Chuyên mục
Chưa đi, chưa biết Berlin - phần 1
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Chưa đi, chưa biết Berlin - phần 1

Thứ bảy 26/09/2015 23:09 GMT + 7
Mỗi lần qua châu Âu, tôi thường qua ngả Berlin, rồi sau đó đi tàu qua nước khác, không phải vì vé máy bay sang Đức rẻ hơn Ba Lan, hay Séc, mà chính là tôi đã phải lòng nước Đức bởi sự thượng tôn pháp luật và đặc biệt thượng tôn quyền con người. Chẳng phải tôi đại ngôn hay quá yêu nói liều thành tốt đâu, mà chỉ nội có mỗi việc là dăm, bảy lần làm thủ tục qua biên phòng sân bay Đức, tôi đủ khẳng định điều đó.

Khi dòng người rời máy bay xuống sân bay Schonefeld, tôi và đám hành khách đủ các chủng tộc kéo va li trật tự đứng trước cửa biên phòng chờ đến lượt, anh công an Đức không nói một lời, bật máy tính và đóng dấu cộp và bên cạnh visa và mở cửa. Chưa đầy nửa phút. Hầu như không hỏi một câu gì. Nhưng riêng tôi được hỏi đến: - Ông đi từ Moscow? Ông sống ở đó hay khách du lịch? Tôi trả lời bằng số từ mà anh ta hỏi. Và rời sân bay.

Còn ở Nga thì hoàn toàn khác. Gần đây nhất, tôi trở lại Nga sau hai tuần làm khách ở Berlin. Máy bay hạ cánh xuống Vnuckovo, một sân bay mới trùng tu to vật vã ở phía Tây Nam thủ đô Matxcơva. Đoàn người rồng rắn xếp hàng trước hai cửa kiểm tra, đến lượt tôi, cô biên phòng tóc ngắn, đeo quân hàm trung sĩ khá đẹp, mặt vô cảm, cầm lấy tấm hộ chiếu có bìa màu xanh đu đủ và ngẩng lên hỏi tôi hai từ cộc lốc:

- Việt Nam?
- Vâng, Việt Nam!

Cô ta săm soi máy tính một lúc và bảo tôi xách va li đứng chờ bên cạnh. Vừa ngạc nhiên, vừa bực tức, nhưng tôi kiên nhẫn lùi ra ngoài nhường chỗ cho dòng dân Nga và ngoại quốc lần lượt xuất trình hộ chiếu và rời cửa xuống tầng một nhận hành lý.

Khi hơn 300 người trong chuyến bay đã rời khỏi khu cách li, chỉ còn trơ mỗi tôi, cô ta đóng cửa, không nói một lời, mang tấm hộ chiếu màu xanh không lẫn vào đâu được tới một căn phòng im ỉm đóng, ngoài có một tấm biển đề tên người phụ trách.

Chừng nửa tiếng sau, cô trung sĩ tóc ngắn trở ra và gọi tôi lại ô cửa phòng nhập cảnh:

- Anh ở Nga lâu chưa?
- Gần ba chục năm!
- Anh làm gì?
- Nghiên cứu văn học Nga!
- Tác giả nào? – Cô ta không tin và mỉm một nụ cười triết học

Tôi thưa với cô ta rằng, cả đời tôi nghiên cứu văn học của nước cô suốt từ văn học dân gian, hiện thực, văn học xô viết, và sáng tác văn chương. Tôi đã lao tâm, khổ tứ, dùi mài, viết tới mười lăm cuốn sách và chí ít cũng xấp xỉ trăm bài báo về văn học Nga. Tôi đã qua biên phòng Nga không dưới một trăm lần, đã đi hầu khắp châu Âu, và tôi rất ngạc nhiên là cô không cho tôi biết lý do tại sao người Việt Nam lại phải đi kiểm tra săm soi kỹ thế…

Cô ta mở google.com và gõ tên tôi, dường như muốn vạch mặt sự dối trá và chém gió đó, nhưng khi thấy trên màn hình hiện ra hàng loạt dữ liệu tôi vừa nói, cô tròn mắt ngạc nhiên, và tôi đọc được trên đôi mắt xanh sâu thẳm một sự thân thiện hiếm hoi.

