Chuyên mục
Người Việt ở châu Phi
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Người Việt ở châu Phi

Thứ bảy 14/10/2017 20:55 GMT + 7
Tôi đi Ghana lần thứ ba, lần này là để dự kỳ họp thường niên Hội đồng giám đốc của Trung tâm Phát triển phân bón quốc tế (IFDC) được tổ chức từ ngày 11 đến 13-9-2017.


Sáu Lộc cho ca rô Phi ăn.

Sau khi quá cảnh tại Dubai, tôi lên chuyến bay đến Accra, thủ đô của Ghana - chuyến bay chỉ có duy nhất tôi là người Việt Nam, còn phần lớn là người châu Phi, rồi đến người phương Tây và nhiều người Trung Quốc. Những sân bay quá cảnh khổng lồ ở Trung Đông như sân bay Dubai, Abu Dhabi, Bahrain hay Doha (nay đổi tên là Hamad) làm giàu được là nhờ các tổ chức quốc tế có những chương trình viện trợ cho các nước châu Phi, vì gần như tất cả chuyên gia sang châu Phi làm việc, hội họp... đều bằng tiền của các dự án viện trợ.

Trở lại Ghana lần này, tôi nhận thấy rõ sự tiến bộ của đất nước này. Sân bay quốc tế Kotoka khang trang, tiện nghi hơn, phục vụ nhanh chóng hơn, khâu kiểm tra hộ chiếu và kiểm tra hải quan không bị vòi vĩnh như trước kia. Ra khỏi sân bay, đường ô tô bằng phẳng dẫn về trung tâm thành phố Accra sầm uất với các hoạt động thương mại đa dạng. Diện mạo thành phố cũng thay đổi hẳn với nhiều tòa nhà cao tầng, trụ sở ngân hàng, văn phòng công ty, cửa hàng buôn bán, người đi tấp nập. Các bạn ở Ghana cho biết đó là do tiền Trung Quốc cho vay để đổi lại những ưu đãi khác của Chính phủ Ghana. Hầu hết phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhập vào nước này là từ Trung Quốc, bằng tiền viện trợ của USAID (Mỹ) hoặc tiền vay từ Trung Quốc.

Người Việt sang châu Phi lập nghiệp

Từ năm 2006, nhóm chuyên viên nông nghiệp VAADCO của chúng tôi đã thử đem kinh nghiệm tích lũy từ đồng bằng sông Cửu Long sang giúp một số địa phương ở châu Phi tăng sản lượng nông nghiệp, giảm nghèo đói. Chúng tôi đã gặp những người Việt đến sinh sống, làm ăn ở châu lục này. Tại Senegal và Marocco có nhiều phụ nữ Việt lấy chồng là lính viễn chinh Pháp ngày xưa. Tại Angola có khoảng 45.000 người Việt sang làm nghề dạy học, buôn bán quần áo may sẵn, rửa ảnh màu hoặc là công nhân xây dựng. Ở Liberia có người Mỹ gốc Việt sang mở nhà hàng Việt, mua đất trồng trọt với hy vọng tìm được hột xoàn nằm dưới đồng ruộng. Ở Sierra Leone cũng có người mở nhà hàng cơm Việt. Ở Nigeria, Đại sứ quán Việt Nam cho biết có người Việt sang sinh sống bằng nghề buôn bán.

Nhóm chúng tôi từng sang Mozambique hướng dẫn nông dân trồng lúa cho Công ty Ubuntu. Khi lúa chín, nông dân kéo nhau đến xin công ty trả lại đất cho họ. Họ nói trước kia họ không biết trồng gì nên bỏ đất, rồi nhà nước giao đất cho công ty, nay chuyên gia Việt dạy họ biết trồng lúa trúng mùa nên họ xin lấy đất lại để tự trồng. Cũng tại Mozambique, Công ty Viettel đã sang đầu tư và được biết đến nay đã có khoảng 15 công ty khác nữa.

So với Trung Quốc, số người Việt đi làm ăn bên châu Phi là rất ít. Nơi đây, đi đâu cũng thấy người Trung Quốc: trên máy bay, ngoài đường phố, trong các tòa nhà lớn, cửa hàng, tiệm ăn. Họ tới đây có tổ chức theo chủ trương của chính phủ; còn người Việt ta thì mạnh ai nấy đi, tìm cách sống, điển hình như câu chuyện của người nuôi cá rô Phi dưới đây.

