Chuyên mục
WSJ: Nghi vấn kho nhôm khổng lồ của tỷ phú TQ tại Việt Nam
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

WSJ: Nghi vấn kho nhôm khổng lồ của tỷ phú TQ tại Việt Nam

Thứ sáu 02/12/2016 14:21 GMT + 7
Theo Wall Street Journal, hàng loạt những động thái bất thường trong xuất nhập khẩu nhôm giữa Trung Quốc, Mỹ, Mexico và Việt Nam đều có liên hệ tới tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian.

Kho nhôm lớn nhất thế giới vài tháng trước còn nằm phủ bạt ở hoang mạc Mexico đã được vận chuyển tới một cảng biển ở Vũng Tàu. 

Đầu năm nay, 500.000 tấn nhôm đã được chất lên tàu và chuyển từ thành phố San José Iturbide (Mexico) tới Việt Nam, theo số liệu từ đơn vị vận chuyển và từ một vài nguồn tin liên quan đến chuyến hàng.

Phần lớn số hàng này hiện đang được phủ bạt đen, canh giữ bởi nhân viên an ninh tuần tra bằng xe máy, mang theo dùi cui ở một nhà máy trong khu cảng cách TP.HCM hai giờ đi ôtô về phía nam.

Kho nhôm khổng lồ ở Vũng Tàu chỉ vài tháng trước còn nằm ở Mexico. Ảnh: The Wall Street Journal.

Lượng hàng chuyển đi lớn bất thường này đã khiến nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp nhôm lo ngại về những ảnh hưởng tới thị trường và giá nhôm thế giới.

Theo công ty Dịch vụ thông tin thương mại toàn cầu (GTIS), một tổ chức tư nhân chuyên theo dõi các hoạt động thương mại trên toàn thế giới, Việt Nam là điểm đến của 91% phôi nhôm Mexico xuất khẩu đi trong năm qua, một tuyến thương mại nhôm không phổ biến trong những năm gần đây.

Kho nhôm Mexico khổng lồ hiện đang nằm ở Việt Nam từng là đề tài của một bài báo đăng tải trên Wall Street Journal hồi tháng 9/2016 về những mối liên quan của nhôm với người giàu nhất Trung Quốc Liu Zhongtian, Chủ tịch của tập đoàn nhôm khổng lồ China Zhongwang.

Các nhà quản lý thương mại nhôm đã cáo buộc vị này vì hành vi xuất khẩu nhôm của ông sang Mexico để che giấu nguồn gốc nhôm Trung Quốc và trốn thuế nhôm ở Mỹ nhờ các hiệp định về thương mại tự do giữa Mỹ và Mexico. Ông Liu và tập đoàn China Zhongwang đã phủ nhận cáo buộc này.

Tuy nhiên vẫn có những mối liên hệ mật thiết giữa việc làm ăn của ông Liu và gia đình cùng với kho nhôm đang chất đống ở Việt Nam, theo dữ liệu chuyển hàng, kinh doanh và từ những người theo dõi việc vận chuyển.

Xuất khẩu phôi nhôm Trung Quốc vào Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá tới 374%, trong khi mức thuế cho mặt hàng này có xuất xứ từ Việt Nam chỉ vào khoảng 5%.

Cũng theo dữ liệu chuyển hàng, kinh doanh và những nguồn tin thân cận với tập đoàn China Zhongwang, hành trình của kho nhôm này từ Mexico sang Việt Nam tình cờ trùng thời điểm lượng nhôm xuất vào Việt Nam từ hai nước Trung Quốc và Mỹ tăng đột biến qua những cảng có mối quan hệ mật thiết với ông Liu.

65% lượng phôi nhôm xuất đi từ Mỹ có điểm đến là Việt Nam tính tới tháng 8/2016, tăng đột biến so với mức 3% của năm 2015, theo số liệu từ GTIS. Các dữ liệu nhập khẩu của Việt Nam cho thấy một lượng đáng kể nhôm được nhập từ Mỹ trong năm 2016 đến từ công ty Perfectus Aluminum.

Lượng nhôm nhập khẩu vào Việt Nam từ Mỹ, Trung Quốc và Mexico năm 2016 tăng đột biến so với các năm trước đó. Đồ Họa: The Wall Street Journal.

Đây là công ty từng nằm dưới sự điều hành của con trai ông Liu và giờ được chuyển nhượng lại cho Jacky Cheung, một doanh nhân có quan hệ thân thiết với ông Liu và cũng là chủ của Aluminicaste Fundición de México, một công ty giám sát trữ lượng nhôm của Mexico.

Theo nguồn tin thân cận, Aluminicaste Fundición de México cũng đã từng thuộc sở hữu của con trai ông Liu.