Cô ngỏ ý xin lỗi vì làm tôi mất thì giờ, “nhưng phải kiểm tra kỹ”, và nói thêm, là hành lý của tôi đã được đưa vào phòng thất lạc, anh đến đó mà nhận! Tôi không hề giận gì cô cũng như những người lính cửa khẩu có khuôn mặt giống nhau mang tên rô bôt, bởi vì đó là nếp làm việc chung của lính biên phòng tại các sân bay Nga bao năm qua, dù vật đổi, sao dời, vẫn vậy. Tôi lặng lẽ liếc mái tóc ngắn, đưa mắt chào, bước ra ngoài lòng cay đắng buồn và ngao ngán.

Tin chắc rằng, màn trình diễn hộ chiếu này, không phải chỉ riêng tôi, mà có thể xẩy ra với bất cứ một người Việt nào tên tuổi bị rơi vào lỗi máy tính và phải “kiểm tra kỹ”.

Tôi lại chợt nghĩ đến anh biên phòng Đức, dù mặt lạnh lùng nhưng vẫn toát lên sự thân thiện và độ lượng.

Lạ lùng như nước Đức

Khác với những lần qua Đức trước đây, tôi thường được bè bạn bố trí ở khách sạn, ăn ở nhà hàng, đi đâu cũng tót lên xe, mặc dù những tiện nghi đó với tôi giống như anh bốc vác mặc áo cánh lụa, nó chẳng hợp chút nào. Cái chất nông dân thâm căn cố đế của tôi chỉ ăn nhập với cuộc sống dân dã quê mùa.

Lần này sang, tôi được đưa thẳng đến nhà vườn của một anh bạn vong niên đã sống ở Đức ngót nghét bốn chục năm, anh Đặng Quốc Việt. Khu nhà giản dị và ấm cúng nằm giữa bốn bề cây cối gợi nên một cảm giác ẩn dật và bình yên.

Vừa bước vào nhà, anh Việt mang hai chiếc cốc sạch mở vòi nước rót đầy, mang đến cho tôi: - Hôm nay nóng quá, em uống nước này cho mát!

Tôi nhìn cốc nước, không cầm lấy, mặc dù suốt một quãng đường dài, tôi khát khô cả họng. Dường như hiểu ý tôi, là người ăn uống giữ kẽ hơi thái quá, anh Việt vừa giải thích, vừa phân bua rằng, ở Berlin, cứ một tiếng, trên các phương tiện thông tin lại báo về độ sạch nguồn nước thành phố một lần. Nước vòi ở đây, sạch tuyệt đối, được sử dụng làm nước uống!

Tôi nhớ ra rồi, hồi xưa, thời Liên Xô, chưa có nước đóng chai, chỉ khi nào pha trà, còn lại, chúng tôi đều tu nước vòi tất. Chuyện đó ở Nga đã thành dĩ vãng, mặc dù nước sinh hoạt của Matxcơva cũng thuộc vào loại sạch, nhưng độ flo rất cao, và nhà nào bây giờ cũng lắp phin lọc nước. Suốt hai tuần lễ, sau khi được trấn an bằng lời giải thích đầy tin cậy đó, tôi chỉ dùng nước vòi, kể cả đi dã ngoại cũng mang theo mấy chai nước máy!

Buổi sáng, tôi dậy sớm, chẳng thấy anh Việt đâu, cửa không khóa đã đành, cổng nhà cũng không khóa, chỉ khép lại, không thấy chốt và không thấy xe đâu. Một mẩu giấy để lại trên bàn: "Không muốn đánh thức em dậy. Anh đi tập thể dục ở Trung tâm thể thao thành phố. Bánh mỳ và thức ăn ở trong bếp nhé". Tôi thầm nghĩ, may mà ở Đức, chứ nơi khác thì trộm nó vào nó khoắng cho bằng hết!