Tại Ghana cũng có người Việt sinh sống. Từng có doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang đây nhưng do thủ tục rườm rà và không biết rõ thương trường Ghana nên thua lỗ nặng. Một doanh nhân Việt khác là anh Đinh Hồng Thanh đã cùng vợ sang Ghana từ năm 2010 đầu tư nhà máy sản xuất kẹo đồng thời với đầu tư nuôi tôm. Tuy nhiên, chuyện làm ăn của vợ chồng Thanh không thành công vì dân Ghana không mấy thích tôm và lúc đó đồng tiền Ghana bị mất giá 50%, anh bị thâm thủng vốn nặng. Không chịu thua, Thanh điều nghiên thị trường Ghana và nhận ra người dân ở đây rất thích ăn cá rô Phi, giàu nghèo gì cũng thích.

Dịp sang Ghana họp hội đồng chỉ đạo IFDC lần đầu tiên vào năm 2012, tôi quen ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Kofi Humado của xứ này. Năm 2014, nhằm lúc tôi sang Ghana lần thứ hai để dự hội nghị, Thanh nhờ tôi thuyết phục ông Humado hợp tác - cho sử dụng hồ nước ngọt của ông ấy tại vùng Agota gần cửa sông Volta để Thanh nuôi cá rô Phi. Lúc đó ông Humado sắp thôi làm bộ trưởng, lo tranh cử, được bầu làm nghị sĩ Quốc hội. Ông ấy đồng ý giao vùng hồ nước ngọt cho anh Thanh khai thác. Gia đình Thanh đã tìm được anh Phạm Hữu Phước Lộc là dân Tiền Giang, bí danh Sáu Lộc, nổi tiếng về nuôi thủy sản và đem Sáu Lộc sang vùng quê hẻo lánh Agota cùng tạo lập sự nghiệp nơi xứ sở Phi châu này.

Về phía nam sông Volta

Tháng 9 vừa qua, nhân dịp tôi lại sang Ghana họp, ông nghị sĩ Humado cho xe đưa Thanh đến khách sạn đón tôi về hồ nước ngọt Agota để thăm các bè cá rô Phi và bàn bạc kế hoạch phát triển nông nghiệp vùng nam Volta. Xe từ từ vượt qua các đường phố buôn bán đông đúc, ra đường quốc lộ bằng phẳng đi khoảng 170 ki lô mét thì đến nơi.

Vùng phía Nam Volta chạy đến bờ biển Đại Tây Dương, kể luôn con đường ven biển hơn 200 ki lô mét được xây rộng 12 mét với hai làn đường bằng phẳng. Con đường này chạy qua khu trồng lúa 411 héc ta do nhóm kinh doanh nông nghiệp Brazil được Bộ Nông nghiệp chọn để đầu tư trong khuôn khổ chương trình “Thương mại hóa nông nghiệp Ghana”. Dự án được hỗ trợ vốn đối ứng của Chính phủ Mỹ (USAID) và Ngân hàng Thế giới lên tới 50% tổng giá trị dự án, và tài trợ cả chi phí đánh giá tác động môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. Chúng tôi dừng xe quan sát cánh đồng lúa rộng lớn trồng giống lúa Jasmine 85 (cùng giống đang trồng tại miền Tây Nam bộ Việt Nam). Họ cho đào con kênh dài 5 ki lô mét lấy nước từ sông Volta vào hệ thống mương tưới cho toàn cánh đồng. Lúa được trồng hoàn toàn bằng cơ giới. Ước tính năng suất có thể đạt 4 tấn/héc ta. (Xem thêm: https://www.facebook.com/championrice/).

Kỹ thuật nuôi cá rô Phi của người Việt - Tây nam bộ

Đến hồ Agota, tôi ngỡ ngàng với quang cảnh hùng vĩ của hồ nước ngọt rộng khoảng 30 héc ta, trong veo, không chút vị mặn, cách ly với sông Volta bằng một dãy đất rừng hẹp. Sông Volta xuất phát từ hồ Volta ở miền Trung Ghana, gần như không có chút phù sa nào nên nước rất trong. Cách bờ hồ khoảng 30 mét, một chòi canh nhô lên khỏi mặt nước bên cạnh bốn bè cá đang được một người Việt và ba người Ghana vãi thức ăn bữa trưa cho cá.

