Chuyên mục
Ngỡ ngàng Budapest
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ngỡ ngàng Budapest

Thứ năm 30/07/2015 22:10 GMT + 7
Các nhà báo du lịch xứ ta sau thăm các nước thường hay lấy đầu đề “Một thoáng…” cho các bài viết của mình, một phần thì để chỉ thời lượng thăm thú ngắn ngủi, nhưng một phần thì dường như muốn nói về ấn tượng chưa được đủ đầy về nơi mình chưa kịp đến đã đi.

Tôi cũng vậy, tôi cũng đã từng có “một thoáng” ở rất nhiều nơi, do tính tốc hành của các chuyến đi, nên thường để lại sự tiếc nuối về tình cảm và nhận thức. Đặc biệt là đối với Hungary, quê hương của nhà thơ, người anh hùng dân tộc Petőfi Sándor, người mà tôi yêu mến và ngưỡng mộ như nhà thơ Puskin của nước Nga, tôi cũng đến vội vàng và ra đi vội vã.

Mười năm trước, trong một chuyến tham gia đoàn tháp tùng Chủ tịch nước, tôi được đặt chân đến Budapest vẻn vẹn 48 tiếng đồng hồ, được đi thăm một vòng quanh thủ đô bằng xe bus công vụ, có được một vài cuộc gặp gỡ ngoại giao, và nơi được dừng thăm lâu nhất là hồ Balaton, địa danh nổi tiếng bậc nhất của Hungary tròn hai tiếng. Chỉ kịp ăn một bữa súp cá đặc sản, đi dạo bách bộ nửa tiếng ven hồ, may mắn có được một số kiểu ảnh làm kỷ niệm, thế là hết"một thoáng Hungary" để tiếp tục lên đường và tiếp tục lại có “một thoáng” Anh, Aixơlen và Pháp.

Dù ngắn ngủi thôi, nhưng Budapest đã để lại một niềm luyến tiếc không thể nào nguôi, bởi dòng sông Đanuyp, tòa nhà Quốc hội danh tiếng, những thành lũy hùng vĩ trên đỉnh đồi như pháo đài, màu xanh ngút mắt của vùng ven thủ đô… đã khắc sâu trong tôi hình ảnh một miền đất Trung Âu huyền diệu, có những công trình kiến trúc có một không hai trên thế giới.

Mỗi lần làm visa vào châu Âu là một lần thử thách, phải đối mặt với bao khó khăn nên chỉ dù “một thoáng” được đến nơi mà gần bốn chục năm trước, chỉ tưởng tượng, hình dung Hungary khi đọc “Những ngôi sao Eghe”, tôi cũng tạm bằng lòng và lấy làm thỏa mãn.

Là người lên máy bay sau cùng trong Đoàn, tôi lặng lẽ tạm biệt Hungary, lòng thầm mơ một ngày gặp lại.

Cầu được, ước thấy

Trong dịp về dự Liên hoan Thơ Châu Á - Thái bình dương do Hội Nhà văn tổ chức, tôi gặp Giáp Văn Chung, dịch giả của hàng loạt tác phẩm văn học Hungary, khi chia tay nhau, hứng lên hẹn tái ngộ tại Budapest. Gọi là hẹn xã giao cho có lệ, chứ bao giờ gặp nhau, thì do Trời định.

Thế mà Trời định thật, đầu tháng Bảy này, nhân đến Berlin có việc riêng, chưa vội về ngay Mátxcơva, tôi nảy ra ý định sang thăm lại Hungary một chuyến, lục lại số điện thoại của Giáp Văn Chung và gọi vào tối muộn. Phía đầu dây, hồ hởi: Ông cố sang chơi nhé!

Thế là vào mạng mua vé, định ngày bay. Ở bên Hung, Chung và Hoàng Linh, Tổng Biên tập Nhịp cầu Thế giới (NCTG), đã kịp thời đưa tin mời các tín đồ thi ca Budapest dự một buổi giao lưu thơ, đăng trên mục Tin tức của NCTG .

Chuyến bay giá rẻ từ Berlin sang Hungary muộn hơn một tiếng, anh Bá Việt, người cùng đi với tôi vốn cẩn thận đã nhắn tin cho Giáp Văn Chung biết thời gian, kẻo đến sân bay anh lại phải ngồi chờ. Nhưng khi máy bay hạ cánh, đã thấy anh lù lù đứng trước lối đợi tự bao giờ, hóa ra dịch giả đến trước một tiếng theo giờ cũ. Giáp Văn Chung (GVC) là người cực kỳ chính xác về giờ giấc, đúng như nghề nghiệp gốc của anh là cơ khí, máy móc. Hôm ở Khách sạn Hà Nội, căn cứ vào tính cách của anh, tôi bịa ra câu chuyện, có một công chức mẫn cán, một hôm quên lên giây đồng hồ, bèn ra ngõ ngồi đợi. Thấy Giáp Văn Chung ra khỏi nhà, ông bèn chỉnh lại giờ…, nhà thơ Nguyễn Duy và anh Nguyễn Tiến Lộc có mặt hôm ấy đều gật gù: Phải lắm!