Jacky Cheung cũng là một trong những cổ đông chính tại Global Vietnam Aluminum, công ty nhôm sở hữu nhà máy ở Vũng Tàu nơi số nhôm Mexico hiện đang được lưu trữ.

Ông Liu phủ nhận mối quan hệ giữa mình và các công ty của con trai ở Mexico và Mỹ. "Trong chuyện làm ăn, tôi chưa từng giúp đỡ con trai", ông trả lời The Wall Street Journal trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7/2016 về công ty Aluminicaste Fundición de México. Con trai ông Liu cũng đã liên tiếp từ chối bình luận về vấn đề này.

Đại diện của Aluminicaste Fundición de México cũng đã phủ nhận số nhôm khổng lồ trên thuộc sở hữu của công ty và từ chối đưa ra bình luận. Global Vietnam Aluminum cũng đã chuyển những thắc mắc sang cho ông Jacky Cheung nhưng vị này cũng từ chối bình luận.

Người phát ngôn tập đoàn China Zhongwang, Harriet Lau, cho hay tập đoàn này không có bất kỳ mối liên hệ nào tới kho nhôm khổng lồ ở Việt Nam. "Về mặt tài chính, lưu cữ hàng số lượng lớn như vậy là rất bất hợp lý", cô này lý giải về việc vận chuyển và lưu kho một lượng nhôm lớn như vậy là rất tốn kém và không sinh lời cho tập đoàn.

Ông Liu, tập đoàn China Zhongwang và công ty Aluminicaste Fundición de México đều phủ nhận mọi liên quan tới lượng nhôm khổng lồ đã biến mất khỏi Mexico.

Từ đầu năm 2015, khoảng 1,7 triệu tấn phôi nhôm trị giá 5 tỷ USD đã được nhập khẩu vào Việt Nam từ Mexico, Trung Quốc và Mỹ, theo số liệu của GTIS. Lưu lượng dịch chuyển nhôm lớn thứ hai thế giới là ở Hà Lan, đất nước được coi là trung tâm thương mại kim loại, chỉ bằng 1/3 lượng nhôm vào Việt Nam.

"Đây là một kho nhôm khổng lồ", Eoin Dinsmore, một nhà phân tích về thương mại nhôm từ tập đoàn CRU ở London cho hay. Đơn vị này ước tính lượng phôi nhôm đang lưu trữ ở Việt Nam chiếm 14% kho phôi nhôm toàn thế giới. "Nếu lượng nhôm khổng lồ này được xuất sang các thị trường khác, ảnh hưởng về giá cả toàn cầu sẽ rất đáng kể", vị này nói.

Phần lớn trong số 1,7 triệu tấn nhôm vận chuyển sang Việt Nam đều qua khu cảng ở Vũng Tàu, theo thông tin từ ông Dinsmore, người đã phân tích ảnh chụp từ vệ tinh về khối hàng khổng lồ này. Khu cảng ở Vũng Tàu là cảng xuất nhập khẩu chính của Global Vietnam Aluminum, công ty Việt Nam duy nhất có khả năng quản lý kho hàng khổng lồ trên, theo Jorge Vazquez, người sáng lập Harbor Aluminum Intelligence LLC, tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường nhôm toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Năm 2010, Cục Thương mại Mỹ đã cáo buộc tập đoàn China Zhongwang về hành vi bán các sản phẩm nhôm tại Mỹ với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường và áp mức thuế 374% cho mặt hàng nhôm Trung Quốc.

Đầu tháng 11/2016, cơ quan này tiếp tục cho rằng China Zhongwang đã vi phạm các quy định về chống bán phá giá. Tập đoàn China Zhongwang không có phản hồi gì về phán quyết năm 2010. Trong một phát biểu vào tháng trước, tập đoàn này cho rằng mình không còn bán bất kỳ sản phẩm phôi nhôm nào bị Cục Thương mại Mỹ áp thuế.

Theo Boyden Gray, cựu đại sứ Mỹ tại liên minh châu Âu EU và thành viên sáng lập hãng luật Boyden Gray & Associates PLLC cho hay một lượng lớn nhôm nhập khẩu của Việt Nam tới từ Trung Quốc, và gần như toàn bộ lượng nhôm này có xuất xứ từ tỉnh Liaoning, nơi có các nhà máy của China Zhongwang.

Đại diện của ông Gray cho biết hãng luật của ông đang nghiên cứu về các hoạt động kinh doanh của China Zhongwang và ông Liu.

"Rõ ràng là các sản phẩm nhôm đang được Global Vietnam Aluminum lưu kho được sản xuất bởi China Zhongwang", ông Gray khẳng định về mối liên hệ giữa Liu và hàng loạt các công ty đã nhận và chuyển tiếp một lượng khổng lồ nhôm tại Mỹ, Mexico và Việt Nam.

Ngô Minh (Theo Wall Street Journal)
Nguồn: news.zing.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.