Chuyên mục
Người Việt ở Mỹ và chuyện cho vay nặng lãi
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Người Việt ở Mỹ và chuyện cho vay nặng lãi

Thứ hai 25/05/2015 17:07 GMT + 7
Bà Catherin Liên ở đường Bolsa, thành phố Westminster, quận Cam (Orange County) chân ướt chân ráo từ Việt Nam sang, thấy mấy tiệm làm móng (nail) từ sáng tới tối vẫn không hết việc. Tưởng bở, bà dốc 10.000 USD lận lưng rồi qua một trung gian, bà vay thêm 20.000 USD, lãi suất 3%/tháng của đám xã hội đen do Thịnh "Parker" cầm đâu, thuê địa điểm mở một tiệm nail hoành tráng trên đường Magnolia. 



Do chưa có bằng làm nail, bà mướn cô bé Mary Hà đứng tên. Bữa khai trương, bà giăng quảng cáo "hôm nay làm móng miễn phí" nên khách kéo vô nườm nượp. Ngay cả mấy ông tuổi đã ngoài 70, sống nhờ tiền trợ cấp, uống trà Lipton ở cà phê Da màu trên đường Brookhurst luôn xin thêm đường, thêm chanh để sau đó, tiện tay pha luôn ly chanh đá miễn phí, cũng kéo vô ào ào, chìa ra những cái móng tay, móng chân sứt sẹo khiến mấy cô thợ chẳng biết chỗ nào cắt, chỗ nào giũa! Mặt mày hớn hở, miệng lia lịa "hello" chào khách, bà Liên chắc mẩm việc thu hồi vốn nằm gọn trong tầm tay.

Ai dè chỉ được bữa khai trương. Những ngày sau, tiệm nail của bà chẳng khác gì "chùa bà Đanh". Lác đác mới có vài bà Mỹ đen Mỹ trắng bước vào hỏi giá rồi đi ra. 8 cô thợ ngồi, nhìn nhau, cô thì ngáp vặt, cô coi tivi, cô mở smartphone đọc tin tức báo chí Việt Nam. Lúc gặp tôi, bà nói như mếu: "Cứ mỗi tiếng đồng hồ trôi qua, tui mất 64 "đồng" (USD) - là tiền thuê các cô nhân viên, mỗi giờ 8 đồng, chưa kể tiền thuê băng, tiền mướn địa điểm, tiền điện nước, thuế má...".

Hết tháng đầu tiên, bà bấm bụng trả 600USD tiền lãi vay. Điều đình với mấy cô người làm rằng từ tháng sau trở đi, bà thôi không trả lương nữa. Hễ có khách vào thì tiền thu được, hai bên chia "tứ lục" - nghĩa là bà lấy 40%, người làm lấy 60% nhưng chẳng cô nào chịu. Họ nói: "Ở đâu tiền công cũng 8 đồng/giờ. Nếu không trả được giá đó thì tụi tui chịu thôi" khiến bà như ngồi trên lửa. Trò chuyện với tôi, bà than thở: "Bây giờ sợ nhất là lãi vay vì nếu tháng này tui chưa trả được, 600 tiền lãi sẽ được cộng vào vốn gốc. Như vậy tới tháng sau, 600 sẽ thành 618 đồng và tổng số vốn vay sẽ là 20.618 đồng, còn lãi thì cứ theo đó mà tăng lên...".

Bà Liên không phải là người đầu tiên ở Westminster khóc không ra nước mắt vì trót vay nặng lãi. Theo tìm hiểu của tôi, có 4 "dịch vụ tín dụng đen" đang hoạt động tại địa phương này, 3 của người Việt và 1 của người Hoa. Thịnh "Parker" chẳng hạn, nghe nói trước kia anh ta là một tay giạng hồ có "số má" ở khu Cống bà xếp, quận 3, gần ga xe lửa Hòa Hưng, thời bao cấp chuyên bảo kê cho những người buôn hàng lậu trên tuyến đường sắt Nam Bắc. Năm 2007, Thịnh bỏ ra 15.000USD để làm đám cưới giả với một bà nạ dòng ở San Diego rồi qua Mỹ theo con đường bảo lãnh vợ chồng. Và bởi vì trên túi áo của anh ta lúc nào cũng chễm chệ một cây bút máy hiệu Parker mạ vàng nên cái tên Thịnh "Parker" đi theo anh ta luôn từ đó.