Về nhà Giáp Văn Chung, rửa mặt qua loa, chỉ kịp uống vội vàng một cốc chè, cả hai phải lên xe tới Hội trường “cho đúng giờ” mà bản tin thông báo. Hội trường là Ngôi Nhà Việt, một biệt thự kiểu Huế ba tầng, tầng 2 dành cho lớp mẫu giáo, còn tầng dưới là nơi tổ chức hội họp, gặp gỡ cộng đồng. Chủ nhân của biệt thự là chị Thảo Vera, chị đã mua khu đất này, xây dựng theo cung cách Huế để đỡ nhớ nhà, chứ chị ở một khu nhà vườn khác không xa đây là mấy. Quanh vườn nở rực rỡ các loại hoa mùa hè, lại có cả những khóm trúc vàng, có cầu kiều vườn cảnh, y như một dinh thự Việt Nam. Mùa đông ở Hungary năm nào lạnh lắm cũng chỉ trên dưới -10 độ, không băng giá hơn ba chục độ như ở Nga, nên trừ mùa đông các loài cây nhiệt đới vẫn mọc tươi tốt và đơm hoa, kết trái.

Tưởng là chúng tôi đến sớm, nhưng hóa ra khi xe vào cổng thì đã thấy khá nhiều anh chị em đã đến tự bao giờ, các chị đã nhanh nhảu sắp xếp hội trường, bày biện đủ các thứ tự nguyện mang từ nhà đến. Chỉ mấy chị trên đường tạt vào mua hoa là chậm một chút.

Tôi gặp ở đây một số anh em từng quen biết, cả những người “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình”, nhưng ai nấy đều có cảm từng quen nhau từ lâu lắm. Có những người như anh Kim San, anh Kim Anh, chị Kiến một thời đã từng bám trụ khu Ký tức xá Viện Hàn lâm, với tên cúng cơm nổi tiếng là Đôm 5, được những người hay chữ gọi là nhà Hộ sinh của cơ chế thị trường. Hồi ở Nga, đã có lần tôi cùng tiếp khách trong nước sang cùng chị Kiến, còn anh Kim Anh, mặc dù cùng công tác ở Đại học Tổng hợp thì chỉ biết tuổi tên nhau.

Trong nhiều năm qua, tôi đã có tới hàng chục buổi nói chuyện thơ ca cho nhiều nơi từ trong nước đến ngoài nước, nhưng chắc buổi nói chuyện ở Budapest là nơi có mật độ trí thức và người yêu thơ cao nhất. Thính giả toàn là những người sỏi sạn về thi phú: Anh Hoàng Linh, một cây bút, một người làm báo thành danh đã gần mười lăm năm nay; anh Phan Anh Sơn, một người dịch thơ Hungary hứa hẹn nhiều triển vọng, anh Bá Việt, một luật gia đến từ Berlin cũng là một cây bút lâu năm; chị Thanh Sơn, một thầy thuốc chữa bệnh bằng liệu pháp riêng đầy kinh nghiệm, cũng là một người làm thơ và hâm mộ thi ca. Ấy là chưa kể đến Giáo sư Tiến sĩ Bùi Minh Phong, Anh Hiệp, Chị Mai, chị Minh, chị Trinh…là những người đã từng ngồi mòn ghế ở các trường Đại học.

Các đây không lâu, có nhiều bài phê bình thế sự ca thán rằng, thơ ca bây giờ mất giá quá, chẳng ai thèm mua sách, chẳng ai thèm đọc thơ, chẳng ai thèm nghe các nhà thơ đăng đàn nữa. Nghe mà nẫu cả lòng, nhất là đối với những nhà thơ suốt cả đời phụng sự bút nghiên.

Nhưng buổi giao lưu thơ ca ở giữa thủ đô Buđapest, dường như lại phản bác lại hoàn toàn những nhận định bi sầu đó. Buổi giao lưu kéo dài một mạch ba tiếng, đến mười giờ rưỡi tối, bất chấp hôm sau là ngày làm việc, mọi người vẫn thay phiên nhau đọc thơ, dốc bầu tâm sự và chia sẻ về câu, vần, ý tứ.


