Chuyên mục
Bộ Ngoại giao thông tin chính thức vụ nữ du khách Việt bị
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Bộ Ngoại giao thông tin chính thức vụ nữ du khách Việt bị "mắc kẹt" tại Pháp

Thứ tư 23/01/2019 05:01 GMT + 7
Theo Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã có những can thiệp kịp thời để hỗ trợ công dân Phạm Thị Tuyết Mai trong vụ việc cô bị bắt giữ khi nhập cảnh tại sân bay Paris do nghi ngờ mang tội danh "buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất gây nghiện".

Những ngày qua, theo thông tin được Phạm Thị Tuyết Mai (SN 1985, Hà Nội) đăng tải trên mạng xã hội Facebook, cô đã bị cảnh sát Pháp bắt giữ khi đang tiến hành nhập cảnh vào sân bay Charles de Gaulle nước này vào cuối năm 2018 do nghi ngờ liên quan đến lệnh truy nã từ Bỉ.


Sân bay Charles de Gaulle tại Paris, Pháp nơi xảy ra vụ việc - Ảnh minh họa

Liên quan đến sự việc trên, trả lời báo Trí Thức Trẻ, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Phạm Thị Tuyết Mai bị cảnh sát biên giới Pháp bắt khi nhập cảnh vào Pháp theo Lệnh bắt giữ châu Âu (European arrest warrant - EAW) nhằm thi hành bản án 4 năm tù về tội "buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất gây nghiện" trong thời gian từ 01/10/2010 - 10/05/2011, do Tòa Tư pháp Antwerpen, Bỉ tuyên ngày 08/05/2013.

Hiện nay, các cơ quan tư pháp của Pháp đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) theo thủ tục Lệnh bắt giữ châu Âu - EAW. Ngày 19/12/2018, Tòa Phúc thẩm Paris đã cho phép Mai tại ngoại và áp dụng một số biện pháp kiểm soát tư pháp như: phải tạm trú tại nơi được chỉ định, không được rời lãnh thổ Pháp chính quốc, giao cho Tòa toàn bộ giấy tờ tùy thân, có nghĩa vụ có mặt khi được triệu tập cho các phiên tòa tiếp theo…


Hình ảnh của Phạm Thị Tuyết Mai - Ảnh: FBNV

Về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố của Mai, Đại sứ quán đã liên hệ với các cơ quan chức năng liên quan của Pháp, đồng thời tham khảo ý kiến văn phòng luật sư tại Pháp để tìm hiểu thêm thông tin, quy trình xử lý của pháp luật sở tại.

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng đã có buổi gặp trực tiếp Mai để nghe trình bày về vụ việc và làm rõ các thông tin liên quan. Tại buổi gặp, Đại sứ quán đã hướng dẫn cô về thủ tục hỗ trợ theo quy định bảo hộ công dân.

Theo yêu cầu của Mai, Đại sứ quán đã đề nghị Cục Lãnh sự, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an xác minh thời gian cư trú của Mai tại Việt Nam để phục vụ bào chữa tại tòa và đã cấp giấy xác nhận cho cô.

Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng đã làm việc với Văn phòng Luật sư Vatier tại Paris để tìm hiểu thêm về vụ việc và yêu cầu Văn phòng Vatier hỗ trợ Mai. Hiện Văn phòng Luật sư Vatier đã nhận hỗ trợ Mai theo đề nghị của Đại sứ quán và bản thân cô.

Tại phiên tòa xét xử Mai lần thứ hai ngày 09/1/2019 được diễn ra tại Pháp, Đại sứ quán đã cử đại diện tham dự phiên tòa. Tại đây, đại diện Đại sứ quán đã trao đổi với luật sư bào chữa do tòa chỉ định và đề nghị luật sư hỗ trợ Mai bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.


Cảnh sát Pháp gác tại một cổng của sân bay Charles de Gaulle năm 2011. Ảnh: Reuters.

Về phía mình, Phạm Thị Tuyết Mai hoàn toàn bác bỏ cáo buộc buôn bán và tàng trữ ma túy.