Hồi đầu, thông qua bà vợ và đám đàn em còn lại ở Cổng bà xếp, Thịnh lập một đường dây "bảo lãnh" người Việt qua Mỹ dưới hình thức kết hôn. Được ít lâu, vợ Thịnh bị FBI sờ gáy vì có liên quan đến vụ móc ngoặc với phòng mạch của vài ông bác sĩ người Việt, khai gian bệnh nhân để lĩnh tiền, sợ FBI lần ra mình, Thịnh bỏ chuyện bảo lãnh rồi xoay qua cho vay nặng lãi. Tiếp xúc với tôi, Thịnh nói: "Em đâu bắt ép ai. Em cho vay với lãi suất như vậy đó, ai thích thì vay, không thì thôi. Đây là giao dịch dân sự tự nguyện mà!?".

Thì đúng là tự nguyện, nhưng đã không ít người khốn khổ khốn nạn vì cái lãi suất "xanh xít đít đui" của Thịnh “Parker", vợ chồng ông Lâm, nhà ở "Thị trấn giữa đường - Midway City" vốn có nghề nấu phở hồi còn ở Biên Hòa - Đồng Nai. Qua Mỹ, không muốn mang tiếng ăn bám con cái, ông lặng lẽ vay của Thịnh "Parker'1 40.000USD để mở một tiệm phở trên đường Goldenwest. Lúc đó, ông Lâm không hề biết rằng hệ thống “phở Hòa” là của đám lục lâm khủng bố Việt Tân, và hầu như rất nhiều cư dân ở Westminster đều bị cái đám này rỉ tai, rằng "ăn phở Hòa là góp phần ủng hộ “kháng chiến". Ăn phở ở tiệm khác là tiếp tay cho Cộng sản!" nên ông rất ngạc nhiên vì sao tiệm phở của ông, nấu theo hương vị "Bắc Kỳ" chính hiệu, giá chỉ có 12 đồng/tô so với 15 đồng ở các tiệm phở Hòa mà vẫn không đông khách? Tới lúc hiểu ra thì hỡi ơi, lãi mẹ đẻ lãi con, lãi con đẻ lãi cháu, số tiền 40 nghìn đi vay nay đã trở thành 51 nghìn USD. Ông kể: "Cứ sáng bảnh mắt, cửa tiệm vừa mở thì đã có 4, 5 thằng Việt Tân bước vào, mỗi thằng chiếm một bàn, kêu pha trà uống chơi! Có thằng hoạnh họe tại sao tôi không treo cờ vàng? Sao mấy tháng mà không đóng tiền ủng hộ "mặt trận"? Khách vào, nhìn thấy mấy ông "trời gầm" này, họ quay lưng đi thẳng một nước, đầu không ngoái lại".

Chịu hết xiết, ông bà bèn thú thật với mấy đứa con. Cũng may là tụi nhỏ có công ăn việc làm đàng hoàng nên hè nhau góp lại, trả cho ông bà 51 nghìn USD. Ông nói. "Một lần là tởn tới già. Tưởng ở Mỹ không có cái vụ cho vay nặng lãi, không có xã hội đen. Ai dè...". Trung sĩ Ferguson, cảnh sát thành phố Westminster cho biết: “Sở cảnh sát có nắm được một số thông tin về việc cho vay nặng lãi. Và vì nó chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp giữa cộng đồng người Việt với nhau và không thấy ai tố cáo nên chưa xử lý được".

