Chuyên mục
Cuộc sống tù túng của người Việt trồng cần sa ở Anh
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cuộc sống tù túng của người Việt trồng cần sa ở Anh

Thứ ba 28/03/2017 07:46 GMT + 7
Những nạn nhân người Việt bị bán sang Anh trồng cần sa đa phần là trẻ em. Dù bị buộc phải làm công việc này, họ có thể vẫn bị bắt giữ và kết tội.

Bị đánh đập, đe dọa và không được liên hệ với bên ngoài, những lao động trẻ em bị bán sang Anh trồng cần sa không biết mình đang sống trong cảnh nô lệ và không có cách nào trốn thoát.

Năm 2012, người Việt chiếm 96% số nạn nhân bị bán sang Anh, 81% số này là trẻ em.
Từ cửa sổ tầng 1 trong căn hộ nơi mình bị giam giữ, Tùng, khi đó 15 tuổi, lần đầu biết tới nước Anh. Cậu thích ngắm khu phố đông đúc với vài ba cửa hiệu, nhà hàng pizza và một trạm xăng.

Người ta bảo cậu không bao giờ được bật đèn. Bởi vậy, cậu thường ngồi cạnh cửa sổ trong bóng tối, chăm chăm nhìn ra bên ngoài.

Cậu bị nhốt một mình trong căn hộ này trong 2 tháng. Tháng đầu tiên, Tùng gần như phát điên. Cậu chỉ muốn ra ngoài, nói chuyện với ai đó. Đến tháng thứ 2, Tùng quen hơn với cảnh sống này.

Tùng là một trong những thiếu niên Việt Nam bị mạng lưới buôn bán ma túy quốc tế bắt để trồng cần sa ở vùng ngoại ô của Anh. Gần như cứ vài tuần, một trang trại trồng cần sa lại bị phát hiện và cảnh sát lại tiến hành các vụ bắt giữ.

Theo Guardian, phần lớn trẻ em bị buôn bán vào nước Anh đến từ Việt Nam. Năm 2012, người Việt Nam chiếm 96% số nạn nhân bị bán sang Anh, 81% trong số này là trẻ em.

“Khi nghe thấy mọi người cười nói vui vẻ với bạn bè, tôi càng thêm buồn và cô đơn. Tôi thường chơi Candy Crush trên điện thoại để quên đi”

Bảo, một nạn nhân buôn người.
Bất chấp lo sợ bị các nhóm buôn người trả thù, 2 trẻ em đã đồng ý trả lời phỏng vấn Guardian với điều kiện giấu tên. Họ hy vọng câu chuyện của mình có thể cảnh báo những người khác.

Cô độc và sợ hãi

Khi bị bỏ lại một mình trong căn hộ ở Anh với hàng trăm cây cần sa, Bảo mới 15 tuổi. Cậu có đủ thức ăn dùng trong 1 tháng. Người ta nói rằng nếu làm tốt, cậu sẽ được cung cấp thêm thực phẩm đồng thời đe dọa cậu sẽ bị bỏ đói nếu không tưới nước cẩn thận.

Hầu hết thời gian, Bảo ở một mình. Đôi khi đến vài ba tuần, cậu không được liên hệ với ai. Thỉnh thoảng, 2 người đàn ông sẽ tới đây để kiểm tra xem các cây có phát triển tốt không.

“Họ thọc vào các chậu cây xem đất có bị khô không. Mỗi lần họ kiểm tra, tôi đều rất sợ. Nếu cây không đủ tốt, họ sẽ đánh tôi”, Bảo kể.

Bảo, 15 tuổi, kể lại cuộc sống của mình ở Anh với Guardian với điều kiện giấu kín danh tính. Ảnh: Guardian.

Việc tưới cây kéo dài 2 đến 3 tiếng vào buổi sáng. Sau đó, Bảo không có việc gì để làm cho đến 10h tối, khi cậu phải tưới cây thêm 3 tiếng nữa. Hai ngày một lần, cậu nhận được cuộc gọi của một phụ nữ Việt Nam hướng dẫn cậu phải chăm sóc cây như thế nào.

Các cửa sổ đều bị bịt kín nên Bảo không thể nhìn ra bên ngoài. Cậu chỉ có thể thỉnh thoảng nghe thấy tiếng máy bay và tiếng ồn của đám đông trong quán rượu đối diện.