Theo Mai, trước đây cô đã có 5 năm học tập và làm việc tại Amsterdam (Hà Lan), tuy nhiên đến tháng 3/2010, cô trở về Việt Nam làm việc. Vào tháng 11/2011, cô trở lại châu Âu trong chuyến công tác kéo dài 1 tuần lễ đến Barcelona (Tây Ban Nha). 

Mai cho hay, vụ án ở Bỉ xảy ra vào giai đoạn tháng 10/2010 đến tháng 5/2011, thời điểm này cô không hề có mặt tại Bỉ hay bất kì nước châu Âu nào, hộ chiếu của cô cũng không có đóng dấu ra vào châu Âu trước trong hay sau giai đoạn này. Ngoài ra, Mai cho biết còn có hồ sơ chứng thực làm việc cho công ty ở Việt Nam từ tháng 5/2010 đến tháng 5/2012, do vậy việc cáo buộc cô gây án là hoàn toàn không hợp lý.

Chia sẻ với chúng tôi vào ngày 21/1 vừa qua, Mai cho biết hiện cô và bạn trai phải thuê khách sạn để ở tạm tại Paris trong khi chờ đến phiên tòa tiếp theo theo dự kiến diễn ra đầu tháng 2 với chi phí ngày một đội lên. Cô cũng đã thuê luật sư ở Bỉ để đại diện tại tòa án xử lý vụ việc nhưng rất hoang mang vì không biết đến bao giờ vụ án mới kết thúc để có thể trở về Việt Nam.

Hiện tại, Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tiếp tục theo dõi sát vụ việc, trao đổi với các cơ quan chức năng liên quan cập nhật thông tin và kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, bảo hộ công dân.

Mắc kẹt ở Paris - Một nữ du khách Việt kể về hành trình bị bất ngờ giam giữ ngay khi vừa đến Pháp

Theo chia sẻ của chị Mai, sự cố bị nghi ngờ là tội phạm truy nã đầy hy hữu đã khiến chị phải ở lại Pháp hơn 30 ngày và chưa biết khi nào mới có thể về nước.

Không giống như đi lại trong nước, việc nhập cảnh đến 1 quốc gia khác với mục đích làm việc, du lịch, hay thậm chí chỉ là quá cảnh đều đòi hỏi du khách phải có đầy đủ giấy tờ tuỳ thân, hộ chiếu, thị thực hợp pháp. Và sẽ như thế nào nếu thị thực của chúng ta có vấn đề khi đang làm thủ tục nhập cảnh? Nghiêm trọng hơn, chúng ta sẽ phải giải quyết những gì khi thông tin trên thị thực bị trùng khớp với 1 đối tượng đang bị truy nã quốc tế vì phạm pháp trên một quốc gia khác?

Sự cố tưởng chừng như không thể xảy ra đó thế nhưng lại xuất hiện trong 5 bài viết dài chia sẻ của chị Phạm Thị Tuyết Mai (SN 1985, Hà Nội). Theo chị Mai, thay vì cùng bạn trai vi vu du lịch châu Âu trong 3 tuần, chi đã bị bắt buộc ở lại Pháp trong hơn 1 tháng qua, tinh thần, cuộc sống, công việc đều bị đảo lộn.

Câu chuyện này được chị tường thuật cặn kẽ và đặt tên là "Mắc kẹt ở Paris", kể về những ngày tháng trên đất Pháp đã gây được sự chú ý của dư luận trong những ngày qua.

Câu chuyện dài kỳ của nữ du khách về sự cố bị bắt tạm giam ngay khi nhập cảnh gây xôn xao

Chị Phạm Thị Tuyết Mai, 34 tuổi, làm Brand manager cho 1 nhãn hàng tại Hà Nội. Theo chia sẻ, trước đây chị Mai đã có 5 năm học tập và làm việc tại Amsterdam (Hà Lan), tuy nhiên đến tháng 3/2010, chị trở về Việt Nam làm việc. Vào tháng 11/2011, chị trở lại châu Âu trong chuyến công tác kéo dài 1 tuần lễ đến Barcelona (Tây Ban Nha).

