội, nhưng vợ và các con lão "bất nông, sành thị", làm nông thì không biết nhưng cái dở của thành thị thì vợ con lão lại rất rành. Rồi vợ lão vay lãi để thoả mãn thú vui, khi khả năng thanh toán không còn thì mang nhà ra gán. Lão lại dồn tất cả tiền và vay mượn bạn bè chuộc lại ngôi nhà cho vợ con có chỗ nương thân.

Chưa trả nợ xong số tiền mới vay thì lão lại nghe tin vợ con đã bán ngôi nhà đó và trở về quê sinh sống. Nhưng nỗi buồn lớn nhất trong lòng của lão chính là hai đứa con đã nghe theo mẹ, khinh khi lão ra mặt. Cứ trải qua mỗi một nỗi đau, lão lại trở nên lầm lì ít nói hơn.

Giờ đến tuổi xế chiều vẫn sống một mình ở Franfurt, trong lòng lão chỉ hy vọng có ngày các con hiều được lòng cha.

Một hôm nghe tin lão Năm ốm nằm viện, tôi vội vã sang thăm. Trên giường bệnh, mặt lão vốn nhàu nhĩ nay trông lại càng khắc khổ, đôi mắt vằn lên những tia đỏ. Lão thều thào "Sắp mất nốt nhà rồi". Ngôi nhà còn lại ở quê cũng đã bị mang đi cầm cố ngân hàng. Đôi mắt lão nhìn vô định và bất lực. Bên ngoài cửa sổ, những chiếc lá vàng như sắp rụng trong chiều mùa thu.

Nếu ai có dịp đi qua sông Main, nhìn thấy bóng một người đàn ông người Việt nhỏ bé câu cá mỗi chiều, rất có thể đó là lão Năm, người gần 30 năm sống tha hương và cô quạnh.

(Tên người trong bài đã được thay đổi để đảm bảo quyền riêng tư)

Hoàng Hải
Nguồn: vnxpress.net
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.