Chụp ảnh kỷ niệm sau buổi giao lưu

Mặc dù về muộn, nhưng những anh em thân hữu còn kéo về nhà riêng anh Chung, chị Minh hàn huyên, chén tạc, chén thù tới tận khuya.

Vốn khó ngủ, nhưng đêm đó, đặt lưng xuống, tôi đánh một giấc cho đến khi mặt trời chiếu qua cửa sổ chói cả mắt và hàng đàn chim trong vườn biệt thự dịch giả Giáp Văn Chung hót vang đánh thức ông khách cố tình ngủ nướng, thì mới dậy.

Sâu nặng tình người

Khi chuẩn bị sang Hungary, tôi viết thư cho Giáp Văn Chung đại ý là, có thể nhờ thuê hộ cho một phòng khách sạn loại tầm tầm, miễn là có chỗ đặt lưng, phù hợp với tư cách tài chính của tôi, thì anh trả lời ngay: Ông cứ ở nhà tôi cũng được.

Trong thâm tâm tôi nghĩ nhà dịch giả có thể là một căn hộ ba, hoặc sang hơn là bốn phòng, mà cũng có thể có một nhà trệt với một mảnh vườn có bồn cây nho nhỏ gần giáp với thủ đô.

Nhưng khi Chung đón tôi từ sân bay về, suýt nữa tôi bị choáng khi bước xe đỗ xịch trước căn nhà vườn xinh xắn, xung quanh mát rượi cây xanh và hoa trái, nằm không xa khu trung tâm Budapest. Hóa ra là tư duy tiểu nông lại sống nhiều năm trong không gian căn hộ chật chội ở Nga làm cho tư duy tôi trì độn đến mức không dám nghĩ xa hơn. Nhà Chung có đủ phòng ngủ cho gia đình, có bếp và một phòng khách ấm áp và một phong nghỉ dành cho bè bạn vãng lai.

Tuy vậy, Chung vẫn nói là, so với anh em ở đây thì tôi cũng chỉ “thường thường bậc trung thôi”, có nhiều người còn sở hữu những nhà vườn đẹp hơn nhiều lần của tôi, mà anh chỉ thấy là đã ngất ngây!


Liên hoan chia tay trong vườn nhà Giáp Văn Chung

Quả đúng như thế, mấy hôm ở Budapest, tôi được mục sở thị những nhà vườn rất đẹp của người Việt nằm ngay giữa lòng thành phố, chen lẫn với những khu nhà của dân bản xứ. Hoa rất nhiều và yên bình đến không tin được. Chẳng bói đâu ra hình ảnh các vị công an đủ sắc phục lạnh lùng, đông đảo như ở Nga; ra đường hiếm gặp lũ choai choai cười hô hố, các ông chủ đầu đen khệnh khạng đi lại trong những chiếc siêu xa. Một cảm giác thân thiện, bình đẳng và tự tin khi bước trên những con đường lát đá có lịch sử trăm năm của Buđapest.

Không biết những họa sĩ, những nhà điêu khắc, những kiến trúc gia sẽ xúc động như thế nào trước những công trình tuyệt mỹ, những trường ca bằng đá của các tường thành; đến loại như tôi, chẳng có bao lăm kiến thức về mỹ học, cũng phải nghiêng mình, kính cẩn không nói nên lời trước vẻ đẹp được bảo tồn nguyên vẹn, thách thức với thời gian nghiệt ngã.

Đứng bên bờ sông Đanuyp, những cây cầu kỳ vĩ, vững bền, thanh thoát đã làm cho con tim tôi trở nên mộng mị. Câu hát từ ngày xa xưa sống lại trong tôi, ngay khoảnh khắc đầu tiên tựa lưng trên đồi cao ngắm xuống dòng sông kiêu kỳ mà gần gũi:

Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết bên dòng sông Đanuyp

Tôi chẳng bao giờ được có giây phút sống trong lòng người đẹp Tô Châu do phúc phận mỏng manh, nhưng tôi đang được chết lặng trước vẻ đẹp nên thơ của dòng sông chảy giữa đôi bờ thành cổ.