Cho vay nặng lãi, ngoài đám mặt xanh nanh vàng chuyên đi đòi nợ, một số ông trùm "tín dụng đen" còn sử dụng cả cảnh sát biến chất để phục vụ cho mình. Mới đây, FBI đã bắt giam Anthony Dương Donner, 28 tuổi, là cảnh sát viên thuộc Sở Cảnh sát Westminster và ông Kevin Đô, tên Việt Nam đầy đủ là Đỗ Tuấn Khanh, 38 tuổi, Giám đốc Công ty Do Construction & Design Inc, văn phòng đặt tại đường Dillow, Westminster. Một sĩ quan FBI cho tôi biết, viên cảnh sát Anthony Dương đã theo lệnh của Kevin Đỗ, mặc cảnh phục và lái xe cảnh sát, đi thu tiền lãi bằng hình thức hăm dọa, quấy rối một doanh nhân cũng là người Việt, chủ một nhà hàng và một quán cà phê ở khu Little Saigon - người đã trót vay nặng lãi của Kevin Đỗ.

Theo lời khai của Anthony Dương, anh ta sống chung nhà với Kevin Đỗ tại Fountain Valley từ năm 2011 đến nay. Căn nhà này do Đỗ làm chủ và Dương không phải trả tiền. Dương khai: "Ông Đỗ cho tôi biết tháng 4.2011, ông cho bà Hạnh Lê, là chủ nhân một nhà hàng ở Westminster và một quán cà phê ở Garden Grove vay 2 lần để làm vốn kinh doanh, tổng cộng 100.000 USD và nhờ tôi hàng tháng đi thu tiền lãi cho ổng".

Từ lúc vay tiền cho đến ngày Kevin Đỗ bị bắt, bà Hạnh Lê đã trả cho ông ta 168.000 USD tiền lãi, còn vốn vay thì vẫn y nguyên. Mỗi khi bà Hạnh Lê chậm trễ trong việc trả lãi, Kevin Đỗ hăm dọa nếu không trả, ông ta sẽ "cho" cảnh sát Westminster can thiệp vào công việc làm ăn của bà và sẽ phạt bà về tội uống rượu khi lái xe dù bà có uống hay không. Điều này có nghĩa là môn bài bán rượu bia của bà Hạnh Lê tại nhà hàng ở Westminster sẽ bị thu hồi.

Để chứng minh mình "nói được, làm được", Kevin Đỗ ra lệnh cho Anthony Dương thường xuyên lái xe cảnh sát tuần tra khu vực quanh nhà hàng của bà Hạnh Lê, xét hỏi giấy tờ của nhân viên nhà hàng khi họ hết giờ làm việc, cũng như nhiều lần Dương vào thẳng nhà hàng khiến thực khách hoang mang, còn bà Hạnh Lê thì vô cùng sợ hãi. Trong đơn tố cáo gửi FBI, bà viết: "Ông Kevin Đỗ khoe với tôi rằng ông là giới chức công lực và ông sẽ dùng quan hệ với nhân viên công lực can thiệp vào công việc làm ăn của tôi nếu tôi không trả tiền lãi đúng hạn", vẫn người sĩ quan FBI nêu trên cho tôi biết: "Kiểm tra hệ thống định vị trên một số xe cảnh sát, chúng tôi phát hiện xe của Anthony Dương xuất hiện tại khu vực nhà hàng của bà Hạnh Lê, khớp với thời điểm bà tố cáo". Riêng Anthony Dương, anh ta cho biết "đã từng theo lệnh Kevin Đỗ, xử phạt nhà hàng của bà Hạnh Lê vì vi phạm luật sử dụng giấy phép đặc biệt", và anh ta đã viết giấy phạt ngay sau đó mặc dù bà Hạnh Lê chẳng vi phạm gì!