Vừa động chân, động tay, vừa muốn giúp anh và tỏ ra mình cũng đảm đang, ngăn nắp, tôi với lấy chổi, dọn nhà, gom chất thải và cho vào thùng rác. Những tưởng anh Việt về sẽ khen lấy, khen để, ai ngờ, vừa nhìn vào thùng rác ba ngăn dưới bếp, anh đã lắc đầu. Chột dạ, tôi hỏi anh, chắc là có điều chi không phải? Anh bảo, dọn nhà thì tốt, nhưng bỏ rác như vậy, ở Đức không được phép. Không ai bỏ lẫn rác hữu cơ, chất dẻo và chất rắn vào một thùng mà bắt buộc phải phân loại, bỏ riêng ra ba ô theo mẫu thùng rác được sản xuất. Hóa ra là thế, ở Nga, tôi cứ tống tất cả vào bao nilong, thắt miệng túi lại, liệng vào congtenơ rác là hoàn thành sứ mệnh vệ sinh. Mà cả làng đều vậy, bất phân cơm thừa, canh cặn với gạch vỡ, mảnh kính, người ta chở thẳng một mạch ra bãi rác ngoại ô.

Sau này, khi đến khu nhà Sứ quán ở, tôi thấy bên cạnh nội quy trật tự, an ninh dán to đùng ngay cửa bếp, là một tấm giấy không kém phần long trọng nói về chuyện đổ rác với các mục 1,2,3,4…Chẳng thế mà ra đường ở Đức, phố phường sạch sẽ, tinh tươm và ngăn nắp. Tôi có cảm tưởng rơi mẩu bánh mỳ xuống hè phố là có thể nhặt lấy chén vô tư!

Hôm chủ nhật rảnh rỗi, tôi xắn quần ra xới ô đất ngoài vườn cho anh. Lọt thỏm giữa ngàn mét vuông vườn có những cây thông cao vút và những cây dại tôi chẳng biết tên, là một khoảng đất chỉ trồng được hai luống rau tập tàng. Trong câu chuyện với anh, tôi đưa ra một ngu ý là nên cắt bớt những cây không cần thiết, quây rào thành một vườn rau và một luống hoa thì vừa thẩm mỹ vừa hữu ích! Anh lắc đầu thẳng thắn bác bỏ ý kiến nông dân đó của tôi bằng một lời giải thích:


Một góc nhà vườn bình dị giữa thủ đô Berlin

-Mấy năm trước, cũng không có luống rau này đâu. Anh cũng ngứa tay, ngứa chân cắt bỏ đi ba cây thông để làm một mảnh vườn mini như em nói mà không làm đơn xin phép, cứ nghĩ là trong vườn nhà mình chẳng ai quan tâm. Vừa chặt hôm trước, hôm sau, cảnh sát môi trường đến, phạt đền mỗi cây bị phế bỏ là 300 euro và em biết gì không, cứ mỗi cây anh chặt đi, theo luật, anh phải mua trồng bù vào 100 cây trong rừng! 

Tôi há hốc mồm vì tưởng ở Nga cứ chặt bỏ một cây trong thành phố là phải ra tòa và chịu phạt hành chính một khoản tiền bằng nửa tiền lương đã là ghê gớm rồi, hóa ra ở Đức “xin đừng đụng vào cây.., tai họa”. Ông nào ở Hà Nội quen kéo cưa, lừa xẻ mà sang Đức, nghe câu chuyện này, thể nào cũng cho là bọn Đức quá đáng!


Trong công viên thành phố Berlin

Chẳng mất mấy chút thì giờ vào chuyện vườn tược, tôi ngỏ ý cùng anh ra ngoại ô làm một bữa câu cá. Khoản đi câu, tôi là con nghiện. Ở Nga, tôi và một anh cần thủ, bất kể mưa gió, cứ hôm nào rảnh là phi ra ngoại ô chừng dăm, bảy chục cây số, ăm dầm nằm dề như bị trời đày, mặc cho muỗi đốt ôm cái cần câu thử vận may suốt từ sáng đến đêm. Anh bạn tôi nghe cũng lắc đầu nốt. 

-Ra ngoại ô thì đi, nhưng mà đi chơi thôi. Còn câu cá thì phải có bằng. Bên này, muốn đi câu phải theo một khóa chuyên ngành, nào là kỹ thuật câu, đặc điểm các loại cá, mùa nào thì cá đẻ, loại các nào thì không được bắt, mồi câu và môi trường ra sao…Không đơn giản đâu chú em ạ. Không có bằng, đi câu là bị truy tố đấy!

Thế thì tôi thua rồi, cứ đi dạo, thể dục bách bộ trong công viên cho nó lành.

(Còn tiếp)

Nguyễn Huy Hoàng
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.