“Khi nghe thấy mọi người cười nói vui vẻ với bạn bè, tôi càng thêm buồn và cô đơn. Tôi thường chơi Candy Crush trên điện thoại để quên đi”, Bảo nói.

Dù không bị nhốt trong căn hộ ở Anh, Bảo cũng không nghĩ tới việc trốn thoát. Cậu không nói được tiếng Anh, không đọc được các biển hiệu và không một xu dính túi.

Thi thoảng, khi cảm thấy quá ngột ngạt vì hơi nóng và mùi cần sa, cậu sẽ ra ngoài đi bộ. “Tôi đã nghĩ ở đây chẳng có ai tốt cả, tốt nhất là mình nên ở lại”, Bảo nói.

Sấy cần sa trong một hầm trú bom hạt nhân ở Wiltshire. Ảnh: Guardian. 

Cha mẹ Bảo, những ngư dân ở vùng nông thôn Việt Nam, mất vì tai nạn ôtô khi cậu còn nhỏ. Bảo sống cùng ông bà đến khi cả hai đều mất. Từ năm 10 tuổi, Bảo lên thành phố, lang thang bán vé số mưu sinh.

Năm 14 tuổi, cậu bị 2 người đàn ông bắt cóc khi đang ngủ dưới gầm cầu. Bảo bị đưa đến Trung Quốc, tới Pháp rồi tới Anh, làm những công việc tệ hại, bị bỏ đói và bị đánh đập trước khi được đưa tới căn hộ trồng cần sa.

Trong căn hộ này, dây điện được treo khá thấp khắp nơi, cậu luôn phải cẩn thận để không bị bỏng và bị cháy tóc. Bảo được dặn không được trả lời bất cứ ai tới gõ cửa. Bởi vậy, khi cảnh sát tới đây, họ đã phải phá cửa xông vào.

Bảo tìm cách giấu các cây cần sa mới nở hoa đi. Tuy nhiên, cảnh sát đã phát hiện ra cậu. Bảo bị còng tay và bị bắt giam một đêm. Luật sư khuyên cậu nhận tội trồng cần sa, không bận tâm tới thực tế cậu chỉ là một đứa trẻ bị bắt cóc.

Vỏ bọc của giới tội phạm

Thanh tra Paul Franklin, đội trưởng đội đặc nhiệm chống ma túy ở Wiltshire, cho biết trong khoảng 10 năm qua, tội phạm có tổ chức ở Việt Nam đã liên hệ với các băng đảng ở Anh để cung cấp lao động.

Các em gái bị bán làm gái mại dâm hoặc nhân viên làm móng. Các em trai bị bắt trồng cần sa. Cần sa được trồng ở Anh nhiều đến nỗi nước này đã trở thành nước “xuất siêu” ma túy.

Ông cũng nói thêm rằng cần sa không phải là ưu tiên của cảnh sát như heroin hay cocaine đá, bởi vậy việc loại bỏ triệt để các điểm trồng cần sa là không dễ dàng.

Cảnh sát thu giữ các cây cần sa bên trong một căn hầm ở Wiltshire, Anh. Ảnh: Guardian.  

Hai tháng trước, Helen Jenkins gặp cú sốc lớn khi được cảnh sát thông báo họ đã phát hiện một trang trại cần sa trong ngôi nhà mà cô sở hữu ở Plymouth. Họ cũng tìm thấy một cậu bé Việt Nam khoảng 13 tuổi bị thương tích trên mặt.

Jenkins không hề biết căn nhà của cô đã được cho thuê lại và bị biến thành nơi trồng cần sa. Khi cô tới nơi, cảnh sát đã chuyển những cây cần sa đi, để lại 400 chậu đất và một tủ lạnh đầy thức ăn đông đá.

Cảnh sát tiết lộ rất ít thông tin về những gì xảy ra sau đó với thiếu niên bị bắt giữ nói trên. Báo chí địa phương đưa tin cậu đã bỏ trốn không lâu sau khi được đưa tới trại trẻ mồ côi.

Điều này không có gì lạ vì hầu hết nạn nhân nợ tiền bọn buôn người và biết gia đình sẽ gặp rắc rối nếu không phục tùng. Bởi vậy, họ thường trốn khỏi các trung tâm bảo trợ và quay lại làm việc cho chúng.