Được tòa án cho phép nghe lén các cuộc điện thoại cũng như tin nhắn từ điện thoại của bà Hạnh Lê và điện thoại của Kevin Đỗ, FBI đã thu thập những thông tin cho thấy các cuộc nói chuyện giữa Kevin Đỗ, cảnh sát Anthony Dương và một số người khác, chủ yếu là cho vay nặng lãi. Một cuộc điện thoại thể hiện việc Kevin Đỗ trực tiếp đòi nợ bà Hạnh Lê, sai cảnh sát Anthony Dương đến lấy tiền, một cuộc điện thoại của em gái Kevin Đỗ, lúc trao đổi với ông ta đã cho biết bà Hạnh Lê than thở rằng lãi suất 60%/năm thì chịu không xiết! Tiếp theo, FBI lại nghe được một cuộc điện thoại và một tin nhắn từ máy của Kevin Đỗ, trong đó ông ta đòi nợ bà Hạnh Lê cùng một số con nợ khác bằng cách hăm dọa sẽ dùng cảnh sát địa phương để xử bà Hạnh Lê nếu bà chậm trả tiền.


Kevin Đỗ một trong những trùm cho vay nặng lãi ở bang California 

Tuy nhiên, những vụ việc bị luật pháp Mỹ phát hiện và xử lý như Kevin Đỗ, Anthony Dương lại rất hiếm. Một phần vì người vay tiền cho rằng "mình tự đi vay của người ta chứ người ta có gí súng vào đầu mình, bắt mình phai vay đâu", phần nữa là dưới trướng của những ông trùm tín dụng đen, luôn có một đội quân lâu la, sẵn sàng "xử đẹp" nếu con nơ chây ì, tránh né, thậm chí sẵn sàng chụp lên đầu họ đủ thứ tai tiếng nếu họ không trả nợ. Thịnh "Parker" nói: "Em cho vay là còn nhân đạo lắm đó (?!), chứ đám Kevin Đỗ hay thằng Xám "tài dậu", tụi nó lấy 5% không à". Một thành viên trong băng VboyZ tên Daniel Nguyen cho tôi biết: "Cứ cưa đôi 50/50 tiền nợ thì cỡ nào tụi tôi cũng đòi được".

Rồi anh ta móc từ thắt lưng ra khẩu súng ngắn Glock, ve vẩy trên tay, ra chiều bất chấp. Hình thành từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, VboyZ là chữ viết tắt của "nhóm băng đảng đường phố người Mỹ gốc Việt" nhưng theo lời Cảnh sát Westminster, thì gần đây băng này kết nạp thêm một số thành viên gốc Campuchia. Ngoài việc bán ma túy, VboyZ còn kiêm luôn bảo kê cho các nhà hàng, quán ăn, các tiệm buôn của người Việt và đặc biệt là đi đòi nợ thuê cho những ông trùm tín dụng đen.

Hôm Tết âm lịch vừa rồi, khi về Việt Nam thăm gia đình, tình cờ tôi gặp bà Carol Lan, là bạn với vợ tôi, chủ một tiệm bún bò ở khu thương xá Phước Lộc Thọ, thành phố Westminster, đang xách giỏ đi mua đồ ăn ở chợ Bà Chiểu. Ngạc nhiên tôi hỏi bà về hồi nào vậy. Bà cười méo xẹo: “Nửa năm rồi".

Hỏi ra mới biết bà vay nặng lãi của Xám "tài dậu, cả vốn lẫn lời tính đến bây giờ lên đến 67.000USD. Trả không nổi, bà trốn về Việt Nam: "Lên mạng Chat với mấy đứa con, tụi nó cho biết hàng ngày đều có một thằng trong bang VboyZ "ngồi đồng" ở quán bún bò. Tụi nó thay nhau mỗi thằng ngồi hai tiếng. Đến cuối ngày, nó bắt con tui gom hết tiền bán bún lại rồi lấy 50%, gọi là tiền thu nợ". Hỏi bà sao không thưa cảnh sát? Bà lắc đầu: "Mình lỡ ký giấy mượn nó rồi, giấy tụi nó giữ chứ đâu cho mình giữ. Mà trong giấy ghi lãi chỉ 0,5% thì bây giờ thưa ai?"...

Vũ Cao
Nguồn: motthegioi.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.