Chị Mai nhắc đến những mốc thời gian rất cụ thể vì theo chị vào tháng 12 vừa qua, khi quay lại châu Âu cùng bạn trai với mục đích du lịch, chị đã bị bắt giữ tại sân bay Pháp vì bị nghi ngờ chị chính là tội phạm ma tuý bị cảnh sát Bỉ phát lệnh truy nã toàn châu Âu vào năm 2014. Tuy nhiên chị khẳng định khoảng thời gian đó chị ở tại Việt Nam, không hề có mặt tại Bỉ hay bất kỳ 1 nước châu Âu nào.

Hình ảnh của chị Mai - Ảnh: FBNV

Theo bài tường thuật này, vào ngày 18/12/2018, chị Mai cùng bạn trai làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Charles de Gaulle Paris (Pháp), chuẩn bị cho chuyến bay nối chuyến từ Paris đến Malta. Tại đây, khi nhân viên an ninh sân bay kiểm tra hộ chiếu của chị đã yêu cầu chị phải vào văn phòng an ninh để làm việc, nghi chị có liên quan đến án truy nã về ma tuý.

Chị Mai cho biết chị phải cung cấp lời khai, không được sử dụng điện thoại di động, bị khám xét người, tịch thu toàn bộ hành lý thậm chí bao gồm cả áo lót và dây giày. Chị cố gắng giải thích bằng tiếng Anh nhưng không hiệu quả, chị bị đưa vào phòng giam của đồn hải quan sân bay trong tình trạng lo lắng, sợ hãi, chưa thể báo tin cho bạn trai và người nhà.

Trong phần 2 của câu chuyện, chị Mai kể việc mình bị còng tay bằng còng số 8, áp giải từ phòng giam đồn hải quan đến 1 đồn cảnh sát khác bởi 3 cảnh sát có trang bị vũ trang.

Hình minh hoạ.

Chị bị đưa vào căn phòng giam khác mà theo chị miêu tả là chỉ khoảng 2m2, có 1 chiếc giường lạnh lẽo ngay cạnh bồn cầu vệ sinh bốc mùi và nền nhà thì lênh láng nước.

Khoảng 1 tiếng sau, cảnh sát dẫn chị Mai ra gặp thông dịch viên người Việt và cảnh sát người Pháp. Nữ thông dịch viên này là người Việt, đang sống và làm việc ở Paris, nói tiếng Việt giọng Bắc. Sau khi giải thích với người thông dịch viên này, chị tiếp tục bị dẫn quay lại phòng giam.

Trong các phần tiếp theo của câu chuyện, chị kể vào ngày 18/12, chị phải ngủ lại 1 đêm tại phòng giam của đồn cảnh sát trong tình trạng đói và rất lạnh.

Sáng 19/12, chị bước vào phiên toà xét xử tại toà án Pháp. Chị Mai chia sẻ chuyện chị bị áp giải từ đồn cảnh đến toà trong tình trạng cả 2 tay lại bị còng, chị gặp được 2 luật sư bào chữa miễn phí của mình, được giúp đỡ báo tin về cho gia đình ở Việt Nam. Ngoài ra, người bạn trai của chị cũng đã tìm cách để đến toà án gặp chị, dù chỉ có thể nói chuyện với nhau từ xa qua sự giám sát của nhân viên an ninh.

Hình minh hoạ

Ở những phần còn lại của câu chuyện, chị Mai cho biết phiên toà xét xử chị chỉ diễn ra trong 10 phút và tại phiên toà, luật sư của chị nhận định trường hợp của chị là bị ăn cắp thông tin cá nhân để phạm pháp. Sau khi xem xét, chị Mai đã được toà án Pháp cho tại ngoại, tuy nhiên chị vẫn bị cấm xuất cảnh khỏi Pháp, hộ chiếu của chị bị giữ lại và chờ ngày ra tòa tiếp theo.