Không lối thoát

Giống như Bảo, Tùng cũng bị buộc phải trồng cần sa. Anh rời Việt Nam khi mới 15 tuổi và đến Anh vào mùa hè năm 2010. Mẹ Tùng đã phải chi 10.000 bảng Anh để anh có thể đến đó sống cùng cha, người đã bỏ đi vì không thể trang trải cuộc sống bằng nghề nông.

Tùng tới nước Anh trong một chiếc xe tải, đi qua Nga và kết thúc hành trình tại một thị trấn mà anh đến giờ vẫn không biết tên. Anh được dẫn vào một căn hộ đã được biến thành trang trại cần sa.

"Nếu có ai bảo bạn vay tiền để đến đây và hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn thì đừng nghe họ. Bạn sẽ bị buộc phải làm những việc mình không bao giờ muốn làm" 

Tùng, một nạn nhân buôn người để trồng cần sa.
Tùng bị dị ứng với mùi cần sa và các hóa chất mạnh được sử dụng trong việc canh tác giống cây này. Khi phóng viên Guardian gặp Tùng tại trung tâm phục hồi ở Yorkshire, anh ho khùng khục và nói chuyện khó khăn.

“Tôi không sợ mà chỉ cảm thấy buồn, cô đơn và lo lắng cho gia đình. Tôi đã nghĩ mình nên cố gắng làm việc và trả nợ càng sớm càng tốt", anh nói.

Với chiếc tivi đã hỏng trong căn hộ đó, Tùng không có gì để làm. Hầu hết cửa sổ được che màn để ngăn hàng xóm nhìn thấy bên trong và ngăn mùi thoát ra. Tùng thường xuyên nói chuyện với mẹ nhưng không nói mình bị nhốt vì không muốn làm bà phiền lòng.

Các cây cần sa được phát hiện bên trong một trung tâm giải trí cũ ở thành phố Newport ở Wales. Ảnh: Wales New Service.

Một đêm nọ, căn hộ bị cảnh sát đột kích và Tùng bị bắt đi. Anh không hiểu tại sao mình lại bị bắt và không hề biết rằng anh đang trồng cần sa bất hợp pháp. Sau đó, Tùng mới biết một trực thăng theo dõi ảnh nhiệt đã phát hiện nhiệt lượng nóng từ những bóng đèn trồng cần sa.

Anh được đưa tới cho một gia đình nuôi dưỡng, nhưng đêm tiếp theo, anh đã gọi cho bọn buôn người. Họ tới và đưa anh đi. "Giờ tôi thấy đó là một sai lầm nhưng lúc ấy tôi vẫn hy vọng tìm được cha mình", anh nói.

Trong vài năm sau đó, Tùng bị buộc phải làm những công việc vặt và thường sống trong xe tải. Bọn buôn người bảo anh rằng các khoản nợ đã tăng lên 100.000 bảng Anh. Vì vậy vào ban đêm, anh bị buộc phải bán dâm.

"Tôi bỏ trốn rồi lại bị họ tìm thấy và đánh đập. Họ nói những chuyện tồi tệ sẽ xảy ra với cha mẹ tôi. Họ mang tôi từ nơi này sang nơi khác. Tôi được trả khoảng 100 bảng một tháng. Tôi không dám hỏi về nợ nần, bởi vì mỗi khi tôi hỏi, tôi lại bị đánh đập", Tùng kể lại.

Sau đó, anh bị buộc phải làm việc tại một xưởng cần sa phía sau một tiệm bánh. Tùng bị bắt khi cảnh sát đột kích nơi này và bị kết án 3 năm tù. Khi đó, anh 20 tuổi. Bản án sau đó được giảm xuống còn 12 tháng do anh đã nhận tội tại sở cảnh sát.

Tùng đồng ý nói về trải nghiệm của mình bởi anh muốn người dân ở Việt Nam hiểu rõ hơn về những nguy hiểm của việc nhập cư bất hợp pháp sang Anh.

"Nếu có ai bảo bạn vay tiền để đến đây và hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn thì đừng nghe họ. Bạn sẽ bị buộc phải làm những việc mình không bao giờ muốn làm", anh cảnh báo.

Hiện tại, điều khiến Tùng lo sợ nhất là khả năng bị trục xuất về Việt Nam, nơi anh có thể sẽ bị các băng nhóm tìm thấy và bị bán đi lần nữa.

Tuyết Mai - Phi Kiều
Theo Guardian
Nguồn: zing.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.