Người Việt đó là Sáu Lộc. Sáu Lộc đến Ghana đã được 5 tháng, giúp anh Thanh xây bốn bè cá dài 5 mét, rộng 4 mét và sâu 4 mét. Giống cá rô Phi được mua từ một trại cá giống ở trong vùng. Thức ăn cho cá được nhập từ Việt Nam qua trung gian một công ty Đài Loan. Trên mặt hồ còn có vài gia đình Ghana nuôi cá bằng cách giăng lưới nhỏ. Họ chưa biết đóng bè cá như của Sáu Lộc. Anh Thanh cho biết dân Ghana thấy mấy bè cá của người Việt Nam thì đều trầm trồ và Sáu Lộc thì rất tự hào về kỹ thuật nuôi cá của người Việt. Giờ thì Thanh và Sáu Lộc đang xây thêm bè cá thứ năm. Chi phí nuôi mỗi bè cá vào khoảng 5.000 đô la Mỹ. Theo Sáu Lộc, hồ Agota có nhiều cá và tôm tự nhiên, là môi trường rất tốt để nuôi cá rô Phi, không như “bên nhà mình” nước phù sa đục ngầu, nuôi cá không được sạch như ở đây. Theo ước tính của Thanh và Lộc, mỗi bè cá có thể thu hoạch 12 tấn cá, bán được 23.000 đô la Mỹ. Thanh đã tìm và chọn được người mua tốt nhất để ký hợp đồng lâu dài.

Cuối buổi chiều, ông nghị sĩ Humado đến trại cá. Ông chưa biết nuôi cá kiểu Việt Nam có chắc ăn không, vì đây vẫn là cách làm mới đối với Ghana. Ý ông ấy là muốn đẩy mạnh trồng lúa hơn là nuôi cá. Cụ thể, ông muốn sản xuất lúa - tôm trên vùng nhiễm mặn rộng 80 héc ta cách hồ Agota khoảng 10 ki lô mét. Nhưng dù là làm cái gì thì ông cũng muốn có người Việt sang đầu tư. Bàn luận với ông, tôi cảm thấy tư tưởng ông là nếu có người biết kỹ thuật sản xuất và có vốn đầu tư thì ông ấy có thể thương thuyết với già làng để lấy đất canh tác. Tuy vậy, anh Thanh nói tôi khuyên ông nghị sĩ là không nên, vì đất đã bị nhiễm mặn rồi, chỉ nuôi tôm là thích hợp. Nhưng theo kinh nghiệm thì người tiêu dùng Ghana không chuộng con tôm. Còn về sản xuất lúa, như đã nêu, nhóm Brazil hiện đã đầu tư hàng trăm ngàn đô la Mỹ, nhưng xem ra còn lâu mới lấy vốn lại được. Có vẻ như nhập gạo Việt vào đây bán sẽ có lợi hơn?!

Chúng tôi tạm dừng câu chuyện để dùng bữa chiều với tôm và cá sông tươi rói của đầu bếp Sáu Lộc. Mấy công nhân Ghana bắt lên mấy con cá rô Phi nuôi bè để nấu canh với bầu trồng ngoài vườn. Thịt cá rô Phi nuôi bè trên hồ nước tinh khiết thật trắng và rất ngon. Bữa ăn càng đậm đà với rượu ngâm đinh lăng mà Thanh và Sáu Lộc mang từ Việt Nam sang...

Hẹn ngày gặp lại

Sau bữa ăn, ông Humado căn dặn tôi nhớ nghĩ cách nào để sử dụng khu đất 80 héc ta nhiễm mặn. Ông nói sẽ giới thiệu một thương gia qua Việt Nam tìm đối tác xuất khẩu gạo sang Ghana.

Hiện tại, anh Thanh nuôi cá rô Phi tại hồ Agota phải trả cho ông Humado 2,5% doanh thu của trại. Sau vài đợt thu hoạch, có thể ông ấy sẽ hùn vốn với Thanh để nuôi cá. Thanh và Sáu Lộc cũng sẵn sàng đón nhận bạn bè - những ai muốn đầu tư nuôi cá rô Phi ở Ghana. Trước mắt, một người bạn thân của Thanh ở Togo sẽ sang chốt lại hợp đồng đầu tư nuôi cá.

Với bốn bè cá, trại sản xuất cá rô Phi của Thanh đang tạo công ăn việc làm cho năm lao động Ghana. Trên mặt hồ rộng lớn này, trại có thể nuôi hàng trăm bè cá nếu có vốn đầu tư. Lúc đó, trại cá Việt Nam sẽ tạo ít nhất cả trăm công ăn việc làm cho người Ghana. Tôi ra về với niềm tin nhóm Thanh - Lộc sẽ lập nghiệp thành công ở xứ sở này.

Võ Tòng Xuân
Nguồn: mobile.thesaigontimes.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.