Chia sẻ với chúng tôi vào ngày 21/1, chị Mai cho biết hiện tại chị đã ở Pháp bất đắc dĩ trong 33 ngày.

Theo chị Mai, chị được luật sư giải thích về quy trình tố tụng. Theo đó, đối với tội danh chị bị quy kết là tàng trữ và sử dụng ma tuý tại Bỉ.

Trường hợp 1: Nếu chị đồng ý bị dẫn độ sang Bỉ để xét xử, quy trình dẫn độ mất tầm 10 ngày.

Trường hợp 2: Nếu chị từ chối bị dẫn độ sang Bỉ và xin được ở lại Paris để được xử bởi tòa án Pháp thì sẽ có 2 trường hợp nữa xảy ra: Hoặc nếu tòa tin chị vô tội, toà sẽ cho phép chị tại ngoại, nhưng cấm xuất cảnh ra khỏi Pháp; Hoặc nếu tòa không tin chị vô tội, toà sẽ giữ tôi ở trong tù tiếp cho đến khi nào tập hợp thêm chứng cứ vô tội.
"Hiện tại chi phí của mình tại Pháp cho việc ăn ở đã rơi vào khoảng 3000 euro (tương đương gần 80 triệu đồng). Chi phí đi lại đã vào khoảng thêm 1000 euro (tương đương 26 triệu đồng) nữa vì bọn mình không dự tính được là sẽ ở lâu đến thế này" - chị Mai nói.

Chị Mai cho biết phía toà án Pháp đã thông báo với chị ngày mở phiên toà xét xử tiếp theo là 6/2, tuy nhiên vào ngày đó nếu phía cảnh sát Bỉ chưa gửi đủ thông tin thì phía toà án Pháp vẫn chưa thể tổ chức xét xử được.

Thông tin thêm, chị Mai chia sẻ việc chị đã phải liên hệ làm việc và bỏ chi phí lên đến 2500-3000 euro (tương đương 66-80 triệu đồng) để thuê 1 văn phòng luật sư ở Bỉ giải quyết triệt để bản án của mình với tòa bên Bỉ.

Hình ảnh của chị Mai - Ảnh: FBNV

"Gia đình Mai đã nhờ sự giúp đỡ của tất cả mọi nơi nhưng không ai đưa ra được hướng giải quyết"

Tại Việt Nam, gia đình, bạn bè chị cũng đang rất chờ mong chị có thể về nước trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, trong khoảng thời gian chị Mai bị cảnh sát Pháp tạm giam không thể liên hệ được cho bạn trai và gia đình, bạn trai chị (Daniel) đã rất nỗ lực tìm cách để có được thông tin về chị. Khi biết được chị Mai đang bị tạm giam để điều tra, Daniel đã liên hệ báo tin về cho gia đình chị ở Việt Nam, từ đó, một cuộc họp gia đình và rất nhiều bạn bè đã khẩn cấp diễn ra để tìm cách giải quyết sự cố của Mai. Tuy nhiên hiện tại, sau nhiều nỗ lực, gia đình cũng chỉ có thể trông chờ vào việc xử lí của cơ quan chức năng.

Câu chuyện dài 5 kỳ và những chia sẻ của chị Tuyết Mai đến thời điểm này đang tạo ra rất nhiều chú ý cũng như xôn xao, tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều người đã động viên, chia sẻ trải nghiệm của chính mình nhưng cũng có những bình luận chỉ ra các điểm chưa hợp lý trong câu chuyện này.

Sáng 22/1, chúng tôi đã liên hệ phía đại diện truyền thông của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Người đại diện cho biết "chưa nghe bất cứ thông tin gì về trường hợp này, nếu có thông tin sẽ phát thông cáo báo chí". Chúng tôi cũng đã liên hệ với đại diện của Bộ Ngoại giao, cơ quan này cho biết đã nắm được thông tin và sớm đưa ra phát ngôn chính thức.

Thục Hạnh
Nguồn: ttvn.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.