Tôi đã đi rất nhiều, cũng đã có những bữa đại tiệc chiêm ngưỡng bao phong cảnh kỳ thú, nhưng chưa bao giờ, và có lẽ duy nhất trong đêm hè Budapest, tôi được ngắm bầu trời rực sáng bởi sự lộng lẫy, huyền bí như cổ tích của Nhà Quốc hội. Có người nói ngôi nhà này được xếp sau Nhà Quốc hội Anh, nhưng tôi thì có cảm tưởng họ nói nhầm, nhà Quốc hội Anh phải xếp sau nhà Quốc hội Hungary mới phải. Trong đêm, giữa quầng sáng huyền diệu, hàng ngàn, chắc có lẽ phải hàng chục ngàn con chim hải âu trắng lóa như lân tinh bay lượn trên nóc nhà thờ cao vút. Mặc dù đêm khuya muộn, du khách vẫn mang máy quỳ trên bờ kè sông Đanuyp để chụp ảnh và thưởng ngoạn khung cảnh hiếm hoi này.

Ngạ ngữ Nga có câu: Hãy đi và sẽ biết, tôi đã đi và được biết về một vùng đất quá ưu ái cho những người con nước Việt. Những gương mặt người mới gặp mà đã thân, chưa xa mà đã nhớ.

Dường như ở Budapest ai cũng rất bận, nhưng khác ở Nga, không ai có biểu hiện tất bật, vội vàng, mà ngược lại có vẻ khoan thai và kiểu cách. Tôi vừa đến hôm trước, hôm sau Hoàng Linh, Tổng Biên tập Nhịp cầu Thế giới muốn mời tôi ăn trưa và gặp gỡ bố anh, vốn là một Giáo sư Văn học của Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhìn Hoàng Linh, người ta liên tưởng tới nhà thơ Nga Maiakovxki với dáng người cao to, cái nhìn đăm đăm, mê hoặc. Chẳng ai đoán được gì ở anh, lo lắng hay mệt mỏi, thanh nhàn hay bận rộn, vì trông anh thật bình thản, lịch lãm; đến khi Giáp Văn Chung bảo, tôi mới biết là Hoàng Linh luôn bận tối mắt, tối mũi, nào thì lo báo, nào thì lo  chương trình dẫn các đoàn du lịch đường dài, nào thì lo viết lách, sinh kế…Nhưng với bạn bè, đặc biệt là cánh văn chương thì bận đến đâu, anh cũng luôn chu đáo.

Có một chuyện khá cảm động, là ngay sau buổi giao lưu một hôm, anh Nguyễn Mạnh Hoàng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Budapest, đưa tôi đi gần trọn một ngày du ngoạn khắp Thủ đô, trên đường đi, chị Kiến và anh Kim Anh gọi điện  nhiều lần bày tỏ một nguyện vọng, là muốn chúng tôi cùng ăn tối với anh chị. Anh Nguyễn Mạnh Hoàng đồng ý, nhưng mãi hơn 8 giờ tối mới tấp xe qua đón anh chị được. Hai vợ chồng, người thì bát thập, người thì thất thập, đã đứng chờ chúng tôi trước cổng tự bao giờ. Gặp được người từ Nga sang, anh chị trở nên hào hứng khi nhắc đến tên những người thân, ôn lại từng kỷ niệm về Viện Phương Đông, về Đôm 5 một thuở, về những buổi đón khách từ trong nước sang cách đây tròn một phần tư thế kỷ.

Một chi tiết, một hình ảnh dội vào mắt tôi, có lẽ suốt đời tôi không quên nổi, là sau khi kết thúc bữa tiệc đêm ở một nhà hàng cá đặc sản nổi tiếng, anh Nguyễn Mạnh Hoàng bí mật rời khỏi bàn, nhanh nhảu đến quầy để thanh toán tiền, thì chị Kiến phát hiện ra, lao đến trước mặt anh vái lạy để xin anh được trả. Sau này, khi tôi đã về lại Mátxcơva, anh chị rất nhiều lần gọi điện, khẩn khoản mời tôi thăm lại Budapest: “Anh chị đã có nhà rồi, em sang ở bao lâu cũng được, cơm nước đã có chị lo”

Một người bạn đồng hương, đồng niên cũng để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc như khắc, như chạm, đó là anh Bùi Minh Phong. Chúng tôi nghe tên nhau từ lâu, nhưng mãi bây giờ mới gặp.

Nếu nhìn qua sự giản dị, chất phác của anh, người ta nghĩ anh chỉ là một công chức văn phòng mẫn cán, nhưng đằng sau sự lặng lẽ khiêm nhường ấy là một trí tuệ trác việt, một sức lao động khoa học đáng kính nể. Anh là tác giả của 102 công trình khoa học và các bài báo, trong đó phần lớn đã được công bố, là Giảng viên lâu năm của trường Đại học Tổng hợp danh tiếng Buđapest. Một nguồn tin đáng tin cậy cho hay, anh đã có quyết định  phong giáo sư và tháng Chín năm nay, Tổng thống Hungary sẽ đích thân trao anh bằng Giáo sư, một vinh dự lớn lao và niềm tự hào của cộng đồng người Việt Nam ở Hungary.

Thế nhưng, vị Giáo sư đáng kính đó, trong chuyến đưa tôi sang Wien và lần ra sân bay tiễn tôi đều tự tay cầm lái, tận tụy như một tài xế có đẳng cấp.


Giữa cánh đồng hướng dương dọc đường sang Áo

Một nhà khoa học lớn như anh thì có cả hàng núi việc, thế nhưng quyển sách tôi tặng anh hôm trước, hai hôm sau anh đã đọc không bỏ sót một trang; những bức ảnh chụp cho mọi người buổi chiều, trong đêm anh đã phân loại ra gửi đến từng địa chỉ.

Tôi nói đùa với anh, là may có chị Mai, bà vợ người Huế chu toàn lo cho, thì anh mới làm nên nghiệp! Chỉ nội một chuyến đi xuyên quốc gia sang Áo một ngày của năm người, chị Mai đã chuẩn bị các món ăn đủ cho cả tiểu đội từ một nồi cơm điện, rau dưa, hoa quả, thịt cá đến cả phích chè nóng, phích café pha sẵn. Trên dường đi, cứ tạt vào một motel, ngả khăn trải bàn ra là có đủ một mâm tiệc ê hề.

Lẽ ra hôm tôi ra về, Giáp Văn Chung sẽ lái xe đưa tiễn. Đùng một cái, trước đó hai tiếng, anh báo là có việc đột xuất, Giáo sư Phong sẽ thay tôi tiễn ông ra sân bay nhé. Tôi không ngạc nhiên chút nào và cảm thấy thú vị vì cái tính chân thật đó, vì Chung là người của thời gian và công việc. Buổi tối, ngồi chơi với nhau đến khuya, những tưởng về giường ngơi giấc, ai ngờ anh ta lại lọ mọ ngồi dịch thêm mấy trang tranh thủ. Thế mà sáng nào cũng dậy từ sớm, tranh thủ dịch vài tiếng,  cuốc bộ thể dục vài cây số, về lo cơm nước đâu vào đấy cho vợ con rồi mới đi làm.

Chung nấu ăn giỏi lắm, nhìn anh ta xào rán như nhà thơ ngồi gieo vần, thế mới sướng. Ở bên Nga có nhạc sĩ Hồng Hà cũng manggien bếp núc như vậy. Hễ có khách, nếu có vợ ở nhà, là vợ ăn mặc lịch lãm, tiếp đón chuyện trò, đóng vai đối ngoại; còn Hồng Hà thích thú lui cui trong bếp, thoắt một cái đã thấy nhạc sĩ bưng bê ra đủ thứ, bày biện đẹp như triển lãm ẩm thực, kính cẩn mời khách chạm chén.

Thường thường, chuẩn bị đi khỏi nhà, Chung đưa cho tôi mấy tập sách vừa dịch, căn dặn: ông ở nhà đọc sách, uống trà, nghe chim hót, khi nào đói, vào bếp là có đủ các thứ ông cần. Tôi đã chuẩn bị sẵn, tôi đi đây!  Giáp Văn Chung là nô lệ tự nguyện của công việc, cứ âm thầm, lặng lẽ, chu đáo và cẩn trọng. Như một mụ béo mắn con, trong vòng hơn chục năm, Chung dịch được mười hai đầu sách, nhiều cuốn nom dầy như cục gạch, thế mới nể.

Nhà Giáp Văn Chung giống như một địa điểm tập kết, khách xa trong nước sang, khách gần Đông Âu tới, ông đi qua, bà đi lại, đều đến tá túc tại đây. Mà ai lạ gì khách văn chương, ông nào, anh nấy đều bừa bộn và khoản giờ giấc thì đại tùy hứng, làm việc theo cảm tính, và vị nào cũng hay thuốc, hay rượu. Đã thế mà con cái, đặc biệt là chị Minh chẳng hề một chút phàn nàn, khách lại càng hay đến!

Chia tay với Budapest, tôi ngẩn ngơ như một kẻ sắp phải xa nhà. Khi máy bay lượn vòng trên bầu trời xanh thẳm, nhìn xuống phía dưới, sông Đanuyp trông chỉ còn như là một tấm khăn xanh uốn lượn, tôi mới giật mình chợt hiểu là đã xa thật rồi mảnh đất tôi đã đến, đã thấy, đã yêu và những con người tôi đã gặp và đem lòng quý mến.

Mátxcơva 25-7-2015
Nguyễn Huy Hoàng
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.